Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Những chiếc bong bóng cuối cùng


Quán cà phê Vườn xanh có phục vụ ăn sáng, chủ nhật nào cũng đông khách. Hôm nay lại là ngày mở cửa đầu năm mới nên khách đông nghẹt. Xe máy, xe con, để hàng ngang hàng dọc. Khách đến sau tám giờ khó kiếm một chỗ ngồi vừa ý. Phải ngồi chung bàn với người lạ hoặc bị nhét vào một góc nào đó mới kê thêm bàn. Khuôn viên quán khá rộng, cây kiểng xanh mát. Có vòi phun nước, bể cá, hồ sen. Những lối đi quanh co len lỏi giữa những khóm hoa đủ sắc mầu rực rỡ. Phía sau quán có cả một khu vườn rộng, bố trí những trò chơi cho trẻ con, như xích đu, ngựa nhún, bập bênh… Có lẽ nhiều gia đình thích đến uống cà phê thư giản ở đây vì có sân chơi cho trẻ con. Cha mẹ khỏi phải bận tâm theo dõi con cái vì sân chơi rất an toàn. Chỉ cần cho bọn trẻ chiếc bong bóng con thỏ, con gà rồi thả chúng tung tăng trong sân chơi, thôi khỏi phải lo lắng gì cả.

 Biết cái ưu điểm nầy nên ông lão bán bong bóng, sáng chủ nhật nào ông cũng đến đây thật sớm. Ông thổi bong bóng và vặn thành những con vật trông rất ngộ nghĩnh. Bong bóng con voi, bong bóng con khỉ, con gà… Đố chú trẻ con nào khi thấy ông già đi ngang qua với chùm bóng bóng buộc trên xe, đu đưa những con khỉ con voi mà không vòi vĩnh cha mẹ mua cho một cái. Sáng chủ nhật khai trương đầu năm như hôm nay ông già thu tới cả triệu đồng tiền bán bong bóng. Tết năm ngoái thì ông thất thu gần như trắng tay. Cũng ở quán cà phê sân vườn nầy, ông đã bị bọn nhỏ đánh cắp túi tiền sau một ngày bán cật lực từ bảy giờ sáng cho đến mười giờ đêm. Bây giờ ông còn nhớ khuôn mặt của hai thằng nhỏ lưu manh đó. Hai đứa nhỏ chỉ chừng mười hai mười ba tuổi. Nó cứ xấn vào ông chỉ chỏ đòi mua cái nầy cái kia –Tụi cháu lớn rồi còn chơi bong bóng gì nữa. Miệng thì nói vậy nhưng ông vẫn tháo cái bong bóng trong chùm. Thế nhưng đưa cái nào ra hai đứa nó vẫn không chịu. Xem cái nầy xong chúng lại chỉ cái khác. Mất cả mươi phút nó mới chọn được cho mỗi đứa một cái. Mà có gì đặc biệt đâu, cũng mấy con voi con gà đó. Vậy mà nó làm ông mất cả mươi phút chẳng bán cho ai được cái nào. Chúng mang hai cái bong bóng bỏ đi, được mấy bước thì chúng cười ré lên rồi ù té chạy. Thấy vậy ông cũng vui lây. Nhưng khi lấy cái túi tiền ông móc ở xe ra để thối cho một người khác, thì cái túi tiền đã biến mất. Ôi trời, thế là hai cái thằng lưu manh khi nãy nó đã phù cái túi tiền của ông mất rồi. Ông chưa kịp tính nhưng bán suốt một ngày đến đêm như vậy ít ra cũng được trên một triệu đồng. Năm nay thì ông khôn rồi. Ông không móc túi tiền ở xe nữa mà buộc vào thắt lưng. Vừa đẩy xe daọ quanh để bán ông vừa đảo mắt quan sát chung quanh coi thử hai thằng lưu manh năm ngoái có xuất hiện lại không. Ông còn nhớ mặt bọn chúng. Nếu thấy nó bén mảng quanh đây thì ông sẽ đến phang cho chúng một trận và đòi lại số tiền nó đã cuổm của ông.

-Ông ơi bán cho cháu cái bong bóng đi.

Nghe gọi, ông già quay lại. Người gọi ông là cha của một cô bé lên năm, đang uống cà phê với vợ, ngồi tận dãy bàn cuối khuôn viên.

-Cháu thích con gì?

Ông già bán bong bóng hỏi đứa bé.

-Dạ thích con voi kía. Đứa bé chỉ tay về phía chiếc bong bóng con voi.

