Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Một ngày cho trăm năm


Lời Tác giả

Một ngày cho trăm năm là cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, các nhân vật sống vào giai đoạn đất nước có nhiều biến động lịch sử. Tác giả cố gắng mô tả các sự kiện xã hội giai đoạn đó một cách trung thực để câu chuyện sinh động và hấp dẫn, không hề có ý tô hồng hay bôi đen với chủ đích nào khác.

Tên và hành động của các nhân vật cũng như tên các công ty, địa danh… hoàn toàn do tác giả hư cấu.

 Những sai sót nếu có, tác giả xin nhận trách nhiệm và lắng nghe ý kiến phê bình của độc giả.

Trân trọng!

NBT


PHẦN MỘT

SẮP ĐẶT CỦA SỐ PHẬN

1 - Đó là thị xã thuộc duyên hải miền Trung, nằm vắt vẻo trên bãi biển vòng cung với những rặng thùy dương xanh ngát. Giao thoa cùng vi vu bốn mùa gió thổi, tiếng sóng lúc trầm hung, lúc thổn thức, dạo nên khúc tình ca ngàn đời hát ru phố biển.

Đến thị xã vào những chiều nhạt nắng, bạn sẽ cảm nhận ra màu sắc của biển cũng là sắc màu của tâm hồn bạn, lời ru của gió trên những ngọn thùy dương cũng là điệu nhạc của lòng bạn.

Bởi thế nên du khách đã tặng cho thị xã này tên gọi đầy thơ mộng: thị xã Thùy Dương.

Câu chuyện bắt đầu tại Thùy Dương vào những ngày biến động lịch sử trọng đại: Đại thắng mùa xuân năm 1975.

***

Trung tuần tháng ba năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm.

Lúc ấy đã gần bốn giờ chiều, thị xã Thùy Dương rơi vào sự yên tĩnh bất thường. Phố xá đóng cửa. Đường vắng. Ở góc phố có tiếng cửa sắt kéo nhẹ, một bà già hé nhìn ra, rồi vội vàng khép chặt lại. Tiếng còi hụ cấp tập phía Ghềnh Đá, nơi những trại lính đóng dưới chân núi sát bờ biển càng làm tăng sự thắc thỏm cho những ai còn ở lại. Con đường Nguyễn Hoàng vòng theo bờ biển vốn tấp nập, giờ này không một bóng người. Tàu thuyền nhổ neo đi đâu cả để lại một bãi biển vắng vẻ. Sóng từng đợt nối đuôi nhau kéo vào bờ như thể chúng đang rời bỏ nơi ẩn náu hàng ngàn triệu năm của chúng đâu đó ngoài tít khơi thăm thẳm, tiến vào đất liền khi thấy thị xã đang bỏ trống. Xa xa tiếng đại bác vọng về ì ầm hòa với tiếng sóng. Trên bầu trời chiếc L19 như một cánh chuồn bạc quần đảo một chặp rồi lẩn vào mây.

 Trong căn nhà 47 Lê Văn Duyệt, Hồng Liên đang hối hả sắp xếp đồ đạc chuẩn bị di tản. Nàng chất vật dụng cần thiết vào túi quân trang. Thức ăn khô và nước uống cho riêng vào túi vải kaki. Túi còn lại đựng quần áo hai mẹ con nàng. Hồng Liên không biết có nên mang theo màn hay không, cuối cùng không còn chỗ nàng phải bỏ lại. Giá như dùng va li thì mang được nhiều đồ nhưng khó di chuyển. Thức ăn mang theo đơn giản là mấy lon đồ hộp, vài gói mì tôm cùng mấy ổ bánh mì. Nàng nghĩ, chắc di tản vài ngày nên chẳng mang theo làm gì nhiều ấy vậy mà cũng nặng trĩu mấy cái xách. Đồ uống là vài chai nước khoáng mang ở bệnh viện về cùng ít quả cam Sơnkit đóng hộp của quân đội Mỹ. Hồng Liên không quên mang theo chiếc radio Panasonic để theo dõi tình hình chiến sự nóng bỏng tại thị xã Buôn Mê Thuột, nơi Nghi, chồng nàng là đại úy phi công trực thăng đang đóng quân ở sân bay dã chiến của thị xã cao nguyên đất đỏ này.

 Cách đây ba hôm, Hồng Liên nghe đài BBC đưa tin chính phủ Sài Gòn hoàn toàn mất liên lạc với thị xã Buôn Mê Thuột. Sau hai ngày đêm giao tranh ác liệt, Sư đoàn 23 bộ binh quân đội Cộng hòa án ngữ tại đây đã tan rã hoàn toàn. Hồng Liên gan ruột như có ai cào xé, đôi mắt đỏ mọng, sưng húp vì khóc mấy hôm nay. Chiếc radio luôn ở bên cạnh chờ nghe tin liên quân Việt Mỹ tái chiếm tỉnh lỵ Dăk Lăk. Đã hai ngày nữa trôi qua vẫn chưa có tin gì mới. Hồng Liên lại vừa được tin bệnh viện thị xã Thùy Dương nơi nàng đang làm việc đã di tản sáng nay. Chính lúc này con trai nàng, cu Lâm vừa tròn bốn tuổi đang lên cơn sốt, bác sĩ chẩn đoán sốt siêu vi biến chứng qua phổi.

Trên giường cu Lâm nằm sốt mê man bên đống áo quần vung vãi. Nàng đã cho con uống trụ sinh liều cao và thuốc hạ nhiệt nhưng vẫn chưa công hiệu. Vừa xếp đồ đạc Hồng Liên vừa quay sang giường con, nói với người đàn ông đứng cạnh:

- Chú Tuấn giúp tôi kẹp nhiệt lại coi cháu đã hạ sốt chưa, ống nhiệt trên đầu giường đó. Ủa, cái áo này nhét vào rồi sao còn đây?- Hồng Liên cứ luýnh quýnh bỏ ra bỏ vào mấy thứ đồ dùng. Ngừng tay, nàng để mắt theo dõi Tuấn kẹp nhiệt cho con. Hồng Liên thấy Tuấn vụng về khi cầm cái ống nhiệt bằng ngón cái và ngón giữa rồi nàng chợt nhận ra ngón trỏ của anh bị cụt mất hai lóng, tâm trạng đang hoang mang Hồng Liên không để tâm tới, chỉ biết anh đã đặt ống nhiệt sâu gọn trong nách con. Nàng yên tâm trở lại công việc.

 Tuấn năm nay khoảng trên dưới ba mươi. Dáng người cao và hơi gầy, da ngăm đen, tóc húi cao. Đôi mắt sắc sảo phía đuôi hơi xếch vẻ ương ngạnh. Làn ria mép rậm trên đôi môi dày thấp thoáng một nụ cười ẩn hiện đâu đó trên khuôn mặt điển trai

Tuấn trước đây là người cùng thôn với Hồng Liên. Hai nhà chỉ cách nhau chừng hai ba trăm mét, ở hai bên bờ con kênh dẫn nước tưới cánh đồng An Hòa. Con kênh đã từng mang những chiếc thuyền giấy tuổi thơ mà Tuấn thường thả xuống với hy vọng Hồng Liên sẽ vớt được khi trôi qua trước nhà nàng.

Thời trung học đệ nhất[1], dưới mái trường An Hòa, Tuấn và Hồng Liên học chung một khối, cùng che bóng hàng cây xà cừ trên đường đến lớp. Hồi đó Tuấn là một học sinh tinh nghịch đến táo tợn nhưng học lại rất giỏi. Không năm nào cậu học sinh gầy guộc, đen đủi ấy không bị thầy hiệu trưởng mời lên khiển trách- Cảnh cáo trước cờ thì xi- nhê gì với nó! Các bạn đã nói về Tuấn như vậy. Các giáo sư[2] đều coi Tuấn là một học sinh cá biệt. Nhưng cũng nhờ tính táo tợn và gan lì ấy Tuấn đã cứu sống ba nữ sinh suýt chết đuối trong một mùa lũ khi xuồng qua sông An Hòa bị lật. Tuấn phóng ra giữa dòng nước chảy xiết cứu được hai người, đến người thứ ba Tuấn đưa vào nửa chừng thì đuối sức và cả hai bị nhận chìm, may nhờ bà con trong thôn ra cứu kịp. Ở trạm xá vừa tỉnh dậy cậu ú ớ:

- Con… Liên… có sống không?- Cậu đã làm xúc động đến rơi nước mắt những người xung quanh.

 'Con Liên' là cô nữ sinh thứ ba được Tuấn cứu và cô bé năm xưa giờ đang ngồi sắp xếp đồ đạc chuẩn bị di tản trước mắt anh.

Khác hẳn tính Tuấn, Hồng Liên dịu dàng, tươi xinh duyên dáng, là con chim họa mi của đội văn nghệ nhà trường. Hồng Liên thường bị đám tiểu yêu trong xóm An Hòa Đông trêu ghẹo, Tuấn trở thành vệ sĩ tự nguyện cho cô bé hồi nào không hay, bởi đứa nào nghe đến tên Tuấn cũng sợ xách dép chạy không dám ngoái đầu nhìn lại.

 Sau khi đậu trung học đệ nhất cấp, con chim họa mi không còn hót cho trường mình nữa. Hồng Liên đã ra Huế học trường cán sự y tế hệ 9+3. Nửa năm sau Tuấn cũng chuyển trường lên Pleiku. Bước rẽ ấy đã chẻ đôi cuộc đời Tuấn sau này, phần đời dành cho anh là những tháng năm mất mát, hụt hẫng.

 Năm Hồng Liên tốt nghiệp Trường Cán sự y tế thì Tuấn đang học lớp đệ nhất[3]. Nghe tin ở Huế Hồng Liên đã có người yêu, Tuấn đang chuẩn bị thi tú tài hai đột nhiên bỏ học xin vào lính Cộng hòa. Ngày Tuấn mãn khóa quân trường Thủ Đức anh có về thăm Hồng Liên một lần, lúc đó nàng đã mua nhà ở thị xã Thùy Dương và làm việc tại bệnh viện. Phải chăng con chim họa mi ấy đã đạt được đỉnh cao để có thể cất lên tiếng hót hay nhất của nó? Loài chim này vốn là thế, không bao giờ chịu hót trên mặt đất thấp thỏi.

Nghĩ vậy nên Tuấn tự nhủ nếu mình là con chiên ngoan đạo thì anh sẽ quì bên tượng Chúa cầu nguyện cho hạnh phúc của người mình yêu và đức Chúa Trời sẽ thông cảm với anh là tại sao anh cầu nguyện cho người mình yêu được hạnh phúc mà lòng anh lại đau khổ nhường ấy.

 Đã mấy năm trôi qua, hôm nay đột nhiên Tuấn trở về thăm nàng giữa thời điểm dân thị xã di tản gần hết khi nghe quân cách mạng đã làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Mê Thuột.

May mắn có Tuấn đến thăm, Hồng Liên nhờ anh theo dõi nhiệt độ cho cu Lâm để nàng rảnh tay thu xếp.

- Cháu sốt bốn mươi độ- Tuấn nói với Hồng Liên.

- Trời, đã uống thuốc hạ nhiệt rồi sao không giảm- Nàng dừng tay chạy xuống bếp hòa một thau nước ấm, với chiếc khăn trên móc, vội đưa Tuấn nhờ đắp trán cho cu Lâm.

- Bệnh viện còn ai ở lại không?- Tuấn hỏi trong lúc tay không ngừng vã nước ấm lên người đứa bé.

Hồng Liên như không nghe Tuấn hỏi, nàng lấy hết sức gút thật chặt miệng bao quân trang rồi buộc hai chiếc xách lại với nhau, thở sâu vào lấy hơi, lát sau mới nói:

- Phải buộc chặt hai cái xách với nhau cho khỏi bị bỏ sót. Sáng nay những bệnh nhân nặng và nhân viên điều trị di tản hết rồi. Bệnh nhẹ cho xuất viện chỉ còn vài ba nhân viên hành chánh và bác sĩ giám đốc. Họ sẽ di tản chuyến cuối cùng vào ngày mai. Chú khui chai nước khoáng trên tủ cho cháu uống giùm tôi.

