Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Phiên Tòa không xử theo luật


Mâu thuẩn giữa hai vợ chồng Nghinh xẩy ra đã khá lâu. Nhưng nó chỉ âm ỉ. Giống như đống lửa trấu, không bùng thành ngọn mà cứ ngấm ngầm thiêu đốt. Vệt sạm đen của khối trấu bị đốt cháy chầm chậm lan ra phía trên mặt. Cho đến lúc nào đó có ngọn gió thì nó mới bùng lên!

Vợ chồng Nghinh làm việc trong một nhà máy hóa chất. Hai người cưới nhau đã trên ba năm mà chưa có con. Có người bảo do chất độc hại của hóa chất làm cho họ vô sinh. Chủ yếu là ở anh. Nghinh vốn là thanh niên khỏe mạnh. Sau ba năm làm việc ở nhà máy, dù là một kỷ sư hóa chất nhưng do anh phải tiếp xúc hằng ngày với chất độc hại nên trông người anh như khô quắt lại, đôi tay sạm đen, nhăn nheo, xuất hiện nhiều vết nứt. Anh cũng có hưởng tiền của chế độ độc hại. Và công ty cũng có những biện pháp phòng ngừa nhưng không tránh khỏi những tác hại của chất độc. Thúy vợ anh thì khá hơn. Thúy làm ở bộ phận văn phòng. Không trực tiếp lao động và xa môi trường ô nhiễm. So với đám công nhân nữ trong nhà máy thì Thúy có vẻ được trắng da dài tóc hơn.

Thế rồi không biết có phải trâu buộc ghét trâu ăn không, mà trong đám công nhân nữ đã có lời bàn ra tán vào về quan hệ giữa Thúy và tay giám đốc. Chuyện nầy cũng lọt đến tai Nghinh. Anh chỉ cười: Một giám đốc chọc ghẹo một nhân viên nữ là chuyện bình thường. Hơn nữa một nữ nhân viên mà có chút nhan sắc như Thúy thì tay giám đốc nào mà không thèm như mèo thấy mỡ. Vấn đề là ở người đàn bà. Nghinh thì rất tin tưởng vợ mình.

Có một lần Thương là bạn gái của Thúy lúc còn đi học, mà cũng là người thân thiết với gia đình Nghinh bây giờ, đã tìm cách gặp riêng Nghinh để nói:Không lửa thì làm sao có khói. Tin vợ là điều tốt thôi nhưng anh cũng phải lưu ý đến những gì người ta nói về con Thúy, coi sự thể như thế nào. Nếu không có gì thì tốt. Nếu có gì thì tìm cách ngăn chặn kịp thời. Đừng để mọi chuyện xẩy ra rồi, ân hận cũng không kịp.

Lời nói thẳng và đầy chân tình của Thương cũng làm Nghinh suy nghĩ.

Nhưng tìm hiểu Thúy bằng cách nào đây? Ai là người mình có thể tin cậy được để hỏi. Thương thì chỉ cảnh báo vậy, hỏi thêm cô ấy cũng chẳng nói gì. Chẳng lẽ lại hỏi Thúy. Vợ chồng không có gì tồi tệ hơn là nghi ngờ nhau mà không có bằng chứng. Nếu Thúy không có gì sai trái cả thì tình cảm vợ chồng sẽ đổ bể.

 Nói vậy nhưng sau khi nghe Thương khuyên, Nghinh cũng có lưu ý đến vợ hơn trước đây. Sau một thời gian Nghinh cũng chẳng thấy có điều chi khả nghi. Về chuyện Thúy sửa soạn nhan sắc trước khi đi làm thì người đàn bà nào không vậy. Dù rằng thời gian càng về sau nầy thì Thúy có vẻ chăm chút kỹ hơn cho nhan sắc của mính.Tóc nàng chải kiểu cách hơn. Son môi bóng hơn. Những chiếc áo nàng chọn sau nầy màu sặc sặc sỡ hơn. Và cổ áo cũng rộng hơn, dù chưa đến đỗi phô cả phần ngực lộ liễu như đa số phụ nữ thường mặc mà anh thấy ngoài đường. Điều ấy cũng chẳng nói lên ý nghĩa gì. Thời trang mà. Cách ăn diện mỗi lúc mỗi khác. Tiện nghi cuộc sống cũng mỗi lúc một khác. Không có tiền nhiều thì đi xe máy số, có tiền khá hơn thì sắm xe tay ga. Nhiều hơn nữa thì mua xe con. Ai không muốn đẹp. Ai không muốn thời thượng. Chỉ tiếc là không có điều kiện để sống cho đúng kiểu cách thời thượng mà thôi. Mắc mớ gì vì những chuyện lặt vặt như vậy mà anh lại phàn nàn vợ. Rồi tiếp theo sau nầy anh cũng thấy vợ đi làm tăng ca nhiều hơn. Thời gian làm buổi tối nhiều hơn. Anh lại nghĩ, nếu vợ anh không chịu khó như vậy thì làm sao có đủ tiền chi dụng hằng ngày. Tiền độc hại của anh mà cũng phải chi vào tiền nhà tiền điện tiền nước. Do vậy mà hai cái bàn tay của anh nó nứt ra như thế mà anh cũng không hề nghĩ đến việc mua thuốc gì để chữa trị. Vậy thì vợ anh phải đi làm thêm, anh đã không động viên an ủi sao lại phàn nàn! Còn vợ anh được giám đốc o bế như nhiều người kể lại thì anh không muốn nghe. Vợ anh làm chạy việc hơn người khác. Năm nào cũng có tiền thưởng đâu phải vì do sắc đẹp của nàng. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, người nào giỏi là người đó có giá trị. Và khi đã có giá trị thì được cấp trên ưu ái trọng dụng là lẽ tất nhiên. Điều Nghinh đang buồn không phải là những lời dèm pha của bạn về vợ mình. Mà anh buồn vì hai vợ chồng ăn ở với nhau đã trên ba năm mà chưa có con. Có nhiều lần anh định xin nghỉ việc ở công ty nầy, kiếm việc làm ở một công ty khác để tránh độc hại. Nhưng trong thời buổi kinh tế sa sút như thế nầy tìm được một việc làm vừa ý không phải dễ. Mấy đứa bạn của anh kể ở công ty bọn nó làm, công nhân hai ba tháng chưa có lương là chuyện bình thường. Ai muốn nghỉ thì làm đơn. Rẹt một cái là công ty cho nghỉ ngay. Đôi khi người ta còn động viên cho công nhân nghỉ nữa. Nạn thất nghiệp đang ê hề. Một người xin nghỉ thì có năm bảy người xin vào thế chân. Do vậy mà trong đầu anh không bao giờ có tư tưởng nghỉ việc để xin làm nơi khác.

Rồi một sự việc xẩy đến nó như là ngọn gió vô tình làm bùng lên ngọn lửa mâu thuẩn vốn âm ỉ cháy giữa hai vợ chồng anh.

Tất nhiên giữa hoàn cảnh kinh tế suy thoái toàn cầu như bây giờ, công ty nào mà không quyết tâm tìm mọi cách để tồn tại. Không phát triển được thì tồn tại để chờ thời. Ngoài việc phát huy sở trường tài năng một cách chân chính của ban lãnh đạo, không ít công ty luồn lách chạy chính sách thuế má của nhà nước. Mặt khác o ép công nhân. Chẳng hạn như tăng lương cơ bản thì cắt bớt các khoản công tác phí. Thu nhận công nhân trong hai năm khi vừa hết thời gian tập sự thì cho nghỉ việc để tránh chế độ bảo hiểm, chế độ nghỉ việc lúc đau ốm, lúc sinh đẻ…Trước tình trạng công nhân bị o ép, công nhân của công ty Nghinh cách đây một tháng đã đình công để đòi tăng lương. Anh được công nhân bầu vào ban tổ chức cuộc đình công. Trước khi thực hiện cái quyền nầy của người công nhân, Nghinh đem chuyện bàn với vơ. Thúy đã can anh không nên tham gia. Cô bảo rằng nếu anh tham gia sẽ bị công ty sa thải. Thúy sợ anh mất việc làm hay sợ đụng chạm đến quyền lợi của ông giám đôc? Đây là lần đầu tiên anh có suy nghĩ như vậy với vợ. Tất nhiên anh không nghe lời vợ. Anh đã đứng về phía công nhân. Sáng hôm sau anh cùng công nhân tập trung trước cổng công ty, không chịu vào làm việc. Yêu cầu Ban lãnh đạo công bố quyết định tăng lương cho công nhân. Giám đốc đích thân ra yêu cầu mọi người đi làm trở lại và hứa ngày mai sẽ có quyết định tăng lương. Nếu người nào tự động bỏ việc hôm nay sẽ bị sa thải. Được giám đốc hứa, tất cả công nhân vào làm trở lại. Thế nhưng sáng mai lại, công nhân thấy trước cổng công ty dán một thông báo: Công ty tạm thời ngưng hoạt động để tuyển công nhân mới. Số lượng ba trăm người. Vậy là đám công nhân đình công đã hiểu. Tất cả bọn họ đã bị đuổi việc. Những ngày sau đó, số người đến xin việc ùn ùn. Mới có cũ có. Nhưng công ty chỉ nhận những người mới. Đám công nhân cũ hầu hết bị từ chối, kể cả những người có tay nghề cao. Bây giờ cái ưu điểm có tay nghề cao đã biến thành nhược điểm của công nhân. Vì nhận những người thâm niên có tay nghề cao công ty phải trả lương cao và phải chịu nhiều khoản phụ cấp. Tuyển công nhân mới công ty sẽ tránh được những khoản tốn kém nầy. Trong lúc hàng hóa của công ty đang ế đọng thì tay nghề cao không lợi bằng trả lương thấp.Vậy là chủ nhân đã biết dùng gậy ông đập lưng ông. Vừa răn đe được công nhân vừa hưởng được những khoản lợi, ít ra cũng có lí do đuổi việc mà không bồi thường thiệt hại.

 Sau vụ việc đó Thúy là một trong vài ba người được đi làm trở lại! Chính điều nầy đã làm cho mâu thuẩn giữa hai vợ chồng Nghinh thành trầm trọng.

Ở nhà Nghinh hỏi vợ:

-Sao gần như tất cả công nhân bị sa thải mà em lại được giữ lại. Em cũng có mặt trong buổi đình công kia mà.

-Thì do em làm được việc. Vợ Nghinh lí giải:

-Lương thì chỉ trả một suất mà lợi tức công ty thu được bằng ba người làm. Anh làm giám đốc anh có từ chối những người như vậy không.

Lần nầy thì Nghinh đã có lí lẽ của mình:

-Anh không tin đó là một lí giải hợp thực tế.

-Vì sao?

-Vì sao, điều đó có lẽ em hiểu rõ hơn anh.

-Em không hiểu. Anh nói thẳng cái ý của anh ra đi. Có phải anh đang nghi ngờ gì về em phải không?

-Thực tình từ trước tới nay anh chưa nghi ngờ em gì cả. Nhưng em giải thích điều nầy như thế nào: Chị Thương là bạn mà cũng là trưởng phòng của em. Người mà em đã có lần hết lời ca ngợi về năng lực của chị ấy. Giờ người thay thế cho chị Thương là ai em biết rồi chứ gì. Một sinh viên tốt nghiệp Đại học vừa mới ra trường. Một sinh viên vừa mới ra trường mà có năng lực hơn một người từng trải trong công việc cả đến chục năm sao. Hơn nữa chị Thương năm nào cũng được khen thưởng vì có nhiều sáng kiến.Vậy thì nếu ông giám đốc trọng dụng người tài năng sao chị Thương lại bị thay thế bởi một người chưa có một chút kinh nghiệm. Còn nói ông ấy công bằng mà sa thải tất cả những người đình công để giữ kỷ cương cho công ty, sao ông ta giữ em lại? Việc ông giám đốc giữ em lại có phải vì quyền lợi của công ty không hay vì cái gì? Em nói đi.

Thúy đỏ mặt và hơi lúng túng một chút rồi trả lời:

-Cái đó thì em không biết.

Nghinh cười gằn rồi làm thinh. Nghinh xách xe ra đi. Thúy không hỏi chồng là anh đi đâu.

Sau buổi đó, dù giữa hai người dù không to tiếng qua lại nhưng cả hai đều ý thức rằng quan hệ tình cảm vợ chồng của hai người đã sứt mẻ trầm trọng. Câu dạy của bậc cha mẹ khi hai người cưới nhau Tương kính như tân đã không ai còn giữ được.Thúy thì cho là chồng đang thầm lén dò xét mình. Nghinh thì nghĩ rằng những lời ong tiếng ve về vợ mình của đám công nhân nữ trong công ty là có cơ sở.

Những ngày tiếp đó là sự im lặng giữa hai vợ chồng. Thúy thì tiếp tục đi làm đều đặn. Vẫn son phấn, vẫn trang điểm, ăn diện. Thúy được công ty tăng lương sau vụ công nhân đình công. Có người kể với anh như vậy. Nhưng Thúy thì không kể. Còn Nghinh thì đi lang thang, hết công ty nầy đến công ty khác để xin việc. Sau một ngày lang thang, chưa có công ty nào nhận, anh lại tấp vào quán làm vài chai. Lúc đầu, anh ngồi uống một mình. Sau rủ thêm một vài thằng bạn. Nhưng anh tránh gặp mặt những người bạn trước đây cùng làm công ty với anh và Thúy. Anh không muốn nghe ai nói về Thúy. Nhất là những người bạn gái. Dù lạnh nhạt trong không khí gia đình nhưng anh cố gắng tránh không để gây ra những va chạm với vợ. Không có cả những lời qua tiếng lại om sòm như nhiều cặp vợ chồng khác. Thường thì anh đi suốt ngày, từ sáng sớm đến sáu bảy giờ tối mới về. Càng về sau thì anh càng về nhà muộn hơn. Có khi tám giờ, chín giờ tối. Có khi đến mười hai giờ anh mới về tới nhà. Nói là nhà nhưng đấy chỉ là phòng trọ của hai người. Vợ chồng anh đã trù tính thời gian đến mua một căn hộ trả góp. Nhưng tình cảnh cơm không lành canh không ngọt giữa hai vợ chồng trong thời gian sau nầy, cái dự định đó cũng đã tan theo mây. Tiền tiết kiệm của cả hai vợ chồng vẫn còn nằm trong tài khoản của Thúy. Nhưng nhịn lâu rồi cũng bùng nổ. Một buổi sáng hai vợ chồng to tiếng. Nguyên nhân chỉ do một việc lặt vặt nhưng nó lại là đóm lửa mà mâu thuẩn của hai người lâu nay mới là thùng thuốc súng.

Thúy xách xe ra đi. Trước lúc lên xe Thúy nói với Nghinh: Anh có muốn li hôn thì cứ viết đơn đi. Nói xong Thúy lên xe máy. Lúc đó anh đang nằm trong phòng, không ngủ nhưng cũng không ngồi dậy. Anh thấy đau đầu vì cơn say của tối qua. Anh nghe tiếng xe máy của Thúy xa dần. Anh nghĩ Thúy sẽ quay lại. Thế nào Thúy cũng nói với anh điều gì đó. Thúy sẽ phân bua với anh là Thúy không có gì sai trái. Hoặc Thúy sẽ mắng mỏ anh như một thằng đàn ông vô dụng, ba bữa cơm kiếm cũng không ra. Hoặc là xỉ vã anh một thằng chồng đổ đốn. Thực lòng, anh rất mong Thúy trở lại, dù với thái độ nào đi nữa. Còn anh, anh sẽ nói gì với Thúy khi cô ấy trở lại? Anh sẽ bảo là tha thứ hết lỗi lầm của Thúy? Hay anh sẽ xin lỗi Thúy về sự ngờ vực không có bằng chứng của mình? Không. Anh chưa chuẩn bị một câu nói nào hay một thái độ như thế nào đối với Thúy cả. Anh chỉ mong Thúy trở về. Nhưng điều đó đã không xẩy ra. Anh nằm mãi trong phòng chờ Thúy đến trưa. Thúy vẫn không trở lại. Anh nhịn ăn trưa. Anh chờ Thúy đến tối. Vẫn không thấy Thúy trở về. Anh nhịn ăn tối. Muốn li hôn thì anh cứ nộp đơn đi. Không thấy hình dạng Thúy nhưng chỉ nghe giọng của Thúy lặp đi lặp lại câu nói ấy.

Sáng hôm sau Thúy vẫn không về. Anh phát hiện Thúy có mang theo một ít tư trang quần áo. Anh lật dưới đáy tủ. Thẻ ATM. Sao cô ấy bỏ đi mà không mang theo sổ tài khoản. Cô ấy vì giận mà quên chăng? Có thể là không. Cô bỏ lại cho anh. Sỉ nhục nhau như thế là cùng! Đi theo một giám đốc cỡ bự, có xe trên cả tỷ, có nhà phải vài chục tỷ. Thì một trăm mấy chục triệu có nghĩa là gì? Cái thẻ để lại như một cái bỉu môi khinh bỉ. Anh thấy ức. Anh nghĩ Thúy đã dứt khoát. Thúy sẽ mãi mãi không trở lại. Hay nói đúng hơn chỉ trở lại để mang đơn xin li hôn đến tòa nộp sau khi anh đã kí. Có điện thoại reo. Tự nhiên lòng Nghinh thấy nhẹ nhõm. Cô ấy sẽ nói chuyện với mình qua điện thoại. Biết đâu qua một đêm trăn trở Thúy thấy mình có lỗi mà xin lỗi anh để trở về. Thúy sẽ quay về, nhất định là vậy. Anh tìm quanh cái điện thoại. Nó reo ở đâu nhỉ. Anh sốt ruột tìm quanh. Nó reo nghe thật gần mà cũng thật xa. Anh quýnh lên. Không khéo Thúy lại nghĩ anh không thèm bắt máy. Đây rồi. Nó reo trong toa lét. Thì ra đêm qua về xỉn quá anh vào toa lét và nó rơi ở trong đó. Anh chạy vừa đến cửa toa lét thì nó vừa tắt. Khốn kiếp. Anh chửi thề. Anh nhặt cái điện thoại lên xem cuộc gọi vừa rồi có phải của Thúy không. Mẹ kiếp. Anh lại rủa vì thất vọng. Anh uể oải tựa lưng vào vách phòng tắm. Người gọi anh không phải là Thúy mà là một thằng bạn nhậu. Điện thoại lại reo. Anh bấm nút tắt. Nó lại reo. Anh lại bấm nút tắt. Lại reo. Anh muốn ném cái điện thoại vào bồn cầu. Nhưng kịp nghĩ đó là địa chỉ mà các nơi anh xin việc sẽ gọi đến lúc cần anh. Lần nầy thì anh bắt máy.

-Gì mầy? Anh hỏi.

- Tối qua mầy xỉn quá bỏ về sớm mà tao lại không có đủ tiền trả cho chủ tiệm. Tao phải để cái xe si ri ut của tao lại đó. Mầy chịu khó mang tiền đến trả lấy cái xe về cho tao. Lúc khác tao trả nghe mầy.

 Dm. Lần đầu trong đời anh chửi tục một cách nặng lời như vậy.

Vừa đói vừa mệt anh lại lên giường thiếp đi. Điện thoại lại reo. Dm anh lại chửi tục. Anh chẳng thèm bắt máy. Không có xe thì đến lấy xe tao mà đi. Anh nói một mình rồi lại nằm xuống.

Anh thức giấc lúc ngoài trời còn tối. Vậy là từ ngày qua đến giờ anh không có một hột cơm trong bụng. Con người ta nhịn ăn mấy ngày thì chết nhỉ. Anh tự hỏi như vậy. Thúy đêm nay chắc ngủ với thằng cha giám đốc. Nằm với nó ngoài cảm giác thỏa mãn ân ái Thúy đang nghĩ đến điều gì nhỉ. Chắc chắn là Thúy không nghĩ tới anh rồi. Thúy sẽ nghĩ ngày mai sẽ cùng ông giám đốc ngồi trên chiếc xe giá trị trên cả tỷ đồng. Thúy nghĩ đến ngôi biệt thự mà thằng cha nầy hứa sẽ cho cô ấy. Thúy sẽ nghĩ đến vẻ cung kính của đám công nhân mới khi thấy vợ bé của giám đốc bước vào phòng. Phải là vợ bé mới có giá trị. Thời buổi bây giờ những bà vợ lớn thường bị các đại gia bỏ vào sọt rác cả rồi. Một thứ sọt rác được bện bằng vàng thì mấy bà lớn cũng khoái rồi. Với tuổi của họ thì đâu cần gì hơn nữa. Tình yêu thì họ cũng nếm qua rồi. Danh vọng họ cũng từng trải rồi. Giờ chỉ cần vàng. Nếu bà nào tuổi yêu thương kéo dài quá cỡ bình thường thì sẵn có vàng họ mua lại tình yêu khác, khó gì. Vì vậy mà mấy bà vợ nhỏ rất chi là quan trọng.

 Thật tình nếu không có sự việc đình công của đám công nhân thì anh cũng không tin Thúy lại có thể trở thành con người như vậy. Đúng là hoàng kim hắc ố tâm. Đã vậy mà sao mình lại tự hành hạ mình? Đây cũng là câu nói anh mới nghĩ ra. Nhưng đó cũng chỉ là lí do anh viện, thực tình anh không chịu nổi cơn đói. Anh quyết định ngồi dậy đi kiếm cái gì bỏ bụng sau gần hai ngày nhịn đói.

Nghinh khóa phòng trọ dắt xe ra. Điện thoại trong túi anh có tin nhắn. Thằng khốn nạn, gọi vòi tiền không được lại nhắn tin. Ở đời sao có nhiều thằng vô liêm sĩ đến thế không biết. Móc túi người ta. Cướp vợ người ta. Mà toàn là những tay có máu mặt cả. Đến ba cái tin nhắn. À thì ra của công ty Y. Nó gọi mình đến nhận việc đây. Nghĩ đến việc làm thuê làm mướn cho các công ty, Nghinh thấy ngán lên tận cổ rôi. Nhưng rồi anh lại mừng. Con người ta không thể sống mà không ăn. Và cách sống nào cũng hơn cái chết nhất là chết đói. Mang hai cái bằng kỷ sư trong tay mà phải đi làm mướn cho mấy thằng mắc dịch. Khốn nạn hết chỗ nói. Đúng anh là thằng ăn uổng cơm cha mẹ. Mời anh đúng bảy giờ ngày…đến văn phòng công ty Y để được sắp xếp công tác. Bây giờ đã tám giờ. Dù sao khi gọi mình không được, họ nhắn tin, như vậy có nghĩa là họ đang cần mình. Anh tấp vào quán cơm bình dân.

 

 *

 

-Con Thúy đâu mà ngồi ăn một mình. Sao trông bơ phờ vậy. Vợ bỏ hả.

Một người bạn của Nghinh ở đâu chạy đến vồn vã bắt tay.

-Ừ vợ bỏ. Lâu lắm tao không gặp mầy. Dạo nầy làm ăn ra sao Thanh?

-Cũng tàn tàn vậy thôi. Trước đây làm ở công ty H, gây lộn với sếp rồi bỏ việc. Bây giờ đang làm ở công ty X.

Nghe làm ở công ty X, Nghinh hỏi:

-Mầy làm ở công ty X lâu mau rồi ?

-Mới lảnh lương tháng đầu.

Vậy là bạn anh mới được tuyển vào công ty X sau vụ đình công. Nó biết mình và Thúy bỏ nhau rồi mà còn hỏi ỡm ờ. Hay là nó không biết thật? Mà sao lại không biết. Thúy bây giờ là vợ của sếp cậu ta mà.

Anh muốn hỏi thăm Thúy nhưng lại không muốn phanh phui việc nhà mình cho bạn biết, nên lại thôi. Chợt anh nghe Thanh hỏi:

-Sau cái dụ công nhân đình công ấy nghe nói hai vợ chồng mầy đều bỏ việc. Giờ tụi bây làm ở đâu.

Nghinh lấy làm lạ. Sao bạn anh lại hỏi anh như vậy. Chẳng lẽ Thúy không có mặt ở công ty X sao? Mà cũng có thể như vậy. Để tránh tai tiếng, tay giám đốc nầy không cho Thúy lui tới ở công ty. Cái mà hắn ta cần ở Thúy đâu phải là một nhân viên giỏi như Thúy nói!

Có thể hắn đang nuôi Thúy ở một lâu đài nào đó như một thứ đồ chơi để phục vụ cho hắn. Nhưng làm vậy cô ấy không sợ anh làm to chuyện khi biết được hai người đang ăn ở với nhau một cách bất hợp pháp sao? Mà cả tay giám đốc nầy cũng thế. Hắn thừa khôn ngoan để hiểu điều đó. Tại sao hắn không giục Thúy chính thức li dị chồng. Hay hắn cũng chỉ là một Sở khanh. Chỉ xem Thúy là người vợ hợp đồng ngắn hạn thôi. Vì vậy hắn không cần phải đòi hỏi Thúy có giấy li hôn. Thời buổi nầy trò tiêu khiển ấy cũng nhiều. Thật anh không ngờ Thúy là hạng người như vậy. Cô ấy cập nhật mốt sống đó nhanh đến thế sao. Giá như nàng về đây đòi anh phải ký vào giấy li hôn thì câu chuyện sẽ có ý nghĩa khác đi.

-Mầy đang nghĩ gì vậy? Thanh hỏi.

-Ừ không. Mầy ăn sáng chưa. Ăn gì tao gọi. Nghinh nói với bạn.

-Ăn rồi. Thấy mầy ngồi đây tao tạt vào hỏi thăm thôi. Mầy đã tìm ra việc làm mới chưa?

-Một công ty vừa mới gọi.

-Ừ dần dần rồi cũng ổn thôi.

Người bạn cho số điện thoại và hẹn sẽ gặp nhau.

Nghinh đến công ty vừa nhắn anh.

 

 *

Thúy bỏ đi đã hơn hai tháng. Và đúng như Thanh nói. Thúy không có mặt ở công ty X. Anh định đưa lên báo tin nhắn Thúy về nhà để kí đơn li hôn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại anh lại thôi.

Thế rồi có một lần, một người bạn trước đây cùng làm ở công ty X cho anh biết thấy Thúy trên một chiếc xe con bước xuống. Cô nầy đinh ninh đúng là Thúy và còn nói thêm một cái tin động trời nữa:Thúy có bầu chừng hai ba tháng.

 Trời đất! Thế thì anh không thể nào hiểu nổi. Bọn chúng liều lĩnh đến thế sao? Mà sao Thúy không trở về để cùng anh ký vào đơn li hôn. Thúy thừa biết tính anh. Nếu Thúy yêu cầu thì anh sẽ ký ngay. Nhưng phải nói với anh cho rõ ràng chứ không phải viết cái đơn vứt đó rồi bỏ đi với người khác. Nó vừa sỉ nhục anh vừa thách thức anh.

Nhưng đã đến nước nầy thì còn chi để nói nữa. Phân tích cho ra lẽ đúng sai thì có ý nghĩa gì! Anh quyết định vào lấy lá đơn mà Thúy đã viết sẵn, đem ra kí. Anh đã không ngó ngàng đến nó kể từ lúc Thúy bỏ đi. Nhưng anh lại nghĩ, ký xong thì ai mang đi nộp đây? Đơn của Thúy đòi li hôn sao Thúy không tự mình mang đi mà anh phải mang đi? Lúc tòa xử lại không có mặt Thúy. Tòa sẽ xử sao đây. Thôi mặc. Anh cứ ký và tự mình mang đi nộp. Anh làm vậy để dứt khoát tư tưởng. Cái tư tưởng Thúy sẽ trở về đã làm anh mòn mỏi. Giờ nầy không muốn chấm dứt thì cũng phải chấm dứt.

 

 *

 

Nữ thư ký tòa án trạc tuổi Nghinh. Sau khi đọc đơn của anh, chị nhìn anh chăm chăm chăm, rồi nói:

 

- Tòa chúng tôi cũng có nhận một đơn xin li hôn của bà Lâm Thúy. Trong đơn chỉ có bà Thúy kí mà không có chữ ký của chồng. Tòa chúng tôi chưa kịp mời anh hầu tòa để xử, giờ lại nhận được đơn xin li hôn của anh, mà lại không có chữ ký của vợ anh. Điều nầy nghĩa là thế nào?

Anh trả lời rành rọt:

-Dạ như trong đơn tôi đã trình bay. Cô ấy bỏ nhà ra đi và tôi viết đơn lúc không có cô ấy ở nhà.

-Và bà Thúy cũng viết đơn lúc không có anh? Người nữ thư kí hỏi.

-Dạ đúng như vậy.

-Nhưng trong đơn bà Thúy không nói bà Thúy bỏ đi đâu cả. Địa chỉ để tòa liên lạc vẫn là địa chỉ nhà anh đang ở. Vậy thì làm sao chúng tôi có thể mời cả hai người cùng đến tòa để xử?

-Dạ cái đó là việc của tòa, bản thân tôi không biết.

-Vậy thì tôi nói riêng với anh ý nầy trước khi tòa chính thức xử. Đây là cơ sở để tòa dựa vào đấy mà quyết định. Nếu anh nói đúng địa chỉ bà Thúy đang ở thì tòa xử đồng ý cho hai người li hôn. Còn nếu anh nói không đúng thì tòa sẽ không chấp nhận để hai người li hôn. Anh nghe rõ chưa?

Sao lạ vậy? Luật là luật sao có sự ràng buộc điều kiện lạ lùng vậy? Nghĩ thế Nghinh nói:

-Tôi không nghĩ sự phán quyết của tòa lại căn cứ vào một việc làm như sự đánh đố trẻ con vậy.

-Không đâu. Anh cứ nói theo suy nghĩ của anh đi. Rồi anh sẽ thấy tòa phân xử rất hợp tình hợp lí.

- Cô ấy đến ở chỗ nào cô ta muốn đến. Tôi làm sao biết được.

-Anh nói thế là trật rồi.

-Sao?

-Bà Thúy đang ở chỗ mà bà ấy không muốn đến.

-Vậy thì chỗ đó là đâu? Mà sao tòa lại biết được như vậy?

Cô thư ký tòa án mỉm cười:

- Anh muốn bảo Thúy đang đến ở với ông giám đôc nào đó chứ gì? Không phải thế đâu anh Nghinh ạ. Thúy đang thuê một căn nhà tồi tàn ở hẻm ….Mà Thúy đang có bầu hai thang đấy. Chúng tôi là bạn của nhau, Thúy đã nói với tôi tất cả. Hãy mau đến đón hai mẹ con cô ấy về.

 

SG tháng 3-2014
ĐANG ONLINE: 3 NGƯỜI