Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Tiếng chuông chùa


Viên đá đặt ở bậc tam cấp trước điện thờ Phật tại chùa Thập Tháp - Ảnh internet

 Thời gian nghỉ tết Nguyên đán đã hết. Trước khi trở lại thành phố HCM, cậu con rể của tôi vốn người Miền Nam hỏi tôi về những thắng cảnh ở tỉnh Bình Định.

-Đã ra Bình định quê hương Đất vỏ, lúc trở vào bạn bè hỏi về những thắng cảnh ở đây mà không biết cũng kỳ. Theo ba thì ở đây có thắng cảnh nào là đẹp nhất?

Tôi giới thiệu các thắng cảnh ở Bình Định. Ở biển thì có Bãi Trứng, mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng, trại cùi Quy hòa nơi Hàn Mặc Tử chữa bệnh và cũng là nơi nhà thơ sáng tác ra những bài thơ nổi tiếng…Xa hơn thì có các tháp Chăm, như tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên…nằm rải rác, mỗi tháp có một lối kiến trúc riêng với những hoa văn độc đáo biểu tượng của nền văn hóa Chăm. Con muốn đi xem thì phải ở nán thêm vài ngày nữa.

-Vậy thì chùa Thập Tháp ở đâu vậy ba? Nó có gì độc đáo mà con thấy báo chí thường hay nhắc đến.

-Chùa Thập Tháp là một ngôi chùa cổ, tọa lạc ở thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn cách nhà mình đây chừng bảy tám cây số. Phong cảnh ở đó cũng rất đẹp. Nơi đó trước đây là một cụm gồm mười cái tháp Chăm, nghe nói vậy thôi, giờ thì không còn nữa. Chùa hiện còn một cây cổ thụ trên ba trăm năm(?). Và một tảng đá với truyền thuyết hết sức kỳ bí.

Người con rể lại hỏi tôi về tảng đá kỳ bí hiện đang đặt ở bậc tam cấp vào thiền viện.

Nghe xong nó quyết định ở nán thêm hai ngày nữa. Và ngày mai cả gia đình chúng tôi đến tham quan cảnh ngôi chùa cổ Thập tháp. Mà có lẽ với đứa con rể, sự tò mò muốn biết về tảng đá nhiều hơn là muốn xem phong cảnh của ngôi chùa cổ.

 

 Truyền thuyết về tảng đá ấy bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử trong một giai đoạn đất nước đầy biến động: Giai đoạn vương triều Tây sơn sắp cáo chung.

 

 *

 

Cuối tháng 5, năm Tân dậu ( tháng 7 năm 1801).

Thành Bình định dưới sự chỉ huy của danh tướng nhà Nguyễn là Võ Tánh, bị đại quân Tây sơn của Thái phó Trần Quang Diệu vây chặt. Cuộc vây hãm thành đã kéo dài trên một năm nhưng Trần quang Diệu vẫn chưa hạ được thành. Trần Quang Diệu đưa đại quân vào vây thành Bình định là một sự tính toán khôn ngoan của vị tướng dày trận mạc đã từng giúp Nguyễn Huệ trong những ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa. Về chính trị, để thoát ra khỏi sự thanh trừng nội bộ giành giật quyền lực đang diễn ra quyết liệt dưới triều đại vị vua nhu nhược Cảnh Thịnh. Về quân sự, Trần Quang Diệu muốn chiếm thành Bình định để chặn dường tiến ra Phú Xuân của Nguyễn Ánh lúc bấy giờ đang ở Gia Định.

Mười bốn tháng bị vây ngặt, tình hình lương thực trong thành đã cạn kiệt. Nhưng nhờ tài chỉ huy của Võ Tánh, lòng quân vẫn không bị rối loạn. Võ Tánh đã đem lại niềm tin cho quân sĩ bằng chính tài thao lược của mình cộng với niềm tin đại quân của Chúa Nguyễn Ánh sắp đến giải vây. Quân Nguyễn trong thành đã tổ chức nhiều cuộc phản công trước sức mạnh như vũ bảo của đoàn quân thiện chiến do Trần quang Diệu chỉ huy. Quân Tây Sơn trùng trùng lớp lớp bên ngoài thành. Súng thần công hãm thành nổ suốt ngày đêm.Tường thành sập nhiều mảng. Tên bắn vào như mưa, Quân của Võ Tánh hy sinh không biết cơ man nào. Nhưng tinh thần vẫn không hề nao núng. Võ Tánh lên đứng trên mặt thành để chỉ huy binh tướng. Trước sự dũng cảm của vị chỉ huy, cộng thêm với niềm tin đại quân của Chúa sắp đến cứu viện, khiến tinh thần binh sĩ trong thành càng thêm nung nấu ý chí. Quyết một mất một còn với quân thù. Để đánh tan niềm tin của quân giữ thành vào đoàn quân cứu viện, Trần Quang Diệu một mặt vây chặt thành không cho tin tức từ bên ngoài lọt vào, một mặt ông sai dũng tướng Võ văn Dũng án ngữ cửa Thị Nại, phòng quân Nguyễn Ánh có thể đổ bộ vào bằng đường biển.

Sức cùng lực kiệt quân giữ thành mong viện binh từng giờ từng phút. Để củng cố niềm tin cho quân sĩ, Võ Tánh hằng ngày đưa ra nhiều nguồn tin về đại quân cứu viện: Quân của Chúa chỉ còn cách thành năm trăm dặm. Quân của Chúa chỉ còn cách thành ba trăm dăm. Quân của Chúa chỉ còn cách thành một trăm dặm... Thực ra trong lòng vị võ tướng nầy cũng đang mong từng giờ từng phút tin tức về đại quân của Chúa thượng. Không phải ông mong Chúa đến cứu mình mà mong quân của Chúa vượt qua được thành Bình định trong lúc quân của ông đang còn đủ sức cầm chân giặc. Bất cứ giá nào cũng phải tạo điều kiện để Chúa đưa đại quân lọt ra Phú Xuân. Thời cơ đang chín muồi không thể bỏ lỡ. Trong đầu ông, cái mà ông giúp Chúa đoạt lấy không phải là thành Bình định nhỏ bé và tả tơi như mảnh chiếu rách nầy. Cái mà Chúa thượng muốn tranh đoạt cho được đó là thiên hạ, cả giang sơn Đại Nam nầy. Bỏ cái nhỏ để dành lấy cái lớn. Ba quân làm sao hiểu được điều đó. Hiểu được điều to lớn ấy chỉ có ông. Và ông đã sẵn sàng hy sinh để giúp chúa dành thắng lợi trong ván cờ cuối cùng nầy.

 

 Thế rồi vào một buổi sáng khi mặt trời nhô lên đầu ngọn tre phía ngoài thành, đỏ bầm như một cục máu, khi mà khói súng thần công phủ kín thành lũy, khi mà quân sĩ trong thành không nhìn thấy rõ mặt nhau thì một con chim câu từ đâu đó bay vụt vào thành bị trúng tên rơi xuống. Và lính đã trình lên chủ tướng giữ thành một bức mật tin: Đại quân của chúa Nguyễn đã đến. Cái tin làm nức lòng ba quan: Quân cứu viện đã đến! Đại quân của Chúa thượng đã đến! Chiến thắng đã đến gần kề rồi. Đanh! Đánh! Quyết ra sức một trận nầy nữa ngày mai chúng ta sẽ gặp mặt được cha mẹ vợ con chúng ta thôi! Những người lính đói khát mình đầy thương tích trong thành như được một phép lạ thần kỳ tiếp sức. Họ chiến đấu dũng mãnh đến đỗi quân của Tây Sơn đang cầm chắc phần thắng trong tay phải chững lại trước sức phản công quyết liệt của quân thù.

Lẫn trong tiếng súng ì ầm công thành, lính trong thành đã nghe được tiếng súng thần công xa xa vọng về. Họ biết quân của Chúa Nguyễn đang đánh từ vòng ngoài. Vậy là lính của Chúa Nguyễn hai mặt giáp công, trong đánh ra, ngoài đánh vào nhất định quân Tây sơn sẽ không còn đất chôn thây.

Một ngày trôi qua. Tiếng súng cứu viện vẫn nổ ì ầm xa xa. Một ngày nữa lại trôi qua, tiếng súng vẫn chưa nghe gần hơn. Như vậy quân tiếp viện vẫn chưa tiến gần về phía thành Bình định được. Đến ngày thứ ba. Kỳ lạ sao tiếng súng nghe như thưa thớt dần, có lúc lại im bặt.

Trong lúc đó súng công thành của quân Trần Quang Diệu mỗi lúc như càng dũng mãnh hơn. Hỏi ai đây? Lòng quân Nguyễn bắt đầu dao động. Tình hình nầy có nghĩa là như thế nào? Chẳng lẽ đoàn quân cứu viện của Chúa thượng đã thất bại? Không. Nhất định không thể như thế. Chúa thượng đang nắm trong tay toàn bộ đại quân thì làm sao có thể thua một cánh quân của nhà Tây sơn? Vậy thì tình hình nầy sẽ giải thích ra sao đây? Hỏi chủ tướng ư? Võ Tướng quân cũng ở trong thành như ta làm sao ông hiểu bên ngoài được.

 Quân trong thành không biết rằng chủ tướng của họ đã mật sai một một tùy tướng ban đêm liều chết mang một mật thư vượt trùng vây ra gặp Chúa. Yêu cầu chúa Nguyễn tiến thẳng ra để chiêm lấy Phú Xuân. Nhận được mật thư, chúa không đọc, chỉ cười to mà nói rằng: Ta hiểu trong mật tấu Hộ giá tướng quân muốn tâu gì với ta rồi.

Sau một trận huyết chiến ở cửa Thị Nại, quân Tây sơn thua to. Võ văn Dũng rút về hợp quân với Trần Quang Diệu công phá thành Bình định. 

Tướng sĩ của Nguyễn Ánh trong lúc khí thế chiến thắng đang lên, xin Chúa cho tiến đánh giải vây thành Bình Định.

Nguyễn Ánh trừng mắt:

-Thành Bình Định đã có Hộ giá tướng quânVõ Tánh chống giữ. Tất cả đại quân phải tức tốc tiến ra Phú Xuân. Ai bàn ra tán vào sẽ chém đầu.

Các tướng nhìn nhau kinh hãi. Không phải tánh mạng của Hộ giá tướng quân đang ngàn cân treo sợi tóc sao? Nhưng đã có lệnh của Chúa. Đại quân chia thành hai cánh. Một cánh đi theo đường biển. Một cánh đi theo đường bộ. Ngày đêm không ngơi nghỉ, tiến thẳng ra Phú Xuân.

Hôm sau, ở trong thành Hộ Giá tướng Quân Võ Tánh vẹt tên, đích thân leo lên thành, ông đưa tầm mắt quan sát về hướng đầm Thị nại và lắng tai nghe ngóng. Ông không thấy gì nhưng rõ ràng tiếng súng phía đó đã thực sự im ắng. Ông chợt cười to. Tiếng cười của ông như át cả tiếng súng thần công đang phá nốt những mãng tường thành còn lại. Hộ Già Tướng quân Võ Tánh xuống thành đi thẳng vào hổ trướng, ông lấy bút nghiên ra và viết mấy dòng:

Tôi là Hộ giá tướng quân Võ Tánh, phụng mạng chúa Nguyễn giữ thành Bình Định. Xét thấy sứ mệnh chúa giao cho tôi đã hết. Nay kính cẩn dâng lên quan Thái phó Tây sơn nguyên triều, nguyện vọng: Sau khi tôi ra đi, xin quan Thái phó nghĩ đến câu: Ai vì chúa nấy mà tha cho đám binh sĩ thuộc hạ của tôi cùng gia đình họ khỏi tội chết. Ở bên kia suối vàng tôi vô cùng cảm kích tấm lòng chói ngời nhân nghĩa của quan Thái phó.

Viết xong nửa đêm ông đích thân buộc mảnh giấy vào mũi tên bắn qua doanh trại quân Tây sơn.

 Chính đêm đó, viên dũng tướng họ Phạm, một phó tướng có tài của Trần quang Diệu, trong lúc đang điều quân công thành đã nhặt được bức thư của Võ Tánh, vội trình lên chủ soái.

Quang Diệu đọc xong hỏi Phó tướng của mình:

-Theo lời trong thư, Phạm tướng quân phán đoán tình hình thế nào?

Phó tướng bẩm:

-Nguyễn Ánh đã bỏ thành Bình Định mà ra Phú xuân rồi.

Trần Quang Diệu ngước mặt lên trời than:

-Hỏng rồi! Cơ nghiệp của Tiên vương ắt mất về tay Nguyễn Ánh. Sao ta không sớm nghĩ ra được điều nầy!

Nói rồi Trần Quang Diệu sai phó tướng họ Phạm cất quân ngay trong đêm rượt theo Nguyễn Ánh.

 Một mình còn lại,Trần Quang Diệu đốc thúc ba quan khẩn cấp phá thành.

 Quân của Trần Quang Diệu tràn ngập thành và nhận được lệnh không được sát hại quân sĩ nhà Nguyễn ra đầu hàng.

Đang xua quân đánh chiếm thành, Trần Quang Diệu chợt nhìn về phía lầu bát giác, doanh trướng của Võ Tánh lửa đang phát cháy dữ dội. Biết Võ Tánh đã tuẩn tiết để giữ lòng trung can, ông chảy nước mắt tiếc thương cho một người tài một lòng vì chúa.

Quân Nguyễn trong thành đang cầm cự với quân Tây sơn, bỗng đâu vào khoảng canh ba tiếng la hò vang dậy trời đất. Thành vỡ, quân sĩ bên ngoài lớp lớp tràn vào. Quân trong thành tưởng viện quân đã đến, họ reo mừng tở mở. Nhưng nhìn lại, quân Nguyễn bỗng bàng hoàng chết khiếp khi nhận ra quân áo vàng(quân phục Tây Sơn) trùng trùng lớp lớp như trên trời rơi xuống. Họ lập tức nhận được lệnh buông vũ khí đầu hàng từ viên cận tướng chỉ huy trực tiếp họ. Nhìn lên lầu bát giác ngọn lửa đã phủ kín nóc lầu. Bấy giờ họ mới hiểu ra và cùng nhau quỳ xuống hướng về ngọn lửa vái lạy vĩnh biệt vị tướng soái một thời oanh liệt cuả mình.

 Vừa chiếm xong thành Bình Định, Trần Quang Diệu định đưa quân đi tiếp ứng cho Phó tướng nhưng liền nhận được tin cấp báo quân của Phó tướng họ Phạm đã bị quân Nguyễn mai phục bắt sống khi mới truy đuổi chưa đầy mươi dặm. Nguyễn Ánh biết Quang Diệu thế nào cũng cho quân truy đuổi nên lúc rút đi đã để lại một toán quân mai phục. Vậy là viên tướng họ Phạm đã trúng kế.

 * 

 Khi quân Nguyễn dẫn Phó tướng họ Phạm đến trước mặt Nguyễn Ánh.

Nguyễn Ánh hỏi: 

- Ngươi đã từng rượt theo ta nhưng không kịp. Bây giờ ta cho người dẫn ngươi đến đây gặp ta. Ngươi có điều gì muốn nói với ta chăng?

Viên tướng họ Phạm nét mặt bình thản:

-Quan Thái phó của ta không bắt được ngươi, không phải vì trí lực của chủ tướng ta nhỏ bé hơn ngươi mà vì lòng bất nhân bất nghĩa của ngươi lớn hơn chủ tướng ta tưởng.

Nguyễn Ánh lại hỏi:

-Theo ngươi ta bất nhân bất nghĩa ở chỗ nào?

Viên tướng họ Phạm cười khinh bỉ:

 -Ngươi đã vì sợ mất cái ngai vàng ở Phú Xuân, đành bỏ mặc cho tôi trung bị vây khổn mà không cất quân đến cứu, cuối cùng phải chịu chết thảm trong ngọn lửa. Vậy không phải bất nhân bất nghĩa là gì?

Nguyễn Ánh cười ha hả:

-Ngươi nói về đạo lí mà chẳng hiểu gì về đạo lí. Hộ giá tướng quân của ta đã dùng ngọn lửa để làm sáng tỏ lòng trung can nghĩa khí của bậc tôi trung. Sao lại bảo ta là bất nhân bất nghĩa.Vậy thì bây giờ ngươi muốn chọn cách chết như thế nào để tỏ lòng trung nghĩa với chủ tướng của ngươi? 

Phó tướng họ Phạm nói: -Cách nào cũng thế thôi. Không giữ được thân nầy thì ta cũng giữ được hai chữ Tận trung.

 Nguyễn Ánh quắc mắt uất hận:

-Có phải khi ra đi Trần Quang Diệu đã ủy thác cho ngươi trách nhiệm là phải chận cho được bước tiến của đại quân ta không? Thôi được, để ta cho ngươi ôm một viên đá đến ngả ba đường, nằm ở đó mà chặn bước tiến quân của ta.

Nói xong Nguyễn Ánh cho lính khiêng một tảng đá đặt ngay trên đường tiến quân của mình. Rồi cho đao phủ đem Phó tướng họ Phạm cùng đám quân Tây sơn bị bắt ra chém đầu trên viên đá đó.

 

 *

 

Ở chùa Thập Tháp thuộc thị xã An nhơn có một tảng đá khồi chữ nhật chiều dài chừng 1,5m, rộng chừng 1,2m, dày cũng trên ba bốn tấc. Tảng đá mầu trắng được mài nhẵn bóng, bốn góc có chạm hoa văn, đặt làm tầng cấp lên xuống ở thiền viện. Tương truyền rằng tảng đá nầy chính là tảng đá trước đây Gia long đã dùng để chặt đầu Phó tướng họ Phạm và cac quân sĩ triều Tây sơn.

Từ đó về sau viên đá nầy cứ nằm choán ngang giữa đường. Quan địa phương thấy nó trở ngại cho việc lưu thông của người dân trong vùng nên cho lính đẩy sang một bên đường. Nhưng quan địa phương đã huy động tới gần trăm dân binh mà vẫn không xê dịch nổi viên đá.

 Hôm đó có một nhà sư trụ trì chùa Thập tháp đi qua thấy cả mấy mươi ngươi vẫn không xê dịch được viên đá, nhà sư bước đến gọi lớn rằng:

-Nầy Phạm tướng quân. Đến giờ nầy mà ngài vẫn không hiểu được lẽ đời, tan tụ như mây trôi trên trời, thịnh suy như sóng xao trên mặt nước sao. Hết Đinh đến Lê, hết Lê đến Lí, đến Trần có ai giữ được xã tắc muôn đời bền vững cho con cháu mình không? Nếu hồi đó ngài mà chận được bước tiến của quân nhà Chúa thì cái ngai vàng ngài dành lại cho dòng họ Tây Sơn liêu được bao năm trong tay một hôn quân như Cảnh Thịnh, cùng với một đám bầy tôi chỉ biết giành giật xâu xé, đem quyền lợi nước nhà về làm lợi ích riêng cho gia đình, cho bè nhóm của mình? Liệu giang sơn nầy rồi sẽ ra sao? Hãy tỉnh ngộ mà buông viên đá kia ra. Ngài định biến cái lòng trung của ngài thành vật cản chận bước tiến của trăm họ cho đến bao giờ? 

Nói xong thầy trụ trì gõ nhẹ chiếc phương trượng vào tảng đá. Bỗng nhiên tảng đá được mấy người lật lên một cách nhẹ nhàng và đám dân binh đẩy nó sang một bên đường tránh lối cho mọi người đi lại.

Sau đó thầy trụ trì cho bà con đạo hữu khiêng viên đá ấy vào đặt ở bậc tam cấp trước điện thờ Phật tại chùa Thập Tháp để nâng gót chân khách thập phương tìm về với Phật.

 

 Dù ở Bình định đã khá lâu và cũng đã từng nghe người ta nói nhiều về viên đá kỳ dị ở ngôi chùa cổ Thập Tháp ấy, nhưng chúng tôi chưa có dịp đến tham quan.

 Tết năm nay vợ chồng tôi cùng vợ chồng đứa con gái quyết định ra tham quan cảnh chùa. Ngôi chùa cổ có cảnh quang thật đẹp và thật yên tĩnh. Mấy ngày tết khách thập phương đến viếng đông như trẫy hội. Trong lúc đứa con rể và con gái tôi đang tranh thủ chụp hình dưới tán cây cổ thụ trên ba trăm tuổi trước khi đi xem viên đá thì vợ chồng tôi bước vào điện để lễ Phật. Khi vợ tôi vừa đặt chân lên một tảng đá trắng đặt trước thềm tam cấp điện thờ, một người đàn ông đứng bên cạnh chỉ xuống bàn chân vợ tôi rồi nói với người bạn: Đây là viên đá, vua Gia Long từng dùng để hành quyết các tướng sĩ, binh lính và những người theo Tây Sơn đấy.

 Vơ tôi giật thót người. Chúng tôi dừng lại bên ngoài điện vái vọng vào bên trong, rồi lặng lẽ bước đi.

 Sau lưng tôi, một tiếng chuông ngân nga trầm mặc vọng ra từ điện Phật.

 Vợ tôi nói giọng chưa hết xúc động sau khi nhìn thấy tảng đá:

-Không biết đến lúc nào thì tiếng chuông chùa thức tỉnh được con người thoát khỏi vòng trầm luân! 

NBT, Viết sau chuyến tham quan chùa Thập Tháp và lăng Võ Tánh nhân dịp tết Ất Mùi-2015
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI