Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Tiếng gù của con chim cu


Có lẽ ai cũng thích nghe tiếng chim hót. Nghe tiếng hót thánh thót, líu lo, lòng ta bỗng thấy nhẹ nhàng vui vui. Ngay cả tiếng chích chích của chim sẻ cũng vui tai. Đó là âm nhạc thiên nhiên mà đất trời ban tặng. Chuyện con người ta thích nghe chim hót là điều tốt đẹp chẳng có gì đáng nói. Cái đáng nói ở đây là lòng tham của con người. Hể cái gì đẹp, cái gì mình thích đều tìm đủ cách chiếm đoạt về làm của riêng mình. Con chim xinh đẹp đậu trên cành thì vẻ đẹp đó là của đất trời của chung mọi người. Phải tìm cách bẩy nó về nhốt trong lòng để vẻ đẹp đó là sở hữu của mình. Tiếng chim hót thật hay trên cây là tiếng nhạc của đất trời dành cho mọi người thưởng thức. Cái hay đó không phải dành cho riêng mình. Phải bắt nó về nhốt trong lồng để tiếng hót chỉ dành riêng cho mình nghe.

 Người ta không nghĩ ra rằng tiếng chim hót trên không trung là tiếng hót ngợi ca bầu trời bao la chan hòa nắng ấm mà tiếng chim hót trong lồng là tiếng kêu khắc khoải, ước ao được tung cánh với trời cao biển rộng. Tiếng chim hót trên cành là tiếng líu lo nô đùa gọi bạn còn tiếng chim hót trong lồng là tiếng kêu sầu khổ nhớ thương. Vì vậy nên cũng từng có cảnh tượng con chim hót cho đến chết rục chết rã trong lồng! Nghĩ thế nên tôi dù rất thích nghe tiếng chim hót nhưng lại không thích nuôi chim trong nhà. Cứ thấy cảnh con chim nhảy quanh nhảy quất trong lồng là tôi cảm thấy bức bối. Cái bức bối tưởng như chính mình đang bị giam cầm tù hãm vậy.

Thế nhưng đã xẩy ra trường hợp buộc tôi phải nuôi một con chim cu trong nhà. Tôi sẽ kể điều gì đã xẩy ra sau đó.

Một buổi sáng, đứa cháu ngoại của tôi mang đến một con chim cu, nhốt trong lồng. Nó nói:

- Ngoại nuôi giúp con chim cu cho cháu với.

-Sao cháu không nuôi ở nhà?

-Nhà cháu đang sửa. Ba cháu bảo mang sang gởi cho ông ngoại nuôi vài hôm. Nhà sửa xong thì mang về.

Đứa cháu ngoại dặn lui đạn tới :

-Con chim cu nầy gáy hay lắm. Ngoại nhớ đừng làm sẩy đấy.

-Sẩy sao được. Nhưng ông chỉ nuôi mấy hôm nhà cháu đang sửa thôi nghe.

Đứa cháu cẩn thận mang theo một bì thóc và bày cho tôi cách cho chim cu ăn và uống nước. Nó dập sẵn một cái máng nhôm nhỏ. Khi cho ăn hay uống nước không cấn phải mở cửa lồng. Chỉ thò máng nhôm vào miệng lọ buộc trong lồng, rồi đổ thóc hoặc nước vào máng, cho chảy từ từ vào hai cái lọ. Vậy là rất an toàn. Chỉ bày kỷ lưỡng rồi nhưng đứa cháu vẫn chưa yên tâm nên dặn lại:

-Ngoại nhớ đừng làm sẩy nó nhé. Ờ, mà ngoại treo cho cao không thì mèo nó chụp ngay.

-Được rồi cháu yên tâm.

Kể từ ngày nhận con chim cu nuôi giúp cho đứa cháu ngoại, tôi lại có dịp được nghe lại tiếng chim cu gáy sáng sáng. Con chim cu gáy cũng có hậu. Nghĩa là sau ba tiếng cúc cu cu, nó còn đệm thêm hai tiềng cù cù nữa. Phần nhiều nó chỉ đệm một tiếng cù mà thôi. Con nào đệm thêm một tiếng cù nữa thì được đánh giá là chim cu quý vì tiếng gáy có hậu. Ngoài tiếng gáy, chim cu thường hay gù. Người sành về chim cu cho rằng tiếng gáy là tiếng nó cất lên để gọi đồng loại từ xa. Khi hai con đã nhận ra nhau và bay lại gần nhau thì nó không gáy nữa mà nó gù. Tiếng gáy thì âm vang dõng dạc Tiếng gù thì trầm và thúc giục.

