Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Tấm ảnh chụp trong ngày giỗ họ


Ảnh minh họa NBT
Tấm ảnh chụp trong ngày giỗ họ 

Nhớ lại, năm ấy lần đầu tiên sau chiến tranh họ Phan chúng tôi tổ chức lễ giỗ họ lớn.

 Anh em chúng tôi thuộc giòng trưởng, anh Cả là trưởng tộc. Tôi và người anh kế tức là anh Ba đi làm ăn xa xứ. Cách đó mấy tháng anh Cả tôi điện vao cho biết năm nay họ tổ chức ngày giỗ có mời làng và các trưởng tộc các họ khác. Trong điện anh Cả tôi nói:

- Bằng cách nào năm nay mấy chú cũng phải về để cùng nhau lo chuyện mồ mả ông bà và bàn cách trùng tu lại ngôi nhà họ. Con cháu đã đông đúc sum vầy rồi. Chúng ta không làm được ngôi nhà thờ thì chúng nó như chim trời, mỗi đứa phiêu bạt một nơi chẳng biết quê cha đất tổ đâu mà quay về. Đời ông bà mình không có điều kiện thì thôi. Đời mình nếu không làm được là mình co tội với tổ tiên đấy.

-Dạ em thì về được thôi. Chỉ ngại anh Ba không chịu về. Anh đã gọi điện nói chuyện nầy với anh Ba chưa?

-Rồi. Chú ấy sẽ về. 

 Sau chiến tranh tôi có đưa gia đình về thăm mồ mả ông bà mấy lần trong ngày giỗ họ. Còn anh Ba tôi thì chưa về lần nào. Anh ấy không về cũng có lý do.

 *

Năm anh ấy 21 tuổi, thi tú tài một trượt, anh bị gọi nhập ngũ. Đó là quy định dưới chế độ cũ dành cho những học sinh nam đang tuổi đi học. Nếu đậu tú tài một thì được tiếp tục học lên, nếu rớt thì phải nhập ngũ, chỉ từ trường hợp những người được hưởng qui chế hoản dịch vì lý do gia cảnh.

 Trước khi lên đường cha tôi đã cưới vợ cho anh Ba. Người cha nào thời buổi ấy cũng thế. Con cái đi lình không ai nghĩ đến việc thăng quan tiến chức mà chỉ lo không còn cơ hội trở về. Việc làm ấy của cha mẹ cũng đúng thôi. Từ ngàn xưa vẫn vậy. Cổ lai chinh hiến kỷ nhân hồi! Cưới vợ cho con để có người nối dõi. Nên bậc cha mẹ khi chọn con dâu, họ không yêu cầu gì nhiều. Chỉ cần tìm một người con gái đạt một tiêu chuẩn duy nhất là sinh được con. Ngoài ra không có một yêu cầu nào khác. Và hình như những thanh niên sắp ra đi họ cũng chẳng có một yêu cầu gì về tiêu chuẩn cho người vợ của mình. Bởi vì họ biết, họ đâu có cơ hội để ăn đời ở kiếp với người vợ sắp cươi đâu. Thì cứ bằng lòng đi cho vui lòng cha mẹ. Âu đó cũng là cách để trả cái nợ dưỡng dục sinh thành vậy thôi. Hơn nữa họ đâu có thời gian để tìm hiểu chọn lựa, để tự hỏi rằng mình có yêu hay không yêu. Cả khái niệm về gia đình về tương lai cũng chưa định hình trong đầu họ. Trong suy nghĩ của họ chỉ có nỗi lo sợ hãi về những hoàn cảnh nghiệt ngã mình sắp phải đương đầu. Nói rõ là cái chết đang chờ họ ngoài mặt trận!

Chị Lụa cô gái mà cha tôi đi cưới cho anh Ba là cô gái chân quê, người khỏe mạnh tay chân chắc nịch, có lẽ đó là yêu cầu của cha tôi khi chọn con dâu. Chị có chút khuyết tật ở mắt bên trái. Nước da ngăm đen. Người cao lớn . Đứng cạnh anh Ba, chị cao hơn anh ấy gần nửa cái đầu. Nếu chị ấy không có cái miệng cười hơi có duyên một chút nhờ cái lúm đồng tiền ở má bên phải thì chẳng thằng con trai nào muốn nhìn chị lần thứ hai khi đã vô tình nhìn thấy khuôn mặt chị một lần. Mà cái lúm đồng tiền trên má chị Lụa cũng không phải cái lúm duyên dáng tự nhiên trời ban cho những cô gái, mà có lẽ đấy chỉ là vết sẹo hơi bị trễ xuống dưới cằm. Nhưng dù sao cũng nhờ cái nét đó mà khuôn mặt của chị trông cũng dễ coi hơn.

Ngày đám cưới với anh Ba, chị Lụa mặc chiếc áo dài đỏ sậm, trên đầu buộc cái băng đô mầu hồng, chân đi đôi dép râu, hồi đó gọi là dép Nhật. Loại dép Nhật đế dày được dán bằng nhiều lớp cao su xốp nhiều mầu là mốt thời trang bấy giờ. Có điều là người sắm nữ trang ngày cưới cho chị Lụa đã vì quá chạy theo mốt thời thượng mà quên đi chiều cao vốn có của chị. Đáng ra phải chọn đôi thấp hơn vì khi chưa mang dép, chị Lụa đứng bên cạnh anh Ba đã cao hơn anh ấy nửa cái đầu rồi. Còn anh Ba thì khăn đóng áo dài xanh. Không biết sao hình ảnh cô dâu chú rể nầy lại hằn sâu trong trí nhớ của tôi cho đến bây giờ không sai một chi tiết. Ngay cả việc trong ngày lễ cưới anh Ba đội cái khăn đóng ngược, mặt trước ra mặt sau khiến ai cũng cười. Cha tôi phải xoay cái khăn lại. Nét mặt anh Ba lúc đó cười hồn nhiên giống như cái cười của đứa trẻ chơi côn sai quy cách bị người ta phát hiện. Phải nói thêm rằng không phải tôi là người duy nhất nhớ những chi tiết nầy. Còn một người nữa. Không phải là anh Ba. Anh Ba thì hình như chẳng nhớ một mảy may về ngày cưới của anh cả. Người ấy là chị Lụa. Hôm cử hành lễ cúng giỗ họ trông thấy anh Ba đội chiếc khăn đóng, chị đã nhắc lại chi tiết nầy. Cái ý nghĩ, cho đến hôm nay hình ảnh anh Ba trong lòng chị vẫn còn nguyên vẹn, trong lúc anh ấy chẳng nhớ một chút gì về chị làm tôi hơi xót xa. 

 Sau đám cưới ba ngày, anh Ba lên đường nhập ngũ.

Anh Ba và chị Lụa chỉ ăn ở với nhau có ba hôm vậy mà ước nguyện của cha tôi đã thành. Chị Lụa có thai và sinh được một người con trai kháu khỉnh.

Chị sinh thằng cu Tân trong khói lửa của chiến tranh.

 

 Trong suốt thời gian chinh chiến mấy năm anh Ba không một lần về nghỉ phép. Hoặc là có phép mà anh ấy không về. Đến khi chiến tranh kết thúc anh Ba cũng không về.

 Không, anh ấy vẫn khỏe mạnh, nhiều người cùng đơn vị anh sống sót sau chiến tranh về quê đã cho chị Lụa biết như vậy. Còn cho chị biết thêm một điều: Anh ấy đã có vợ và có con.

 Chiến tranh như vậy sao chú ấy có thời gian để lấy vợ? Vợ chú ấy là người như thế nào? Anh Cả tôi hỏi người bạn chiến đấu của anh Ba.

-Dạ, chiến tranh thì ảnh hưởng gì đến chuyện lấy vợ lấy chồng hả anh. Người bạn chiến đấu của anh Ba trả lời rồi nói - Khi nào mà chiến tranh chưa tiêu diệt hết những người đàn ông và đàn bà trên mặt đất thì chuyện yêu thương, chồng vợ vẫn còn có đất để sinh sôi nẩy nở anh à.

Nói xong, người bạn chiến đấu của anh Ba phá lên cười có vẻ đắc ý với cái triết lý Duy tình yêu của mình. Anh ấy nói tiếp:

-Chị ấy là người bán cơm ngoài trại lính của đơn vị tụi em. Mỗi lần thằng Ba đi đi hành quân về là ra ăn nằm ở lì ngoài quán chị ta, phụ chị ta bưng bát rửa tô. Cơm chị ấy dẻo quá nên thằng Ba cũng dính luôn.

Cái tin anh Ba đã có vợ đối với người bạn anh Ba chỉ như là một chuyện đùa. Nhưng với chị Lụa đó là cả một trời đau khổ. Nhiều người thấy chị đau khổ quá đã khuyên chị thôi cứ xem như chồng mình chết trong chiến tranh. Trời cho được đứa con trai như vậy là phúc lắm rồi, cứ gắng nuôi con mai mốt mà nhờ.

Chị nói:

-Thà rằng anh ấy chết trong chiến tranh, chứ đằng nầy anh còn sống sờ sờ ra đó. Xem như chết rồi là xem làm sao. Nếu xem như vậy được thì tôi đã xem lâu rồi. Đằng nầy tôi không xem được. Tôi không thể nào xem được bà con có biết không. Chị Lụa nấc lên như thế khi có ai đó khuyên chị.

-Nhờ anh chỉ đường cho tôi đi tìm anh ấy. Tôi sẽ hỏi anh ấy cho ra lẽ. Chị Lụa nói với bạn chiến đấu của người chồng phụ bạc như vậy.

-Trời ơi. Người bạn chiến đấu của anh Ba nói: -Chẳng có lý lẽ nào cả chị ơi. Tôi khuyên chị đừng đi làm chi. Hơn nữa câu chuyện tôi kể với chị là lúc còn chiến tranh chúng tôi còn ở chung một đơn vị kia. Chứ bây giờ tôi không biết anh ấy đang ở đâu nữa.

-Nói anh không biết chỗ ở của anh ấy thì tôi phải chịu thôi. Còn nói không lý lẽ thì sao được! Tôi là vợ anh ấy kia mà. Tôi sinh con ra cho anh ấy. Tôi nuôi dạy con anh ấy nên người. Tôi sai chỗ nào mà anh ấy đành đoạn bỏ tôi? Sao lại không có lý lẽ. Mà dù không có lý lẽ thì con người ta cũng ăn ở với nhau cho có một chút nghĩa tình chứ. Ngày đang ăn, nghe tiếng súng nổ cũng bỏ rơi cả đũa, đêm đang ngủ nghe tiếng súng nổ cũng giật mình thức dậy rồi thức đến trắng cả đêm. Có đêm nào mà tôi không thắp nhang nguyện cầu cho anh ây chân cứng đá mềm. Vậy mà chưa đủ lý lẽ sao anh? Anh đòi tôi lấy cái gì đem ra làm lý lẽ nữa đây?

Người bạn chiến đấu của anh Ba tôi nhìn chị lẳng lặng gật đầu mà không nói gì.

 

Thế rồi năm 1979, trận bảo kinh hoàng năm đó đã làm sập túp lều của chị Lụa. Thằng Tân con trai chị bị thương nặng. Anh Ba nghe tin con bị nạn đã trở về. Tất nhiên anh chỉ về một mình.

Anh Ba hồi vào lính chỉ mới là cậu học sinh non sữa, tính tình hiền lành, ai cũng mến. Nên khi trở về quê hương dù anh là lính của chế độ cũ nhưng không ai ghẽ lạnh với anh. Gặp bà con xóm giềng ai cũng tay bắt mặt mừng. Có điều người ta ngại. Chắc chắn thế nào cũng xẩy ra một cuộc xung đột dữ dội giửa anh Ba và chị Lụa. Người đã nuôi uất ức với anh trong lòng bấy lâu nay. Thế nhưng ai cũng ngạc nhiên, anh ở lại quê nhà ba ngày nhưng chẳng có chuyện gì xẩy ra. Còn một điều làm mọi người ngạc nhiên hơn nữa là trong thời gian ba ngày ấy anh Ba không ở chung với chị Lụa. Ban ngày anh Ba lui tới với chị Lụa nhưng đêm đến anh lại sang ngủ ở nhà người anh Cả. Có chị Thanh người đàn bà trong xóm, thường chơi thân với chị Lụa, một phần vì thương chị Lụa, một phần cũng muốn tò mò muốn biết tình cảm giữa hai người như thế nào. Chị Thanh hỏi:

-Sao, anh Ba về lần nầy ở luôn với chị không ra đi nữa chứ. Thôi thế cũng tốt. Lá rụng về cội.

-Không có đâu chị. Anh ấy ở lại sao được. Vợ con anh ấy còn ở trong đó.

-Chị cũng là vợ anh ấy mà. Hay là chị cứ bảo anh ấy đưa cái bà nào đó cùng mấy người con của bà ta về ở chung với chị. Dù sao có anh ấy cũng vui cửa vui nhà. Rậm người hơn rậm cỏ.

-Không được đâu. Tôi thì tôi chịu nhưng cái bà trong đó chắc người ta không chịu đâu. Hơn nữa tôi cũng đã ở một mình vậy quen rồi. Hồi trước quả thật mới nghe tin anh ấy có vợ bé, tôi điên tiết lên thật. Nhưng giờ thì đã bình tâm rồi. Nghĩ cũng tội cho anh ấy. Lúc trước ông nội của cháu đi hỏi tôi về làm dâu thì anh ấy đâu có yêu thương gì tôi. Anh ấy lúc đó là một cậu học trò dáng vẻ thư sinh lắm. Con gái nhìn vào ai mà không ưa. Cho đến bây giờ chừng nấy tuổi rồi mà chị thấy đấy, anh ấy vẫn còn hào nhoáng phong độ. Còn chị coi tôi đây nầy , một con mụ nhà quê già nua xấu xí tật nguyền thì làm sao anh ấy thương cho được. Luc` trước anh ấy lấy tôi cũng chỉ là làm nghĩa vụ của người con đối với cha mẹ thôi. Rồi vô lính. Con người ta khi cận kề với cái chết thì đâm ra sống xả láng bạt mạng. Rượu chè gái ghiếc là chuyện thường tình. Cũng may anh ấy gặp cái bà nào đó cũng tốt, đã giúp đỡ lo lắng cho anh ấy trong hoàn cảnh anh đang đầu tên mũi đạn, để rồi tạo dựng nên một gia đình êm ấm, là mừng cho họ rồi.

Thanh nhìn chị Lụa có vẻ cảm động trước lời nói của chị. Chị Lụa nói tiếp:

-Con người ta đều có số phần cả chị Thanh ạ. Mình không có duyên đầu ấp tay gối với anh thì thôi, cũng đừng nên quậy phá theo kiểu, không lấy thì khuấy cho hôi, chẳng ra làm sao đâu chị ạ. Trời cho có đứa con trai, cầu cho cháu được tai qua nạn khỏi trong tình trạng nầy là mừng lắm rồi.

Chị Thanh nói:

-Tôi hỏi thật.Trong lòng chị bây giờ có còn thương anh ấy nữa hay không?

Chị Lụa trả lời dứt khoát không đắn đo:

-Còn thương chứ sao không.

Chị Thanh thở ra nói:

-Ít người đàn bà nào có tấm lòng như chị.

Chị Lụa cười buồn:

-Tôi cũng như mọi người thôi, chẳng hay ho gì cả. Nhưng tôi hỏi chị mình làm được gì hay ho hơn!

 

 *

Trong dịp lễ giỗ họ năm đó, theo lời kêu gọi của anh Cả, anh Ba lại về.

Hôm giỗ họ. Chưa đến giờ hành lễ, anh Cả và anh Ba cùng mấy người lớn tuổi ngồi nói chuyện ở chiếc bàn đặt chính giữa rạp lễ.

Mấy anh em chúng tôi ai cũng khăn đóng áo dài đen. Tôi ngồi nói chuyện với chị Lụa ở bàn bên cạnh. Trông chị Lụa lúc đó già hơn nhiều so với mấy năm trước tôi có dịp về thăm. Lưng chị đã hơi còng, da mặt nhăn nheo có nhiều vết nám. Chị già hơn tuổi quá nhiều. Nhìn anh Ba, đúng như chị từng nhận xét, còn rất hào nhoáng phong độ. Trong bộ lễ phục khăn đen áo dài anh có dáng dấp như một vị quan huyện thuở xưa. Đang nói chuyện với chị Lụa, thì có một người đàn bà đứng tuổi ở đâu đó tiến về phía tôi và hỏi:

-Anh có nhớ ai đây không?

Một người đàn bà mập mạp da dẻ hông hào, vui vẻ hỏi. Tôi nhìn chăm chăm nhưng không nhận ra người đàn bà là ai. Chị Lụa nói:

-Chú không nhớ à. Thím Con đó.

-A Thím Con! Trời, lâu quá không gặp thím nên không tài nào nhận ra.

-Vậy mà tôi nhận ra anh đấy.

Tôi cười:

-Vậy thì trí nhớ của thím tốt hơn tôi rồi.

-Nói đùa đấy, không có con Thắm giới thiệu thì tôi cũng không nhận ra anh đâu.

Tôi xích chỗ cho thím Con ngồi.

Thím Con là vợ chú Minh em con ông chú tôi. Qua câu chuyện tôi biết được hoàn cảnh của thím hiện nay. Chú Minh có với thím ba đứa con, hai trai một gái. Làm ăn trên phố. Đùng một cái thím Con phát hiện chồng có vợ bé và đã có một mặt con. Sau một thời gian xục xịch, thấy không hàn gắn được, thím Con về quê sinh sống. Bây giờ thì thím Con ở một mình. Ba người con của thím làm ăn trên phố cũng khá, nhưng tính thím không ở chung được với con cái.

Tôi hỏi:

-Kể từ ngày thím về quê chú Minh thỉnh thoảng có về thăm thím không? Mới về tôi chưa có thời gian đi thăm bà con. Giỗ xong tôi mới đi được. Chú ấy có khỏe không?

-Nghe nói đau nằm bệnh viện mấy tháng nay.

-Đau sao?

-U úng gì đó. Sắp chết rồi.

Tôi ngạc nhiên trước câu trả lời của thím Con. Tôi hỏi:

-Thím không thăm chú hay sao?

-Mắc mớ gì mà tôi phải thăm. Hắn bỏ tôi đã mấy năm nay. Những lúc tôi đau ốm, nó có hề bước chân về hỏi thăm tôi một tiếng. Vậy thì mắc mớ gì tôi phải đến thăm hắn. Nghe nói cái con đỉ mà hắn say mê bây giờ cũng bỏ hắn rồi. Hai đứa con gái cũng không ngó ngàng gì tơi hắn. Quả báo hắn phải trả thôi.

Chị Lụa nói:

-Đàn ông bội bạc mặc họ thím à. Mình cũng nên ăn ở cho phải nghĩa. Dù sao thì chú thím cũng ăn ở với nhau có đến ba mặt con rồi. Không còn tình nhưng vẫn còn cái nghĩa. Thím nên ra thăm chú ấy và nói mấy đứa con của thím thay nhau ra săn sóc cho ba nó.

Thím Con trừng mắt nhìn chị Lụa:

-Tôi nghĩ trên đời nầy chỉ có mình chị mới nghĩ vậy thôi. Nghĩ như vậy, xin lỗi chị, là ngu. Không dại gì mà chuốc cái khổ vào thân nữa. Bây giờ em sướng lắm. Muốn ăn món gì thì ăn, muốn ngủ lúc nào thì ngủ. Con cái nó cho không sót thứ gì. Chị coi da dẻ em đây nầy...

Chị Lụa lắc đầu nói:

-Có lẽ tôi cũng dại thật, bây giờ mà nghĩ đến anh ấy đang cực khổ vì đám con của anh trong đó tôi lại thương. Thôi thì trời sinh mỗi người mỗi tính.

Chợt chị Lụa cười chỉ tay về phía anh Ba rồi nói với tôi:

-Chú thấy anh Ba của chú có dáng người đội khăn đóng đẹp không. Bây giờ thì đội đúng rồi đấy. Hồi đám cưới với tôi, anh ấy đội khăn ngược, trước ra sau, ai cũng cười. Mới đó mà đã mấy chục năm. Nghĩ sao mình không già được. Vậy mà anh Ba không có già đâu nghe, đội cái khăn lên trông vẫn duyên dáng như thuở nào. Ôi mỗi lần nghĩ đến anh ấy tôi cứ nghĩ đến cái dáng đội khăn đóng của anh.

Bên cạnh tôi, thím Con hứ một tiếng rồi đứng dậy nói:

-Anh ngồi nói chuyện với chị ấy đi. 

Sau khi lễ lược xong, bà con nội ngoại chúng tôi chụp hình lưu niệm. Tôi có đem theo cái Ipad, vậy là tôi làm nhiếp ảnh viên. Tôi chụp chung cho cả bà con trong họ. Sau cho riêng từng người. Cuối cùng là chụp cho từng đôi vợ chồng. Khi đến lượt chụp cho anh Ba thì anh đứng ra một mình. Bỗng chị Lụa ở đâu đó bươc ra nói:

-Ông chụp chung với tôi một tấm đi

Anh Ba có vẻ lúng túng nói:

-Thôi chụp riêng đi.

Chị Lụa nài nĩ:

- Lâu ngày mới gặp nhau, chụp chung một tấm để tôi treo lên tường xem cho vui.

Quả thật lúc đó tôi cũng thấy lúng túng. Tôi biết trong lòng anh Ba, tình cảm đối với chị Lụa không còn đọng lại một chút nào. Nhưng với chị Lụa thì anh Ba là cả một trời yêu thương của chị. Chính nhờ tình yêu thương đó đã giúp chị giữ được một tấm lòng thủy chung và cao cả. Tôi có nên khuyên anh Ba một điều mà tôi biết anh ấy không bao giờ muốn không. Mà chụp hình chung như vậy thì có ý nghĩa gì? Nhưng tôi lại thấy tội nghiệp cho chị Lụa quá. Cuối cùng tôi nói:

-Thôi thì cứ chụp chung đi. Ai muốn giữ thì giữ ai không muốn thì thôi.

Có nhiều người tán đồng ý kiên của tôi. Cuối cùng thì anh Ba phải bằng lòng đứng chụp hình chung với chị Lụa. Và trong màn hình của chiếc Ipad tôi thấy vẻ mặt chị Lụa cười thật rạng rỡ.

 

 Mấy ngày ở lại giỗ họ, anh Ba ngủ nhà bác Cả, mặc dù nhà của hai mẹ con chị Lụa chỉ cách nhà bác Cả mấy chục mét. Cả hai ngôi nhà đều được xây dựng trên khu vườn của cha tôi để lại, cách nhau một hàng rào chè tàu.

 Ngày mai anh Ba và tôi lên đường. Tối đó bác Cả dọn một mâm cơm đãi hai người em xa xứ. Có đầy đủ vợ chồng bác Cả, chị Lụa, mấy đứa cháu con bác Cả và có cả cháu Tân con anh Ba.

TRong bữa ăn chị Lụa nói với anh Ba:

-Mấy hôm nay ông ngủ ở nhà bác Cả. Thôi hôm nay ông qua ngủ bên nhà với thằng Tân một đêm.

Nghe chị Lụa đề nghị vậy, cả nhà đều cười: -Ý kiến hay đấy.

Anh Ba chưa kịp phản ứng thì chị Lụa đã phân bua:

-Tôi nói vậy không có ý chi xấu đâu. Già cả rồi ngủ đâu mà chẳng được. Ông cứ ngủ ở nhà trên với thằng Tân, còn tôi ngủ ở dưới nhà bếp.

Cả nhà lại cười :- Ai lại làm vậy.

Chị Lụa lại phải giải thích thêm:

-Ý tôi muốn hai cha con họ gặp nhau để tâm sự việc nhà. Thằng Tân bây giờ cũng đã lớn rồi. Nó đã có lần nào chuyện trò với cha nó đâu.

Bây giờ anh Ba mới lên tiếng:

-Tôi hiểu ý bà rồi. Với thằng Tân thì tôi đã nói chuyện với nó mấy hôm nay. Ý nó muốn tôi trở về, nhưng không được. Cả bầy nhỏ trong đó về đây thì lấy gì mà sinh sống. Thôi bỏ qua chuyện nầy đi. Còn thằng Tân lớn rồi, mai mốt nó lấy vợ thì tôi cũng có trách nhiệm.

Buổi ăn tối kết thúc. Đêm ấy anh Ba vẫn ở nhà bác Cả. Hôm sau chúng tôi lên đường. Chị Lụa và cháu Tân đưa chúng tôi lên xe.

Xe đã chạy một đoạn khá xa. Nhìn lui tôi thấy chị Lụa người còng xuống đang cố vói mắt nhìn theo xe chúng tôi cho đến khi bóng dáng còm cõi của chị mất hút sau rặng cây bên đường.

 *

 Đúng ba năm sau ngày giỗ họ năm đó, tôi được tin chị Lụa qua đời. Cả tôi và anh Ba cùng về đưa tiễn. Khi chúng tôi về đến nơi thì lễ an táng vừa xong. Chúng tôi không nhìn thấy được mặt người đàn bà bất hạnh lần cuối cùng.

Tối đó trong lúc chuyện trò, một người bà con gọi chị Lụa bằng mợ kể lại rằng, thằng Tân con trai chị Lụa khi đi làm về phát hiện mẹ mất, nó thấy mẹ đang ôm trong lòng tấm hình ba mẹ nó chụp chung. Đó là tấm hình mà tôi chụp cho anh chị trong ngày giỗ họ năm ấy. Nghe xong anh Ba đột nhiên hỏi:

-Tấm ảnh ấy giờ đâu rồi?

-Bác Cả đã đốt cho mợ ấy rồi.

Anh Ba đứng dậy bỏ ra ngoài. Một lát anh trở vào, sụt sịt mũi. Tôi biết anh vừa ra ngoài lén khóc.Tôi cũng cố cầm nước mắt. 

Nhìn lên tấm ảnh chị Lụa trên bàn thờ tôi nghĩ đến một người đàn bà đã sống trọn vẹn cho tình yêu. 
ĐANG ONLINE: 1 NGƯỜI