Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Viên kẹo hoá thạch (Truyện ngắn)


Viên  kẹo hóa thạch

 -Anh M, coi vậy mà anh cũng ghê đấy chứ.

Hai vợ chồng tôi đang ăn cơm trưa đột nhiên vợ tôi dừng đũa nhìn tôi nói. Tôi ngạc nhiên:

-Anh  làm chuyện gì mà ghê? 

Vợ tôi bỉu môi:

-Đừng giả bộ. Làm như anh chưa từng tặng cho ai đó  một viên kẹo đồng không bằng.

 Tôi hoảng nhìn vợ :

-Đừng nói bậy, tôi làm gì hại đến ai?

Vợ tôi chợt bật cười:

-Kẹo mà để dành được trên ba mươi năm thì nó hóa thạch, không thì cũng hóa thành đồng. Chứ kẹo bằng đường thì làm sao giữ được. Tôi nói vậy có đúng không.

Tôi chợt hiểu ra và thấy nhẹ nhõm. Cái nhẹ nhõm trước hết do nỗi lo lắng được vơi  đi  bởi  nét mặt vợ tôi đã có chút hài hước, không có cái vẻ căng thẳng như khi mới bắt đầu câu chuyện. Và  nhẹ nhõm hơn  nữa là biết vợ tôi không có ý định nói tôi đã làm gì đó phương hại đến ai. Chuyện ân oán ở đời cũng trớ trêu lắm. Biết đâu mình đã làm điều gì đó chỉ vô tình nhưng lại gây thiệt hại cho người khác. Nhưng điều nầy đã không xẩy ra.

Có một dịp, trong mấy ngày cận tết tôi nhận được một phong thư từ một tỉnh lẻ gởi đến. Người gởi: Hoàng thị X. X là ai? Chưa đọc thư tôi không thể nào đoán được. Trong đời tôi biết bao Hoàng thị X đã đi qua. Nào là bạn học thuở nhỏ, lớn lên thì bạn đồng nghiệp, học trò cũ…Nhưng nhất thiết không phải là bồ. Tôi chỉ có duy nhất một người đàn bà là vợ tôi. Mà vợ tôi trước đây cũng không phải bồ của tôi. Nghĩa là trước sau tôi vẫn là người đàn ông khá đặc biệt: Có vợ nhưng chưa biết bồ là gì. Đọc thư xong tôi mới tá hỏa. Thư của cô hàng xóm của ba mươi năm về trước gửi cho tôi.

 Nói về cô hàng xóm thì không biết bao nhiêu văn thơ nhạc kịch đã nói đến. Vậy thì kể về mối tình của cô hàng xóm e rằng nhàm và nhạt, nhưng thôi, cứ kể. Bởi có cô hàng xóm nào giống cô hàng xóm nào đâu. Và mối tình đậm nhạt thì như tranh vẽ, cùng những mầu sắc ấy nhưng cường độ sáng tối, có bức nào giống bức nào đâu.

Cô hàng xóm ấy là X. X là con thầy giáo cấp ba của tôi, và X lại là học sinh của tôi.              Vậy là mối thân tình của chúng tôi được  ràng buộc bởi hai bận dây. Nhưng đến lúc đứt thì vẫn cứ đứt. Bởi những bận dây ấy đối với X được bện bằng  tình yêu còn đối với tôi là bằng tình bạn chân thành. Trong thư X đã thố lộ rằng X yêu tôi say đắm từ thuở học trò. X không trách gì tôi cả  bởi X biết  tình cảm của tôi dành cho cô là loại tình cảm nào. X nhắc lại một kỷ niệm. Hồi đó tôi có tặng X một viên kẹo bạc hà. Và X đã gói ghém cẩn thận giữ gìn viên kẹo ấy cho đến tận bây giờ. Mỗi lần nhớ anh quá, X kể, em định đem viên kẹo ra ăn. Ăn để cảm nhận cái hương vị ngọt ngào mà anh đã cho em từ thuở em còn là con gái. Nhưng không dám ăn. Bởi ăn là mất hết, em chẳng còn giữ một chút gì của anh cho mình cả. Ăn viên kẹo có nghĩa là em sẽ mất anh hoàn toàn. Nhưng thực tế em đã mất anh từ lâu rồi. Phải không anh?

Cuối thư X nói rằng  X kể như vậy không phải để níu kéo tình cảm của tôi, mà chỉ cảm thấy rằng không thể không nói ra với anh trước khi nhắm mắt xuôi tay, còn để làm gì thì em không nghĩ là để làm gì cả.

Câu chuyện X kể làm tôi đau lòng. Một viên kẹo được  giữ trên ba mươi năm! Mà hoàn cảnh sống trong giai đoạn ấy thì không dễ gì. Trong đó trên hai mươi năm, X cũng như tất cả người dân Việt Nam trải qua một cuộc chiến tàn khốc. Giữ mạng sống cho mình đã khó nói chi đến giữ một viên kẹo. Tiếp đó trên mười năm đói kém xiêu bạt đi tìm cái ăn. Còn tâm trạng nào mà giữ khư khư trong mình một viên kẹo. Chưa kể ba mươi năm, con người phải trải qua bao nhiêu nắng mưa lụt bão,  tai họa của đất trời! Món nợ tình ấy tôi không thể nào trả nổi. Vậy thì viết thư trả lời cho X sao đây. Nói dối rằng tôi cũng yêu X nhưng do hoàn cảnh? Nói dối vậy để làm gì. Còn nói thẳng rằng hồi đó tôi không hề yêu X chỉ xem X như con Thúy em gái tôi và cũng là bạn của X? Nói vậy để làm gì khi X đã biết rõ. Tôi im lặng xem như thư của X không tới tay tôi.

 -Anh tin có người vẫn giư được một viên kẹo đến ba mươi năm à? Nếu tin được vậy cũng là điều may cho anh. Cứ sống bằng ảo tưởng đôi khi cũng hay. Thực tế toàn là chuyện chán phèo thôi anh ạ. Mà tôi thấy anh tin thực đấy.

Tôi biết vợ tôi đã biết rõ câu chuyện, mà trong đó tôi cũng chẳng có lỗi gì nên hỏi:

-Sao em biết anh tin thực?

-Thi bài thơ của anh đấy. Nàng đọc bài thơ của tôi:

Nhận được thư mà nghĩ chẳng ra

Đọc qua bỗng nhớ hóa ra là…

Chuyện trẻ con nhắc chi tới đầu bạc

Tình một bước cũng nghìn trùng cách xa!

 Đúng đó là bài thơ của tôi viết khi nhận được thư của X. Tôi viết nhưng không gởi cho X. Tôi kẹp nó với lá thư của X rồi dằn dưới chồng sách báo. Vợ tôi sao đó đã thấy được. Một trong những cái vụng lớn nhất của tôi là cách  muốn dấu vợ một điều gì. Cũng may, những điều tôi dấu không có gì quan trọng. Thường chỉ không muốn cho cô ấy biết những chuyện vặt vãnh dễ gây hiểu lầm  mà thôi.

-Anh đã trả lời cô ấy thế nào?

-Anh không trả lời.

-Vậy là dở

-Theo em anh phải trả lời sao?

-Khuyên cô ấy đừng sống với hoài niệm. Nên nghĩ đến thực tế. Mà anh cũng sai. Anh viết câu: Tình một bước cũng nghìn trùng cách xa. Như chính anh cũng than thở tiếc nuối đấy! Anh sẽ làm cho cô ấy hiểu lầm mà sinh ra càng đau khổ. Anh biết không?

Tôi làm thinh không nói gì. Vợ tôi vốn là người tinh tế. Nhưng X đã nói rằng cô ấy nhắc đến chuyện xưa không vì mục đích nào cả. Chỉ để giải bày một tâm sự để có người chia sẻ, thế thôi. Việc làm ấy có gì sai?

Tôi nói:

-Khi viết mấy câu ấy, ý anh  cũng nghĩ cho kẹo là việc làm trẻ con. Giờ ai cũng có gia đình với những trách nhiệm trên vai, đừng tiếc nuối.

- Vậy thì được rồi, chỉ sợ cô ấy hiểu lầm. Thôi cho qua, đã vậy thì anh cũng đừng hồi âm nữa. Còn chuyện em nhặt được lá thư của cô X nào đó và bài thơ của anh, chỉ vô tình thôi.Em  không có ý lục lọi gì đâu. Mà  sao anh không cất cho kín ở một nơi nào đó, lại kẹp trong tạp chí VN.  Anh không biết em đang đọc tạp chí đó sao?

-Có rất nhiều người đàn ông giấu thiên hạ việc xấu của mình rất giỏi, nhưng không giấu vợ được điều gì cả.Vua Gia Long  mà cũng sợ mưu mẹo  của đám đàn bà trong hậu cung  còn hơn sợ mưu mẹo của giặc ngoài mặt trận nữa kia!

Vợ tôi cười:

-Anh nghĩ em cũng ghê gớm vậy hả? Không đâu. Rồi vợ tôi lại hỏi:

-Vậy thì cô ấy lấy chồng trước khi anh lập gia đình hay sau vậy?

-Anh không nhớ. Hình như trước thì phải. Anh đi nhận nhiệm sở ba năm thì gặp em. Lần về phép đầu tiên, đã nghe cô ấy có chồng rồi.

-Vậy còn than vãn nỗi gì. Lấy chồng tức nhiên cô ấy đã chấp nhận. Không ít thì nhiều hai người cũng có yêu nhau. Nếu không, sao có thể sống với nhau đến ngần ấy năm mà không đổ vỡ. Em nói vậy đúng không?  Thường người ta ăn ở với nhau thế nào cũng có những cái không hợp nhau rồi sinh ra những va chạm. Những lúc như thế người đàn bà thường hay nghĩ về mối tình đầu của mình, không những đàn bà mà đàn ông đôi khi  cũng thế. Bao giờ cũng cho người yêu đầu đời của mình là tốt nhất là hoàn hảo nhất. Từ đó mới đâm ra nuối tiếc. Than thân trách phận. Những người như vậy không thực tế đâu.

Tôi gật đầu không nói gì.    

Vậy là tôi lại được gặp X trong một buổi dự lễ kỷ niệm ngày thành lập trường. Tôi đến dự với tư cách là giáo viên cũ còn X là học sinh cũ. Tôi không ngờ X già và gầy đi nhiều. X cho biết hiện giờ mình là phó giám đốc điều hành của một công ty, mà chồng cô là giám đốc.

-Em bận rộn lắm anh à. Vì công ty là của  nhà mình, nên ngoài hai buổi làm việc tám tiếng ở công ty, tối về phải kết toán sổ sách đến 12 giờ đêm mới nghỉ được. Anh thấy em gầy và già lắm phải không?

Tôi làm thinh. X nói :

-Cách đây hai năm em có gởi cho anh một lá thư, anh có nhận được không, sao không thấy trả lời?

Tôi thấy mình không thể nói dối, nên gật đầu:

-Có. Anh có nhận được.

-Vậy sao không trả lời em?

-Không có thư trả lời em, có nghĩa là anh trả lời rồi đấy.

-Anh lúc nào cũng triết lí. Nhưng em cũng hiểu ý anh nói gì rồi. Chị ở nhà vẫn khỏe chứ anh?

-Vâng, Y vẫn khỏe.

Tôi cũng hiểu câu hỏi thăm của X ngoài chuyện thăm hỏi bình thường nó cũng có một ẩn ý gì.

Sau đó trong câu chuyện hai chúng tôi không đá động gì đến lá thư X gởi cho tôi và cũng không nhắc lại những kỷ niệm hồi nhỏ. Tôi hỏi thăm tình hình gia đình của X. Ba của X cũng là thầy của tôi đã mất sáu năm trước đây. X có hai con đều du học ở Mỹ. Công ty của vợ chồng X đang làm ăn phát đạt. Vậy là hai vợ chồng X đang thực sự hạnh phúc mới chung lưng đấu cật để xây dựng được một gia đình thành đạt như vây. Tôi nhớ lại câu nói của vợ tôi. Có lẽ nàng hoàn toàn đúng.

Nhìn vẻ mặt xác xơ của X tôi cố giữ không biểu lộ sự xót xa , tôi nói với X:

-X à. Giờ con cái đã thành đạt cả rồi. Công ty gia đình em cũng ổn định. Anh nghĩ em nên quan tâm về sức khỏe của mình hơn một chút. Tiền bạc là cần thiết, nhưng ở tuổi chúng ta áp lực của đồng tiền không còn nặng nữa mà sức khỏe mới quan trọng.

Tôi kể cho X nghe chuyện về người bạn của tôi. Nhà anh ấy mua bán đường mía.Đường của ánh có thị trường tiêu thụ gần khắp các tỉnh miền Trung. Không biết nhân viên ở đâu mà mỗi khi tôi đên chơi, thấy anh ta đang cho đường vào các túi nhỏ. Miệng thì nói chuyện với bạn  tay anh thì thoăn thoát xúc đường vào bao. Những bao đường chât đầy quanh anh làm tôi liên tưởng đến những công sự chất đầy những bao cát chống đạn thời chiến tranh. Tôi nói đùa:

-Mai mốt anh chết đi, không cần phải xây lăng mộ. Anh chỉ cần chất đầy những bao đường cát trắng tinh quanh anh tạo nên một cái tháp đường thật đẹp chưa ai có. Và như thế anh sẽ có được một cái chết thật ngọt ngào đấy anh bạn ạ.

 Ba năm sau anh ấy mất vì biến chứng của bệnh đái tháo đường. Tôi đến thắp nhang ở mộ anh. Tất nhiên người nhà không đặt thi thể anh  trong tháp đường như tôi gợi ý  với anh trước đây mà xây cho anh một một tòa lăng mộ thật hoành tráng. Mà thực ra  đó cũng là chất đường được biến dạng.  Đứng trước mộ anh tôi tự hỏi,  nếu có linh hồn, khi nghĩ đến năm tháng mình đã sống, không biết  anh ấy cảm thấy cái chết của mình ngọt ngào hay cay đắng.

Nghe xong câu chuyện X lấy tay dụi mắt và nói:

-Gặp em sao anh kể chuyện cay độc vậy?

-Anh xin lỗi. Nhưng nếu lần sau gặp lại em với dáng vẻ như thế nầy thì anh cũng sẽ kể lại câu chuyện hôm nay cho em nghe thêm một lần nữa.

Tôi và X đang nói chuyện thì một đám bạn của tôi ùa đến. X vội vã từ giã tôi. Trước khi X trở về vị trí dành cho những cựu học sinh của trường, nàng lấy trong xách tay ra một chiếc hộp bọc vải nhung mầu đỏ, cỡ bằng ba ngón tay giống như hộp  người ta đựng nữ trang vậy. X nói:

-Em có món quà nầy tặng anh. Nói xong nàng nhìn tôi một cái nhìn đẫm ướt rồi vội vàng đi ngay.

-Mầy vừa nói chuyện với ai vậy M?

Một thằng bạn hỏi tôi về X.

-Một học sinh cũ của mình đồng thời  là con của thầy giáo mình.

-Gặp thầy cũ mà xúc động đến rơi nước mắt vậy hả. Chắc ngoài tình thầy trò hai người cũng có quan hệ tình cảm với nhau một thời có phải không? Một thằng bạn khác hỏi.

Tôi trả lời qua loa:

-Không có đâu. Cô ấy đang kể về cái chết của ba cô ấy. Hồi còn đi học tôi là một học sinh yêu của thầy. Cô bảo ba cô vẫn thường nhắc đến đứa học trò ngoan học giỏi năm nào của mình. Và cô ấy đã chảy nước mắt.

Chúng tôi lại hòa vào cuộc chuyện trò vui vẻ. Những câu thăm hỏi sau mọt thời gian khá dài bạn bè xa cách.

Sau những nghi thức của ngày lễ kỷ niệm thành lập trường là buổi liên hoan thân mật được tổ chức ngay trong sân trường.

Đợi lúc mọi người hòa mình vào những bàn tiệc tôi lén vào một góc vắng mở  hộp tặng vật mà X đã trao cho tôi. Tôi cứ nghĩ có thể có một cái gì đó có giá trị vật chất khá lớn . Tôi có cơ sở để nghĩ như vậy giữa một xã hội mà mọi thứ quà tặng đều được đánh giá trên giá trị vật chất của nó. Lại nữa tôi là một giáo viên nghèo trong lúc X là phó giám đốc của một công ty thành đạt. Lâu ngày gặp nhau thì tặng bạn thân một món quà giá trị cả chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Nhưng tôi đã đoán sai. Quà tặng là một cái gì đó không định dạng được hình thù. Nó được gói trong một lớp giấy bóng đã nhầu nát và lăm nhăm  nhiều lỗ thủng như bị kiến hay gián đục. Hai đầu được vặn xoắn . Nhờn nhợt một chất deo dẻo đen đủi. Tôi  hiểu đó là cái gì. Tôi đậy  nắp hộp quà tặng bỏ vào túi áo vet tông và định đi tìm X. Nhưng giữa bao nhiêu học sinh cũ của mình tôi không thể đi hỏi riêng một mình X. Tôi bèn chạy vội trở lại bàn tiệc của mình, rót một li bia thật đầy rồi  đến các dãy bàn dành cho cựu học sinh, giao lưu với các em. Hết bàn nầy đến bàn khác. Tôi vẫn chưa tìm thấy X.  Tôi hơi lảo đảo, vì tửu lượng rất kém. Sức của tôi chỉ chừng bốn năm  li là cùng.. Nhưng tôi đã uống ở mỗi bàn một li và  đã đi qua gần bảy tám bàn. Đến bàn cuối cùng tôi vẫn không thấy X.

 Thấy tôi chao đảo, một cựu học  sinh đến quàng vai tôi và nói:

-Để em rước li nầy cho thầy.

Nhưng tôi đã giật lại li bia trên tay cậu học sinh và nói:

-Thầy chưa say đâu em.

Nói xong tôi nốc một hơi cạn sạch rồi đưa chiếc li không lên cao, miệng phều phào :

-Các em ơi! Một trăm phần trăm nhé.

Lúc đó tôi không còn nhận ra gì nữa. Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự say.
ĐANG ONLINE: 1 NGƯỜI