Sau hơn một tuần lễ nuôi chú chim cu trong nhà, mọi người phát hiện ra một điều. Đó là cách con chim cu gù. Hể mỗi lần thấy người lạ đi qua là nó gù. Người trong nhà thì bảo nó chào khách. Nói vậy cũng có cơ sở. Bởi,thứ nhất là có người đến gần, nó mới gù. Thứ hai nữa là khi nó gù chiếc đầu tròn tròn xinh xinh của nó cứ ngẩng cao rồi cúi xuống, y như nó đang cúi chào, vái lạy một cách trịnh trọng. Nó cúi chào trông dễ thương ghê, bà vợ tôi nói như vậy. Nhưng mà tôi chưa nghe ai nói chim cu biết chào khách bao giờ. Chỉ có chim khướu chim nhồng và cà cưỡng là biết chào khách thôi. Có một lần tôi đứng sát nó xem nó gù. Tôi đứng một đỗi khá lâu. Đầu tiên nó cúi đầu về phía tôi để gù. Đúng là nó cất đầu lên cúi đầu xuống y như nó vái lạy thật. Sau đó nó bắt đầu đi quanh lồng. Vừa đi vừa cúi đầu lên xuống và tiếp tục gù. Tôi chợt nhớ ra. Hồi nhỏ có một lần tôi đi theo một người bà con từ miệt đồng bằng lên bẩy chim cu trong vườn nhà tôi. Bác ấy mắc lồng con cu mồi lên cành cây để nhử. Trong chiếc bẩy lồng con cu mồi cất tiếng gáy liên tục. Một lát sau tôi nghe tiếng đập cánh phành phạch từ xa. Một con chim cu trong vườn cây bên cạnh vừa bay đến. Nó đậu trên một nhành cây gần với cây có treo chiếc bẩy lồng. Hai con thi nhau gù. Con trong lồng vừa gù vừa đi quanh lồng. Trong vài phút con chim lạ như tức không chịu nổi tiếng gù của con cu trong lồng. Thế là nó bay sà đến và chui thẳng vào lồng. Định một trận sống mái với con cu mồi. Nhưng không còn kịp nữa. Chiếc bẩy lồng đã sập nắp! Vậy là đúng rồi, động thái vừa gù vừa đi quanh lồng là cách chuẩn bị tinh thần cho một trận quyết đấu! Không phải nó chào ai cả. Thấy người lạ đến là nó chuẩn bị đối phó. Chỉ có vậy thôi.

 

Thấy tôi cứ đứng tần ngần bên cái lồng, vợ tôi nói:

-Nó chưa chào ông hả.

-Không phải nó chưa chào mà nó chưa chuẩn bị tinh thần để quyết đấu với tôi đấy bà ạ.

Trong lúc tôi nói thì con chim cu trương lông cổ lên, vừa gù vừa chạy quanh lồng. Cái đầu của nó cứ ngẩng lên cúi xuống như thể đang cúi lạy khắp cả bốn phía. Tôi giải thích động thái của nó cho vợ tôi nghe.

Vợ tôi lại cười:

- Nói như ông thì nó cũng khí phách quá đi chứ. Vậy mà tôi cứ nghĩ nó đang cúi chào tỏ vẻ biết ơn. Trông mà thấy thương ghê.

Tôi nói:

-Thực ra tôi cũng muốn thả nó. Con vật cũng như con người, không có tự do thì cuộc sống quả thực là bức bối.

Vợ tôi lắc đầu:

 -Ông chỉ tưởng tượng thế thôi. Ông có thả nó ra chắc gì nó đã bay xa được, không khéo lại làm mồi cho chó mèo. 

-Thấy tội thì nói vậy thôi. Thả ra không biết nó có sống được không.

Trong lồng con chim cu thấy vợ tôi đến nó lại cúi đầu cúc cù. Và trương lông cổ lên dõng dạc bước quanh lồng.

Vợ tôi cười: Mầy chào tao hay mầy quyết đấu đó? Thôi đừng có tính chuyện quyết đấu nữa. Có thóc có nước cứ mặc sức ăn uống cho thoải mái. Không ai làm hại mày đâu.

Thấy không ai làm gì nó con chim cu trở lại thái độ bình thường. Nó bước đến bên lọ thóc và yên tâm cúi đầu mổ.

Một buổi sáng, tôi ra lồng đổ thóc và nước cho con chim. Cũng như mọi lần, thấy tôi bước đến là con chim cu cúi đầu cúc cù cúc cù. Trương lông cổ và bước đi quanh lồng. Rồi bổng nhiên nó xòe hai cánh ra mổ lia lịa vào bên dưới cánh của nó. Trong lúc đó tôi thấy trên lông có một con kiến lửa đang bò. Chết rồi, con chim cu bị kiến cắn. Không suy nghĩ, tôi mở toang cánh cửa lồng thò tay vào định bắt con chim ra vạch lông bắt kiến cho nó. Vậy là con chim cu nhanh chóng luồn qua tay tôi nhảy ra khỏi lồng. Tôi quýnh quáng chụp hụt. Nó bay tuốt lên mái nhà. Tôi chạy ra xem nó đậu ở đâu. Con chim cu đang đứng trên nóc. Nó dướn cổ nhìn quanh tìm hướng rồi cất cánh bay về phía công viên Cây xanh. Chết rồi, để sẩy mất con chim cu, biết nói sao với đứa cháu đây! Nó bay nhanh và khỏe lắm. Thế mà vợ tôi bảo nó không bay được. Tôi thất vọng nhìn con chim cho đến lúc nó mất hút trên bầu trời.

Vào nhà tôi kể lại sự việc cho vợ tôi nghe, bà chỉ cười:

-Thì mua con khác lại cho cháu chứ sao. Ở khúc đường Đinh Tiên Hoàng gần chợ Bà Chiểu, người ta bán thiếu gì.

Cách giải quyết của vợ tôi cũng đơn giản và hợp lý. Nghĩ đến con chim cu đang tung cánh dười trời cao gió mát, lòng tôi lại thấy vui vui. Và tự an ủi, vô tình mình đã làm được một việc có ý nghĩa.

 Sáng hôm sau vợ chồng tôi như thường lệ, dậy sớm để đi tập thể dục. Vợ tôi ra sân mở ngõ trước. Đang tìm chiếc mũ trong phòng tôi chợt nghe tiếng vợ tôi ngoài sân:

-Trời ơi, ông ra coi đây nầy.

Trong đầu tôi từ hôm qua đến giờ vẫn chưa hết nghĩ đến con chim cu. Tôi hỏi vọng ra:

-Sao bà? Con chim cu nó quay về hả?

-Ừ nó quay về nhưng mà…

-Đâu? Tôi vừa chạy ra vừa hỏi.

Vợ tôi chỉ xuống sân.

Một tụm lông chim tung tóe trước sân. Vợ tôi nói:

-Nó về nhưng khi đêm mèo đã vặt cổ nó rồi.

Bà hàng xóm đối diện cũng dậy sớm, nghe vợ chồng tôi trao đổi, bèn nói vọng qua:

-Chiều qua lúc gần tối tôi thấy con chim bay về đậu trên nóc nhà ông. Định gọi báo cho ông biết nhưng đang bận dỗ con cháu nó quấy nên đã quên lửng.

Vợ tôi nói:

-Thấy chưa. Tôi nói đúng không. Nó nhớ nên đã quay về. Tội nghiệp con chim, khôn ghê.

Vậy là tôi đã hiểu ra mọi chuyện. Tôi không nghĩ nó quay về vì nó nhớ như vợ tôi nói. Tôi nghĩ rằng sau một ngày tung cánh dưới trời cao gió lộng, tự do thỏa thích nhưng lại không kiếm ra thứ gì để ăn. Nó đã được nuôi dưỡng thóc nước đầy đủ, lâu ngày quá đã mất đi khả năng tự tìm kiếm thức ăn. Trong đầu nó lúc đó chỉ còn nhớ lại cái lọ thóc và lọ nước trong chiếc lồng mà không còn nghĩ gì đến nỗi sơ hãi vì phải bị giam cầm tù túng trong chiếc lồng nữa.

Nhìn lọ thóc đầy ắp và lọ nước trong veo còn nguyên trong lồng, rồi nhìn tụm lông tung tóe với mấy vết máu vương vãi trên sân, lòng tôi không khỏi bùi ngùi.

 Không phải loài vật mà con người ta cũng thế. Không tự lực được trong cuộc sống thì không thể có Tự do.

NBT
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI