Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Người khóc mướn


Người viết văn có tài không phải là người có khả năng làm cho người khác chảy được nước mắt mà có khả năng làm người khác bớt chảy nước mắt.

Đó là điều ông ấy nghiệm ra sau một thời gian viết lách.

 

 Phải công nhận ông ấy có khả năng viết khá tốt và cũng có óc sáng tạo. Những câu chuyện ông ấy viết đưa lên các trang mạng văn chương được nhiều người ưa thích. Chừng ấy không biết đã đủ để người ta công nhận ông là một nhà văn hay chưa. Thực ra để xác định một nhà văn cũng khó. Nhà Văn thì đâu có bằng cấp để xác định. Có thể một người có bằng cấp về văn chương và có học vị cao nhưng không thể trở thành một nhà văn. Một người ở hội nhà văn nầy hay hội nhà văn khác, cấp nhà nước hoặc cấp địa phương thì chưa hẳn người đó là một nhà văn đúng nghĩa. Trong khi một người bán hoa quả, một người thợ xây dựng một hôm cảm thấy yêu thích một điều gì đó rồi viết nên một câu chuyện. Bỗng anh ta, chị ta trở thành nhà văn và bài anh ta, chị ta viết nên do lòng yêu thích bỗng trở nên tác phẩm có tiếng tăm. Thôi nói chuyện nầy thì cũng không cùng và cũng dễ động chạm. Tôi nói về cái ông ấy. Và câu chuyện nầy cũng chẳng nhằm ám chỉ một ai cả. Những câu chuyện ông ấy viết đưa lên các trang web văn chương thường được độc giả comment về những lời bình rất đáng khích lệ như: Câu chuyện thật cảm đông, câu chuyện có tính nhân văn cao… đại loại là như vậy. Truyện ngắn của ông chưa bao giờ bị độc giả chỉ trích hoặc chê bai. Vậy thì ông ấy xứng đáng là nhà văn trong lòng độc giả rồi chứ gì. Biết bao nhiêu người mơ được điều ấy nhưng đâu có được. Nói như một nhà tư tưởng nào đó: Con người ta chỉ thực sự chết đi khi không còn sống trong lòng người khác. Không phải nguyên văn, nhưng đại ý là như vậy. Và ông ấy nghĩ ông đã sống được trong lòng mọi người. Đó cũng là tâm nguyện của ông. Và cái tâm nguyện ấy xét cho cùng cũng chẳng có gì khiến ông phải xấu hỗ. Có điều là con đường đưa ông đến sự thành công đó, một hôm ông nhận ra và cảm thấy xấu hỗ.

Cách viết truyện đưa ông đến thành công nó là như thế nầy. Ông chú tâm quan sát và nghe ngóng nhưng sự việc xẩy ra quanh ông. Và sau đó, mỗi sự việc như vậy ông tìm ra một kết thúc của câu chuyện theo ý riêng của ông. Và cái kết thúc đó bao giờ cũng đầy tình người. Vậy là ông thành công. Bởi truyện ông viết như thế là những câu chuyện rất gần gũi với mọi người và lại có tính nhân văn cao.

Lấy một ví dụ về một truyện ngắn của ông như thế nầy. Từ đó có thể suy ra cách viết cho những truyện ngắn khác.

 Trên một chuyến xe lửa ông ngồi nghe một hành khách nữ điện thoại với một người quen. Hành khách nầy là một cô gái đã kể hoàn cảnh bi đát của gia đình minh cho một người bạn nghe. Cha của cô gái đã chết . Mẹ cô đã già. Cô có ba người anh trai và một cô em gái út. Người anh cả bị tai nạn giao thông đang sống thực vật, vợ anh ta đã bỏ nhà ra đi. Người anh thứ hai lập công ty thất bại đâm ra rượu chè. Con cái bỏ học có đứa đã đi hoang sinh ra trộm cắp. Người anh thứ ba vào tù do buôn bán hàng trái phép. Cô Út không tìm ra việc làm bỏ đi lang thang. Bà mẹ già không ai nuôi…

Mình hiện đang làm gì thì không nghe cô kể.

Về nhà ông ấy viết nên một truyện ngắn. Trong truyện ông kể về một cô gái có hoàn cảnh giống như những gì ông đã nghe cô hành khách trên tàu kể. Vậy là ông thêm mắm thêm muối để trở thành một câu chuyện: Sau khi đám cưới, người chồng phát hiện ra cô không còn trong trắng. Anh ta bèn đuổi cô ra khỏi nhà. Cô gái cắn răng chịu đựng không hề thố lô cho chồng mới cưới của mình biết mình đã phải bán trinh để cứu vãn gia đình như thế nào. Một hôm người chồng đến với một cô gái gọi và anh ta bắt gặp người đó chính là là vợ mới cưới của mình trước đây…

Truyện của ông ấy đại loại là như vậy. Và rất được nhiều người ưa thích. Vì thương cảm cái đức chịu đựng hy sinh của người đàn bà trong truyện. Cũng có khi làm cho những người đàn bà nhẹ dạ rơi nước mắt. Và cứ thế ông ấy say sưa viết và say sưa với những lời khen từ phía độc giả. Tình trạng ấy kéo dài khiến ông tin mình là một nhà văn tăm tiếng và luôn sống bằng ảo tưởng với những con người hoàn thiện cao cả như trong các tác phẩm của ông.

Và cũng chính tình trạng nầy đồng thời cũng dẫn đến một hệ quả. Ông không còn chăm lo đến việc gia đình. Suốt ngày bên cái máy vi tính một mình. Mặt thì luôn đăm chiêu đôi khi nhăn nhó bực tức một cách vô cớ với người nhà khi ông cố moi trong đầu ra một kết thúc lâm li bi đát cho một câu chuyện. Vợ ông như bị bỏ rơi. Nhưng dù sao thì bà cũng không thể bỏ rơi chồng được. Bữa sáng dậy khoảng bảy giờ, trên bàn làm việc của ông đã có một li cà phê nóng và một món ăn sang. Khi thì món nầy khi thì món khác Món ăn bao giờ cũng do bà cũng tự nấu lấy, không để ông đi ăn ngoài. Bởi bà sợ thức ăn ở các quán không bảo đảm vệ sinh. Buổi trưa, cơm nước dọn xong, bà lên mời ông xuống ăn. Đã nhiều lần cơm canh nguội lạnh do ông đang say sưa với những ý tưởng đang tuôn trào trong đầu. Thấy thế bà vợ nhắc ông đến mấy lần. Cuối cùng thì bà bị ông quát: Bà ăn trước đi. Trưa nầy tôi không ăn nữa. Bà lẳng lặng bỏ xuống bếp. Nói vậy chứ cũng có những lúc, đầu óc ông thanh thản. Những lúc ấy, tất nhiên là hiếm hoi, ông tâm sự với vợ: Viết lách khó lắm . Mình không tranh thủ ghi lại những ý tưởng mới phát sinh, để nó trôi qua rồi không nhớ được. Ông nói cũng giọng ôn tồn thôi: Bà không biết nhà văn Mac Ket, mỗi khi người nhà đi qua chỗ ông ấy làm việc thì phải tháo guốc ra sợ gây tiếng động ảnh hưởng đến công việc của ông.

Nhưng vì thương chồng, bà không thể ngồi nhìn mâm cơm nguội lạnh được. Và giọng gắt gỏng của ông cứ thế mỗi ngày một gay gắt hơn. Bà chịu đựng: -Ông gắt mặc ông nhưng tôi không thể nhìn ông nhịn đói được - Nếu bà không chịu được thì đi ở với con cái . Cứ để mặc xác tôi. Thà chết đói chứ tôi không cam tâm sống mập mạp như một con heo. Bà hiểu không. Có lần bà chảy nước mắt trước những lời nặng nề của ông. Và cuối cùng thì bà cũng gạt nước mắt tìm vào thành phố ở với con gái thực. Từ đó ông mặc sức viết lách. Cơm nước thì có người giúp việc lo. Chị ta cứ đúng giờ bưng cơm lên. Còn ăn lúc nào thì tùy ý. Có lúc ông ăn hai bữa làm một. Và sức khòe của ông có phần suy giảm. Một phần làm việc bằng trí óc nhiều một phần do ăn uống thất thường. 


Một hôm ông ra dự đám chết của bà sui gia tận ngoài Quảng Ninh. Ở đây ông đã gặp một hũ tục mà hồi nhỏ ông chỉ nghe cha mẹ kể. Không ngờ nó còn tồn tại đến bây giờ ở vùng quê nầy. Đó là tục khóc mướn. Lúc đầu ông cũng hơi ngạc nhiên. Bà sui gia nầy ăn ở làm sao mà có nhiều người thương khóc đến như vậy. Có người khóc tự xưng rằng mình là con, là cháu. Là bên nội. Là bên ngoại. Có người xưng mình là bà con xa. Có người khóc đến xưng mình là người xóm trên. Có người khóc xưng mình là người xóm dưới… cứ vậy họ khóc râm ran và gần như không ngớt. Thế rồi ông thấy người con trai đầu của ông bà sui đến bên cạnh một người đàn bà ăn mặc khá sạch sẽ. Hai mắt đỏ hoe giống như mới vừa khóc xong. Người con trai đầu chìa ra tờ giấy bạc hai chục ngàn đồng trước mặt người đàn bà và nói:

-Chị khóc giúp cho con gái tôi một chút. Sáng nay nó ốm nên không đến khóc bà nội nó được.

Người đàn bà nhìn tờ giấy bạc rồi nói:

-Sáng nay tôi đã khóc thay cho mấy người rồi. Khản cả cổ đây.

Chừng như hiểu ý, người con trai cả móc ví đưa thêm tờ giấy bạc mười ngàn:

-Thôi được rồi. Giọng chị khóc mới cảm động.

Người đàn bà nhét hai tờ giấy bạc vào túi. Bỗng nhiên chị ta lăn xả vào chiếc hòm, vẹt mấy người đang bu quanh khóc. Chị gào lên:

-Bà nội ơi là bà nội ơi. Sao bà nội nỡ bỏ cháu mà ra đi vậy…Bà nội ơi là bà nội ơi.

Ra là như vậy. Phần đông những người đến khóc bà sui là người khóc mướn.

 

Đám xong, tối lại ông ấy nói chuyện với ông để ngày mai trở về.

Ông sui tâm sự:

-Con cháu thì đông anh à. Dù già rồi nhưng bà ấy mất đi tôi cảm thấy như hụt hẫng. Không có gì trên đời nầy quý bằng tình nghĩa vợ chồng cả anh à. Đáng quý là anh còn chị ở nhà. Ở tuổi nầy sống được với nhau một ngày là quý một ngày phải không anh.
 

 *
 

Vậy là ông ấy đã có thêm một đề tài để viết một truyện ngắn. Ông định viết một câu chuyện lấy tựa đề là Khóc mướn.

Trước khi tả cảnh người ta khóc như thế nào, ông hình dung lại cảnh đám chết của bà sui gia. Và buổi tang lễ tiến hành trong đầu ông như một cuốn phim quay châm. Và cũng cứ thế kịp thời ghi lại theo loại tốc ký mỗi hành động mỗi lời khóc của những người khóc mướn. Đoạn văn diễn tả của ông hết sức sinh đông.

Tả cảnh đám chết xong. Ông bỏ bút xuống suy nghĩ. Kết luận của câu chuyện là như thế nào nhĩ. Khóc mướn thì có chi cảm động đâu. Làm sao có thể diễn tả một đám chết mà có thể đi sâu vào lòng người bằng cảnh khóc mướn? Cho dù lời khóc có kêu gào thấm thiết đến đâu đi nữa. Thì khóc mướn vẫn là khóc mướn. Giá trị của mỗi lần khóc mướn không quá ba mươi đồng! Vậy là ông tiếp tục hồi tưởng thêm một chút nữa. Coi thử sau cái cảnh khóc mướn ấy có gì cảm động hơn không. Nhưng đám chết thì đã qua rồi. Còn chăng là buổi nói chuyện đêm đó cùng ông sui. Ông chợt nhớ đến câu nói của ông sui. À mà sao ông có thể nhớ câu nói nầy kỹ như thế nhỉ:Không có gì trên đời nầy quý bằng tình nghĩa vợ chồng…Ở tuổi nầy mà sống được với nhau một ngày là quý một ngày.

Ông ấy chợt nhìn qua ly cà phê mà người giúp việc đã mang lên từ sáng. Ông thấy chưa thể viết thêm được gì trong tâm trạng nầy của ông. Ôngđứng dậy đến bưng li ca phê. Ông chỉ uống cà phê nóng chứ không bao giờ uống cà phê đá. Nhưng li cà phê đã lạnh ngắt. Ông nhấp một chút. Lạ! Cà phê sáng nay có mùi gì là lạ. Hình như có vị chua chua. Ông nhấp thêm một ngụm nữa. Lưỡi của ông chạm phải cái gì đó. Cặn cà phê chăng? Ông nhai thử. Vật nhỏ tan ra trong lưỡi một vị cay xè. Ông đưa tay quệt lưỡi xem vật lạ là gì. Xác một con kiến! Ông nghiêng đáy li lại xem. Ồ một lớp xác kiến dưới đáy. Ông đặt li ca phê xuống bàn. Bỗng dưng ông chảy nước mắt.

 

Ông đến bên chiếc điện thoai bàn bám đầy bụi bẩn vì đã lâu vắng bóng chủ nhân, bàn tay khẽ bấm phím. Một giọng quen thuộc lạnh lùng : Tôi xin nghe. Không biết ông đã say sưa nói những gì với bà mà chỉ nghe bà ta trả lời: Thôi muộn rồi ! ông đã làm tôi tổn thương tột đỉnh và đau khổ nhiều rồi ông hãy xem như tôi đã chết từ dạo đó chúc ông hạnh phúc với cái điều mà ông thường nghĩ là sống cho chính mình chào ông.

Ông buông điện thoại thẩn thờ…
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI