Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Sự an nghi cuối cùng


Huệ là cô thôn nữ hiền lành, khá xinh. Thanh niên trong làng ai cũng thích Huệ nhưng không ai dám lui tới nhà Huệ vì sợ tính ông Luống, cha của Huệ.

 Ông Luống là người giàu có nhất vùng. Ông có ba người con. Người con gái đầu, đến cậu con trai giữa. Huệ là gái út. Tiền của, của ông Luống đúng là được tạo dựng từ mồ hôi nước mắt của những thành viên trong gia đình ông. Khi mới đến lập nghiệp ở xứ chè mít nầy, gia đình ông rất nghèo. Người dân ở đây còn nhớ ngày gia đình ông mới tới, bầu cọ chỉ có mấy cái cuốc xẻng cùng nồi niêu son chảo và mấy bao gạo. Hai quả bầu khô được moi rỗng ruột dùng để chứa nước uống. Nói chung tài sản họ mang theo chẳng có gì đáng giá ngoài đồ dùng lao động và những thứ vặt vãnh hằng ngày. Gia đình ông đến cắm dù che lán ở triền một sườn núi trọc. Buổi đầu thì người dân địa phương cũng có chú ý đến những sinh hoạt và cách làm ăn của gia đình ông. Nhưng rồi dần dần cũng chẳng ai chú ý khi biết gia đình ông đang khai phá vùng đồi trọc để trồng cây chè. Chè và mit là hai thứ cây gần như thâm canh từ đời nầy sang đời khác của người dân ở đây. Vì vậy gia đình ông Luống đến vỡ núi trồng chè thì cũng chẳng có gì lạ. Nhưng người ta cũng không tin tưởng mấy đến hiệu quả của việc gia đình ông bỏ sức ra đầu tư ở đây. Vùng đồi trọc nầy phủ đầy một thứ đá trái. Loại đá giống như hình trái xoài tượng nằm lăn nhăn lúc nhúc chồng lên nhau. Phải nhặt cho hết lớp đá nầy mới bày đất bazan ra. Chỉ nội công việc nhặt cho hết đá để có một mẫu đất trồng chè là một kỳ công rồi. Mà muốn có chè để thu hoạch liên tục thì ít ra phải canh tác trên vài ba mẫu. Vậy công sức gia đình ông liệu canh phá đến đâu.

Một năm trôi qua, trên vùng đồi trọc mà gia đình ông Luống canh tác người ta thấy xuất hiện vài vuông đất đỏ chạch của loại đất đá bazan. Những vuông đất nầy theo ngày tháng mà rộng ra. Vài năm sau những vuông đất đỏ ấy đã bắt đầu đổi mầu thành xanh lá cây. Và những vuông đất đỏ khác lại xuất hiện. Và cứ thế không biết mấy năm, một hôm mọi người như chợt nhận ra, cả vùng đồi trọc từ muôn thuở bỗng nhiên biến thành một rừng chè bạt ngàn. Dân địa phương có người ghé đến nhà ông chơi cũng thấy sửng sốt. Như một cung điện. Một người ở gần nhà ông Luống đã mô tả như vậy khi kể lại cho người khác nghe về cơ ngơi của ông Luống. Ngôi nhà được làm bằng mít ròn vàng cháy. Những chiếc cột to đến một vòng tay người lớn ôm không xuể. Trơn láng soi có bóng. Những vì kèo chạm trỗ hình long phụng rất tỉ mỉ. Mặc dầu ngoài trời nắng chang chang nhưng khi bước vào nhà ông Luống thì nghe mát lạnh cả người. Đúng là một cung điện. Bởi ngoài vẻ bề thế mỹ quan của nó ngôi nhà được xây dựng lưng chừng triền đồi càng tăng vẻ tráng lệ. Những vuông đất trồng chè được qui hoạch rất đẹp mắt. Từ trên cao, thấp dần xuống theo từng cung bậc hài hòa. Những lối đi lát đá quanh co giữa những vườn chè, đứng từ sân nhà của ông Luống nhìn xuống, lúc ẩn lúc hiện càng làm cho cảnh quang rừng chè mênh mông bat ngát. Vào mùa chè nở, cữ tháng ba, bông chè thơm ngát. Sở dĩ tôi mô tả cái cơ ngơi to tát nầy của ông Luống một cách tỉ mỉ, không phải là dông dài, mà có nguyên do của nó. Cơ ngơi nầy được xây dựng trên mồ hôi, nước mắt của một đôi tình nhân. Trong bi kịch nầy nhân vật nữ lại là con gái của ông Luống. Chuyện con người ta vì quá tham làm giàu mà trở nên bất nghĩa là chuyện thường có. Nhưng bất nghĩa trong tình nghĩa cha con như ông Luống thì ít thấy.

Trở lại cái vườn chè của ông Luống. Được dạo bước trên những lối đi ngát hương trong vườn chè ấy thì không có gì sảng khoái tâm hồn hơn. Thế nhưng có một nghịch lí là ông Luống không có sở thích đi dạo quanh vườn mùa chè nở. Những lúc ông ra vườn là chỉ để lao động. Mà lao động nặng, như nhặt đá, cuốc đất. Ông không ngắm hoa chè nở mà chỉ tìm tòi những viên đá sót lại để nhặt. Ông không thưởng thức mùi thơm của hương hoa chè mà chỉ thích ngửi mùi hăng hắc của những con bọ rầy bị ông bóp nát trong tay. Ông Luống cũng không có bạn. Ai đến chơi, sau khi ra về là ông Luống dùng khăn lau kỳ cọ nền nhà thật kỹ. Biết vậy nên không ai muốn đến nhà ông.

Ông Luống say mê tạo dựng rẫy chè mà quên đi chuyện định vợ gã chồng cho ba người con của ông. Đứa con gái đầu năm nay đã trên ba lăm tuổi, cậu con trai, ba mốt tuổi không học hành gì. Út Huệ năm nay cũng đã hai mươi lăm tuổi.

 Không phải ông Luống quên lo chuyện định vợ gả chồng cho con cái, mà ông sợ chúng có gia đình sớm sẽ lo vun quén gia đình riêng không ai giúp ông khai phá núi trồng chè. Sau nầy khi kinh tế gia đình ông Luống khá hơn ông có nhờ vài thanh niên trong xóm đến làm thuê cho ông.Trong số đó có Tiến là thanh niên xóm trên.

 Tiến khỏe mạnh vóc dáng đẹp như chàng Vọi trong truyện Trống Mái, tính nết cũng hiền lành. Gia đình Tiến nghèo. Cha Tiến mất sớm. Tiến ở với người mẹ bệnh tật nên không được học hành. Tiến phải đi làm thuê, ai mướn gì làm đó. Kể từ ngày ông Luống đến đây khai rừng lập rẫy, thấy Tiến khỏe lại chơn chất nên ông Luống đã mướn Tiến làm công cho mình.

 Những năm tháng làm việc tại nhà ông Luống , tình cảm giữa Tiến và con gái út của chủ nhà đã nẩy nở. Tiến và Huệ yêu nhau. Có lần ông Luống nói vớiTiến không biết đùa hay thực: Mầy làm việc cho giỏi sau nầy tao gả con Huệ cho. Câu nói của ông Luống càng khiến tình cảm của Huệ và Tiến càng thêm gắn bó hơn. Mẹ Huệ cũng thích Tiến, nhưng chưa nghe chồng nói gì nên bà cũng không dám đặt vấn đề. Một hôm bà Luống giật mình nghĩ con cái mình chưa có đứa nào thành gia thất, bà nói với chồng:

 -Con Huệ cũng đã lớn rồi, ông hứa gả nó cho thằng Tiến thì cho phép chúng nó tổ chức đi. Còn đợi chi nữa. Ông muốn bọn chúng ở gia hết hay sao.

Ông Luống nói:

-Tôi chỉ nói đùa vậy thôi. Thằng Tiến nghèo kiết xác. Con Huệ về làm vợ nó khổ chịu sao cho nổi. Thằng Tiến mà đòi lấy con Huệ đúng là mèo leo cột mỡ. Phải tìm chỗ nào xứng với cơ ngơi nầy của tôi mà gả.

-Nhưng tôi thấy hai đứa nó thương nhau ra rít lắm. Thôi mình cứ bằng lòng gả con Huệ cho cậu ây đi. Mình sẵn vườn tược rộng rãi hai đứa nó cứ chăm sóc rẩy chè mà sống cũng được. Thật ra cơ ngơi hôm nay của ông có được, công sức cậu ấy đóng góp không phải ít. Nghĩ cũng xứng thôi. Nói chi thì nói, dứt hai đứa nó ra cũng tội.

-Không được.

 Ông Luống nói cụt ngủn rồi bỏ đi ra vườn chè không thèm nghe vợ phân trần thêm một lời.

Thấy tình hình nầy kéo dài sẽ làm đau khổ con gái hơn, bà Luống đem câu chuyện mình trao đổi với chồng nói lại cho con gái nghe. Ý là để nó dứt Tiến ra càng sớm càng hay.

Nghe mẹ kể, Huệ âm thầm khóc suốt mấy ngày đêm. Huệ tìm gặp người yêu và thuật lại những gì mẹ đã nói. Tiến bàn với Huệ:

-Nếu em thương anh thật lòng thì chúng ta bỏ nhà lên thành phố sống. Em kiếm gì đó mua bán, còn anh thì làm thuê làm mướn gì cũng được. Em có sợ khổ không?

-Em không sợ. Có vất vả lắm thì cũng như ở nhà em là cùng. Có điều là anh đi rồi thì bỏ mẹ lại cho ai săn sóc? Mẹ anh bệnh hoạn không có anh bên cạnh làm sao được.

 Tiến thở ra và nói:

-Hay ta đưa mẹ cùng đi luôn.

-Không được đâu. Anh nói sao dễ vậy. Lên phố, anh và em có thể ngủ ở via hè xó chợ. Còn mẹ thì biết ở đâu.

-Vậy thì còn cách gì khác nữa. Em bày cho anh đi.

Huệ lắc đầu tuyệt vọng:

-Chỉ còn một cách là anh quên em mà lấy vợ đi. Thôi chúng ta không có duyên với nhau thì đành mỗi người mỗi đường vậy.

-Anh không thể quên em được. Tiến nói với người yêu: Nếu trong gia đình em muốn gả em cho ai thì em cứ nghe theo. Còn anh thì không lấy vợ nữa. Anh ở thế nầy nuôi mẹ là được rồi. 

Tiến vẫn chịu đựng làm việc cho ông Luống để được gặp Huệ. Một năm sau thì ông Luống gả Huệ cho một người giàu có ở xã khác. Người nầy hơn Huệ đến gần cả mười tuổi. Đã qua một đời vợ nhưng chưa có con. Trước ngày đám cưới của Huệ mấy hôm,Tiến vẫn lui tới giúp ông Luống dựng rạp và sắp xếp công việc trong ngoài. Nhưng hai người tránh không gặp mặt nhau. Trước ngày lễ cưới cử hành Tíến tìm cách gặp Huệ. Tiến nói vội mấy tiếng: Nếu lấy chồng mà em không hạnh phúc thì anh đón em về với anh.

 Sau ngày đám cưới của Huệ chưa đầy một tháng thì mẹ Tiến đột ngột qua đời do một cơn đột quị. Tiến thấy có điều kiện để đưa Huệ đi theo anh rồi. Nhưng anh ngại không biết tình cảnh gia đình của Huệ ra sao. Huệ có sống được yên ổn bên chồng không. Giả dụ như đưa Huệ đi theo anh lúc nầy anh có bảo đảm hạnh phúc được cho Huệ không. Anh tính sẽ đi làm ăn xa một thời gian không lâu nữa anh sẽ trở về gặp Huệ để dò biết tình hình mà thu xếp. Tiến lên thành phố đi phụ xe. Sau đó được chủ xe cho đi học lấy bằng và cầm lái. Tiến chạy xe đường trường, tuyến Sài gòn –Hà nội.

Thỉnh thoảng Tiến tạt về thăm quê. Lần nào Tiến cũng gặp Huệ vài phút để hỏi thăm sức khỏe. Huệ lấy chồng nhưng không có con. Tiến khuyên Huệ bỏ chồng theo về với mình nhưng Huệ vẫn chưa dứt khoát.

Lấy chồng được mấy năm thì chồng Huệ qua đời vì bạo bệnh. Tiến nhận được tin nầy qua một người cùng quê đi trên chuyến xe của mình.

 Tiến định bụng sau chuyến xe nầy anh sẽ xin chủ nghỉ vài hôm để về quê đưa Huệ theo mình như anh đã hứa.

Bất đồ xe Tiến vừa về tới gần bến xe Miền Đông thì xe anh đã gây ra một tai nạn chết người, do đầu óc anh đang nghĩ miên man không tập trung khi lái. Tiến vào tù mấy tháng. Khi ra Tiến bị đuổi việc. Tìm không ra việc làm, trong túi không có tiền. Tiến hoãn dự định về quê. Về để làm gì trong hoàn cảnh nầy. Anh làm gì được cho Huệ đây! Sau những năm tháng lang thang kiếm sống, giờ nầy anh vẫn là thằng thất nghiệp, không nhà cửa, trong túi không có một xu!

Biết anh là người lái xe từng gây tai nạn chết người, không có chủ xe nào mướn anh nữa. Tiến vẫn không nản chí. Nhất định anh phải làm ra tiền để về đem Huệ theo anh. Có được sống với nhau mười năm hai mươi năm nữa thì tốt. Không thì năm năm, bảy năm. Thậm chí sống được với nhau năm bảy ngày cũng được.

Thế rồi vận may lần đầu đến với anh. Tiến xin được một chân lái loại xe công-tơ -nơ cho một công ty Nhật Bản. Những năm tháng làm việc ở đây anh vẫn thường bắt tin tức ở quê nhà và được biết Huệ vẫn khỏe mạnh.

 

Làm việc cho công ty Nhật bản được ba năm, Tiến gom góp được một số tiến tương đối. Anh thuê một căn nhà ở hẻm. Sắm sửa đồ linh tinh vật dụng hằng ngày trong nhà. Anh mua được một chiếc TV, một cái tủ lạnh cỡ nhỏ, một cái bếp ga. Anh sẽ đưa Huệ vào sống với anh. Tiến sắp xếp đâu vào đó, nếu kế hoạch không có gì thay đổi, dịp Tết nầy anh sẽ về đưa Huệ vào.

Đùng một cái anh nhận được một tin làm anh quặn thắt: Huệ bị bệnh nặng! Huệ bị bệnh gì? Sao mới được tin mắc bệnh thì đã nghe bệnh nặng rồi! Có phải anh và Huệ không có duyên số vợ chồng sao. Dù chỉ vợ chồng với nhau một ngày!

Làm việc cho công ty người nước ngoài thì không thể xin phép nghỉ lúc nào cũng được. Anh quyết định nếu không xin phép được thì anh bỏ ngang việc. Dù những ngày lang tháng thất nghiệp vừa rồi chưa làm anh hết sợ.

 Cuôi cùng Tiến bỏ việc. Những ngày cuối năm rất khó có vé. Nhưng nhờ Tiến quen với giới tài xế nên anh đã nhảy lên xe đi ngay không kịp làm thủ tục nhận lương tháng cuối năm.

Vừa về tới quê thì anh nghe Huệ cũng vừa mới mất. Anh tức tốc chạy lên nhà Huệ. Bây giờ thì không phải để đưa Huệ về vơi anh mà chỉ mong kịp đưa Huệ về nơi an nghĩ cuối cùng. Tất cả đều đã hết rồi.Thế nhưng cũng đã muộn. Đến nơi thì những người đưa đám Huệ đã ra về từ lâu. Tiến đi theo lối mòn rãi đầy những tờ giấy bạc một trăm dola giả. Tiến chua xót nghĩ, giá như lúc còn sống mà anh và Huệ có vài tờ dola thật thì cuộc đời của Huệ đã đổi khác rồi. Không khó khăn gì Tiến đã tìm ra nơi chôn Huệ. Mộ Huệ được chôn trong một vườn tràm lá to đang mùa nở hoa thơm ngát. Anh chợt nhớ đến những vườn chè ra hoa năm xưa mà lòng buồn khôn tả. Chẳng còn ai ở lại mộ nữa. Quang cảnh tĩnh lặng và đìu hiu làm sao. Tiến lẳng lặng bước đến ngôi mộ mới đắp đất: Huệ ơi! Anh đén đây rồi nhưng không thể đưa em đi theo anh được nữa.

Mộ của Huệ được chôn sát hai ngôi mộ khác. Hai ngôi kia thì đã xây lăng rồi. Ba ngôi nằm song song. Không có ai để Tiến hỏi hai ngôi kia là của ai. Chợt có một thanh niên đi tới. Hình như anh ta trở lại lấy cái gì đó đã bỏ quên lại. Tiến chụp hỏi:

-Nầy anh, hai ngôi mộ sát cạnh mộ cô Huệ là của ai vậy?

Thanh niên nhặt cái ấm nước bị bỏ quên, rồi nhìn quanh hình như muốn tìm thêm một cái gì đó. Anh ta trả lời: 

-Ngôi giữa là mộ anh Tám chồng chị Huệ, ngôi kia là của chị Thiện vợ trước anh ấy.

Nói xong thanh niên bỏ đi. Được một đoạn anh ta ngoái nhìn lại như thắc mắc người đến thăm mộ ấy là ai.

 Đợi thanh niên đi khuất trong vườn tràm,Tiến đến ngồi bên mộ Huệ. Đặt tay lên nấm đất mới. Anh định nói một câu mà cả đời anh ao ước được nói với Huệ:

-Anh đã thuê được một căn nhà cho chúng ta rồi Huệ ạ.

Nhưng nhìn ngôi mộ người chồng Huệ đang nằm chình ình ra giữa, anh có cảm tưởng như ở bên kia thế giới người đàn ông ấy đang dang hai tay ôm chặt lấy hai người đàn bà. Huệ làm sao vùng vẫy để thoát khỏi tay người đàn ông ấy.

Anh không nói nữa.

Không làm được gì cho nhau lúc sống. Kể cả lúc Huệ chết anh cũng không đưa được Huệ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thì nói để làm gì!

Mà liệu con người ta lúc sống không hạnh phúc thì cái chết có phải là sự an nghỉ cuối cùng không!

 Tiến lửng thửng ra về. Anh nghe cả vườn tràm bỗng nhiên thơm ngát. Thơm đến chóng mặt.
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI