Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Thằng Ạ


 Viết cho ngày Tình yêu

 Ạ là tên do cha tôi đặt cho một cậu bé đáng thương bị câm lẫn điếc. Cha tôi là người có chữ, ông biết tiếng Pháp và cả chữ Hán. Ở miền quê thời đó ai biết được chữ quốc ngữ đều được trọng vọng rồi, nói chi đến tiếng Pháp. Dù tiếng Pháp chỉ ở trình độ đọc được, viết được. Chữ Hán cũng thế. Cũng ở mức viết được câu đối, trướng, liễn cho bà con quanh vùng khi có ai nhờ đến, trong những dịp tiệc tùng, cưới xin. Cha tôi không ra làm công chức. Ở nhà ông mở một lớp vỡ lòng dạy cho trẻ con trong làng. Ông ăn ở hiền lành tốt bụng với bà con, lại có học nên rất có uy tín trong vùng. Nghe ông mở lớp dạy trẻ con, những gia đình có con nhỏ không đến trường công được đều đưa đến nhờ cha tôi dạy dỗ. Cháu nào khi đã đọc được, viết được thì cha tôi làm giúp hồ sơ chuyển lên trường tiểu học công lập trong xã. Hồi đó tôi mới học những năm đầu trung học đệ nhất câp, tức là các lớp sáu, bảy của cấp hai bây giờ. Dù mới cấp hai nhưng tôi phải lên thị xã để học. Lúc đó mỗi tỉnh chỉ có một trường trung học công lập. Đậu được vào trường trung học công lập tỉnh là tiêng tăm danh giá lắm. Lớp học cha tôi dạy chỉ trên dưới mười cháu. Con số nầy cũng thay đổi luôn. Có cháu đến học mấy hôm rồi tự ý bỏ về. Chúng, áo quần dơ dáy, đi chân đất đầu trần. Dù học lớp vỡ lòng nhưng đứa nào cũng bảy, tám tuổi trở lên cả. Trẻ con nhà quê thời ấy hầu hết là như vậy. Trong đám học trò của cha tôi có một cậu bé bị câm lại vừa điếc. Nhà nó cách nhà tôi chừng sáu bảy cây số. Nó ở làng trên, một làng nhỏ sát cạnh những ngọn núi, còn làng tôi ở miệt đổng bằng, phía dưới. Giữa hai làng là một vùng đất hoang mọc đầy sim me cỏ dại. Ranh giới giữa hai làng là một cái khe, có một chiếc cầu tre bắc qua mà hồi đó dân quanh vùng vẫn gọi là chiếc cầu tréo. Cầu tréo là chiếc cầu tre lắt lẻo, có tay vịn cũng làm bằng một cây tre. Cầu dài khoảng năm sáu mét. Trong ký ức của tôi, đó là một chiếc cầu dài ngun ngút và thật đáng sợ. Bởi con suối quá sâu mà thân mấy cây tre ghép lại bắc làm cầu thì trơn láng. Cái tay vịn ọp ẹp rung rinh theo toàn thân cầu khi có người đi qua, nhất là người qua cầu gánh nặng. Phải đợi người nầy qua hết cầu người khác mới qua. Cầu không chịu nổi sức nặng của hai ba người cùng qua một lúc. Nghĩ lại, sao hồi đó người ta không làm một cây cầu gỗ cho chắc chắn an toàn nhỉ. Vùng quê ấy thì chán gì cây mít cây xoài. Có nhiều cây thân cũng gần cả một vòng tay ngươi ôm. Thế nhưng không nghe ai té xuống cầu bao giờ. Kể cả trẻ con.

Trở lại câu chuyện chú bé câm điếc đi học. Đã câm lẫn điếc thì còn học hành gì được mà cha mẹ nó cũng cho đi? Không phải thế đâu. Có lần cha tôi gặp cha đứa bé và hỏi như vậy. Nhưng cha đứa bé đã trả lời:

-Tôi đâu có cho nó đi học. Bên xóm tôi có mấy đứa xuống đây học, vậy là nó đi theo. Thôi nó chẳng học hành được gì, thầy cứ cho nó ngồi đó chơi với mấy đứa cũng đươc. Ở nhà nó đi lang thang sông suối sợ lắm.

Nghe cha đứa trẻ nói vậy cha tôi cũng vui vẻ nhận. Nhưng không vì thế mà cha tôi không để ý đến nó. Trái lại ông chú ý đến nó nhiều hơn mấy đứa khác. Không phải cha tôi quan tâm nó vì thấy nó tật nguyền, mà nói cho đúng, chính nó đã làm cha tôi phải chú ý. Mỗi lần cha tôi viết bài lên bảng và đánh vần ê a cho đám trẻ đọc theo, cha tôi thấy nó cứ chăm chăm nhìn vào miệng cha tôi, giống như nó muốn xem cha tôi đã uốn lưỡi như thế nào. Vẻ mặt thông minh và đôi mắt sáng trưng trẻ thơ của nó cứ chăm chú nhìn cách cha tôi uốn lưỡi phát âm, khiến ông chú ý. Và ông hết sức ngạc nhiên khi thấy đứa bé câm điếc cũng mấp máy môi. Một lần cha tôi nhìn nó và bật cười, nó cũng nhìn ông và cười lại một cách ngây ngô thật đáng yêu. Cha tôi đã kể lại với cha đứa bé như vậy. Nhưng cha đứa bé cũng chẳng quan tâm gì đến sự việc cha tôi kể. Là một người có tấm lòng, cha tôi đã nghĩ cách để chỉ cho nó học. Nó đã không nghe được, không nói được thì dạy nó bằng cách nào đây. Sau nhiều đêm suy nghĩ. Cha tôi quyết định mua cho đứa bé một cuốn vở. Lúc cha tôi trao cuốn vở cho đứa bé mặt nó sáng lên vì ngạc nhiên và thích thú. Cha tôi nói với đám trẻ trong lớp học:

-Từ nay trở lên các cháu không được gọi bạn nầy là thằng câm nữa nhé.

-Vậy thì kêu nó bằng chi ông?

Trong đám trẻ có nhiều đứa hỏi lại cha tôi.

Đám học trò vẫn gọi cha tôi bằng ông, chỉ có cha mẹ nó là gọi bằng thầy.

 Cha tôi nói:

-Từ nay nó có tên là thằng Ạ. Gọi nó là bạn Ạ.

-Nhưng nó có nghe được đâu ông. Một đứa nói.

Cha tôi giải thích:

-Nó không nghe được nhưng các cháu lại nghe. Câm là cái tật của nó chứ không phải tên nó. Các cháu hiểu chưa?

 -Dạ hiểu.

Nhưng vẫn có tiếng cười khi trong bọn trẻ có đứa lặp lại :

-Thằng Ạ! Ha ha.

Cha tôi cũng cười:

-Nghe vậy có hay hơn là gọi thằng câm không các cháu?

-Dạ hay. Thằng Ạ! Ha ha.

Từ đó đứa trẻ câm điếc có tên là thằng Ạ.

Cha tôi dạy thằng Ạ bằng cách vận dụng những khả năng còn lại của nó. Khả năng chính là nhìn và suy nghĩ. Chẳng hạn ông viết chữ chổi, xong đem cái chổi lại chỉ vào đó. Đứa bé gật đầu. Tiếp theo ông cầm tay và bắt đứa bé tập viết chữ chổi. Ông làm tương tự với những vật dụng khác. Hôm sau ông viết lại chữ chổi và chỉ xuống nền nhà đầy những giấy vụn. Thấy vậy thằng Ạ vội đi tìm cái chỗi rồi tự động đi quét nhà. Cả lớp vỗ tay tán thưởng. Thấy mọi người cười thằng Ạ cũng cười vẻ sung sướng lắm.

Ngày mùng năm Tết năm đó cha đưá bé mang đến tết cho cha tôi một cặp vịt, và một ít nếp cùng ít tiền. Tất nhiên cha tôi không lấy. Ông hỏi hoàn cảnh bệnh tật của đứa bé thì biết được lúc thằng Ạ vừa tròn năm tuổi, một trái pháo của quân Pháp nổ sát nhà. Trái pháo đã cướp mất mạng sống của mẹ đứa bé. Sau đó lớn lên thì nó bị câm lẫn điếc. Những ngày đầu ai nói lớn thì nó còn nghe được. Nhưng thấy nó không nói được nên trong nhà không ai nói gì với nó, dần nó trở nên điếc nặng. Cha thằng Ạ cho rằng nó bị câm và điếc là do sức ép và tiếng nổ quá lớn của trái pháo năm nào, không có cách chi chữa trị được nữa. Bù vào cái rủi ro đó thằng bé lại rất thông minh và khôi ngô. Thấy nó không ai mà không thương.

Sau đó, cha tôi đã tiếp tục vận dụng khả năng khác của đứa bé để cho thằng Ạ phân biệt được mùi hôi với mùi thơm, phân biệt được vị mặn, nhạt, đắng, cay và viết chúng ra thành chữ. 

Những ngày chủ nhật tôi từ thị xã về nhà, cha tôi lại giao cái công việc dạy thằng Ạ lại cho tôi. Tất nhiên tôi cũng như cha tôi chỉ dừng lại ở chỗ cho nó biết tên gọi. Tên gọi đồ vật, loài vật, tên gọi những người thân quen chung quanh và những con số… Còn những tính chất như xấu, đẹp, hay, dở, hoặc những cảm xúc như vui buồn, thương, ghét… thì không thể nào chỉ cho cậu bé được. Mà đấy là những điều tôi muốn thằng Ạ viết được để có thể đọc được những điều trong sách vở. Nếu không được vậy thì những điều cha con tôi làm cho nó chẳng thay đổi được gì nhiều trong cuộc sống của nó sau nầy.

 

 *

 

Thời gian sau, vì lí do công việc cha tôi không còn mở lớp dạy cho bọn trẻ và cũng từ đó tôi không gặp thằng Ạ nữa.

 

 Lớn lên tôi đi làm ăn xa nhà. Lần nào về thăm nhà cha tôi cũng nói:

-Thằng Ạ vẫn thường xuống thăm cha. Khi thì nó mang biếu cha một trái mít. Khi thì một miếng thịt heo rừng. Nó vẫn thường hỏi thăm cha về con.

-Nó hỏi con những gì?

-Nó hỏi con có khỏe không. Có mấy người con.

Tôi cười. Nhớ lại hồi dạy nó để cho nó biết được khái niệm về cha và con cũng thiệt khó. Đầu tiên tôi chỉ vào tôi và tôi viết chữ con. Sau đó tôi chỉ vào cha tôi và viết chữ cha, và chỉ vào mẹ tôi rồi viết chữ mẹ. Nó gật đầu mỉm cười. Tôi nghĩ là nó hiểu. Hôm sau để kiểm tra lại, khi thấy hai cha con chú Thính ở cạnh nhà tôi, người cha vác cày người con lùa mấy con trâu về. Tôi vội viết chữ cha xuống đất, rồi hất đầu ý hỏi hai người đó ai là cha. Chợt nó tìm quanh, một lát thấy cha tôi đang làm gì đó sau vườn nó bèn chỉ vào cha tôi và ấm ớ như muốn trả lời với tôi. Tôi hiểu ra và bật cười rồi lắc đầu. Vậy là chữ cha nó hiểu nhầm là tên của cha tôi. Và như thế là chữ con nó đã hiểu nhầm là tên của tôi. Nhớ lại, khi viết tên nó và tên bạn bè của nó tôi đã không viết tên của cha con tôi. Tôi bèn viết lại chữ cha rồi chỉ vào người cha và chữ con rồi chỉ vào người con của hai cha con người hàng xóm. Nó suy nghĩ một lát rồi mắt sáng lên và gật đầu. Vậy là nó đã hiểu. Tôi đã nói thằng Ạ là đứa trẻ rất thông minh. Chỉ tội là chiến tranh đã tước đi của nó quá nhiều. Khi tôi hỏi về mẹ nó thì nó đã dùng hai tay khua lên trời và gào một tiếng. Sau đó nó dùng tay dụi mắt. Tôi hiểu ý nó nói mẹ nó đã chét trong một vụ nổ khủng khiếp.

 

Thế rồi chiến tranh tràn đến quê tôi. Trong thời gian nầy cha mẹ tôi mất. Từ đó tôi không về thăm quê. Cho đến lúc đất nước thống nhất tôi mới về thăm mộ cha mẹ.

 

 *

Tôi hỏi chị tôi:

-Thằng Ạ còn sống không chị?

Quen miệng mà gọi bằng thằng, nhưng bây giờ nếu còn sống thì Ạ đã lớn rồi. Chị tôi cười:

-Sao lại không sống. Chú ấy có vợ và một con. À mà chú Ạ bây giờ nói được rồi đó. Hay chưa.

Ạ nói được! Cái tin nầy quả là quá bất ngờ. Bảo Ạ có vợ có con thì tin được. Vì Ạ rất đẹp trai, khuôn mặt thông minh lanh lợi, Ạ có vợ có con là bình thường. Còn Ạ nói được? Phép mầu nào giúp cậu ta nói được? Tôi hỏi chị tôi:

-Chị nghe nói vậy chứ có gặp cậu ta không?

-Sao lại không. Lúc nào rảnh công việc cậu ta cũng xuống đây thăm và thắp nhang cho cha mẹ. Cậu ấy sống có tình lắm. Ạ nói chuyện được nhưng hơi ngòng ngọng có tiếng nghe không rõ.

-Nói được là quí quá rồi. Mà chị biết Ạ hết câm trong trường hợp nào không? Có ai chữa trị cho cậu ấy không?

-Vợ cậu ta chữa cho cậu ta đấy.

-Vợ Ạ đã chữa cho cậu ấy? Chữa bằng cách nào?

Chị tôi cười:

-Chuyện vợ chồng họ làm sao mình biết được. Nhưng có lần cậu ấy vào thăm, tôi có hỏi cậu làm sao mà khỏi bệnh . Cậu ấy cười:

- Vợ em. Không có vợ, em không nói được.

-Cậu ta nói rành rẽ thế à?

-Cũng hơi ngòng ngọng. Có tiếng cũng khó nghe.

-Kỳ diệu thật! Ngày mai em sẽ lên thăm vợ chồng cậu ta một chút. Cái cầu tréo hồi xưa bữa nay có đi xe máy được không chị?

-Tốt rồi. Cầu đúc xi măng rộng cũng đến bốn năm thươc. Xe tải còn qua được.

 

 *

Tôi đứng trước một căn nhà đúc, mái ngói sáng trưng giữa một khu vườn cây chè xanh mát. Những ngôi nhà của mấy khu vườn chung quanh cũng đều lên ngói đỏ au. Đường quê lát bê tông sạch sẽ, rộng rãi, len lõi giữa những khu vườn um tùm cây lá. Những cây mít thấp sung sức trái chen chúc, những cây dâu trái đỏ tía che khuất cả thân cây từ gốc lên đến nhánh. Quê hương sau chiến tranh đã hồi sinh nhanh chóng. Áng chừng đường cái và một lối rẽ xuống sông, tôi đoan chắc ngôi nhà trước mặt tôi là nhà của vợ chồng Ạ, vì vị trí ấy xưa kia là ngôi nhà tranh của cha mẹ Ạ.

Tôi bước vào ngõ. Chưa đến giữa sân thì một thiếu phụ rất trẻ trong nhà bước ra.

-Anh hỏi thăm ai? Thiếu phụ tươi cười chào tôi và hỏi.

-Đây có phải nhà của chú Ạ?

-Dạ phải.

-Chị là…

-Dạ em là vợ của anh Ạ.

-Chú Ạ có ở nhà không chị?

-Dạ anh ấy đi làm trên rẫy, cũng sắp về rồi. Mời anh vào nhà.

Nếu ở thành phố thì tôi không ngần ngại mà khen một câu thực lòng: Chú Ạ có người vợ đẹp quá. Nhưng đây là nhà quê, khen như vậy có khi không phải. Thực tình mà nói, vợ của Ạ là một thiếu phụ xinh đẹp và duyên dáng. Cái duyên dáng mặn mà của thiếu phụ một con mà vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ thanh xuân của một thôn nữ. 

Tôi ngồi xuống chiếc bàn khách bằng gỗ mít ròn vàng óng và khen:

-Bộ bàn bằng gỗ mít đẹp quá.

-Dạ gỗ mít nài đấy anh ạ.

Chưa kịp hỏi tôi là ai, thiếu phụ xin phép xuống bếp pha nước. Tôi cản lại:

-Thôi, tôi mới vừa uống nước xong. Chị ngồi chơi tôi hoỉ thăm một chút.

Nói vậy nhưng vợ Ạ vẫn chạy xuống bếp bưng khay nước lên. Bấy giờ chị mới hỏi:

-Xin lỗi anh là ai mà em không nhận ra…

-Giới thiệu thì hơi dông dài. Vắn tắt là như thế nầy: Trước đây tôi ở làng dưới. Lúc Ạ còn nhỏ, cha tôi có dạy học cho chú ấy.

Thiếu phụ trẻ như chợt nhận ra:

-À em biết rồi. Anh là anh B có đúng không?

-Sao chị biết?

-Anh Ạ nói về bác và anh nhiều lắm.

Ạ nói về cha tôi? Vậy là Ạ đã nói được mọi chuyện cả sao?

Thiếu phụ mỉm cười:

-Anh ngạc nhiên lắm phải không? Vì ở xa mới về nên anh ngạc nhiên cũng phải. Chứ người quanh đây ai cũng biết anh ấy đã ăn nói được bình thường từ lâu rồi. Mà vất vả lắm anh. Tập cho anh ấy nói khó hơn cả tập cho trẻ con. Phải mất mấy năm trời anh anh ấy mới nói bập bẹ, tiếng được tiếng mất ấy. Giờ thì anh ấy nói năng đâu vào đấy được rồi.

Tôi vẫn không che dấu sự ngạc nhiên của mình:

-Nhưng thông thường, người ta có nghe được mới nói được chứ. Lâu lắm tôi mới về thăm quê và có dịp lên thăm vợ chồng chị. Biết chú ấy đã nói được và vợ chồng chị hạnh phúc thì không có gì mừng bằng. Vì vậy nên tôi muốn biết cặn kẽ một chút. Trong trường hợp nào mà chú ấy nghe được vậy? Chị có thể kể qua cho tôi biết được không.

-Dạ mời anh B uống nước. Anh Ạ chắc cũng sắp về tới nhà rồi.

Tôi cầm li nước và mời vợ Ạ. Uống nước đợi mấy phút, thấy Ạ chưa về, thiếu phụ nói:

-Thực ra anh Ạ không hoàn toàn bị điếc hẵn đâu anh ạ. Lúc đầu do quả bom nổ quá lớn anh ấy bị ù tai nặng và kéo dài lâu thôi. Ác nỗi anh ấy không nói được có lẽ cũng do cái chấn động quá mạnh. Thế rồi người nhà thấy gọi cho anh nghe cũng khó khăn mà nghe rồi thì anh ấy cũng không nói được nên trong nhà hình như không ai còn quan tâm đến chuyện anh ấy bị câm và điếc nữa. Cho đó như là chuyện tất nhiên phải vậy rồi. Mà trong nhà anh ấy thì có ai đâu. Mẹ anh ấy mất trong vụ nổ đó. Còn cha anh ấy thì đi làm suốt ngày. Ngoài xã hội thì họ cho anh ấy bị câm nên chẳng ai quan tâm đến anh.

-Vậy thì sao chị phát hiện ra tình trạng nầy của anh khi chị nghĩ mình có nói anh cũng không nghe?

Thiếu phụ lặng thinh một lát như cố nhớ ra mình đã phát hiện ra tình trạng của anh trong trường hợp nào. Một chặp lâu lắm thiếu phụ mới nói giọng có một chút âm hưởng buồn buồn:

-Nghĩ, lấy một người chồng như vậy cũng buồn anh ạ. Mà không biết duyên số sao, gặp anh ấy lần đầu, dù biết rằng anh ấy bị câm và điếc mà em vẫn thấy thương. Trong xã mình có bao nhiêu đám đến giạm hỏi, có những thanh niên con nhà giàu, cũng có thanh niên có học thức nhưng em không thương ai được. Trong lòng em chỉ thương anh ấy thôi. Khi em đặt vấn đề nầy với cha mẹ. Cha mẹ em đã nổi giận đòi từ bỏ em. Nghĩ mình cũng có lỗi với cha mẹ thực. Nhưng biết làm sao, khi em thấy mình không thể bỏ anh ấy được. Em đã nói với cha mẹ rằng, nếu con không lấy được anh ấy thì sẽ ở vậy suốt đời. Tình trạng nầy kéo dài đến ba năm, cha mẹ em mới chấp thuận. Nhưng kể từ khi em sinh đứa con trai đầu lòng thì cha mẹ mới thương anh ấy thực lòng.

Người đàn bà ngưng kể. Tôi nói:

-Chị thật là người đàn bà dũng cảm, thật xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Tôi thành thật chúc mừng cho hạnh phúc của chị. Còn một điều chị chưa nói cho tôi biết…

-Dạ anh muốn biết sao anh ấy được trở lại bình thường phải không. Thật ra em cũng không ngờ. Vơ chồng mà cứ ngồi im lặng bên nhau không nói với nhau một lời nào, anh nghĩ sao không buồn. Lúc ăn, lúc ngủ, bên anh ấy em cứ than thở một mình. Giá như em nói mà anh nghe được nhỉ. Giá như anh nói được với em một câu nào đó nhỉ…Thế rồi có một lần vừa buồn tủi vừa uất ức em đã thét lên bên tai anh: Anh Ạ, anh hãy nghe em nói đi, hay nói với em một điều gì đó đi, sao im lặng hoài vậy! Và em bàng hoàng thấy anh quay lại nhìn em.

-Anh nghe được rồi phải không anh Ạ! Anh nghe được rồi phải không anh Ạ! Và anh ấy đã ôm chặt lấy em vào lòng. Cả hai chúng em đều khóc.

Hai giọt nước mắt của thiếu phụ lăn trên má. Nước mắt vợ Ạ chảy nhưng sao tôi lại thấy hình ảnh thiếu phụ nhòa đi trong mắt tôi.

Tôi cũng không cầm được nước mắt vì quá cảm động. Chợt thiếu phụ nhìn ra ngõ, mặt rạng rỡ:

-Anh Ạ đã về ngoài kìa.

Một người đàn ông cường tráng đang bước vào. Nếu thiếu phụ không nói trước thì tôi không thể nào nhận ra người đàn ông ấy chính là cậu Ạ năm nào.

Quả đúng như ai đó đã nói: Tình yêu có khả năng hoàn thiện con người.
ĐANG ONLINE: 1 NGƯỜI