Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Người thầy cũ của tôi


Hôm nay đã là ngày 21 tháng 11. Hội Ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng - Quảng trị tại Sài gòn tổ chức ngày Tri ân thầy cô giáo. Đúng ra ngày lễ nầy phải tổ chức vào 20-11, ngày Hiến chương nhà giáo. Nhưng Hội có lịch sinh hoạt vào ngày chủ nhật mỗi cuối tháng. Năm nay rơi đúng vào 21-11.

Khi anh Phái, Trưởng ban tổ chức xướng tên quý thầy cô cựu giáo sư trường Trung học Nguyễn Hoàng, mời lên nhận những những bông hoa tươi thắm, tôi chú ý lắng nghe có tên thầy cô giáo nào trực tiếp dạy tôi không. Đã năm sáu thầy cô lần lượt bước lên sảnh lễ. Chưa thấy ai quen cả. Dù tóc tôi cũng đã nhuốm bạc nhưng trông dáng dấp già nua của quý thầy cô lòng tôi không khỏi xúc động. Tất nhiên tôi chỉ lắng nghe tên thôi, thật khó mà nhận diện. Tôi đã xa trường đúng nửa thế kỷ, làm sao có thể nhận ra nét thân quen trên khuôn mặt của thầy cô giáo cũ của mình.

 Chợt tôi chú ý khi nghe anh Phái đọc to:

-Kính mời thầy Nguyễn Thanh Bá.

Thầy Nguyễn Thanh Bá cũng có mặt ư? Vậy là mình sắp gặp được một thầy cũ rồi.

Một thầy giáo già chậm rãi bước lên. Chẳng lẽ vẻ mặt của thầy biến đổi đến thế sao? Tôi không nhận ra một dấu vết nào thân quen trên khuôn mặt của thầy Nguyễn Thanh Bá cả. Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh của thầy Bá người Huế, dạy môn Văn, dáng người mảnh khảnh, giọng nói nhỏ nhẹ ấm áp.

Tôi đang nghĩ đến một tiết dạy năm nào của thầy còn đọng lại trong ký ức của tôi .

Thầy đang bình giảng một bài ca dao.

 

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay…

 

 Tôi còn nhớ. Ý tứ bài giảng của thầy hôm đó không gợi nên một hình ảnh hay mở ra một tình tiết nào độc đáo mới lạ. Đại loại khi đọc bài ca dao nầy ai cũng có thể hiểu nội dung của nó, nói về một chàng trai đã bỏ qua một mối tình đẹp đẽ để chạy theo những hình bóng vu vơ. Hết trèo lên cây bưởi lại bước xuống vườn cà mà không để ý đến một nụ tầm xuân đang chờ bàn tay của mình. Và khi chàng trai phát hiện ra nụ tầm xuân nở ra xanh biếc thì đã muộn màng. Chỉ còn biết than thở: Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay. Anh ta lại càng tiếc nuối hơn khi nghe người con gái trách móc. Ba đồng một mớ trầu cay / Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không/Bây giờ em đã có chồng/Như chim vào lồng như cá cắn câu…

Cậu con trai không biết sự vô tâm của mình đã đem lại đau khổ cho người con gái đến chừng nào. Có lẽ sau những câu than thở ấy là những giọt nước mắt của cô gái. Và cũng có lẽ trên cả sự đau buồn, là nỗi tuyệt vọng của cô gái . Cá cắn câu biết đâu mà gỡ /Chim vào lồng biết thủa nào ra…

Tôi lại nhìn lên sảnh lễ.

 *

 

 Các thầy cô sau khi nhận hoa xong, từng người bước xuống. Tôi để ý xem thầy Thanh Bá xuống ngồi ở vị trí nào. Tôi tìm đến:

-Em xin chào thầy. Xin lỗi, thầy là thầy Thanh Bá.

Thầy Bá cầm tay tôi thân mật:

-Đúng rồi tôi là Nguyễn Thanh Bá đây. Anh là…

Tôi chưa dám nhận mình là học sinh cũ của thầy. Tôi thận trọng:

-Dạ xin lỗi, thầy dạy bộ môn Văn phải không?

Thầy Bá nhìn tôi mỉm cười:

-Không. Tôi dạy môn Toán.

-Dạ. Vậy em nhầm thầy với thầy…

Thầy Bá như chợt hiểu ra, nhìn tôi cười hiền lành. Rồi vẻ mặt thầy tỏ một chút xúc động, thầy Bá hỏi:

-Thầy Nguyễn Thanh Bá dạy môn Văn người Huế phải không?

-Dạ đúng rồi.

-Vậy thì thầy Bá mất rồi. Thầy Bá mất cách đây đã mấy năm.

Tôi đứng lặng người. Một nỗi buồn tràn ngập trong lòng. Thầy Thanh Bá đã mất cách đây mấy năm!

Tôi chào thầy Thanh Bá dạy Toán rồi trở về ngồi vào chỗ cũ.

Hình ảnh thầy Thanh Bá dạy Văn năm nào lại hiện về trong ký ức của tôi. Thầy tiếp tục bình giảng bài ca dao.

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…

 Giờ học trôi qua nhẹ nhàng. Với giọng Huế ấm áp, cách diễn đạt các tình tiết minh bạch và hợp lý của thầy Thanh Bá khiến tất cả học sinh trong lớp hầu như ai cũng hài lòng. Chẳng có gì để thắc mắc cả. Đột nhiên thầy Bá hỏi:

-Các em có thắc mắc gì về ý tứ của bài ca dao nầy không?

-Dạ không.

-Nếu các em không có gì để thắc mắc cả, thì nghe thầy đọc lại câu nầy:

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Thầy hỏi các em nhé: Tại sao bước xuống vườn cà mà lại hái nụ tầm xuân?

Cả lớp im lặng.

Đoán chừng học sinh chưa hiểu rõ câu hỏi của mình, thầy

phân tích cho rõ ràng câu hỏi:

-Bước xuống vườn cà thì hái hoa cà chứ sao lại hái nụ tầm xuân? Còn nếu bảo rằng vì nụ tầm xuân đẹp hơn thì tại sao đi hái nụ tầm xuân mà phải bước qua vườn cà, không đi một lối nào khác? Hoa cà trong câu nầy có ngụ ý gì?

Cả lớp vẫn im lặng, hình như đến bây giờ mọi người mới nhận ra rằng mình chưa hiểu hết ý tứ của mấy câu ca dao, mà mới đọc qua nghe chừng như đơn giản.

Thay vì có câu trả lời, lại có nhiều tiếng cười. Hay! Học sinh cảm thấy khoái cái câu hỏi của thầy Thanh Bá đặt ra.

Đợi mấy phút không ai trả lời thầy Bá nói:

-Tất nhiên mỗi người có cách hiểu của mình. Thầy cũng có cách hiểu riêng của thầy. Thôi ta tạm gác vấn đề nầy lại. Các em về nhà tiếp tục suy nghĩ. Giờ văn tuần sau thầy trò ta trở lại tiếp tục phân tích trao đổi.

Tôi không ngờ giờ học đó là giờ học cuối cùng của lớp tôi với thầy Thanh Bá. Vì tuần sau thầy Bá đã được nhà trường điều qua dạy cho lớp đệ tam A. Thay vào đó, thầy Mỹ dạy lớp đệ tam B chúng tôi. Và chúng tôi không còn được dịp nghe câu giải thích của thầy nữa.

 

 *

Nói như thầy Thanh Bá, trong văn chương không đòi hỏi sự đánh giá đúng, sai tuyệt đối. Mỗi người có thể hiểu theo một cách khác nhau. Không thể nói cách hiểu của người nầy đúng, của người kia sai. Điều tôi muốn nói là trong giờ học đó thầy Thanh Bá đã nêu lên một vấn đề mà suốt đời làm nghề dạy học tôi luôn luôn cố tìm câu trả lời cho thỏa đáng.

Dạy học không phải truyền thụ tất cả kiến thức cho học sinh mà nêu những vấn đề, yêu cầu học sinh phải tự tìm cách giải quyết. Và quá trình tìm cách giải quyết một vấn đề là một nỗ lực sáng tạo.

 Đó là phương pháp giáo dục hiện đại mà thầy cô chúng ta đã áp dụng để dạy cho chúng ta cách đây hơn nửa thế kỷ rồi.

 Nguyễn Bá Trình
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI