Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Sự hối hận


Có tiếng dép lê lác xác ngoài hành lang. Hắn giật mình tỉnh giấc. Cái giấc ngủ bắt đầu chập chờn từ hai giờ sáng trở đi đã thành nếp. Hắn không thể nào ngủ ngon từ giờ giấc ấy. Giờ mà các phạm nhân tử hình bị dẫn đi trả án. Do vậy không có đồng hồ nhưng khi tỉnh giấc hắn vẫn biết lúc đó là hai giờ sáng. Nghe có tiếng dép là biết có người đi trả án. Tiếng dép quen thuộc của người quản giáo đến mở cửa buồng giam ai đó. Âm thanh báo trước cái chết không có vẻ gì là ghê gớm. Không gầm rú như tiếng máy bay oanh tạc, không nổ đinh tai điếc óc như tiếng đạn bom. Nó lác xác rất nhẹ nhưng thật ghê gớm. Cái ghê gớm được tăng lên gấp bội bởi vẻ yên tỉnh của đêm tối và vẻ rón rén của tiếng bước chân người quản giáo. Nó êm như tiếng rắn trườn trên cỏ khô. Và cũng yên tĩnh như cú mổ chính xác của con rắn độc. Cái khác ở đây là con người ý thức được mình sắp chết. Thế mới đáng sợ! Hắn chống hai tay xuống nền phòng giam, nửa như nằm sấp, nửa như bò lê. Như muốn bấu víu vào mặt đất không cho ai kéo đi. Kể từ lúc hắn tỉnh giấc và phát hiện ra tiếng dép, cũng khá lâu, nhưng sao chưa nghe tiếng dép dừng lại trước phòng hắn? Tiếng dép đã đi qua khỏi phòng. Hắn buông hai tay nằm ẹp xuống mặt đất thở hổn hển, hít lấy hít để như ai đó vừa bóp mũi hắn đến lúc hắn sắp chết ngạt lại buông ra. Hắn nghe dưới háng đẫm ướt một cảm giác âm ấm. Hắn để mặc vậy và nằm sấp bất động cho đến sáng. Không, hắn chỉ nhớ lại vậy thôi, đó là những tháng đầu, hắn bị tống vào đây sau khi hắn bị tòa kết án tử.Tình trạng đó kéo dài cũng gần một năm. Giờ thì hắn đã bình tĩnh hơn so với lúc mới vào. Nhưng cứ đến hai giờ sáng thì hắn lại vẫn thức giấc. Vẫn thỉnh thoảng nghe tiếng chân lác xác bên ngoài hành lang. Nhưng hắn không còn són đái trong quần như trước đây nữa. Những lúc như thế hắn tìm quanh bộ áo quần trắng sạch sẽ mà mẹ hắn đã đưa vào cho hắn- Trước lúc ra đi con phải ăn mặc sạch sẽ nghe con. Cả tâm hồn nữa con ạ. Những gì bụi bặm ô uế trên cõi đời nầy con đừng mang theo. Sang bên ấy con phải được sạch sẽ. Phải làm lại hết từ đầu con nhé. Mẹ hắn đã dặn hắn như vậy. Lúc vào thăm bà mang cho hắn một bộ áo quần trắng toát mới tinh, để hắn mang trong ngày trả án. Lúc đầu ban quản giáo không cho hắn mang vào phòng. Họ giữ giúp cho hắn và hứa khi nào cần họ sẽ giao. Nhưng dần dà thấy hắn là người không có ý trốn luật pháp, nghĩa là không có ý định tìm một cái chết ngoài quy định của pháp luật, nên người ta cho hắn mang vào phòng thứ tài sản cuối cùng mà mẹ hắn dành cho. Hằn vẫn gói kỹ trong lớp bao nilon gối trên đầu. Và mỗi đêm nghe tiếng bước chân của quản giáo bên ngoài hành lang là hắn vội quờ quạng tìm gói áo quần mới.Vuốt mái tóc lại cho gọn gàng. Nhổ nước bọt vào lòng bàn tay để rửa hết ghèn trên mắt. Hắn muốn thật tỉnh táo sáng suốt. Hắn làm theo lời mẹ hắn dặn -Trước khi chết mà tỉnh táo thì linh hồn con người cũng sáng ra con ạ. Qua bên kia con nhất định phải tỉnh táo sáng suốt. Con sẽ không phải mắc lại những sai lầm như hôm nay nữa. Hắn đã làm tất cả những gì mẹ hắn khuyên. Dù rằng qua bên kia thế nào thì hắn không tin lắm. Nhìn lên phía trên cửa phòng giam, mấy lỗ thông gió hiện ra lờ mờ. Trời bắt đầu sáng. Vậy là hắn còn sống ít ra thêm một ngày nữa. Phạm nhân không đi trả án ban ngày. Người ta quan niệm những gì xấu xa chỉ được xẩy ra trong bóng tối. Không nên để những điều xấu kéo dài thêm một ngày. Theo thói quen, hắn tiến về phía vách của phòng giam, nơi hắn vẫn nằm sát ở đó, gõ gõ mu bàn tay lên vách. Có một tiếng gõ lại phía bên kia. Hắn gõ thêm hai tiếng tiếp nhau. Có tiếng gõ lại tương tự như thế. Điều đó có nghĩa là người nữ tử tù bên kia vách còn sống và vẫn bình yên, ít nhất là đến giây phúy đó. Như những đứa trẻ bắt đầu biết nói và bắt đầu hiểu được ý nghĩa tiếng mẹ đẻ bằng những ngôn từ đơn giản được lập đi lập lại nhiều lần. Sau hơn một năm ngồi chờ trả án, hắn cũng đã bắt đầu trao đổi được với người bên kia vách bằng những cái gõ mu bàn tay vào tường. Hắn hiểu được người bên kia vách đang nói gì với hắn. Còn phía vách bên kia tử tù là một người đàn bà thì hắn biết từ khi quản giáo dẫn người nầy vào phòng giam cạnh phòng hắn. Đó là một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi hoặc nhỏ hơn một chút. Vẻ mặt không có gì đặc biệt ngoài nét đau khổ. Bây giờ thì hắn biết về người đó nhiều hơn. Người đàn bà có hai con và không có chồng. Cách gõ ấy thì chỉ biết bà ta không chồng. Nhưng lí do thì không biết được. Có thể chồng bà ta chết hoặc hai người đã bỏ nhau. Khi anh hỏi về lí do sao bà ta vào ngồi tù và bị lãnh án cao như vậy thì bà ta trả lời là bà ta ức lắm. Cái ức của bà được thể hiện bằng những cú đấm cực mạnh và dồn dập vào vách tường khi nghe hắn hỏi. Có lẽ trước tòa, phạm nhân nào cũng cho mình bị oan.Thường những lời kêu oan như thế chẳng làm biến cong thành thẳng các bằng chứng phạm tội. Nhưng những cú đấm dồn dập đầy phẫn nộ của bà tử tù nầy vào vách tường thì rõ ràng những bằng chứng để kết án bà ta có cái gì đó cần xem xét lại. Nhưng có ai đi nghe và tìm hiểu những tiếng đấm thình thịch vào vách tường kia của bà ta. Cũng như hắn. Hắn cũng thấy ức khi bị kết án tử, nhưng làm thế nào để bào chữa trước những bằng chứng buộc tội hắn đã rành rành. Bằng cách gõ như thế, hắn hỏi người đàn bà bên kia vách:

 -Chị vẫn khỏe chứ

 -Bình thường

 -Chị biết sáng nay người của phòng nào bị đưa đi trả án không?

 -Người cạnh phòng tôi.

Vậy là hắn hiểu người đó ở vách kia, cũng sát với phòng giam người đàn bà. Hắn hỏi tiếp:

 -Mấy hôm nay có ai đến thăm chị không?

 -Không

Bà ta cũng hỏi lại ngần ấy câu. Nhưng hắn thì có mẹ đến thăm. Mẹ hắn vẫn đến thăm vào những thời điểm quy định. Mẹ hắn là người thứ hai ngoài hắn, nghĩ rằng tội hắn không đáng chết. Nhưng cũng như hắn người mẹ không thể thay đổi các bằng chứng và bà cũng không bẻ cong được luật pháp.

 Câu chuyện giũa hai người chấm dứt khi có tiếng lách cách mở khóa phòng. Hắn được dẫn đi vệ sinh. Hắn nhìn phòng giam cách hắn một phòng, cửa vẫn đóng thin thít .Người tử tù trong phòng ấy đã đi trả án dêm rồi. Khi đi vệ sinh về hắn thấy một nữ quản giáo đang đưa người nữ tù cạnh phòng hắn đi ra khỏi phòng giam. Hắn nhìn khoảng sân nắng sáng rực rỡ. Mấy bụi dâm bụt cuối hành lang khoe sắc đỏ thắm. Nơi đó là sân tiễn biệt. Chính nơi nầy người tử tù sẽ bị bịt mắt dẫn độ lên xe đưa ra pháp trường. Đoạn đường từ nhà tù ra sân bắn không xa lắm. Sân bắn là nơi tận cùng của con đường. Người tử tù đến đây thì không thể đi xa hơn nữa mà cũng không còn quay lại được nữa. Sân tiễn biệt sáng nay rực rỡ ánh bình minh. Những con bướm bay tung tăng trong nắng sớm. Gió sáng mai dìu dịu mát. Bầu trời thì cao vút, trong xanh đến lạ. Hắn buột miệng -Nắng đẹp quá. Người quản giáo nhìn hắn mỉm cười.

 -Bây giờ là mùa gì cậu biết không?

-Sao không biết, mùa xuân. Mà sao hồi nhỏ đến giờ cháu chưa lúc nào thấy nắng có màu lạ lùng thế nầy.

-Lạ nghĩa là sao? Người quản giáo hỏi, nhưng ông cũng hiểu và giải thích với hắn -Nắng bao giờ cũng vậy thôi. Có lẽ cậu ngồi trong phòng tối lâu ngày thành ra khi thấy nắng nó hoa lên như vậy. Hắn làm thinh. Có lẽ thế. Dù sao hắn cũng thấy nắng đẹp. Một cảm nhận mà hắn chưa từng có trước đây. Hắn bước vào phòng giam. Cánh cửa xà lim lại khóa chặt. Hắn nghe có tiếng gõ bên vách. Người nữ tử tù đã trở lại và đang muốn nói chuyện với hắn. Hắn đến vách và bắt đầu gõ.

 Người quản giáo già sau khi đưa tên tử tù trẻ vào phòng giam khóa lại, ông trở về vị trí qui định của mình. Ông nghĩ đến tên tử tù trẻ vừa nói chuyện với ông trong mấy phút khi ông dẫn hắn ta đi vệ sinh. Ông cũng đã từng có nhiều lần trò chuyện với hắn những lúc như thế. Tất cả những gì xẩy ra trong phòng giam, kể cả những điều hắn nghĩ, tên tử tù trẻ khi có dịp đều tâm sự với ông. Trong đời, ông đã từng làm bạn với rất nhiều người trước những giờ phút họ sắp trả món nợ mà không có gì thế được ngoài sinh mạng của họ. Trong những giờ nầy, không một ai mà không tỏ ra ân hận nuối tiếc. Không ai mà không tha thiết được sống thêm một thời gian nữa, dù chỉ vài giờ. Và không ai không hy vọng rằng biết đâu có một phép lạ nào đó họ lại được cải tử hoàn sanh! Và ai cũng tâm niệm, giá như mà được giảm án để được sống sót thì họ sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm được cho cuộc đời nầy. Nhưng con người ta thường chỉ biết nghĩ đến điều đó khi mọi chuyện không còn có thể. Trước nỗi lòng ân hận và tha thiết muốn sống của họ, ông chỉ làm được một việc là an ủi họ.- Hãy để lòng thanh thản mà ra đi. Kiếp sau gắng làm người cho xứng đáng. Ông nói với những người tù như vậy mỗi lần ông dẫn họ đi vệ sinh. Tất cả đều cảm ơn ông và họ đều hứa với ông sẽ gắng làm được như vậy. Khuyên họ thế nhưng lòng ông cũng chẳng thấy thanh thản chút nào. Con người ta chỉ sống một kiếp nầy thôi. Nếu không được gì, thế có nghĩa là hết. Mỗi khi ông nghe xa xa từ phía pháp trường có một loạt đạn, lòng ông lại đau nhói. Ông thấy như mình vừa đánh lừa họ. Người ta bắt họ vào đây cũng nhân danh đạo đức. Ông ghì sát bên họ không rời nửa bước, cũng nhân danh đạo đức. Ông khuyên nhủ họ bình tâm chấp nhận cài chết, cũng nhân danh đạo đức. Cái chết của họ có thực sự cảnh tỉnh những người khác bỏ cái ác để quay về cái thiện không:? Những loạt đạn ông vẫn từng nghe xa xa vọng lại từ pháp trường không hề giảm, vì số người bị kết án tử hình có giảm đi chút nào đâu. Điều nầy có nghĩa là thế nào! Dưới chế độ Phong kiến, lớp thống trị cũng tìm mọi cách trừng trị những kẻ bạo loạn gây rối trật tự xã hội, khuynh đảo vị thế quyền uy của tầng lớp mình, bằng cách nghĩ ra những hình phạt cực kỳ dã man như xử giảo, lăng trì, tứ mã phanh thây…Nhưng có phải vì thế mà giai cấp của họ được tồn tại bền vững hoài đâu. Và những câu chuyện ông biết được từ những tử tù tâm sự trong suốt quãng đời làm nghề quản giáo của mình , ông nhận ra một điều có vẻ như là nghịch lí. Những kẻ gây án không hề nghĩ rằng mình đang làm cái việc mà luật pháp sẽ kết án tử hình. Dù rằng điều nầy lúc tỉnh táo, hẳn họ thừa biết. Do vậy mà nhiều người khi bị kết án tử họ cảm thấy mình bị xử quá nặng. Họ thấy mình bị xử ức thực sự chứ không phải kêu ca để thoát tội chết như một số người khác. Dù rằng chứng cứ buộc tội đã rành rành và chiếu theo điều luật thì họ chẳng còn chối cãi vào đâu. Điều đó là sao vậy!

 Đang nghĩ ngợi mông lung ông quản giáo già chơt nhìn ra sân trại.Cái nắng mùa xuân mà hôm qua tên tử tù trẻ thốt lên là đẹp quá, giờ ông lại thấy có một vẻ gì thê lương. Có một chút gì đó không thực. Những con bướm bay lượn trên những bông hoa bụp đỏ chói như màu máu. Những bông hoa bụp nầy, cùng những con bướm ngũ sắc bay lượn nhởn nhơ kia đang cố đem lại một vẻ đẹp bình yên hạnh phúc của mùa xuân ngay trên chính khoảng sân tiễn biệt. Chúng không khác gì những loạt đạn trên pháp trường đang cố tạo nên trong lòng mọi người một cảm giác bình yên để tiếp tục sống những ngày hạnh phúc khi nghĩ rằng trên mặt đất đang mất dần những kẻ chuyên gây tội ác. Rồi ông lại nghĩ. Thôi nghĩ gì cho mệt. Luật pháp cũng nhằm bảo vệ sự bình an cho con người. Bảo vệ sự công bằng cho con người. Mà ở đời có cái gì là chân, là thiện, là mỹ tuyệt đối đâu.

 Nghĩ quanh nghĩ quẩn một đỗi rồi ông lại nghĩ đến tên tử tù trẻ nọ. Ông cũng lấy làm lạ, sao ông nghĩ về hắn hơi nhiều. Những người khác ở trại ông chỉ động viên an ủi họ rồi thôi. Lúc về nhà ông không nghĩ đến họ nữa. Cứ nghĩ về những người tử tù chắc ông phải chết sớm trước họ. Cứ chấp nhận cái công lí ấy, có khi cũng bất nhân, nhưng làm sao được. Có làm có chịu. Nhưng cái gã thanh niên nầy khiến ông cứ nghĩ mãi về hắn. Cả lúc ở nhà cũng vậy.

Một trong những nguyên nhân, có lẽ là vẻ bề ngoài của hắn ta, vẻ mặt hiền lành và luôn đăm chiêu

. Nhìn dáng dấp cũng như cách ăn nói của hắn, không ai nghĩ đó là người từng gây ra trọng án. Một bận hắn nhờ ông mua cho hắn một xấp giấy trắng và một cây bút bi. Ông nói, giấy thì được, nhưng bút bi thì không được. Hắn bảo không thì một cây bút chì. Cũng không được.Tuyệt đối không đưa vào phòng giam các vật nhọn. Chắc hắn muốn viết nhật ký hay một điều gì đó, nhưng yêu cầu không được nên hắn thôi.

Có một buổi sáng cũng trong một lần dẫn đi vệ sinh, hắn đã hỏi ông:

-Bác làm cái nghề nầy bao lâu rồi?

-Tính đến năm nầy nữa, tôi chuyển qua đây đã được mười lăm năm.

-Nếu không có lòng thương người hẳn không làm được cái nghề nầy phải không bác.

-Cũng không rõ nữa. Nhưng dù sao nhìn các phạm nhân tôi cũng động lòng. Nói đến đó ông quản giáo vội nói tránh đi không muốn cho tên tử tù biết rõ cái tình cảm trong lòng mình:

-Chúng tôi cũng chỉ làm tròn trách nhiệm và chức năng của một người quản giáo. Nghề nào cũng vậy thôi. Phải làm tròn bổn phận của mình.

Hăn lại hỏi:

-Bác không thấy căm ghét những tay đã từng gây ra tội ác như bọn cháu sao?

-Tất nhiên là có. Nhưng khi các anh đã biết ăn năn hối cãi thì khác.

-Vậy sao khi phạm nhân đã biết ăn năn hối cãi mà nhà nước không tạo cho họ một lần cuối cùng để làm người trở lại?

Hắn nói -Làm người trên cõi đời nầy mới có ý nghĩa. Còn sang bên kia cố gắng để thành người tốt như mẹ cháu nói thì còn ý nghĩa gì.

-Đây là sự công bằng. Phạm nhân không đền tội thì trật tự xã hội nầy sẽ như thế nào? Cha mẹ của người bị hại sẽ thấy thế nào? Họ sống làm sao khi thấy kẻ phạm tội cứ nhởn nhơ trước mắt họ?

Gã tử tù làm thinh, hắn nhìn xuống cái còng số tám màu trắng bạc đang khóa chặt đôi cổ tay, hắn chậm rãi bước đi.

Được mấy bước hắn lại ngảnh cổ nhìn ông quản giáo. Hắn hỏi:

-Ý cháu không phải nói rằng buông tha cho những tay phạm tội như chúng cháu. Nhưng nên cho chúng cháu có một thời gian để suy nghĩ. Tất nhiên không phải suy nghĩ về việc làm củả mình. Cái đó chẳng có gì phải suy nghĩ nữa. Nghĩ là chúng cháu sẽ làm được cái gì cho cuộc đời nầy trước khi đền tội. Lúc đó, có chết chúng cháu cũng đã có một khoảng thời gian để làm người.

Thời gian đó là bao lâu? Và liệu qua thời gian đó hắn ta có nên người không? Rồi ai sẽ phán xét trở lại? Ông quản giáo già không hỏi người tử tù trẻ, ông chỉ tự hỏi như vậy. Rồi ông nghĩ, nói vậy chẳng lẽ chính tòa án đã kết án tử rồi cũng chính tòa án đó lại tha bổng ư? Làm như vậy chi bằng xóa bỏ luôn cái án tử hình cho xong. Mà sao lại không xóa bỏ được cái án cay nghiệt đó nhỉ ? Trên thế giới thiếu gì nước không có án tử hình, mà có phải vì thế mà xã hội họ loạn lên cả đâu. Ông quản giáo già lại thấy tự mình mâu thuẩn. Và ông hiểu do đâu ông lại cứ nghĩ quanh quẩn như vậy.

.

Đến lượt người quản giáo im lặng. Đi một đoạn ngắn chợt ông hỏi người tử tù trẻ:

-Cậu nói ra những điều nầy làm gì khi cậu không còn cơ hội, mà tôi lại là người có nghe cũng như không thôi.

-Chẳng để làm gì cả. Nhưng nói ra được với bác điều như vậy cháu cũng thấy nhẹ bớt trong lòng. Những điều mình mơ ước mà không thực hiện được, đem ra giải bày cùng người khác đôi khi thấy cũng dễ chịu. Cảm ơn bác đã chịu trò chuyện với cháu. Mỗi ngày được mấy phút như thế nầy cũng là một đặc ân bác dành cho cháu rồi.

Những lời nói của tên tử tù đã lay động tận sâu xa tấm lòng của người quản giáo già.

. Ông hỏi người tử tù trẻ:

- Trước khi ra đi, cậu có yêu cầu tôi làm giúp một việc gì đó cho cậu không? Tất nhiên là trong phạm vi luật pháp cho phép.

-Cảm ơn bác. Bác đã hỏi thì cháu xin nhờ bác giúp điều nầy, không biết bác có vui lòng không.

-Cậu cứ đề xuất, như tôi đã nói , miễn là không vi phạm luật pháp.

-Cháu nhờ bác ghi lại điều mong muốn tha thiết của cháu, và những gì cháu từng trao đổi chuyện trò với bác trong thời gian cháu nằm chờ ngày trả án. Sau nầy bác nhờ ai đó viết văn hay, họ dựng thành một câu chuyện. Cháu mong rằng câu chuyện ấy sẽ đến được tay một người đọc và người ấy sẽ hiểu được cháu.

-Điều nầy thì chắc tôi không giúp được cậu.

-Chuyện nầy có liên quan gì đến luật pháp đâu.

-Không phải. Tôi nghĩ sẽ không ai chấp nhận cách suy nghĩ của cậu. Do vậy mà không ai nhọc công viết một câu chuyện khi biết rằng người đọc sẽ không chấp nhận.

Người tử tù không nói gì . Trước khi cánh cửa xà lim khép lại hắn ngoái cổ chào ông quản giáo già

 Ba tháng, sau buổi trò chuyện ấy, người tử tù trẻ đi trả án. Tất nhiên điều mong muốn của hắn dù tốt đẹp đến mấy cũng không ai cho hắn cơ hội để thực hiện. Người quản giáo già nhớ lời yêu cầu của hắn, dù lúc đó ông không hứa. Ông đem câu chuyện ấy nói với thằng cháu đang là luật sư. Thằng cháu nghe xong nhìn ông nói:

-Cháu nghĩ, không ai cảm thông với sự hối hận của những người sắp phải đền tội cả.

-Bác lại không nghĩ vậy. Con người ta sống ở đời, sự hối hận nào ta cũng cần phải cảm thông cả cháu ạ.

NBT
ĐANG ONLINE: 3 NGƯỜI