Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Sau chiến tranh


Trên chuyến xe hồi hương từ bến xe liên tỉnh về quê, mọi người trên xe ngủ gà ngủ gật,

 nhưng Thiêm thì không ngủ được, dù tối qua, kể cả mấy tối trước anh cũng đã mất ngủ. Anh ôn lại sự cố đã xẩy ra đêm hôm đó. Nói hôm đó, thực ra cách đây đã hơn bốn năm, thế nhưng trong anh nó như vừa mới xẩy ra đâu đây. Bởi mỗi lần nghĩ lại cái đêm khủng khiếp ấy, vết sẹo ở mang tai anh cứ nghe ngưa ngứa như đang ở giai đoạn mới vừa đâm da non chưa lành hẳn.

Ý nghĩ đào ngũ trong Thiêm cũng chỉ mới xẩy ra vào tối ấy. Đó là đêm đơn vị của anh bị pháo kích dữ dội. Lúc ấy khoảng nửa đêm. Những quả pháo đột nhiên rơi tới tấp lên những chiếc hầm trú ẩn của đơn vị anh. Hầm của anh bị sập. Anh thấy ngộp thở, đất cát bít kín hai lỗ mũi và trám đầy miệng. Vệt sáng lờ nhờ ở cửa hầm đã bị bóng đen dập tắt. Bạn chiến đấu chung hầm với anh cũng là người gần quê anh là Chiến ngồi ở cửa hầm thét lên đau đớn rồi im lặng. Những tiêng nổ tiếp tục rung chuyển, nhưng những tia chớp sau đó không còn xuyên được vào hầm. Anh dẫm lên thân Chiến quờ quạng tìm hường cửa hầm cào vẹt đất đá tìm cách chui lên mặt đất. Ra khỏi hầm anh đâm đầu chạy giữa những tiếng rít của mảnh pháo và những tia chớp sáng chói mắt. Anh tìm hướng bờ suối và kịp thời lăn bổ xuống. Mặc những tiếng nổ và lằn chớp muốn xé tan và làm sụp đổ cả núi rừng, anh không bận tâm đến nó. Anh nằm dười gành đá và nghĩ đến Vân, vợ anh. Anh nhớ nàng quay quắt. Anh khóc. Anh muốn về bên nàng ngay lúc đó. Anh không thể chết mà không có Vân bên cạnh. Anh quyết định lợi dụng hoàn cảnh hỗn loạn trong đêm tối nầy anh bỏ ngũ. Anh phải về với nàng, sẽ cùng nàng chạy trốn khỏi cuộc chiến nầy. Phải chạy ngay bây giờ. Chạy giữa mưa pháo như thế nầy thì cơ may anh gặp Vân ít ra cũng được năm mươi phần trăm. Nếu ở lại hoặc chờ hết đợt pháo kích thì không còn cơ may nào nữa. Vừa lên khỏi bờ suối, anh nghe tiếng gào thét cầu cứu:-Thiêm ơi cứu tao với, phát ra từ phía căn hầm trú ẩn của anh và Chiến. Thằng Chiến còn sống! Mặc nó. Vân ơi! Vân ơi! Anh phải về với em. Anh lao mình trong đêm theo hướng đã định, không ý thức được trước mắt mình là gì. Có thể là bạn. Có thể là địch. Có thể là cái chết. Bạn và địch và cái chết giờ đây với anh là một. Chạy. Chạy. Vân ơi anh về với em đây! Vân ơi anh về đây! Được mấy bươc anh phải nằm bẹp xuống, một quả pháo nổ phía trước mặt anh- Thiêm ơi cứu tao với! Không! Không! Vân ơi, anh phải về với em. Gặp em rồi anh chết cũng được- Thiêm ơi tao sắp chết! Không, không. Mặc tiếng nổ của trái pháo gần anh,Thiêm đứng dậy. Anh tiếp tục chạy.

 Thật lạ lùng, trong đầu anh đang nghĩ chạy về với Vân, nhưng được vài mươi bước anh nghe tiếng Chiến gào ngay dưới bước chân của anh. Anh chợt nhận ra mình đang đứng bên miệng hầm nơi phát ra tiếng cầu cứu của Chiến. Mãi sau nầy Thiêm mới nhận ra những bước chân quay lại giống như vô thức đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của anh. Nằm sấp trên miệng hầm, Thiêm như cái máy hai tay bươi cào lia lịa hốt đất đá vẹt miệng hầm. Khi bàn tay anh lọt vào một khoảng trống anh vội chui tỏm xuống kéo Chiến lên.

 Tại bệnh xá dã chiến, sau đêm đơn vị anh bị pháo kích, Thiêm diều trị vết thương ở mang tai do một tảng đá trên miệng hầm rơi xuống trong lúc anh thò đầu vào hầm cố tìm cách kéo Chiến lên. Chiến thì bị một vết thương gần như nát cả phần hạ bộ.

 Sau gần một tháng điều trị ở trạm xá, Thiêm trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Còn Chiến thì nằm lại điều trị do vết thương khá nặng. Sau nầy anh có hỏi thăm và được biết Chiến lành vết thương và được giải ngũ. 

 Cho đến hôm nay gần bốn năm sau, kể từ ngày Thiêm chia tay với Chiến ở trạm xá, chiến tranh đã thực sự chấm dứt. Bây giờ anh đang trên đường về quê.

Thiêm nghĩ bụng khi anh bước vào nhà, Vân sẽ sẽ quá bất ngờ, nàng sẽ chạy ra ôm anh vào lòng mà khóc sướt mướt. Còn con gái anh là Đông nay cũng đã bảy tuổi , tính cho chính xác là bảy tuổi ba tháng mười hai ngày. Nó sẽ làm sao nhỉ? Ngày anh về phép lần cuối cùng nó mới hai tuổi. Nó có nhớ anh không? Nó có sà vào lòng anh như mẹ nó không? Hay nó nhìn anh ngần ngại như nhìn một người lạ. Tình cảm cha con chắc chỉ có trong anh mà chưa nẩy nở trong lòng con bé, bởi hai cha con đâu có gần gũi nhau nhiều. Mà trẻ con hễ ai gần gũi thì nó thân thiện. Ngay cả với anh, những lúc xa nhà anh thấy nhớ thương Vân nhiều hơn là nhớ Đông con gái anh.

Trông lại căn nhà, tổ ấm của anh và Vân một thời, dù thời gian chung sống với nhau không nhiều lắm nhưng anh có rất nhiều kỷ niệm. Ngoài ra ở đây, anh còn có cả một bầu trời kỷ niệm về tuổi thơ, bởi đó là ngôi nhà cha mẹ anh để lại, Thiêm bồi hồi xúc động. Thấy cánh cửa khép hờ anh chưa vội gọi Vân. Anh đứng ngoài ngõ nhìn quanh khu nhà. Khuôn viên nhà cửa không có gì thay đổi nhiều so với lúc anh ra đi. Nhưng điều làm anh ngạc nhiên là sự ngăn nắp sạch sẽ , một cảnh quang hiếm thấy ở những ngôi nhà không có bàn tay chăm sóc của người đàn ông. Ở nhà quê, một ngôi nhà gạch lợp ngói ba gian như vậy là khang trang lắm rồi. Phía trái cách nhà bếp vài thước là chuồng bò, hồi anh còn ở nhà, hai vơ chồng có nuôi cặp bò sữa loại bò lai Ấn Độ. Bây giờ anh thấy trong chuồng có hai con bò nghé đang nhai rơm. Vậy ai chăn bò? Vân thì đi dạy, nàng là giáo viên cấp một, dạy trường xã, ngày hai buổi. Cọng thêm với việc chợ búa cơm nước trong nhà, sừa soạn cho con gái đi học đã hết ngày còn đâu thời gian chăn bò? Chẳng lẽ con gái anh? Mới bảy tuổi mà Vân đã bắt con đi chăn bò ư? Lẽ nào cảnh nhà anh lại vất vả đến thế. Anh nhìn qua ụ rơm to tổ bố cạnh chuồng bò. Vân còn làm rộng nữa? Nếu không thì rơm rạ đâu nhiều thế? Hay nàng đi mua về xây ụ dành cho bò ăn? Bức bình phong được quét vôi mầu vàng chói. Những bông hoa vàng anh, mẫu đơn, dâm bụt nở tưng bừng dưới chân bình phong. Ngôi nhà tỏa ra một vẻ ấm áp của một gia đình êm ấm hạnh phúc. Không có vẻ gì là căn nhà của một thiếu phụ có chồng đang ngoài mặt trận , một mặt trận mà sự đau thương chết chóc của con người làm cả thế giới phải hoảng sợ. Ai là người có chồng có con nằm ngoài mặt trận thì nhất định không còn lòng dạ nào mà nghĩ đến hoa lá! Vậy ra những tháng ngày anh đối đầu với cái chết ngoài trận mạc thì vợ anh ở nhà sống vô tâm đến thế sao? Anh nghĩ đến cái đêm đơn vị anh bị pháo kích nếu không vì mạng sống của một đồng đội thì anh đã bất chấp cái chết, đạp lên lửa đạn để tìm về với nàng.

 Có thể gọi đây là cách sống của một người đàn bà dũng cảm không? Buồn phiền thì có ích gì? Lo lắng thì có thay đổi hoàn cảnh được không? Vân có thể nói với anh như thế và tất nhiên là nàng có lí. Nhưng không nhất thiết ở đâu con người ta cũng sống được nhờ vào những lí lẽ nghe ra thật logic. Bởi trái tim con người vốn không sống theo lí lẽ nào cả. Và anh không thể nào chịu được nếu Vân nói với anh như vậy. 

 

Thiêm đang chua xót nghĩ ngợi thì chợt ai đó cất tiếng chào từ trong nhà vọng ra

- Chào khách toạc! Chào khách toạc!

Anh giật mình nhìn lại, không có ai chào anh cả. Một con chim nhồng có cái mỏ vàng rực đang nhảy nhót trong chiếc lồng son treo trước hiên căn nhà bếp xây ngang phía đầu hồi của nhà lớn. Lại nuôi cả chim kiểng nữa. Điều nầy không phải lấy làm lạ đối với anh sao? Nghe chim nhồng chào khách, hình như có ai đó trong nhà đứng dậy và đang bước ra cửa xem khách là ai. Cánh cửa mở rộng. Thiêm có hoa mắt nhìn gà hóa cuốc không? Không, anh nhìn thấy rõ ràng một người đàn ông đang đứng choán ngang trước ngưỡng cửa. Người đàn ông mặc bộ bà bà mầu xanh dương rộng thùng thình giống như áo quần của những người tù thường mặc. Thiêm nhìn không rõ khuôn mặt người đàn ông bởi anh đang bị chóa nắng hơn nữa người đàn ông đang đứng ở vị trí phía sau bục cửa nhìn ra nên bóng tối trong ngôi nhà làm hình ảnh anh ta mờ nhạt đi. Người đàn ông đứng bất động nhìn ra chăm chăm như cố nhận dạng vị khách được con nhồng chào là khách toạc, đó là ai. Con nhồng lại kêu to-Chào khách toạc, chào khách toạc. Người đàn ông vỗ nhẹ vào thành lồng mắng con chim 

 - Ba láp. Chào khách quí. Anh ta nhắc nhở con chim. Con nhồng vội cất tiếng –Ba láp chào khách quí, ba láp chào khách quí.

-Anh hỏi thăm ai? Bây giờ thì người đàn ông lên tiếng.

-Anh hỏi thăm ai? Con nhồng nhại lại.

-Xin lỗi đây có phải là nhà cô giáo Vân không ạ.

Thiêm chỉ hỏi theo cách lịch sự thông thường thôi, chẳng lẽ anh không biết đây là nhà của anh nữa hay sao. Hỏi xong Thiêm mới chợt nghĩ ra, biết đâu Vân không bán ngôi nhà nầy lại cho người khác. Vì gần bốn năm nay kể từ lúc anh rời khỏi đơn vị để vào nằm bệnh xá rồi trở lại quân ngũ anh không liên lạc được với vợ con. Một phần do anh được bổ sung cho một đơn vị mới và lúc đó cũng nhằm vào thời kỳ khốc liệt nhất của chiến tranh, thời của ngọn lửa bùng trước khi tắt ngấm. Mọi thư từ cá nhân lúc đó không liên lạc được. Nhưng không phải như anh nghĩ. Người đàn ông vừa gật đầu vừa bước ra:

-Đúng đây là nhà cô giáo Vân.

-Vậy xin lỗi anh là gì của Vân?

Bây giờ thì Thiêm không biết mình đang đóng vai ai đây để hỏi người đàn ông câu ấy. Anh thật sự lúng túng.

-Tôi là bạn cô ấy.

-Bạn? Thiêm không còn dấu được ngạc nhiên.

-Không, nói cho chính xác tôi là bạn của chồng cô ấy. Chồng cô Vân và tôi là bạn chiến đấu vào sinh ra tử một thời vơi nhau…

 Đang nói người đàn ông bỗng dừng lại nhìn chăm chăm vào mắt Thiêm. Chợt anh ta la lên:

-Trời đất! Có phải thằng Thiêm không?

Người đàn ông định đưa tay ra ôm quàng lấy Thiêm, nhưng anh đã bước lùi một bước như thể từ chối sự vồn vã của người đàn ông. Bây giờ đến lượt Thiêm nhìn không chớp mắt khuôn mặt người đàn ông. Thiêm không đoán được tuổi tác anh ta. Da mặt anh ta trông hồng hào khỏe mạnh. Dáng dấp lực lưỡng, nhìn cho kỹ thì anh ta có vẻ già hơn tuổi do cách ăn mặc xuềnh xoàng. Đứng xa thì trông người nầy có vẻ già, nhưng gần thì trông rất trẻ, có lẽ cũng tầm tầm lứa tuổi với anh thôi. Tóc anh ta hai mái rẽ giữa còn đen nhánh và đôi mắt sáng. Cái đôi mắt có vẻ tinh anh khiến Thiêm có cảm giác đã gặp người đàn ông nầy đâu đó. Cho đến khi nghe anh ta gọi tên mình thì Thiêm không còn dấu được ngạc nhiên:

-Chiến! Cậu có phải Chiến không?

Người đàn ông cất tiếng cười sảng khoái :

-Ha ha ha, không phải thằng Chiến thì ai vào đây nữa!

-Nhưng sao cậu lại có mặt ở đây?

-Ha ha không có mặt ở đây thì cậu bảo tớ có mặt ở đâu kia chứ. Ha ha ha. Thôi ta vào nhà đi. Rồi nói chuyện.

Đồ vô liêm sỉ. Đồ mất dạy. Thiêm giận run người. Anh định cung tay tấn cho Chiến một quả đấm vào mặt. Nhưng anh kịp bình tĩnh, với giọng chưa hết run Thiêm hỏi:

-Cậu giải thích sự có mặt của cậu ở cái nhà nầy đi. Cậu là gì của Vân?

-Tớ đã giải thích với cậu rồi mà. Thôi mời vào nhà đi, ta sẽ nói chuyện. À, mà đây là nhà của cậu sao tớ lại phải mời vào. Đúng ra…

-Đây là nhà của vợ chồng tôi cậu đã từng biết rồi đấy. Vào hay không vào là quyền của tôi. Tôi chỉ yêu cầu cậu giải thích sự có mặt của cậu trong căn nhà của tôi trong lúc tôi không có mặt ở nhà.

-Ha ha ha. Đừng nổi ghen lên như thế ông bạn chiến đấu vào sinh ra tử của tôi ơi. Sao cậu có thể ghen với một thằng đã từng được cậu cứu sống chứ.Thôi ta vào nhà đi.

Câu nói của Chiến khiến Thiêm mau chóng bình tâm trở lại. Anh im lặng bước theo Chiến vào nhà. Trong nhà cũng một vẻ như bên ngoài. Tất cả đều ngăn nắp sạch sẽ. Đồ đạc vẫn bày biện như hồi anh còn ở nhà. Bộ ghế trường kỹ của cha mẹ anh để lại vẫn đặt trang trọng ngay căn giữa.Ghế bàn đều sạch bụi sáng trưng. Bộ tách trà cô pan sáu chén ánh lên những màu sắc khác nhau vẫn còn nguyên. Ngay cả hai chiếc đèn kéo quân vẫn treo chỗ cũ, nó được móc từ trên mái nhà thả xuống, bằng hai sợi dây đồng mà anh tháo từ một mô tơ hư ra. Anh có cảm tưởng chiến tranh tàn phá khắp quê hương không bỏ sót một tấc đất nào trừ ngôi nhà mà cha mẹ anh để lại. Thấy ảnh cha mẹ trên bàn thờ khiến Thiêm xúc động. Anh bước lại gần án thờ trông lại khuôn mặt của cha mẹ. Cha anh mất từ lúc anh còn nhỏ, còn mẹ anh mất một năm sau khi anh nhập ngũ trên một chuyến xe đò bị trúng mìn. Thiêm có một người anh và một người chị lập gia đình xa. Thiêm lẳng lặng làm việc xem như không có Chiến đang ở trong nhà , anh bật quẹt đốt ba cây nhang cắm lên bàn thờ vái lạy cha mẹ. Xong Thiêm quay lui hỏi Chiến:

- Vân đi đâu. Còn Đông con tôi?

-Cô ấy đi dạy chưa về. Đông đi học.

Thiêm tự ngồi xuống chiếc ghế trường kỹ. Anh chợt nhìn lên tường, ảnh đám cưới của anh và Vân vẫn treo ngay chỗ cũ. Bên cạnh là ảnh của cô bé khoảng lên năm, nét mặt ngây thơ trong sáng, Thiêm biết đó là ảnh con gái mình. Với dáng vẻ xinh xắn nõn nà và đôi má bầu bĩnh của cô bé khiến anh nghĩ Đông không thể là cô gái chăn bò. Trái lại con gái anh còn được mẹ chăm sóc rất kỹ. Nhìn khung cảnh chung trong nhà Thiêm có một nhận định là, không biết thực tế ra sao, nhưng rõ ràng Vân rất thương con và hình ảnh anh vẫn còn trong lòng cô ấy. Vậy thì sao Chiến lại có mặt trong nhà anh như một người thân thuộc của Vân vậy? Trước đây anh có bao giờ nghe Vân nói về sự quen biết giữa hai người đâu. Trước khi lặp lại câu hỏi mà Chiến chưa trả lời anh về mối quan hệ giữa hai người như thế nào, Thiêm nhìn thẳng vào mặt Chiến. Anh muốn người bạn từng vào sinh ra tử và cũng là người từng được anh cứu sống phải trực diện khi trả lời anh. Cái đêm pháo kích năm nọ bỗng hiện ra. Chiếc quần của Chiến ướt đẫm máu chảy xuống ướt cả lưng anh lúc anh cõng bạn trên vai chạy dưới mưa pháo. Rồi lúc Chiến tỉnh lại ở bệnh xá. Hai tay sờ vào háng rồi Chiến òa lên khóc như một đứa trẻ. Ấy, cái thằng gan góc cùng mình ấy mà cũng có lúc khóc sướt mướt như một đứa trẻ. Thiêm chợt hiểu ra mọi chuyện. Anh đứng bật dậy ngã người qua phía Chiến quàng lấy vai bạn, anh nói trong xúc động:

- Tao xin lỗi mầy…

Chiến gở tay bạn khỏi vai mình, động thái giúp anh bình tĩnh hơn:

-Mầy hiểu được như thế là tốt rồi. Tao đã chờ giây phút nầy gần cả ba năm nay.Thiêm! Một lần nữa tao rất cảm ơn mầy. Chiến nắm chặt tay Thiêm

Qua cơn xúc động, Thiêm hỏi:

-Vậy bệnh xá hồi đó không khôi phục vết thương cho mầy được à?

-Có còn đâu mà khôi phục.

-Vợ chồng mầy giờ ra sao? Thiêm hỏi bạn.

-Tao không trở lại tìm Ánh, tốt nhất là cứ để cô ấy nghĩ là tao đã chết trong chiến tranh.

Thiêm thở ra lắc đầu nhìn bạn:

-Có phải đó là cách giải quyết tốt hay không?

-Có những cái chẳng có gì tốt cả nhưng phải làm. Thôi ta không nhắc đến chuyện nầy nữa. Khi đến giúp đỡ cho vợ con mầy tao cũng ngại dư luận nhưng tao nghĩ mầy sẽ hiểu. Đó là việc làm có ý nghĩa nhất mà tao có thể làm được. Cho mầy mà cũng cho tao nữa Thiêm ạ. Tao rất biết ơn vợ chồng mầy, kể cả cháu Đông nữa. Gia đình mầy đã san sẻ cho tao một chút hơi ấm trong những ngày lạnh lẽo còn lại trên cõi đời nầy. Tao đã xin Vân cho bé Đông nhận tao làm cha đỡ đầu, Vân bằng lòng rồi, giờ tao xin mầy.

-Tốt quá đi chứ. À mà Vân có biết gì về mầy không?

-Cô ấy biết rõ tao trước khi tao tìm đến với gia đình mầy.

-Sao có chuyện đó?

-Mầy quên đấy, Vân đã kể cho tao biết, lúc ở bệnh xá mầy viết thư về cho Vân. Mầy đã kể cho cô ấy nghe cái đêm hãi hùng ấy, kể cả vết thương của tao nữa. Trong thư mầy hỏi cô ấy rằng nếu anh bị như thằng bạn vậy, em có bỏ anh không. Cô ấy đã trả lời mầy rằng nhất định cô ấy không bỏ. Mầy có nhận được lá thư ấy của Vân không? Rồi cô ấy khuyên tao trở về với Ánh. Nhưng tao nhất định không trở về nhà nữa.

Thiêm gật đầu làm thinh. Anh nhớ ra rồi, đó là lá thư anh viết cho vợ trước khi anh trở lại chiến trường, nhưng anh không nhận được hồi âm của Vân. Và sau đó anh mất liên lạc với nàng luôn.

Hai người đang nói chuyện thì nghe con nhồng kêu: Mẹ về, mẹ về.

Chiến nói

- Vân đi dạy về rồi đấy.

Mới bước xuống xe đạp trước sân, Hạ Vân đã gọi với vào:

-Anh Chiến sáng nay anh có nhớ cho bò uống nước không?

Thiêm bước ra:

-Anh đã cho bò uống thế Chiến rồi.

 Vân nhận ra chồng. Nàng quẳng xe đạp xuống sân chạy lại ôm quàng Thiêm vào lòng khóc nức nở.

-Con mẹ ngoan quá.

Con nhồng nhảy nhót kêu lên, khiến cả ba cùng cười.

Cũng như hầu hết người Việt, hòa bình lập lại ai cũng cười nhưng trong đáy mắt họ

ai cũng có một ngấn lệ
ĐANG ONLINE: 3 NGƯỜI