Ông già lấy bong bóng con voi đưa cho đứa bé nhưng người cha đã đón lấy. Anh cầm cái bong bóng nắn nắn rồi bảo:

-Cái bong bóng nầy thổi chưa căng. Cái vòi nó ỉu xìu thế nầy trông đâu có đẹp. Phải thổi thật căng mới đẹp. Ông chịu khó thổi căng lên cho cháu.

Ông già nói:

-Thế thì nó không bay được. Phải bơm khí nhẹ vào nó mới bay. Ở nhà tôi bơm căng lắm sao bây giờ nó xìu thế không biết. Thôi lấy con khỉ hay con cá chép đi.

Nhưng đứa bé không chịu đòi cho được con voi.

Người mẹ nói:

-Thôi không bay cũng được ông cứ thổi con voi cho cháu.

Ông già mở nút bong bóng rồi căng má thổi. Nhưng sao trông vẻ mặt ông lúc thổi có vẻ đau đớn lắm.

-Được rồi, được rồi. Đứa bé kêu lên. Ông già ngưng thổi, đậy chặt nút bong bóng lại.

Ông đưa chiếc bong bóng cho đứa bé bỗng hai mắt ông ràn rụa nước măt.

Mẹ đứa bé ngạc nhiên hỏi:

-Ông sao thế?

Ông già gắng gượng cười:

-Không sao cả. Tôi bị sưng cái nướu răng. Mấy hôm nay chẳng ăn uống được gì cả.

Mẹ đứa bé hỏi giá tiền rồi lục xách lấy trả.

Người chồng nhìn ông già áy náy, nói:

-Ông có thể há miệng ra cho tôi xem được không.

Ông già lại cười:

-Làm như ông là bác sĩ không bằng.

-Biết đâu tôi là bác sĩ. Cha đứa bé vui vẻ nói.

Nói vậy nhưng ông già vẫn há miệng ra cho cha đứa bé xem.

Xem thật lâu, cha đứa bé bảo ông há ra ngậm lại mấy lần rồi nói:

- Ông đến địa chỉ …, quận Nhất tôi chữa cho.

-Vậy ông là bác sĩ à? Ông già thè lưỡi lắc đầu nói:

-Ở quận Nhất đắt lắm, tiền đâu mà chữa. Ở phường tôi cũng có một phòng khám mà họ đòi đến bốn triệu, tôi đã không có tiền chữa. Nói chi đến quận Nhất.

-Ông cứ đến tôi chữa miễn phí cho.

-Ông già há hốc:

-Bốn triệu bạc mà bác sĩ miễn phí?

Mẹ đứa bé cười:

-Mấy triệu mà anh ấy hứa miễn phí thì ông cứ đến mà chữa.

Cha đứa bé nhắc lại:

-Vậy nhé. Ngày mai ông cứ đến địa chỉ tôi nói. Ông có nhớ địa chỉ không?

-Dạ nhớ chứ. Ông già lặp lại địa chỉ phòng khám của bác sĩ cha đứa bé.

-Đúng rồi. Mai ông sắp xếp mà đến. Mấy giờ cũng được. Nhớ đi phải có người thân đi theo nhé.

-Chữa răng có gì mà quan trọng vậy bác sĩ.

-Nhổ răng nghe ra là chuyện bình thường. Nhưng đối với người lớn tuổi thì phải có người nhà theo vẫn hơn. Chẳng hạn trong người ông có vấn đề về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, thì nó có thể phát sinh ra nhiều vấn đề khác cần phải có người nhà. Hiện ông đang ở nhà với ai?

-Dạ tôi ở một mình. Bà xã tôi mất lâu rồi. Có một đứa con trai nhưng nó đi làm ăn xa biền biệt ba năm nay không về nhà. Tôi cũng không biết địa chỉ của nó đâu mà tìm.

-NHà của ông ở đâu?

-Dạ tận quận Tám kia. Mà tôi cũng không có nhà.

-Vậy thì ông ở đâu?

-Dạ thấy tôi không có nhà, chính quyền địa phương có cấp cho tôi một miếng đất nhỏ vừa làm đủ cái nền. Tôi dựng mấy tấm tôn ở tạm. Định dành dụm vài năm rồi sửa lại cho có một chỗ ở tử tế. Già cả rồi, lỡ lúc nầy lúc khác. Nhưng cũng phải vài năm nữa may ra. Tức quá tết năm ngoái hai thằng ranh con nó cuỗm của tôi gần hai triệu đồng. Đã nghèo lại gặp eo.

Cha đứa bé nhìn ông già bán bong bóng rồi thở ra nói:

-Không có vợ con thì ngày mai ông tìm một ai đó mà ông có thể nhờ cậy được đi với ông.

-Dạ tôi sẽ nhờ đứa cháu kêu bằng bác nó đưa tôi đi.

-Vậy thì được rồi.

 Ông già bán bong bóng đã đi xa, mẹ đứa bé hỏi chồng:

-Ông ấy chỉ chữa răng thôi sao anh làm quan trọng vậy.

Người chồng nói nhỏ như sợ ông ta nghe thấy dù ông đã đi khá xa:

-Anh nghĩ ông ấy không bị viêm nướu răng bình thường, mà có lẽ ông bị ung thư vòm họng! Anh nhìn qua và đoán vậy thôi. Chưa xét ngiệm thì không dám khẳng định. Ngày mai anh sẽ chữa mấy cái răng sâu cho ông, rồi nói với người nhà đưa ông sang bệnh viện chuyên khoa để khám.

-Ra vậy, tội ghê.

 

 

 *

Trong phòng điều trị của bệnh viện ung buớu, có một ông cụ tuổi cũng phải gần đến bảy chục, không có thân nhân săn sóc. Ông ăn cơm từ thiện trong bệnh viện. Thỉnh thoảng có một nguời đàn ông đến thăm, lúc nào cũng có mang cho ông một ít quà hay một hai lon sữa. Có nguời biết nguời đàn ông này là một bác sĩ thường khám và chữa bệnh cho các trẻ em ở các viện mồ côi hoặc đang điều trị trong các bệnh viện của thành phố.

 Nằm bên cạnh giuờng ông là một cậu bé chừng năm sáu tuổi. Ông đau thì ông chịu được, nhưng thấy đứa trẻ quằn quại thi ông không chịu nổi. Ông từng nói với mấy người chung quanh, ước sao ông có thể nhận chịu một mình cơn đau thay cho đứa bé. Nhưng đó chỉ là tâm nguyện của ông chứ làm sao ai có thể giúp đứa bé được điều đó.

 Một hôm đứa bé vừa qua một cơn đau, ông đến bên giuờng đứa bé hỏi:

-Hết đau rồi cháu có uớc một điều gì không?

Đứa bé nói:

-Cháu uớc có đuợc một thanh kiếm như thanh kiếm của chàng hiệp sĩ Kimala để tiêu diệt bọn ác quỷ mình người đầu sói.

Ông cụ hỏi:

-Thanh kiếm cháu uớc có hình dạng như thế nào?

-Thanh kiếm ấy có một cái quai để móc vào tay, và cán rất dài. Ở giữa lưỡi kiếm to phình ra, hai đầu nhỏ lại.

Cậu bé nhìn ông già với vẻ mặt nghiêm trọng, nó nói:

-Ông biết không, bọn quỷ mình người đầu sói nó ranh ma quỷ quái lắm. Nó từng ăn thịt nhiều người, nhưng chẳng ai làm gì được chúng. Có nhiểu hiệp sĩ cũng đã từng bị nó xé xác đấy. Nó chỉ sợ cây kiếm phát ra ánh sáng mầu xanh của chàng hiệp sĩ Kimala mà thôi.

Ông cụ cuời:

-Được rồi để ông tặng cho cháu thanh kiếm giông như thanh kiếm của chàng Kimala. Khi nào lành bệnh cháu sẽ mang kiếm đi hành hiệp, trừ gian diệt ác nhé.

Đứa bé không tin nó hỏi ông cụ:

-Có thật không? Có thật ông có cây kiếm của Kimala không?

-Không phải của Kimala. Nhưng ông cũng có một cây kiếm y như vậy. Ông đang treo ở nhà.

Hôm sau khi vừa trải qua cơn đau hành hạ, đứa bé ngủ thiếp di. Luc tỉnh dậy nó thấy cây kiếm của hiệp si Kimala đặt ở ngay trên đầu. Cây kiếm đang tỏa ra ánh sáng màu xanh. Nó chỉ tưởng tượng vậy thôi. Thực ra đó là một chiếc bong bóng màu xanh được nắn thành hình dạng cây kiếm, phỏng theo cây kiếm của hiệp sĩ Kimala mà cậu bé đã mô tả cho ông già nghe hôm trước. Cũng có quai kiếm, mũi và chuôi kiếm nhỏ, lưỡi kiếm phình rộng ra. Đứa bé cầm cây kiếm reo lên:

-Ôi cây kiếm của chàng hiệp sĩ Kimala đẹp quá.

Rồi nó vung tay khua kiếm mấy đường. Miệng không ngớt thét:

-Hỡi bọn quỷ đầu sói, đừng có làm diều tội ác. Đã có ta, chàng hiệp sĩ Kamala dến đây. Từ đó sau mỗi cơn đau, cậu bé lại múa kiếm, thet lên: Hỡi bọn quỷ đầu sói...

 Dù cố gắng nhưng giọng cậu bé không còn dõng dạc được nữa.

Năm ngày sau thì cậu bé qua đời sau một cơn đau quằn quại. Cậu bé vĩnh viễn buông kiếm vì không chống cự nổi với cơn bệnh quái ác. Nhưng dù sao, truớc khi chết, chắc chắn cậu bé đã có nhưng giấc mơ chiến thắng bọn ác quỷ khi trong tay có được thanh kiếm của chàng Kimala.

 Sau cái chết của cậu bé ông cụ xin chuyển ra ngoài hành lang của phòng bệnh. Ông nhờ anh bác sĩ thường đến thăm ông, chuyển cho ông cái máy bơm khí nhẹ mà ông đang để ở nhà và nhờ anh mua cho ông một bì bong bóng đủ mầu.

Sau những cơn đau, ông ngồi dậy bơm bong bóng và nặn hình. Với đôi tay khẳng khiu nhưng động tác thì thoăn thoát, ông cụ không ngừng xoắn, bóp, vuốt những chiếc bong bóng. Trong chốc lát thì cái bong bóng biến đâu mất mà trên tay ông hiện ra, đôi khi là một chú khỉ, đôi khi là lão vói, đôi khi là một anh gà trống… Những con vật có dáng ngộ nghĩnh cứ thế mà lần lượt nhảy ra khỏi đôi tay quắt queo của ông già và nó nằm la liệt chung quanh ông. Có lúc từ đôi tay phù thủy của ông lão lại nở ra một bông hoa kỳ dị, những bông hoa mà ta chưa bao giờ thấy nở một lần trên mặt đất. Nhưng mầu sắc của nó, hình thù kỳ dị của nó cũng đã từng làm làm say đắm, mê hoặc những đứa trẻ ở các công viên hay các quán cà phê trước đây. 

 Từ đó, cứ sau mỗi tuần vào sáng chủ nhật, khi những chiếc bong bóng con voi con gấu chất đầy quanh chỗ ngồi của ông già, thi nguời bác sĩ chuyên làm viec từ thiện kia lại đến thăm, mang cho ông ít quà rồi ôm mớ bong bóng nhét vào bao để chở về. Và cũng từ đó một thế giới kỳ diệu bỗng xuất hiện trong những trại mồ côi, trong các bệnh viện nhi đồng, trong các trại nuôi dưỡng những em bé tật nguyền. Những em bé rủi ro bất hạnh, ngủ một đêm sáng ra bỗng thấy mình trở thành hiệp sĩ Camala với thanh kiếm tỏa ánh sáng mầu xanh khiến bọn ác quỷ phải khiếp sơ. Có em bỗng trở thành thiên thần có thể cưỡi lên những con ngựa biết bay. Một thế giới làm các em say mê mà vơi đi nỗi đau đớn khi đùa giỡn với những chú gấu mầu đỏ, chú khỉ mầu vàng, những con cá chép mầu xanh, tất cả đều có thể bay lượn trong không gian một cách hết sức ngoạn mục.

 *

Sức khỏe của ông già thì giảm dần nhưng thời gian ông làm việc gần như không giảm mấy. Sau một cơn đau ông lại ngồi dậy tựa lưng vào tường ngồi nặn bong bóng. Có người nuôi bệnh bên cạnh thấy vậy khuyên ông:

-Ông nên nghỉ ngơi, ngồi luôn như vậy mệt sẽ mau xuống sức lắm đấy.

Ông già trả lời:

-Tôi làm việc thì nó quên đau. Mà ngồi không thì nó đau lắm, chịu không nổi. Hơn nữa thời gian mình còn không bao lâu. Mình làm thêm được một chiếc bong bóng thì có một đứa trẻ nhận thêm một niềm vui nho nhỏ.

Thời gian như vậy kéo dài đâu được gần một năm, thì những bao bong bóng mà người bác sĩ trẻ kia mang về sau mỗi lần đến thăm cụ già, cứ vơi dần.

 Những buổi đầu có khi là hai bao, rồi dần dần còn lại một bao, rồi nửa bao.

 Cho đến lúc nguời bác sĩ trẻ đến thăm ông cụ rồi trở về không.

Ngày ông cụ mất. Trên giường bệnh ông nằm, người ta thấy còn lại vài chiếc bong bóng. Một chú khỉ chấp hai tay như để bái biệt ông. Một con voi thì vươn cao vòi như rống khóc vì thương cảm, cùng một chú gà trống vỗ cánh như báo cho mọi người biết ông đã ra đi. Và trên ngực ông nở một bông hoa mà sắc màu cùng hình dạng ta chưa bao giờ thấy nó nở trên mặt đất một lần nào...

Sài gòn 20-1-2015. NBT
ĐANG ONLINE: 4 NGƯỜI