Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Ngày của mẹ


Thím Năm nghe tiếng đứa cháu ngoại khóc thét rồi tiếng gọi giật giọng của người con gái từ nhà bếp:

-Mẹ xuống coi đây nầy.

Thím Năm vội vàng chạy xuống. Người con gái đưa tay ra trước mặt ngưởi mẹ, hình như con gái đang kẹp cái gì đó giữa hai ngón tay mà thím Năm không thấy.

-Mẹ coi, trong cháo của con Oanh còn sót cái xương cá đây nầy. Dễ sợ không!

Thím năm giật mình. Vậy là trong lúc nghiền cháo cho cháu, thím Năm gạn không sạch còn sót lại cái xương cá.

Thím nói giọng hối hận: 

-Trời đất! Mẹ gạn kỹ rồi đấy chứ. Chắc do mắt mẹ không rõ.

-Lần sau mẹ phải cẩn thận, nguy hiểm lắm.

Thím Năm nói như tự kiểm điểm: Mẹ hiểu rồi. May quá, cháu mà nuốt vào thì rõ khốn khổ. Thôi mắt của mẹ không còn tin được nữa.

Thím Năm bước ra đứng trước cửa lau mồ hôi trán. Thím Năm có cái tật hễ có việc gì lo lắng là thím lại đổ cả mồ hôi trán.

Lại nghe con gái gọi :

-Mẹ ơi mẹ!

Thím Năm lại chạy xuống.

 Đứa cháu ngoại đang ăn sáng, nó ói cả ra nhà.

-Mẹ lấy cho con cái khăn. Mau đi. Trời đất, ở trên giá kia kìa. Cháo bít cả mũi nó thở không được đây.

Thím Năm quýnh quáng chạy đi kiếm cái khăn lau mũi cho cháu. Rồi thím lại tìm cây lau nhà.

 Đây không phải là lần đầu, mà hầu như bữa ăn nào cũng thế. Cháu ngoại thím, con bé Oanh đã hơn bốn tuổi, thế mà cha mẹ nó vẫn cho ăn cháo, chưa cho ăn cơm. Mỗi bữa hai vợ chồng đứa con gái phải ép cho bé Oanh ăn hết một tô cháo đầy ắp, nếu sớt ra mà lường thì cũng phải trên ba cái bát ăn cơm hằng ngày. Khẩu phần mỗi bữa ăn như thế là một con cua biển nặng đến vài lạng. Nếu không thì bốn con tôm biển bằng ngón tay cái. Những lúc không có cua tôm thì thịt bò, cũng ngần ấy lạng. Nếu là trứng gà thì hai quả. Cộng thêm vào là gạo, khoai tây và một ít rau. Rau sạch được trồng riêng trong những chiếc thùng xốp nhỏ đặt trên sân thượng. Tuyệt đối không ăn rau ngoài chợ kể cả rau sạch bán ở các siêu thị. Trứng gà cũng được đứa con gái đầu của thím chuyển từ quê lên, họa hoằn lắm mới mua trứng ở siêu thị. Chỉ có gạo và khoai tây là phải mua thôi. Có lần thím nói đùa là phải biến cái sân thượng thành đám ruộng lúa lấy gạo cho con Oanh ăn. Thư con gái thím cười, nếu biến được thì con cũng biến từ lâu rồi không đợi mẹ phải khuyên. Còn khoai tây nó mới cho con Oanh ăn sau nầy. Trước đây nó thường nấu cà rốt, nhưng từ khi nghe ai đó nói hầu hết cà rốt ngoài chợ là cà rốt của Trung quốc, vậy là nó ngưng ngay. Nhìn cái tô cháo đầy ứ ừ lên ngang miệng thím cũng ngán đến tận cổ huống hồ con Oanh mới có bốn tuổi. Hai bữa sáng và tối thì bé Oanh ăn ở nhà, còn bữa trưa thì ăn ở trường. Ngoài ba bữa ăn chính ra còn kèm thêm hai ly sữa mà nhà trường cho uống vào giũa ba bữa ăn. Đến chín giờ tối còn thêm một cữ sữa nữa. Với số lượng thực phẩm dồn vào các bữa ăn cho đứa cháu ngoại như thế là nguyên nhân của những xáo trộn ồn áo trong gia đình. Mỗi lần cháu Oanh ngồi ăn, thì mẹ nó đút, cha nó cầm cái roi một bên. Hể thấy bé Oanh nuốt chậm hoặc từ chối không chịu há miệng ra là cha nó đánh vào đùi một roi. Cái roi quất không mạnh tay nhưng không phải không đau. Thím thương đứa cháu đứt ruột mỗi khi nghe nó khóc thét lên. Có lần thím chịu không nổi, thím giật cây roi trên tay con rể rồi quát: Để cho nó nhịn đói đi bữa sau nó ăn. Giận thì thím nói vậy thôi chứ làm sao mà bảo đừng cho cháu ăn. Thím nghĩ, chỉ cần cho con bé ăn ít lại, một nửa chừng đó cũng được. Nhưng con gái thím đâu có nghe. Thư nói với mẹ:

- Mẹ không thấy mấy người con của mẹ người nào người nấy như cái hột mít đó sao? 

 -Bằng hột mít thì đã sao nào? Thím Năm nói: Mấy cậu mấy dì nó, có đứa nào không tốt nghiệp đại học đâu. Dài lưng thì tốn vải chứ được tích sự gì.

 Thư không chịu cách suy nghĩ của mẹ:

-Nhưng nếu mẹ cho ăn tốt thì mấy cậu sẽ học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Mẹ không thấy trên TV, bên Âu Mỹ, người của họ cao một mét bảy mét tám. Người dân họ khỏe mới thông minh. Còn người mình một mét tư mét năm thì lấy gì mà thông minh. Mẹ lí luận theo kiểu mấy ông, chất xám không bằng chất xanh ấy.

Thế là thím Năm làm thinh vì con gái thím nói không phải là hoàn toàn sai. Nhưng nói cho đúng ra mấy người con của thím chúng nó nhỏ con không phải là do cái quan niệm của thím rằng dài lưng tốn vải, mà do thím không chạy đủ ba bữa ăn cho con. Tất nhiên ăn uống đầy đủ cũng phải hơn. Nhưng cho con ăn uống theo cách con gái thím liệu có phải là cách nuôi con tốt không. Sau mỗi bữa ăn, đứa cháu của thím nước mắt ràn rụa. Có những lúc ba nó quất roi vào chân nó, dù là quất không quá tay lắm, nhưng rõ ràng không đau thì nó không chịu nuốt hoặc không chịu há miệng. Mà đã nuốt không nổi thì nó phải ói ra. Nó nôn thốc nôn tháo. Những lúc như thế ba mẹ nó lại bảo nó tìm cách ói ra, vậy là nó bị trừng phạt bởi những roi đau điếng hơn. Thật là quá đáng. Khi con bé nôn ra hết, thì mẹ nó lại sai thím Năm đi nghiền tô cháo khác, không bớt đi một thìa. Có nhiều khi nó ăn vào lại ói ra đến ba lần. Những lần như thế thím lại bị con gái la lây. Bởi vì thức ăn thím chỉ chuẩn bị cho cháu ăn chỉ có một lần mà bây giờ phải làm lại cho nó ăn lần thứ hai, thứ ba, lấy gì mà không thiếu. Không thiếu món nầy cũng thiếu món khác. Làm nhiều thím lại sợ thừa, đổ đi cũng phí. Bởi ngoài việc đổ cho chó, cho mèo ăn thì có ai ăn được thứ cháo đó đâu. Mà mỗi bữa ăn như vậy đâu phải ít tiền. Một con cua đã sáu bảy chục ngàn rồi. Đổ cho chó mèo ăn mất cả sáu bảy chục ngàn thím tiếc đứt cả ruột. Thím nhớ những ngày mình nuôi con cái. Làm gì có cá thịt mà ăn. Nhà nghèo con đông, đi chợ thím mua một miếng mỡ về vằm nhỏ kho nước ruốc. Vậy là cả nhà ngồi quanh mâm cơm độn sắn lát, đứa nào cũng dành nhau dùng thìa vớt lấy những hạt mỡ lớn bằng hạt gạo nổi lềnh bềnh trên mặt tô nước ruốc. Mà hình như chúng cũng mau quên cái tuổi thơ khốn khó của mình. Caí khốn khó như ăn sâu vào tim óc thím. Đồ ăn thừa thím hâm đi hâm lại, nhưng cuối cùng cũng đem đổ. Thím ăn uống bao nhiêu, mà trong nhà thì chẳng có ai ăn. Có lần thím gắng ăn kẻo uổng. Nhưng mới đưa lên mũi thím đã thấy muốn ói. Cái mùi cháo nấu trong nồi áp suất nghiền nát ra, sao có mùi khó ngửi. Vậy thì bảo sao con bé nó ăn được suốt ngày nầy qua tháng khác! Nó không ói mới lạ! Có nhiều khi cái bé Oanh ăn vaò rồi ói ra đến mấy lần. Sau bữa ăn đó con bé gần như đuối sức và cha mẹ nó cũng bơ phờ. Cho con ăn buổi sáng xong, gần chín giờ cha mẹ nó mới ra khỏi nhà. Được cái là hai vợ chồng đều làm công ty nhà, chứ làm nhà nước thì nuôi con cách đó làm sao. Thấy bữa tối con bé ăn dễ hơn một chút, thím nói có lẽ do trên trường người ta cho ăn bữa trưa ít hơn. Giải thích như thế mục đích của thím Năm là để con gái biết mà cho con mình ăn ít lại vừa đủ sức hấp thụ của nó thôi. Nhưng con gái thím lại nói: Thế thì mình phải cho nó ăn tối nhiều hơn để bù lại. Vậy là sau khi có lời giải thích của thím, con gái thím lại tăng khẩu phần tối của bé Oanh nhiều hơn trước. Vậy là nó càng ói nhiều hơn nữa. Thím Năm ân hận sao mình lại nói ra cái ý đó chỉ càng làm khổ cho cháu. Thâý không thuyết phục được con gái, nên mỗi lần vợ chồng đứa con gái cho cháu ngoại ăn thím phải bỏ ra ngồi ngoài cửa, đợi chúng gọi làm gì thím sẽ vào làm. Ngồi đó nhưng thím không dám đi xa, lỡ nó gọi làm cháo thêm thì thím phải chạy vào làm cho kịp.
 

 *

Sáng nay vợ chồng Thư không đi làm. Bé Oanh ăn sáng xong, Thư bảo con ở nhà với bà ngoại, hai vợ chồng lái xe đưa nhau đi mua quà tặng các cô giáo của con nhân ngày ngày phụ nữ gì đó. Thím chỉ nghe hai vợ chồng đứa con gái nói loáng thoáng vậy. Trước lúc đi,Thư dặn mẹ trông coi cháu cẩn thận, đừng lo bữa ăn trưa. Thư đi một lát trở về rồi cả nhà đi ăn ở nhà hàng. Thím Năm nói với con gái:

-Để mẹ tranh thủ bắc nồi cơm lên. Con mua thức ăn về nấu ăn. Đừng đi ăn tiệm tốn tiền lắm.

Thư không chịu. Hai vợ chồng Thư đi một lát, thím Năm lấy đồ chơi ra cho bé Oanh ngồi chơi một mình rồi dọn dẹp nhà cửa. Thím tìm nhặt mấy cái vỏ bia lon rơi vãi trong nhà bếp. Thím ra sân định khóa cổng lại thì bà Phượng nhà đối diện bên kia đường gọi sang chơi. Không nấu ăn trưa nên cũng rảnh, thím Năm vào dẫn cháu ngoại sang nhà bà hàng xóm chuyện trò. Bà Phượng mời thím Năm vào nhà uống nước. Bà Phượng cũng biết bé Oanh biếng ăn. Bà khuyên thím nói với hai vợ chồng Thư giảm bớt khẩu phần cho cháu. Đừng ép quá nó sẽ sinh tâm lí sợ ăn. Thím Năm cười: Trời mà khuyên chúng nó được. Bác sĩ cũng bảo thế mà vợ chồng nó đâu chịu nghe. Mỗi lần nhìn hai vợ chồng nó cho con bé ăn mà mình xót cả ruột.

Thím Năm chợt chú ý chiếc bình hoa cắm đầy hoa tươi trên bàn khách. Thím hỏi: Hôm nay nhà chị có việc gì vui hả? Bà Phượng cười: Thì ngày Phụ nữ ấy mà. Vợ chồng Thằng Huy hôm qua chúng mua về tặng tôi ấy. Bày vẻ. Mấy ngày lễ nầy hoa đắt lắm. Bà Phượng nói rồi hỏi thím Năm:

-Chị có biết bình hoa nầy bao nhiêu tiền không? Rồi bà tự trả lời:-Ba trăm ngàn đấy. Kinh không.

 Bà Phượng lại hỏi:

-Vậy thì vợ chồng chị Thư bên nhà không tặng gì cho chị à?

Thím Năm lắc đầu:

-Chỉ nội cái việc ăn uống của cháu Oanh đã ngốn hết thời gian và tâm sức của nó. Chúng có nhớ chi đến ngày phụ nữ phụ nôi nữa. Thương cháu mà cũng thương con. Có nhiều khi con Thư đi làm phải mang bụng đói. Đút cho con nó ăn xong thì nó cũng hết cả hơi luôn. Sợ nó đói tôi biểu nó tranh thủ ăn vài miếng rồi đi. Nó cũng la cả tôi: Mẹ biết mấy giờ rồi không? Biết nó bức xúc vì con cái, mình cũng chẳng chấp trách gì. Cứ nghĩ mình thương con sao thì nó cũng thương con nó vậy. Ngặt cái bé Oanh ăn uống sao mà khó quá. Tôi có bốn đứa con nếu ăn uống như kiểu con Oanh vậy thì làm sao nuôi nổi.

Thím Năm tâm sự:

-Nói vậy nhưng có lúc tôi cũng thấy căng thẳng quá. Mình lại có bệnh huyết áp cao nữa. Nghe mẹ gào con thét, thằng cha nó thì cứ chiếc đũa quất vun vút vào đùi con bé, có khi tôi thấy xây xẩm tối tăm cả mặt mày.

Bà Phượng thở ra không nói gì. Cũng may thằng cháu nội nhà bà lại ngoan ăn. Bà Phượng vào lấy hộp bánh ra mời thím Năm rồi đưa cho bé Oanh một cái. Thấy thế thím Năm la lên:

-Đừng, đừng cho cháu ăn chị ơi. Ăn vào cháu sẽ ói đấy.

Bà Phượng đặt đĩa bánh xuống bàn và nói với thím Năm:

-Thôi, chị nói mà chúng không chịu nghe thì mặc chúng. Chị phải lo giữ gìn sức khỏe. Người già cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Đừng căng thẳng lắm. Nhất là người có bệnh huyết áp cao lại cần lại cần phải có cuộc sống thanh thản. Tức giận nó sẽ lên huyết áp đột ngột thì gay đấy. Vợ chồng nó cũng vì thương con, chứ đâu phải nó muốn hành hạ con cái nó mà chị phải lo.

Tất nhiên thím Năm cũng biết thế. Nhưng thấy đứa cháu trợn ngược mắt lên cố nuốt trong lúc cha nó thì không ngừng quất vào chân nó, hỏi ai mà chịu được. Con trẻ láng giềng thấy thế mình cũng khó chịu huống chi là cháu mình.

 

 *

Đang chuyện trò, thím Năm phải đứng dậy đưa cháu về nhà vì đã đến giờ uống sữa nửa buổi.

 Trước khi đi con gái thím Năm đã dặn mẹ rất cẩn thận. Đúng chín giờ nếu con chưa về kịp thì mẹ cho cháu uống sữa. Nước ấm đầy lên vạch 180. Pha ba muổng sữa đầy vun. Lắc đều. Uống sữa xong nhớ cho cháu uống nửa cốc nước nhỏ. Nhớ nửa cốc nhỏ thôi, đừng cho cháu uống nhiều nó sẽ bị ói. Bước ra tận xe, con gái thím còn vói dặn lại một lần nữa. Thím nghĩ con gái dặn kỹ vậy cũng đúng thôi. Thím còn nhớ chủ nhật tuần trước, khi thím cho đứa cháu ngoại uống nước, nó có vẻ như khát cháy họng. Nó ực một hơi là hết li nước. Nó lại đòi uống thêm. Thấy cháu còn khát thím Năm cầm lòng không đậu, thím rót một li khác. Uống hết nó lại đòi. Nhưng thím Năm nhất định không cho nữa. Nó đã uống quá mức cho phép một li rồi. Thím Năm đi cất li bổng nghe có tiếng ùng ục sau lưng. Thím quay lại và tái mặt. Bé Oanh đang ói. Bao nhiêu cháo buổi sáng mà cha mẹ nó ép cả gần hai tiếng đồng hồ kèm theo với roi vọt , bé Oanh đã ói ra hết. Nó ói phun có vòi. Cháo tuôn ra ở miệng, ở hai lỗ mũi. Quýnh quáng thím dùng tay bịt miệng cháu lại, nhưng nó vẫn ói qua những kẽ tay của thím. Ói xong mặt bé Oanh tươi tỉnh hẳn lại. Khác với trước đó mặt đứa bé trông cứ nhừ nhừ. Thì ra lúc đó nó đang buồn ói. Ói xong nó mới thấy khỏe. Lần đó thím đã bị con gái thét: Con đã dặn mẹ nhiều lần rồi sao mẹ đãng trí đến thế!

 Lần nầy bé Oanh cũng đòi uống thêm, nhưng nó đã uống xong một li nhỏ rồi. Có trời mới dám cho nó uống thêm. Mặt bé Oanh cũng có vẻ nhừ nhừ như lần trước. Có lẽ nó cũng đang buồn ói. Thím lo quá. Thím bật TV lên cho nó xem. Thím múc cá trong hồ ra cho nó chơi. Thím làm đủ trò để con bé khuây khỏa mà quên cái cảm giác buồn ói đang trào lên trong cổ nó. Rồi cơn ói cũng qua. Bé Oanh bắt đầu chơi, cười nói vui vẻ trở lại.

Thấy bé Oanh đã ổn thím Năm để cháu chơi một mình. Thím bỏ áo quần vào máy giặt. Thím găm điện. Thím muốn làm bớt việc cho con gái. Khi về nó còn lo cho cháu ăn bữa trưa.

Hết việc nầy thím Năm bắt tay vào việc khác. Đến nổi thím quên mất đứa cháu ngoại đã lén hé cửa chạy ra ngoài lúc nào thím không hề hay biết. Cho đến lúc thím nghe tiếng trẻ con khóc. Trẻ con nhà ai khóc nhỉ. Sao nghe giống như giọng con Oanh nhà mình thế. Nhìn quanh nhà thím Năm giật mình. Chết rồi! Oanh đâu? Cháu ở đâu? Oanh ơi! Oanh ơi!

Tiếng trẻ con đã khóc ở ngoài cửa. Thím Năm hốt hoảng chạy ra. Trời ơi! Sao vậy Oanh? Cháu sao vậy Oanh? Thím Năm thấy bàn chân của đứa cháu bê bết máu tươi, chảy giỏ theo những bước chân của nó. Trời ơi! Chị Phượng ơi! Chị sang giúp tôi một tay. Mau mau.

Thím Năm ôm chặt bé Oanh, còn bà Phượng loay hoay xé băng quàn chặt vào vết thương cho bé Oanh. Bà Phượng buộc thật chặt cho cầm máu. Thấy thím Năm hốt hoảng, bà Phượng nói:

-Không sao cả. Vết thương không sâu, cầm máu rồi.

Bé Oanh không ngừng khóc thét lên, giật giật cái chân dính đầy máu me.

Vừa lúc đó thì vợ chồng Thư lái xe về.

 Thư lao xuống xe chạy đến ôm con. Thấy máu me vướng đầy chân con, Thư thét lên. Sao vậy con? Sao vậy con. Vừa la Thư vừa ôm con chạy như bay vào nhà. Ba bé Oanh xuống xe nhìn thím Năm rồi nhìn bà Phượng. Anh không nói gì, lẳng lặng đi theo sau hai mẹ con Oanh vào nhà.


 *

Tối đến Thư thay băng cho vết thương của con. Bé Oanh lại một phen khóc thét. Ba Oanh ôm chặt con, cho mẹ Oanh rửa vết thương và thay băng.

Bé Oanh đã bớt đau, nó không khóc nữa.

Tối đó Thư không cho con ăn cháo như mọi khi mà chỉ cho uống sữa.

Thư ôm con vào lòng dỗ dành:

-Mẹ dặn con rồi, ở nhà với bà ngoại không được đi ra ngoài đường một mình. Sao con cãi lời mẹ? Con có nhớ câu chuyện gà con không nghe lời mẹ, bỏ đi chơi một mình thì sao không?

Bé Oanh trả lời mẹ:

-Gà con bị diều hâu bắt.

-Biết vậy sao con không nghe lời mẹ, đi chơi một mình để té chảy máu như thế nầy?

-Con đâu có đi chơi?

-Con không đi chơi thì đi đâu?

-Con đi hái hoa để tặng cho mẹ.

-Hái hoa tặng cho mẹ ư? Con hái ở đâu?

-Con hái ở bụi hoa gần nhà bác Bảy ấy.

-Mà ai bảo con hái hoa để tặng cho mẹ?

-Dạ cô giáo. Cô giáo bảo ngày hôm nay là ngày của mẹ. Các con phải tặng cho mẹ những bông hoa thật dẹp. Mẹ ơi, bụi hoa gần nhà bác Bảy sáng nay nở mấy cái đẹp lắm. Con muốn hái tặng cho mẹ nhưng nó cao quá con phải…

-Mẹ hiểu rồi. Mẹ cảm ơn con và mẹ xin lỗi vì đã trách nhầm con. Nào đưa má đây cho mẹ thơm con gái yêu của mẹ một cái nào.

Hôn con xong, Thư dịu dàng nói với con:

-Thôi con yêu của mẹ, hãy nằm ngủ đi, mẹ chúc con có một giấc mơ thật đẹp về mẹ nhé. Bây giờ mẹ phải sang phòng ngủ của bà ngoại để chúc sức khỏe cho bà ngoại. Con có biết bà ngoại là gì của mẹ không?

-Bà ngoại là mẹ của mẹ.

-Đúng rồi. Hôm nay cũng là ngày của mẹ, đối với mẹ đấy.

Oanh quấn chăn nằm ngủ.

Thư tìm đến phòng ngủ của mẹ, với một nỗi ân hận trong lòng. Từ lâu mình đã ít quan tâm đến mẹ. Nếu không có việc lảm của bé Oanh thì có lẽ hôm nay Thư cũng không nghĩ đến mẹ. Thư không quên ngày lễ nầy không phải vì nghĩ tới mẹ mà vì Thư không quên các món quà dành cho các cô giáo của con mình nhân ngày Phụ nữ.

Thư đến phòng của mẹ thì thấy phòng đã đóng cửa. Có lẽ cả ngày mẹ vất vả nên ngủ sớm. Nghĩ vậy Thư gõ nhẹ vào cửa gọi nhỏ:

-Mẹ.

Không nghe thím Năm trả lời. Thư gọi lại:

-Mẹ ơi!

Căn phòng vẫn im lặng. Thư có vẻ hốt hoảng, gọi lớn:

-Mẹ ơi, mẹ.

Thư xô mạnh cửa chạy tới giường của thím Năm.

Thư òa lên khóc và ôm xốc mẹ dậy.

Nhưng thím Năm đã không biết gì nữa.

Bây giờ thì mọi sự tiếc thương, mọi tấm lòng muốn đền đáp của con cái dành cho người mẹ, thím Năm đã chẳng còn nhận được nữa. Mà thực ra lúc còn sống thím chỉ muốn làm được thật nhiều cho con cháu. Thím chẳng bao giờ trông mong sự đền đáp của cháu con.

 Và có lẽ người Mẹ nào cũng thế cả. Bởi vì đấy là ý muốn của Đất Trời khi sinh ra những người Mẹ.

 Thế cho nên khi Mẹ nằm xuống thì ngoài trời lá đổ đầy sân:

Lá đổ ngoài sân

Để ru mẹ ngủ…

(nhạc Trịnh Công Sơn)
ĐANG ONLINE: 1 NGƯỜI