Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Sự lựa chọn cay nghiệt


1- Sau nầy có ai nói về bà Trịnh Văn, người ta không nói đến tính hiền hậu và sự giỏi giang của bà, mà thường nói về câu chuyện xẩy ra giữa hai mẹ con bà. Và câu chuyện nầy người ta biết được rành rẽ qua sự kể lại của một cô giáo về hưu, bạn thân của bà Trịnh Văn.
 Chuyện xẩy ra, lúc bà Trịnh Văn cũng gần bước vào tuổi năm mươi. Bà không có chồng con. Có lẽ do say sưa làm việc nên bà quên cả thời gian. Đến khi những sợi tóc bạc đầu tiên xuất hiện để nhắc nhở, thì bà Trịnh Văn chợt hiểu ra thế nào là Bóng câu qua cửa sổ. Bà Trịnh Văn lại lao đầu vào công việc.
 Tất nhiên một người đàn bà như bà Trịnh Văn thì không thiếu gì đấng mày râu xin được nâng khăn đỡ váy cho bà. Nhưng tất cả họ đều bị bà từ chối. Lúc còn trẻ thì bà bận công việc, không có thì giờ nghĩ đến chuyện yêu đương. Khi lớn tuổi rồi thì bà lại thấy chuyện đó đã muộn màng. Con người ta yêu đương chỉ có một thời. Giờ thì đối với bà không có gì quan trọng bằng làm cho ra nhiều tiền. Thật nhiều tiền. Sống, người ta có thể không cần chuyện yêu đương, nhưng không thể không có tiền, bà nghĩ vậy. Hằng tá đàn ông muốn đến với bà chắc gì vì tình yêu, mà bà Trịnh Văn nghĩ họ đến với bà chẳng qua họ yêu cái đống tiền của bà. Bà Trịnh Văn có nhan sắc tương đối lại là người đàn bà giỏi giang trong kinh doanh. Hiện giờ bà là chủ công ty sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất. Vốn của bà, những người có con mắt nhìn qua cũng ước tính được hơn cả trăm tỷ đồng. Tất nhiên trên đời nầy chẳng có sự tính toán nào mà chính xác tuyệt đối. Người ta chỉ áng chừng như vậy. Công nhân làm cho công ty Trịnh Văn cũng lên tới gần cả trăm. Dù giàu có nhưng bà Trịnh Văn không thuộc hạng người theo thói quen nhận xét của Đức Chúa trời: Người giàu lên nước Chúa khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim! Thật ra hạng người nào trong xã hội cũng có kẻ tốt người xấu. Đâu phải người nghèo thì không xấu, người giàu thì không tốt! Bà Trịnh Văn không bóc lột công nhân. Trái lại bà đối đải với công nhân trong công ty mình rất có tình người. Bà thường quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những người đau ốm hay bị tai nạn lao động, ngoài tiền trợ cấp bảo hiểm theo quy định ra bà còn có một sô chế độ ưu ái khác. Nên công nhân trong công ty Trịnh Văn ai cũng có thiện cảm với bà. Do vậy trong công việc, khi thấy có một thanh gỗ nhỏ còn tận dụng được thì họ cũng tận dụng. Thấy cái đinh rơi vãi, họ nhặt gom lại để dùng. Bởi họ nghĩ rằng khi công ty Trịnh Văn giàu có ra, họ cũng hưởng được một chút trong đó. 
Thế rồi một hôm có một nữ công nhân chết chồng, làm việc ở phân xưởng cưa Trịnh Văn, do sơ suất đã để bàn bàn tay vào guồng máy và bị nghiền nát. Do mất máu nhiều nên khi đưa đến bệnh viện mấy phút thì nữ công công nhân nầy qua đời. Bên công an sang trực tiếp điều tra. Kết luận tai nạn là do nữ công nhân nầy làm việc thiếu cẩn thận. Vì máy móc trong xưởng đã có trang thiết bị bảo hộ an toàn. Bà Trịnh Văn đã đem đứa con gái năm tuổi của nữ công nhân bất hạnh về làm thủ tục làm con nuôi. 
Bà Trịnh Văn thương yêu cô bé như con ruột của mình. Đứa bé được ăn học tử tế. Có tài xế đưa đón dến trường. Nhưng có lẽ cô bé học không được nên hết cấp ba, 

bà Trịnh Văn cho đứa con nuôi đi học lớp trung cấp kế toán để phụ giúp công việc sổ sách cho bà.
 Những ngày nghỉ bà Trịnh Văn thường tự lái xe đưa con gái đi chơi hay vào cửa hàng sắm sửa. Sự việc nầy càng làm cho đám công nhân càng yêu quý tấm lòng nhân hậu của bà chủ mình. Thế rồi rắm rối đã xẩy ra trong gia đình bà Trịnh Văn khi cô con nuôi bắt đầu có người yêu.
 
 Một thanh niên, mọi người nghĩ là người yêu của cô gái con bà Trịnh Văn, cứ mỗi sáng chủ nhật anh chàng thường đến trước cổng nhà bà Trịnh Văn đứng đợi. Khoảng năm bảy phút thì con gái bà Trịnh Văn chạy ra. Hình như hai người đã hẹn nhau giờ giấc từ trước. Cô, cậu nói chuyện vơi nhau chừng mươi phút thì chàng trai trẻ lên xe máy. Cô gái con bà Trịnh Văn đưa tay ra dấu tạm biệt. Thế nhưng sau một thời gian khá lâu, người con trai hình như ít đến hơn. Mỗi lần đến, anh ta nói với người bảo vệ sao đó rồi để xe máy bên ngoài, đi bộ vào sân và hấp tấp bước vào nhà. Chỉ vài phút sau, anh ta trở ra. Mọi người lại đồn đoán rằng anh chàng nầy vì bị bà Trịnh Văn cấm đoán nên không dám đến nhiều và chỉ lựa lúc bà Trịnh Văn không có ở nhà mới dám đến với người yêu.
 Người ta biết về người yêu của con nuôi bà Trịnh Văn chỉ chừng đó. Ngoài ra không ai biết gì thêm. Mà cũng chẳng ai tìm hiểu làm gì. Con trai con gái lớn lên, yêu thương hò hẹn là chuyện bình thường. Và chuyện cha mẹ ngăn cấm con cái yêu đương cũng không phải hiếm.
Thế rồi chuyện động trời đã xẩy ra trong gia đình bà Trịnh Văn khiến người ta bàn tán, đồn đoán lung tung. Đó là việc cô con nuôi của bà Trịnh Văn đã bỏ nhà đi theo người yêu! Người ta không nói đi theo người yêu mà nói là đi theo trai!
Qua chuyện nầy, có người cho rằng lỗi là do bà Trịnh Văn. Bà Trịnh Văn đã chê người yêu của cô con gái thân phận nghèo hèn thấp thỏi, không xứng đáng làm con rể của bà. Bà Trịnh Văn không chấp nhận mối tình đầu của cô con nuôi, khiến cô gái đã bỏ nhà ra đi. Người thì bảo lỗi là do người con gái. Ở địa vị cô ta, người mà tương lai sẽ là chủ nhân của một gia tài quá lớn, thì chán gì thằng con trai muốn nhào vô. Với tình yêu bồng bột của tuổi dậy thì, làm sao cô gái đủ sáng suốt phân biệt được người nào tốt kẻ nào xấu. Người nào đến với mình bằng tình cảm chân thật, người nào đến vì ý đồ đen tối! Chuyện bà Trịnh Văn kén chọn người rể tương lai cho con gái là đúng. Để bảo vệ gia sản của bà mà cũng là để bảo đảm hạnh phúc cho con gái. Cô gái tự ý bỏ nhà ra đi là việc làm rồ dại đáng trách. Đó là chưa nói đến ân tình sâu nặng mà bà Trịnh Văn đã cưu mang cô gái. 
 Bà Trịnh Văn ít đem chuyện nhà nói với ai. Mặc thiên hạ bàn ra tán vào. Hằng ngày bà đến công ty làm việc đều đặn, hết việc bà về. Ngoại trừ những buổi họp công ty, những buổi giao tiếp do yêu cầu công việc, bà Trịnh Văn ít tiếp xúc chuyện trò với ai, do vị trí lãnh đạo của bà, mà cũng một phần do tính trầm lặng ít nói vốn có của người đàn bà có tiếng nhân từ và giỏi giang nầy. Nhờ vậy mà chuyện người con gái của bà cũng mau đi vào lãng quên của mọi người.

 *

 
2- Một điều dữ nữa lại đến với người hiền lành.
Cái tin bà Trịnh Văn bị đột quỵ khiến ai cũng thương xót và lo lắng cho bà.
Qua cơn cấp cứu và chữa chạy tận tình của bệnh viện, di chứng để lại thật bất hạnh cho bà Trịnh Văn. Bà Trịnh Văn không còn nói được. Chân phải và tay phải bị liệt. Cũng còn một chút may mắn dành cho số phận của bà đó là đầu óc của bà vẫn còn minh mẫn và tay trái của bà còn hoạt động được.
Sau một thời gian điều trị bà Trịnh Văn trở lại công việc. Bà Trịnh Văn chỉ đạo công việc bằng văn bản bà đánh trên máy vi tính. Khi muốn liên hệ với ai thì bà dùng email hay nhắn tin trên điện thoại. Tuy vậy năng suất làm việc của bà không còn như trước nữa.
 Được một thời gian ngắn thì bà TRịnh Văn gần như giao hẳn công việc trong công ty lại cho tay quản đốc, một người đàn ông kém hơn bà Trịnh Văn mấy tuổi, vốn là người bà con gọi bà Trịnh Văn bằng dì. Tay nầy là người lanh lẹ tháo vác trong công việc nhưng lại là người quỷ quyệt. Nhân viên trong công ty của bà Trịnh Văn không ai có cảm tình, bởi tính hống hách và lợi dụng quyền thế để bắt chẹt ức hiếp công nhân của hắn. Nhất là kể từ lúc bà Trịnh Văn ngã bệnh hắn càng lộng hành. Hắn ta nhiều lần qua mặt bà Trịnh Văn. Bà Trịnh Văn không biết nhưng trong công ty có người biết. Thế nhưng chẳng ai dám lên tiếng, ngay cả việc muốn cho bà Trịnh Văn biết họ cũng sợ. Bởi trong công ty có rất nhiều tai mắt của tay quản đốc nầy. Ai tỏ ra không bằng lòng với hắn về một điều gì đó, liền bị hắn ta tìm đủ cách chèn ép trù dập. Vì miếng cơm manh áo nên chẳng ai dám có ý kiến gì. Cả trong thời gian bà Trịnh Văn còn khỏe, trong một vài trường hợp công nhân thấy bà Trịnh Văn có vẻ như lép vế trước hắn. Bởi dưới tay hắn có cả một nhóm thân cận, tất cả đều nắm giữ những vai trò quan trọng trong công ty. Kể từ ngày bà Trịnh Văn ngã bệnh thì mọi việc trong công ty đều do hắn quyết định. Hắn càng tỏ ra hống hách và chuyên quyền hơn. Mọi việc hắn tự quyết lấy. Làm xong mới báo lại với bà Trịnh Văn. Và những điều hắn báo lại cho bà chưa hẳn đã đúng với thực tế. Hắn bắt đầu thay thế những người thân tín của bà Trịnh Văn bằng những người tâm phúc của hắn nhằm tóm gọn quyền hành. Nhiều người trước đây có những va chạm với hắn, hắn đều lần lượt cho nghỉ việc với những lý do không chính đáng. Có một điều ai cũng thấy khó hiểu, khi biết hắn đang có ý truy tìm tung tích người con nuôi của bà Trịnh Văn. Người con gái nầy đã bỏ đi xa với người yêu từ ngày rời khỏi gia đình bà Trịnh Văn. Đã năm sáu năm nay, không ai gặp, không ai còn nghĩ đến người con gái nầy nữa. Hình như cả bà Trịnh Văn cũng thế. Nhưng sau khi bà Trịnh Văn thất thế, tên quản đốc lại tỏ ra quan tâm đến cô gái nầy. Hắn thường dùng những câu hỏi khéo léo để dò hỏi mọi người tin tức người con gái.
Tình trạng nầy kéo dài cũng được gần nửa năm. Sức khỏe của bà TRịnh Văn ngày một xấu đi. Vào một buổi tối, bà đã đột ngột qua đời trong phòng ngủ. Người đàn bà giúp việc cho bà Trịnh Văn, một buổi sáng khi vào phòng ngủ dọn dẹp, và lo ăn sáng cho bà Trịnh Văn, mới phát hiện ra. Lúc đó tay chân của bà Trịnh Văn đã lạnh cứng. Bà Trịnh Văn đã chết đi trong cô đơn.

 

3- Cái chết của bà Trịnh Văn thực ra không gây bất ngờ cho mọi người, kể cả đám công nhân trong công ty của bà. Vì sức khỏe của bà sau lần đột quỵ đã xuống nhiều. Mọi công việc trong công ty thời gian sau nầy bà đều khoán trắng cho tay quản đốc. Nhân viên trong công ty gần như không còn nhớ đến bà. Những buổi họp công ty đều do tay quản đốc chủ trì.Thế nhưng khi vạch công tác hắn không bao giờ quên câu: Theo ý kiến của bà Trịnh Văn thì phải làm như thế nầy, phải làm như thế kia… Bà Trịnh Văn đã quyết định thế nầy, quyết định thế nọ…Nhưng ai cũng biết đó là quyết định của hắn. 
 Tin bà Trịnh Văn chết không gây sốc cho ai trong công ty. Người ta chỉ đón nhận tin bà ra đi bằng nỗi lòng ngậm ngùi thương tiếc.
 Công việc tổ chức đám tang cho bà Trịnh Văn do tay quản đốc và viên luật sư của công ty Trịnh Văn đứng ra lo liệu. 
Khi tang lễ cử hành, một sự kiện làm mọi người ngạc nhiên đến sửng sốt, đó là sự xuất hiện của hai vợ chồng trẻ và đứa con trai khoảng ba bốn tuổi. Người vợ trẻ không ai khác là con nuôi bà Trịnh Văn. Người đã bỏ nhà theo người yêu năm sáu năm về trước. Người ngạc nhiên hơn hết là tay quản đốc. Hắn đã từng cho người dò tìm tung tích con nuôi của bà Trịnh Văn suốt mấy năm qua nhưng chẳng tìm ra manh mối nào. Nhưng sao hôm nay cô ta lại xuất hiện một cách kỳ bí như vậy? Một sự sắp đặt toan tính nào đó của bà Trịnh Văn chăng? Bà Trịnh Văn không phải là con người vừa, hắn biết như vậy. Nhưng không sao. Hắn tự nhủ và lấy lại bình tĩnh. Khi nghĩ đến tờ di chúc của bà Trịnh Văn, trong đó ghi rõ nôi dung, khi phân tích ra rành rọt thì ba phần tư toàn bộ tài sản của công ty sẽ thuộc quyền sở hữu của hắn. Một phần tư còn lại dùng cho công tác từ thiện. Nghĩ đến cái khoản từ thiện ghi trong di chúc hắn tự lấy làm đắc ý về sáng kiến của mình. Làm từ thiện không phải là tâm nguyện của mụ Trịnh Văn sao? Cái khoản từ thiện ghi trong di chúc nầy nầy chứng tỏ khi viết di chúc, mụ ta còn sáng suốt, còn nhớ đến những điều tâm nguyện lúc sống của mình. Ai dám bảo khi viết di chúc mụ ta đã lẫn lộn? Vì vậy hắn ngu gì mà cuổm nốt cái phần tư còn lại ấy. Còn cái việc tờ di chúc có dấu lăn tay của mụ Trịnh Văn mà không có chữ ký của mụ cũng là hợp lý thôi. Mụ ta đã bại liệt cách đó mấy tháng, thì làm sao mà cầm bút. Trong bản di chúc đã có dấu lăn tay của bà giám đốc lại có chữ ký của các người làm chứng. Mà bọn họ hầu hết là người giữ những trọng trách trong công ty. Những người đã từng đồng cam cộng khổ trong sự nghiệp của bà Trịnh Văn. 

 Khác với nỗi lo lắng của tay quản đốc, mọi người có mặt trong lúc dự tang lễ bà Trịnh Văn lại nhìn người con nuôi của bà Trịnh Văn dưới một con mắt khác. Tất cả họ đều nhìn người con người nầy bằng một ánh mắt khinh miệt và ghê tởm. 
-Nó về đòi chia gia tài đấy.
-Nó đòi cũng đúng thôi, vì trên pháp lý nó là con của bà ấy mà. 
-Nhưng nó đã bỏ nhà theo trai. Những ngày bà ấy bị hoạn nạn nó cũng chẳng về thăm một lần. Mặt mũi nào giờ nầy lại về đòi chia gia tài? 
Trong đám ma bà Trịnh Văn, có hàng trăm người đến phúng điếu. Hình như ai cũng không cầm được nước mắt. Nhưng tiếng khóc của người con nuôi của bà là to hơn cả. Chị ta gào thét đến đổi ai cũng để mắt nhìn. Có lẽ họ đang tự hỏi, người nầy đóng kịch sao mà hay đến thế. Chị ta khóc như thể uất ức lắm. Chị ta uất ức về nỗi gì chứ? Người đã đùm bọc nuôi nấng chị ta từ thuở thơ dại, rồi lớn lên cho ăn học nên người, vậy mà suốt thời gian bà Trịnh Văn đau yếu không thấy chị ta bén mảng đến dù chỉ vài ngày. Thế mà giờ nầy chị ta làm ra vẻ như đau đớn lắm! Với cái gia tài kéch xù của bà Trịnh Văn thì dù chị ta có khóc đến chảy máu con mắt cũng chưa xứng. Huống hồ chỉ khóc vài giờ. Đại loại, mọi người trong đám chẳng ai có cái nhìn tốt đẹp về cách thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con nuôi bà Trịnh Văn.
 
 *

4- Sau khi chôn cất bà Trịnh Văn xong, tay quản đốc mời những người thân của bà Trịnh Văn cùng những nhân vật chủ chốt trong công ty tập trung nghe luật sư đọc tờ di chúc. Trong hai dãy ghế đầu dành cho thân nhân của bà Trịnh Văn người ta thấy rất nhiều người mặc tang chế, già có, trẻ có, đàn ông, đàn bà thuộc nhiều lứa tuổi họ ngồi choán hết hai dãy ghế đầu. Thường ngày thì người ta ít nghe bà Trịnh Văn nhắc đến bà con của mình, và cũng không thấy ai bà con thăm viếng trong lúc bà đau ốm. Săn sóc cho bà những ngày cuối cùng chỉ có bà giúp việc và tay quản đốc thỉnh thoảng ra vào nhà bà để trao đổi công việc. Thế mà hôm nay bà con ở đâu mà nhiều thế không biết. Chỉ người con gái của bà Trịnh Văn là không có mặt.
Có vài người mặc đồ tang đứng ra cả phía trước, vì hai dãy ghế đầu đã hết chỗ mà họ lại không chịu ngồi vào các dãy ghế sau. Có một người đàn bà kéo tay một người đàn ông hình như chồng bà ta, cố chen ra phía trước, miệng nói cho mọi người nghe để tránh chỗ cho hai vợ chồng bà: Phía sau là chỗ của mấy người bà con xa. Mình là em của chị Trịnh Văn sao lại ngồi đằng sau. 
Phía trên, tay quản đốc đứng bên cạnh ông luật sư nhìn xuống. Thấy đám khăn tang áo tang ngồi dày đặc, hắn lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán. Nhưng rồi hắn tự nhủ:
-Bọn chúng là ai, bà con như thế nào với mụ Trịnh Văn thì kệ thây chúng. Mình cứ như trong tờ di chúc mà thực hiện. Mà theo di chúc, cái công ty nầy từ nay là của mình. Ai có ý kiến gì cứ lên tòa án mà khiếu nại. Nghĩ thế nhưng hắn lại đâm ra phân vân. Đọc bản di chúc phải là luật sư, chứ không phải chức năng của hắn. Mà bản di chúc đang nằm trong túi hắn, sao sắp đến giờ đọc mà không nghe tay luật sư nầy hỏi han gì hắn cả. Hắn ghé vào tai luật sư nói nhỏ: Bản di chúc tôi đang giữ đây, ông có nên xem qua trước vài phút trước khi đọc không? 
Viên luật sư lắc đầu. 
Thế nầy là thế nào? Tay quản đốc tỏ ra bối rối. 
Viên luật sư đưa tay phác một cử chỉ yêu cầu mọi người ổn định chỗ ngồi để ông đọc tờ di chúc. Sau đó ông lấy trong cặp ra một tờ giấy. Tay quản đốc vội chặn lại và nói:
-Ông không có bản di chúc nào cả. Bản di chúc đang nằm trong tay tôi đây. Nó có đầy đủ dấu lăn tay và chữ ký của sáu người làm chứng. Đây ông hảy đọc tờ nầy đi. Hắn móc túi đưa tờ giấy mà hắn gọi là bản di chúc có dấu lăn tay của bà Trịnh Văn ra. Hắn nói xuống đám đông: Thưa bà con, đây mới là tờ di chúc của bà Trịnh Văn. Bà đã viết vào những ngày cuối cùng khi còn đang tỉnh táo. Có đầy đủ dấu lăn tay của bà và chữ ký xác nhận của các thành viên chủ chốt trong công ty, những người mà bà Trịnh Văn đã hết lòng tin tưởng và đã từng cùng bà gánh vác trọng trách đưa công ty đi lên như ngày hôm nay.
Thấy bên dưới đã bắt đầu lộn xộn. Có nhiều người đứng dậy hoa tay múa chân. Có nhiều tiếng la to: Lưu manh, lưu manh! Thủ đoạn, thủ đoạn!
Họ đang nói ai đấy nhỉ? Thấy không thể làm gì hơn được, viên luật sư nói to:
-Tôi không có khả năng để giải quyết công việc theo như lời bà Trịnh Văn phó thác, lúc bà còn sống. Vậy tôi sẽ nộp bản di chúc nầy lên tòa án để tòa phán xử. 
Nói xong viên luật sư vội bỏ tờ giấy vào cặp và bước nhanh ra cửa.
Thấy viên luật sư đã ra về, tay quản đốc mỉm cười đắc thắng, hắn phác một cử chỉ như ra lệnh:
-Mọi người im lặng để nghe tôi đọc cho rõ tờ di chúc của bà giám đốc quá cố Trịnh Văn.
Hắn chưa kịp đọc thì mọi người bỗng dạt ra với nhiều tiếng la: Công an đến, công an đến.
Tay quản đốc tái mặt khi hai thanh niên mặc trang phục công an đang tiến tới trước mặt hắn. Một trong hai người nói:
-Ông quản đốc Trần Tám. Ông đã bị bắt.

 *
5- Đám tang mẹ xong, người con nuôi bà Trịnh Văn đến thăm cô giáo già, vốn là người bạn thân thiết của bà Trịnh Văn lúc bà còn sông.
Cô giáo hỏi người con nuôi của bà Trịnh Văn:
-Cô nghĩ mẹ cháu là người có lòng nhân hậu, không đến nỗi cự tuyệt tình yêu của con gái mình một cách quyết liệt như vây. Chắc trong nầy có uẩn khúc gì đây. Cháu có thể kể cho cô nghe được không. Biết đâu có người hiểu và thông cảm, thì dưới suối vàng mẹ cháu cũng nhẹ lòng.
-Dạ nếu cháu làm được một việc gì đó mà dưới suối vàng mẹ cháu yên lòng thì cháu cũng sẵn sàng. Cô nói vậy thì cháu xin kể rành rọt để cô nghe. Chuyện cháu yêu anh Thành, chồng cháu bây giờ thì mẹ cháu biết. Mẹ cháu hỏi về xuất thân của anh ấy. Cháu kể thật. Cha mẹ anh ấy chết sớm, phải ở với vợ chồng người chị ruột. Mặc dầu nhà người chị ruột cũng nghèo nhưng vẫn nuôi cho anh ăn học. Nhưng số anh ấy khổ, ngày anh ấy có giấy báo đậu vào Đại học thì người anh rể bị tai nạn, mấy ngày sau đó thì người anh chết. Vậy là anh ấy phải bỏ học đi làm thợ hồ giúp chị nuôi hai đứa cháu. 
-Làm sao cháu quen anh ấy?
-Anh ấy là thợ chính trong đám thợ xây nhà kho B3 của công ty mẹ cháu. Anh ấy ra vào công ty rồi chúng cháu quen nhau.
-Cháu có kể thật cho mẹ cháu biết về hoàn cảnh người mà cháu yêu không?
-Dạ có. Lúc đó mẹ cháu gật đầu làm thinh. Một lát mẹ cháu lại hỏi:
-Con là con của một bà đại gia có trong tay hằng trăm tỷ đồng. Điều đó nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến tương lai của con đấy con ạ.
-Dạ xin lỗi mẹ, nhưng trong tình yêu, con nghĩ…
Mẹ cháu cướp lời:
-Trong tình yêu thì tiền bạc không quan trọng chứ gì, có phải ý con vậy không?
-Dạ không phải. Tiền bạc thì lúc nào cũng quan trọng cả. N hưng khi đã thương yêu nhau…
-Thôi mẹ nói thẳng ra với con có ý nầy. Ai cũng biết, tương lai con sẽ là chủ của một cơ ngơi, không phải là quá lớn, nhưng cũng không phải nhỏ. Có hằng trăm cặp mắt của hằng trăm thằng con trai nhòm ngó vào. Tất cả bọn chúng đều muốn mở tung cánh cửa để bước vào ngôi nhà nầy bằng cái chìa khóa Anh yêu em. Mẹ nói vậy thì con hiểu rồi chứ gì.
-Dạ con hiểu. Nhưng anh ấy không thuộc hạng người mà mẹ lo. Anh ấy yêu con thực lòng.
-Yêu con thực lòng? Không phải đấy là chiếc chìa khóa mà cậu ta đã khéo trau chuốt đấy chứ?
 Cháu cười và nói với mẹ cháu:
-Dạ không đâu mẹ. Con hiểu lòng anh ấy.
-Làm cách nào mà con hiểu được lòng cậu ta?
-Dạ có một lần con nói rằng mẹ chỉ chọn những chàng rể xứng đôi vừa lứa với con của mẹ thôi. Mẹ không chấp nhận mối tình của chúng ta đâu.
Mẹ cháu hỏi:
-Con nói vậy thì anh ta bảo sao?
Thấy cháu ngấp ngừng, mẹ thúc:
-Anh ta nói sao?
-Dạ anh ấy bảo nếu mẹ không bằng lòng thì con trốn theo anh ta.
-Trốn theo anh ta?
 Mẹ cháu tròn mắt nhìn cháu. Rồi tỏ vẻ giận dữ nói:
-Thì cô nghe lời anh ta mà trốn đi, sao còn ngồi đây mà kể với tôi điều ấy?
Cháu quýnh quáng xin lỗi mẹ cháu và nói rằng cái ý nghĩ đó không bao giờ có trong đầu cháu. Dù cháu có yêu anh ấy bao nhiêu đi nữa khi mà mẹ không bằng lòng thì cũng đành cắt đứt thôi.
Cháu không ngờ, câu chuyện cháu kể đã làm cho mẹ cháu buồn. Mẹ đã chấm dứt cuộc trò chuyện rồi thở dài và bỏ đi làm việc.
Cô giáo già hỏi:
-Từ đó mẹ cháu không nói với cháu một lời nào nữa? Và như thế là cháu đã bỏ nhà trốn theo anh ấy. Phải vậy không?
-Dạ không phải vậy. Những ngày sau đó cháu thấy vẻ mặt mẹ cháu buồn lắm. Đi làm về mẹ cháu ít khi cười nói như mọi hôm. Có một lần vô tình cháu thấy mẹ cháu đứng trên lan can một mình, trông mẹ buồn hiu hắt. Mẹ cháu ít khi thể hiện nội tâm ra bên ngoài như vậy. Cháu đã hết lời xin lỗi mẹ cháu. Và giải thích cho mẹ cháu hiểu rằng đó là ý kiến anh ấy chứ cháu không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ mẹ để theo người yêu. Cháu còn giải thích để mẹ hiểu rằng qua sự việc đó chứng tỏ anh ấy yêu cháu thực lòng. Rồi cháu nói đùa: Anh ấy đã nói như vậy chứng tỏ anh không phải loại người rắp tâm dùng chiếc chìa khóa như mẹ nói đâu. Và lúc đó mẹ cháu đã cười. Sau gần nửa thàng mới thấy mẹ cháu cười. Và cháu đã hết sức bất ngờ trước câu nói của mẹ:
-Nếu mẹ bằng lòng để con ra đi theo anh ta thì con nghĩ thế nào?
Cháu nghĩ mẹ thử lòng mình nên nói:
-Con đã nói, con không thể rời xa mẹ.
Mẹ cháu lắc đầu:
-Trách nhiệm của mẹ đối với mẹ đẻ của con đến đây là xong. Bây giờ con đã đủ lông đủ cánh. Con phải tự tạo một cuộc sống cho riêng mình. Mẹ bằng lòng để con theo anh ấy nếu con thấy điều đó sẽ đem lại hạnh phúc cho con. 
Cháu thấy hình như cái cơ hội tốt đã đến với cháu. Cháu ôm choàng lấy mẹ:
-Vậy thì tại sao mẹ không bằng lòng cho con lấy anh ấy mà con vẫn là con của mẹ trong nhà nầy?
 Giọng mẹ cháu dứt khoát: -Điều đó không bao giờ xẩy ra ở trong ngôi nhà nầy. Vì sao thì sau nầy con sẽ hiểu. Thôi đã đến nước nầy thì mẹ nói thẳng. Con được tự do lựa chọn một trong hai điều: Nếu ở lại đây với mẹ thì con chỉ biết có một công việc duy nhất đồng thời cũng là trách nhiệm, đó là phải làm chủ cái công ty nầy, phải đưa cái công ty nầy ngày một giàu có hơn, với bất cứ giá nào. Vì nó là sự nghiệp, là tương lai của con. Còn con đường thứ hai là rời bỏ nơi nầy mà đi tìm hạnh phúc riêng theo cách của mình.
Cháu nghĩ mẹ cháu đã từ rẫy cháu. Mẹ đã nói thẳng là mẹ nuôi cháu vì trách nhiệm thôi chứ không phải do tình yêu thương. Vậy thì chẳng còn gì để nói nữa. Nhưng nghĩ đến xa mẹ lòng cháu lại quặn thắt. Mẹ nghĩ sao về cháu thì cháu không biết, nhưng với cháu thì mẹ chẳng khác gì người mẹ đã sinh ra cháu. Cháu đã lớn lên trong sự đùm bọc cưu mang của mẹ từ thuở lên năm! Và cháu đã bật khóc, thốt lên:
-Sao mẹ cay nghiệt với con vậy! 
-Vậy mà bảo mẹ cay nghiệt, là cay nghiệt sao? Con được tự do lựa chọn kia mà. Trước khi lựa chọn, mẹ chỉ khuyên một điều: Con người ta sinh ra ở đời chỉ có một lần. Hãy chọn lấy một cuộc sống mà mình thấy hạnh phúc. Mẹ không ép con. Mẹ để cho con suy nghĩ ba ngày rồi trả lời với mẹ. 
 Nói xong mẹ cháu bỏ đi. Cô biết không? Ba ngày sau đó con khóc hết nước mắt. Chẳng thà mẹ cháu dứt khoát cấm không cho cháu được lấy anh ấy. Đằng nầy mẹ cháu lại cho cháu cái quyền được lấy anh ấy theo điều kiện của mẹ. Mà điều kiện ấy thì cháu không thể làm được. Sau ba ngày cháu vẫn không trả lời với mẹ. Cháu đi gặp anh ấy. Anh bảo: Em được hoàn toàn tự do lựa chọn rồi còn hỏi ý anh làm gì. Nếu em còn yêu cái khối gia tài đồ sộ ấy thì em cứ ở lại với bà Trịnh Văn đi. Anh cứ tưởng em muốn theo anh nhưng bà ấy ngăn cấm.
-Nhưng bỏ mẹ em để ra đi thì em không đành. Thôi để em năn nỉ mẹ, tác hợp cho chúng ta một lần nữa xem sao.
 Nhưng anh ấy nói:
-Mẹ em đã đánh giá anh như vậy thì em nghĩ anh là hạng người gì mà còn tìm cách ở lại trong ngôi nhà của bà ấy. Bà Trịnh Văn nói vậy mà đúng đấy. Hoặc em ở lại giúp bà ấy quản lý cái núi tiền của bà, để sau nầy làm chủ nó, hoặc theo anh. Vậy thôi.
-Cuối cùng cháu đã chọn cách thứ hai? 
-Dạ. Cháu không can đảm nói với mẹ cháu. Cháu chỉ viết thư để lại và hứa thỉnh thoảng sẽ về thăm mẹ. 
-Vậy thì sao cháu không về thăm mẹ cháu, nhất là thời gian bà ấy ốm đau.
-Dạ cháu có về, nhưng mẹ cháu bảo từ nay cháu không được tự tiện đến thăm mẹ. Khi nào cần thì mẹ nhắn tin. Nhưng mẹ cháu đau và mất quá nhanh, cháu đã không nhận được một tin nhắn nào của mẹ. Khi được tin mẹ đau nặng, cháu lập tức về thăm mẹ. Nhưng mẹ cháu đã ra đi. 
-Ai báo tin mẹ cháu đau?
-Dạ dì giúp việc cho mẹ cháu.
-Ra vậy. Bà giáo lại thở ra, rồi hỏi:
-Khi gặp cháu thì bà giúp việc của mẹ cháu có nói gì không? Mẹ cháu có nhắn nhủ lại điều gì không?
-Dì ấy nói mẹ cháu dặn, lúc cháu về nhà thì gặp ông luật sư để nhận lại tờ di chúc của mẹ cháu. 
-Sao vào hôm luật sư đọc di chúc không thấy mặt cháu?
-Dạ cháu nghĩ mình không xứng đáng có phần trong đó. Không săn sóc mẹ được một giờ mà đòi chia gia tài của mẹ. Cô nghĩ cháu có phải là con người nữa không?
Nói đến đây thì người con gái của bà Trịnh Văn bật khóc.
Cô giáo già trầm ngâm một lát rồi nói:
-Cô đã hiểu tất cả. Cháu đừng buồn làm gì. Cháu đã quyết định bỏ lại cái gia sản lớn lao để đi theo tình yêu, đó là một quyết định tốt đẹp đấy chau ạ. Cô nghĩ đó cũng là ý nguyện của mẹ cháu đấy. Ở dưới suối vàng chắc mẹ cháu cũng mừng. Cháu nên tìm gặp ông luật sư, theo tâm nguyện của mẹ cháu đi.
Vừa nói cô giáo vừa xoa đầu đứa bé. Cô giáo cười và khen:
-Ừ cháu ngoại của bà Trịnh Văn khôi ngô dễ thương quá. Vậy mà không đưa ba cháu cùng đến thăm bà cho vui.
Vừa nói đến đó thì đứa con trai của cô giáo đi làm về, anh ta chào mẹ và người đàn trẻ mà anh thấy quen quen nhưng chưa nhận ra. Anh nói với mẹ:
-Mẹ đã biết chưa? Tay quản đốc công ty Trịnh Văn bị bắt vì bị nghi có liên quan đến cái chết của bà Trịnh Văn đấy mẹ ạ. Và bản di chúc của bà Trịnh Văn trong tay hắn, theo luật sư bảo là không có giá trị. Bởi văn bản đó dù có dấu lăn tay của bà Trịnh Văn nhưng đánh máy bằng vi tính. Điều nầy chứng tỏ nó được lập ra trong thời gian bà Trịnh Văn bị liệt, đầu óc bà không còn minh mẫn. Còn cái tờ di chúc do chính tay bà ấy viết trong lúc bà còn sáng suốt, hiện đang nằm trong tay viên luật sư, một người thân tín của bà Trịnh Văn.
Cái tin ấy không làm cô giáo già ngạc nhiên lắm. Cô giáo gật đầu như mình đã có nghe, hay ít ra cũng đã hiểu hết sự việc rồi. Cô giáo già nhìn ra cửa, vẫn vẻ tư lự. Một lát cô quay lại nhìn người con gái bà Trịnh Văn, nói:
-Qua sự việc diễn ra hôm nay và những gì cháu kể, cô đã hiểu ngọn ngành câu chuyện. Bà Trịnh Văn mẹ cháu, sở dĩ không muốn cháu ở lại trong nhà, không phải vì giận cháu như cháu nghĩ. Mẹ cháu muốn cháu thoát ra khỏi cuộc tranh chấp soán đoạt tài sản đang âm thầm diễn ra trong công ty bà. Nếu ở lại trong nhà thì cháu là người thừa kế của bà Trịnh Văn và như thế cháu sẽ là mục tiêu triệt hạ của những âm mưu cướp đoạt đó. Mẹ cháu muốn cháu có một cuộc sống yên bình hạnh phúc. Mục đích của bà chỉ chừng đó.
-Mẹ!
 Người con gái của bà Trịnh Văn ôm đứa con vào lòng rồi gục đầu xuống bàn khóc nức nở.
 
 NBT 
ĐANG ONLINE: 4 NGƯỜI