- Sao lúc sáng Hồng Liên không di tản cùng họ luôn?

- Tôi đang nghỉ phép con ốm. Chiều nay lên bệnh viện nhận thuốc mới hay.

Hồng Liên nhớ lại sự việc xảy ra cách đây mấy tiếng. Lúc đó khoảng 13 giờ hơn, nàng lấy xe honda đưa con đến bệnh viện để nhận thuốc. Bước vào cổng, cảnh quang vắng vẻ rờn rợn. Nàng chạy sang phòng cấp cứu nơi làm việc hằng ngày của mình. Cũng vậy. Một số y cụ đắt tiền đã chuyển đi đâu hết. Dọc theo khu 4, Hồng Liên ghé mắt nhìn vào các phòng, giường nào cũng trống không, đến phòng cuối nàng thấy một người đàn ông đang bón nước cho vợ bên cạnh mấy cái túi đã buộc sẵn.

Hồng Liên bồng con rẽ qua kho thuốc, cửa mở toang hoác, thùng giấy, chai lọ bừa bãi, cảnh tượng giống như vừa bị cướp phá. Định rẽ vào phòng giám đốc Hồng Liên bất chợt gặp Hạnh. Luýnh quýnh nàng hỏi tiếng được tiếng mất:

- Sao bệnh viện di tản mà em không tin cho chị một tiếng?

- Em nhớ, nhưng không làm sao chạy tìm chị được. Tám giờ sáng có lệnh di tản, đến mười hai giờ trưa mới chuyển hết bệnh nhân nặng và đồ đạc lên xe, xong là xe chạy liền. Cháu bớt sốt không chị.

- Chưa. Bệnh viện còn ai ở lại nữa không?

- Giám đốc, chị Hoa…

- Thôi, để chị sang chị Hoa thử, mà sao em chưa đi?

- Yêu cầu công tác chị à.

Hồng Liên ngạc nhiên trước thái độ bình tĩnh của Hạnh, nàng thì hai chân hổng bám đất, mà Hạnh tỉnh khô như chẳng có chuyện gì.

 Hạnh tốt nghiệp Trường Cán sự y tế Huế về công tác tại Thùy Dương, vừa rồi được cử làm điều dưỡng trưởng thay bác Tám mới nghỉ hưu cách đây mấy tháng. Hạnh nhỏ tuổi hơn Hồng Liên, nhưng trong quan hệ đồng nghiệp, cách xử lý công việc, ai cũng có cảm tình và nể trọng tư cách của Hạnh.

 Hồng Liên bồng con qua phòng bác sĩ Mãnh giám đốc, nàng quên rằng thường ngày muốn gặp giám đốc phải ăn mặc nói năng thế nào: chiếc mũ y tá đội lệch chút xíu, đôi tất kéo lên không cân, bảng tên không ngay ngắn… lập tức bị giám đốc gọi lên giáo huấn- Đúng ba mươi bảy phút mười lăm giây- Có lần Hiền, bạn Hồng Liên, đã tính như vậy- về trang phục của một nhân viên y tế. Ấy thế mà hôm nay Hồng Liên lôi thôi thế này, với bộ dạng ấy nàng hớt hải đâm sầm vào phòng bác sĩ rồi chợt khựng lại: cửa mở banh, bàn làm việc vắng chủ bình hoa đổ nghiêng, những cánh hoa héo úa rơi vãi tung tóe.

Ý nghĩ nhân viên đã di tản chỉ sót mấy người nghỉ phép như mình làm Hồng Liên bật khóc. Cu Lâm bị kẹp chặt quá kêu đau- Để má cõng- Nàng nới lỏng vòng tay rồi vác con lên vai chạy qua hồ nước đi vào khoảng sân, thấp thoáng sau mấy bụi trúc đào nở thắm, bà Hoa đang nói chuyện với ai đó.

- Chị Hoa! Chị Hoa! Mọi người di tản hết sao chị không tin em với.

- Bác sĩ Mãnh, chị và mấy người bên phòng hành chánh chưa đi mà, chuẩn bị khi nào có xe chị kêu, nhớ ở nhà đừng đi đâu xa nhé.

- Dạ, em về. Chị đừng quên đấy.

 Đường vắng, Hồng Liên rú ga lao như bay, gần đến nhà xe hết xăng, nàng bỏ xe vác con chạy bộ, đến ngõ thấy dáng ai quen quen đang đứng đợi trước cửa, nhìn kỹ thì ra Tuấn.

 Tuấn tiếp tục đắp nước cho cu Lâm, mình nó như con tôm hấp hơi. Bỗng nhiên anh thấy nó rùng mình, các ngón tay co quắp, miệng sủi bọt. Tuấn la to:

- Chết! Cu Lâm co giật Hồng Liên ơi!

 Hồng Liên đang mở xách vải định cho thêm mấy quả cam vào, nghe Tuấn gọi, nàng hốt hoảng buông mấy quả cam rơi lăn lóc xuống nền rồi chạy đến. Cu Lâm giật giật hai tay, mắt môi trắng bệch, Hồng Liên nói như thét:

- Nhanh lên! Cắt đôi quả cam cho tôi!

Tuấn cạy miệng thằng cu, Hồng Liên vắt nước cam. Lát sau, cu Lâm buông lỏng hai tay, nhắm mắt thở đều, nó đã hết co giật. Hồng Liên ôm con vào lòng khóc thút thít.

- Thôi nghe con, má sợ lắm rồi!

Chợt cu Lâm cựa quậy mở mắt thấy má, nó cười nhợt nhạt.

- Cha mày, làm má sợ hết hồn.

Hồng Liên chưa hết run. Mỗi lần sốt cao, cu Lâm thường hay co giật, nhưng không lúc nào nàng rối lên như bây giờ. Có lẽ do tâm trạng mình mấy hôm nay không ổn định, Hồng Liên nghĩ thế. Rồi ngày mai sao đây, loạn lạc như thế này không có Nghi bên cạnh liệu nàng có đủ sức bảo vệ cho hai mẹ con không? Hồng Liên rơi nước mắt.

- Cháu bớt sốt rồi, để đấy tôi chăm cho- Tuấn giục- Hồng Liên sang dọn dẹp gấp lên rồi đến bệnh viện nhỡ có lệnh di tản sớm.

Hồng Liên đặt con nằm xuống, nàng đứng dậy chợt thấy đôi chân mình yếu hẳn, hai đầu gối muốn khuỵu xuống phải vịn thành giường mới đứng vững. Thấy vậy, Tuấn an ủi:

- Đừng lo, để tôi cùng đi đưa cháu lên bệnh viện.

2 - Khoảng bảy giờ ba mươi, sân bệnh viện mỗi lúc một đông, các nhân viên còn sót lại đã lần lượt tập trung để kịp di tản chuyến cuối cùng. Họ đem theo người thân, thậm chí có người còn mang theo cả tủ lạnh, tivi. Họ ngồi từng đám bàn tán đủ chuyện: 'Xe tăng T54 của quân giải phóng tiến sát thị trấn Phú Tây, cách thị xã Thùy Dương chưa đầy ba mươi cây số'; 'Tổng thống Thiệu đã có lệnh di tản chiến thuật khỏi thị xã Pleiku'… Một cụ già giọng trọ trẹ: 'Tui không muốn đi, chỉ tại thằng con tui nó nói: Bọn Mỹ không giữ được thì chúng sẽ san thành bình địa hết. Ba cứ ở lại đó một mình. Nó nói vậy cha tui cũng không dám ở lại'.

 Trong đêm tối mọi người mong thấy một ánh hỏa châu, một tiếng súng hoặc một tín hiệu gì đó chứng tỏ là lính Cộng hòa còn ở lại, nghĩa là họ chưa bị bỏ rơi. Nhưng tuyệt nhiên, không ai nghe thấy gì ngoài tiếng sóng biển bủa vây và màn đêm như quánh lại, tưởng chừng những điều họ mong đợi đã bị tiếng sóng gầm gừ kia nuốt chửng hoặc đã bị chôn vùi trong màn đêm đặc sệt ấy.

- Sao trong gara không có xe nào hết?

- Bác sĩ giám đốc sao không thấy tới?

- Người đông vậy sao chở hết?

Có giọng người đàn ông càu nhàu:

- Chết tiệt! Còn đem theo cả bà con họ hàng nữa chứ.

- Lo gì, thế nào bác sĩ giám đốc cũng đuổi người lạ xuống.

 Dưới ánh sáng lờ mờ hắt từ bóng đèn nê on bắt trước tiền sảnh bệnh viện, Hồng Liên trải chiếc drap màu xanh lên nền xi măng cho cu Lâm nằm, cuộn chiếc khăn tắm làm gối. Nàng sờ tay lên trán con, yên tâm vì thấy cu Lâm đã hạ sốt. Ngồi bó gối cạnh nàng là Hiền làm ở phòng hồi sức, sau lưng là Hải, chồng Hiền, thiếu úy cảnh sát tại chi khu Phú Tây đào ngũ về. Biết chồng đào ngũ, Hiền nửa mừng nửa lo. Dù sao hoàn cảnh này có chồng bên cạnh là hạnh phúc hơn cả. Nghĩ đến Nghi, chồng Hồng Liên hoặc Mãn, chồng Thuần giờ này không biết sống chết ra sao, Hiền thấy mình may mắn, nàng hỏi Hồng Liên:

- Có tin gì của anh Nghi chưa chị?

Hồng Liên im lặng lắc đầu. Hiền nhìn Tuấn đang đứng hút thuốc tựa lưng vào cột tiền sảnh cách đấy chừng vài bước, hỏi nhỏ:

- Ai vậy?

- Chú Tuấn, bạn anh Nghi, cùng quê với mình- Hồng Liên nhìn Tuấn rồi giải thích với Hiền- Tuấn về phép bị kẹt lại.

 Hồng Liên chỉ nói qua loa, thực tình nàng không biết Tuấn đang làm gì, ở đâu và sao lại có mặt ở thị xã vào lúc này.

 Tuấn ném đót thuốc lá ra xa tạo thành một vết lửa nhỏ bắn ra những tia sáng li ti rồi tắt dần trong bóng tối. Anh bước đến ngồi xổm xuống cạnh ba người. Hồng Liên giới thiệu vợ chồng Hải với Tuấn. Họ cảm thấy vững bụng hơn khi có nhiều người cùng đi, nhất là có đàn ông trong hoàn cảnh này.

 Tiếng bàn tán rì rầm của đám người chạy loạn dần lắng xuống. Họ im lặng nghe ngóng chờ đợi. Trong đầu mỗi người nghĩ về một viễn cảnh khác nhau. Có tiếng chân lạc xạc. Dáng cao lêu nghêu của một người đàn ông từ trong bóng tối phía gara tiến tới, giọng không to và hơi ngòng ngọng:

- Sáng mai mới di tản, bác sĩ giám ốc có lệnh: Chỉ nhân viên bệnh viện và con cái mới i theo xe, không ai ược mang theo người thân hay ồ ạc.

 Nói xong bóng đen trở lại hướng cũ và mất hút. Hồng Liên nhận ra giọng nói của chú Mau bảo vệ.

- Họ nói mặc họ, sáng mai có xe anh cứ lên- Hồng Liên nghe giọng Bích y tá trại 4 khoa ngoại, có lẽ cô ta dẫn theo bạn trai hay bà con gì đó. Tuấn đứng dậy kéo Hải ra trước cổng bệnh viện phía cây dương liễu thì thầm trao đổi với nhau gì đó, rồi thấy hai người đi ra ngoài cổng. Lát sau cả hai trở lại.

 Hiền hỏi chồng:- Chú bảo vệ nói vậy tính sao anh?

- Để sáng mai hãy hay, bây giờ hai bà cố ngả lưng một chút đi.

Nói vậy nhưng hai người đàn bà vẫn ngồi bó tay lên gối gục đầu lo lắng, lúc này chẳng ai tài nào ngủ được. Tuấn vẫn ngồi cạnh Hải. Hồng Liên chẳng hỏi gì anh nhưng lòng nàng hết sức lo lắng nếu Tuấn bị bỏ lại trong chuyến đi sáng mai. Không phải lo cho Tuấn mà lo cho hai mẹ con nàng. Tuấn thọc tay vào túi lấy gói thuốc lá Salem ra mời, Hải khoát tay không hút. Anh đứng dậy bước ra xa mồi thuốc. Trong bóng tối loang loáng ánh đèn, đóm lửa đầu thuốc chốc chốc lại lóe lên lờ mờ bộ ria mép của Tuấn.

 Cuối cùng thì cả Hồng Liên và Hiền cũng nằm co quắp trên tấm drap ôm con chập chờn vào giấc ngủ đầy ác mộng.

 Trời tháng ba khá lạnh về đêm, gió biển ào ào thổi. Hải tựa lưng vào vách ngáy nhè nhẹ, Tuấn hết châm điếu thuốc này đến điếu khác, thỉnh thoảng anh đi quanh một vòng rồi trở lại ngồi xuống cạnh Hải.

 Khoảng năm giờ sáng có tiếng động cơ nổ nghe xa xa, sau rõ dần rồi dừng lại trước cổng bệnh viện. Hai luồng ánh sáng đèn pha quét lên đám người nằm lổn ngổn trên sân. Môt chiếc xe từ từ lăn bánh vào. Hai luồng sáng khác lại tiếp tục quét lên. Những thân người nằm im bất động đột nhiên cựa quậy.

- Có xe! Có xe!

 Như câu thần chú, hai tiếng ấy kêu tới đâu thì những thân người co quắp bất động đột nhiên vùng dậy và trong óc họ đã thoáng thấy bóng thiên đường.

- Tới hai chiếc!

 Tiếp đó là cảnh náo nhiệt, người bồng con, kẻ xách gói ùa đến hai xe vừa tới. Chiếc đến trước có người mở cửa bước ra. Trong ánh sáng mờ đục hơi sương buổi hừng đông thoáng dáng cao gầy của bác sĩ Mãnh, trông tóc bác sĩ bạc hơn mọi khi không biết có phải do sương mai? Theo sau là chú Mau bảo vệ. Từ xe thứ hai bà Hoa trưởng phòng hành chánh bước xuống. Hạnh tự lúc nào đã đến bên bà Hoa.

- Ai có con nhỏ lên xe này- Bác sĩ chỉ chiếc thứ hai, cố lấy phong độ ông dõng dạc:- Chỉ nhân viên bệnh viện và con mới được lên xe. Ông nhìn quanh một vòng rồi tiếp:- Không ai mang theo bất cứ đồ đạc gì.

Đám người hỗn loạn nháo nhào chạy ra xe, Tuấn chỉ tay nói nhanh:

- Hồng Liên và Hiền bồng hai cháu ra xe lẹ đi. Bỏ đồ đạc lại, đến đó có anh em tôi.

 Nói xong Tuấn túm bao quân trang, hai nách kẹp hai xách đẩy Hải chạy nhanh ra chiếc xe có bà Hoa và Hạnh đang đứng. Hải định chui vào xe thì bà Hoa chặn lại, nhanh như chớp Tuấn rút khẩu súng ngắn chĩa thẳng vào bà Hoa gằn giọng:

- Bà muốn di tản hay ở lại đây?- Vừa nói Tuấn vừa đẩy Hải chúi gập vào xe. Bà Hoa buông thõng hai tay, mặt tái mét. Hạnh trừng mắt nhìn Tuấn, anh né tránh ánh mắt Hạnh.

 Lần đầu tiên ánh mắt sắc sảo của Tuấn chịu lẩn tránh cái nhìn của đối phương. Không phải sợ. Lúc ấy anh không còn tâm trí để lý giải sự thất bại đó. Sau này mỗi lần nhớ lại, Tuấn nghiệm ra cái mặc cảm của người đàn ông dùng vũ lực uy hiếp phụ nữ để thực hiện ý đồ cá nhân đã quật ngã ý chí kiên cường vốn có trong Tuấn. Còn một điều nữa, hình như lúc đó Hạnh đã nhận biết việc làm quỷ quyệt của anh. Trong đôi mắt Hạnh, anh đã thấy được rõ ràng ánh mắt cô giáo hướng dẫn năm xưa với lời cảnh cáo:- Thôi đi, không hành động quỉ quái nào của em qua nổi mắt tôi đâu…

Biết vậy thì tại sao lúc đó Hạnh không ngăn anh và Hải lại? Mãi sau này, lâu lắm, gặp lại Hạnh, điều thắc mắc của anh mới được giải tỏa.

Khi Hải lọt thỏm vào xe thì Hồng Liên vừa đến sát sau lưng Tuấn, anh ném vội bao quân trang và hai túi xách vào, ôm lưng nàng nhấc bổng hai mẹ con đẩy lên xe. Anh cũng làm vậy với mẹ con Hiền. Xong, Tuấn lên xe không hề gặp sự cản trở nào.

 Hai xe đã sập cửa, trên sân bệnh viện trật tự vãn hồi. Những người không lên được ngơ ngác nhìn nhau. Đồ đạc bừa bãi khắp sân. Người đi khóc, người ở lại cũng khóc. Họ vẫy chào nhau như không bao giờ còn gặp lại. Lúc trời vừa sáng, xe rời bệnh viện. Đi một khoảng khá xa, bấy giờ bà Hoa mới lấy lại hồn, nhìn lui tìm kiếm chợt bà hỏi:- Hạnh ngồi đâu, Hạnh ơi?

- Khi xe chạy tôi thấy cô ấy còn ở dưới.

- Trời đất! Sao không gọi nó lên? Giờ sao đây?

Tài xế gắt:- Thôi xa rồi, để cô ta tìm cách vào sau.

3 - Qua đêm 10 tháng ba, sau những đợt pháo kích dữ dội quân Giải phóng vào được thị xã Buôn Mê Thuột và đã chiếm các vị trí trọng yếu… Một số lính Cộng hòa vượt làn đạn trốn khỏi thị xã. Trong những người trốn thoát có đại úy phi công Nghi và bốn người thuộc lực lượng ứng chiến sân bay: trung úy Ngọc đang bị thương khá nặng ở tay phải, trung sĩ Lê với hai tân binh Tân và Á.

Sau khi thoát vòng vây an toàn họ đã ở trong rừng hai đêm. Vết thương của Ngọc ra nhiều máu. Cả nhóm dừng lại băng bó cho anh. Nghi bàn cách thay nhau cõng Ngọc. Dưới tán lá cao su, họ len lỏi vào rừng rồi nhắm hướng Cheo Reo đi xuống với hy vọng gặp lính Quân đoàn 2 đóng tại đó. Họ không đi theo quốc lộ 14 vì nghĩ thế nào quân Giải phóng cũng đã cắt đứt con đường huyết mạch dẫn vào Sài Gòn này. Trong nhóm, người thì bảo nên theo quốc lộ 27 vòng lên Đà Lạt rồi xuống Sài Gòn, người thì bảo theo quốc lộ 26 xuống Nha Trang, đó là con đường ngắn nhất đến thủ phủ cuối cùng của họ. Nhưng các ý kiến đều bị Nghi bác bỏ. Nghi nói:- Mọi quốc lộ giờ này đều là đường chết, chỉ có cắt rừng mà đi may ra còn sống sót.

Trời tối, họ dừng lại. Ngọc luôn miệng kêu khát và đòi cho anh ta chết:

- Bỏ tao xuống, trước sau gì tao cũng chết. Tụi bây chạy đi!

- Gắng lên! Đến Cheo Reo
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI