Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Một loài hoa trong ca dao


Vậy là Hoàng còn sống. Cái tin nầy làm tôi hết sức vui mừng và cảm động. Nhưng ai đã nói nó chết nhỉ. Không phải chỉ mình tôi mà mấy thằng bạn học cùng lớp hồi xưa khi gặp nhau nói chuyện, nhắc đến Hoàng thì đứa nào cũng bảo nó đã chết. Chết trong trường hợp nào thì chẳng ai biết. Thế rồi có một buổi tối, khi mở fb tôi bắt gặp một nhóm bạn họp lớp. Trong ảnh đưa lên có ghi rõ lớp, năm học và tên từng người một, có tất cả sáu đứa trong đó có Hoàng, được giới thiệu là lớp trưởng năm học đó. Có mấy đứa nếu không giới thiệu tên thì tôi cũng không nhận ra mặt. Vì ảnh trong fb không thực. Vậy là hoàn toàn chính xác. Hoàng còn sống.

Tôi gọi cho Tâm, bạn cùng lớp với tôi và Hoàng, đang làm việc tại tp HCM :

 
-Alo. Tâm đấy hả.

-Có chuyện gì mà gọi khuya vậy Trung?

-Mấy hôm nay mầy có mở fb không?

-Không. Có chuyện gì vậy?

-Cứ mở xem.

- Chuyện gì thì nói mẹ ra. Mầy gặp con Anh trong fb à?

-Không. Thằng Hoàng còn sống. Bọn nó vừa họp lớp ở Phan Thiết.

-Vậy mà đứa nào nói thằng Hoàng đã chết. Mầy bắt liên lạc với tụi nó đi. Sắp xếp công việc bọn mình xuống đó gặp chúng một chuyến. Thằng Hoàng còn sống! Hay dữ ta. Phải gặp nó mới được.


 Nhóm học cùng lớp của tôi ở Đại học Khoa văn Huế năm nào, hiện nay ở tp HCM nầy, ngoài tôi và Tâm cũng là người bạn cùng quê ra, còn mấy đứa. Gọi điện báo tin cho Tâm xong, tôi bàn với vợ vài hôm nữa sắp xếp rồi hai vợ chồng đi Phan Thiết tham quan một chuyến.

- Anh vừa bắt liên lạc được với mấy đứa bạn học cùng lớp hồi ở đại học. Tôi nói với vợ. Ra đó biết đâu em lại gặp được bạn bè cùng làm ở bệnh viện Phan thiết năm nào.

-Lâu lắm rồi không biết có ai còn làm ở đó nữa không. Không gặp thì thôi. Tham quan phong cảnh Phan thiết cũng có nhiều chỗ đẹp. Em làm việc ở đó mấy năm nhưng chưa có điều kiện đi đâu cả. Chẳng hạn như Lầu Ông Hoàng nầy, Mũi Né nầy…Xem trong tạp chí Du lịch thấy họ giới thiệu các khu nầy bây giờ chỉnh trang thành khu du lịch đẹp lắm.

Vậy là hai vợ chồng tôi nhất trí đi du lịch ở Phan thiết. Chúng tôi cũng có dự định đi du lịch gần gần quanh đây một chuyến, đi xa không có thời gian. Nhưng chưa chọn ra địa điểm nào.

Tôi nối liên lạc với YENDO, tên trang fb đã giới thiệu nhóm bạn bè ở Phan Thiết, mà tôi nghĩ đó là Đỗ thị Yến. Nữ sinh viên của lớp, ngồi ở bàn đầu dãy trái. Quả đúng là Yến. Đêm đó chúng tôi gần như thức đến một giờ sáng để nói chuyện với nhau.

 
 *

Một buổi sáng trời Sài gòn nắng đẹp. Chúng tôi để cậu con trai năm tuổi ở nhà với bà ngoại để lên đường. Trước lúc đi chúng tôi định đưa con theo, nhưng bà ngoại lại không chịu. Bảo rằng chúng tôi đi thăm bạn bè nhiều nơi sợ mệt cháu. Nó là cục vàng của bà ngoại nên chẳng ai dám đụng vào. Kể cả cha mẹ nó.

Đã hẹn vậy, nhưng trong chuyến đi Phan Thiết, Tâm không theo được vì có công việc đột xuất của công ty. Nó là chủ xị nên không thể vắng mặt.

Trước khi chúng tôi lên đường Tâm đến gặp tôi và nói:

-Gặp mấy đứa, mầy bảo là thằng Tâm gởi lời thăm. Và hẹn nhất định sẽ có lúc ra gặp bọn chúng.

-Chỉ chừng đấy thôi sao, tôi nhìn Tâm cười. Mầy không nhắn gì với Đỗ thị Yến à.
 

Tâm cười:

-Mẹ kiếp. Kể từ ngày mầy lấy vợ rồi tao thấy mầy đù hẳn đi. Có nhắn gì với nó thì tao nhắn trong trang riêng fb của nó chứ. Nói đùa đấy, không gởi riêng gì cho con Yến nhưng tao gởi chung cho bọn chúng cái nầy. Tâm vừa nói vừa móc túi lấy ra phong bì, cười nói với tôi:

-Không đi gặp anh em được, tao chịu phạt.

-Bao nhiêu?

-Đủ một bữa cơm đạm bạc trong buổi đầu bạn bè gặp nhau thôi.

Tôi đẩy tay Tâm ra và nói:

-Đùa đấy. Mầy không đi được thì thôi. Có gì vợ chồng tao trang trải cũng được.

Tâm không chịu:

-Của mấy là của mầy. Đây là tình cảm của tao. Nói với bọn chúng, không đi được, tao tiếc lắm. Nhưng nhất định có lúc thằng Tâm nầy phải xuống gặp bọn chúng. Phải say cho đã một trận mới được.

Thấy Tâm cương quyết, tôi nhận thay cho các bạn.


Yến dặn chúng tôi rất kỹ. Lớp trưởng Hoàng sẽ ra tận bến xe đón. Hai vợ chồng tôi sẽ ăn ở tại nhà Hoàng trong suốt thời gian lưu lại Phan thiết. Trong mail Yến nói: Nhà Hoàng khang trang rộng rãi lắm. Có phòng ngủ riêng cho hai ông bà, có điện lạnh và đầy đủ tiện nghi. Vợ Hoàng là người rất hiếu khách. Nhất là với bạn bè của chồng. Vợ chồng cậu không có gì phải áy náy.

Vậy thì tốt quá. Thằng Hoàng lảm gì mà khá vậy nhỉ. Vậy mà mang tiếng ở Tp HCM, nhưng nếu bạn bè tới thăm tôi cũng chưa có một chỗ để tiếp cho tử tế. Cái thằng nầy cũng lạ. Nó làm ăn ngon lành vậy thì bạn bè ở cả cái thành phố Phan Thiết ai mà không biết. Sao lại có đứa đồn nó chết. Hay là lâu nay nó mất tích đi đâu một thời gian, đùng một cái, trúng cú gì đó nó lại xuất hiện? Biết đâu nó không trải qua một cái chết và có người đã thấy điều đó? Nếu vậy thì càng mừng cho nó.

Hoàng là lớp trưởng của chúng tôi suốt mấy năm ở đại học. Tính tình cởi mở, hay giúp đỡ bạn bè lại rất thẳng thắn nên trong lớp ai cũng mến. Dù học không giỏi lắm, nhưng được thầy cô tin tưởng, vì thế cậu ta đã giữ chức lớp trưởng đến ba năm liền.

 
Vừa xuống bến xe Phan thiết, chưa kịp nhận hành lí, thì Hoàng đứng sẵn đâu đó chạy ào đến ôm chùm lấy tôi. Câu nói đầu tiên của nó là:

-Thằng Trung, mầy không khác gì cả.

Hoàng quay sang chào vợ tôi. Tôi giới thiệu:

-Bà xã mình đấy.

Hoàng cười:

-Biết rồi.

-Sao mầy biết.

Vẫn cái tính khôi hài như xưa:

-Với cô nào đi nữa thì mầy cũng giới thiệu là bà xã của mầy chứ sao.

Cả ba chúng tôi cùng cười. Chúng tôi nhận hành lí. Một chiếc taxi trờ tới. Hoàng nói:

-Vợ chồng cậu lên xe. Tài xế nầy quen, biết nhà mình rồi. Vợ mình đang chờ hai người ở nhà.

Tôi hỏi:

-Cậu đi bằng gì?

-Xe máy. Mình chỉ đến sau vài phút thôi.

Hoàng nhanh nhẩu cùng tài xế đưa hành lí chúng tôi vào cốp xe.

-Coi còn sót gì nữa không. Nếu không thì hai cậu lên xe đi nhé. Mình sẽ đến ngay bây giờ.

Vợ chồng tôi lên xe. Xe chạy qua dưới lầu nước. Ở thành phố Phan thiết có cái lầu nước nổi tiếng. Nó dược xem là biểu tượng của thành phố, được hoàng thân xứ Lào là Xu Pha Nu Vông tự tay thiết kế trong thời gian ông sang Việt Nam du học ngành xây dựng. Nhìn thành phố khang trang đẹp đẽ, vợ tôi nói:

-Đâu có chưa đầy mười năm mà thành phố thay đổi nhìn không ra. Không biết bệnh viện bây giờ nằm ở chỗ nào.

Người tài xế nghe nói trả lời:

-Vẫn nằm ở vị trí cũ cô à. Nhưng giờ xây dựng lại lớn lắm.

Thấy tài xế vui vẻ, vợ tôi hỏi:

-Vậy thì anh có biết dãy nhà hai mươi căn bây giờ có còn không?

-Dạ không. Tôi cũng mới lên lập nghiệp ở thành phố mấy năm gần đây nên không nghe ai nói đến dãy nhà đó. Sao nó có đến hai chục căn hỡ cô.

-Đúng rồi. Chủ nó là người giàu có lại đông con. Ông ta xây hai chục căn nhà liền nhau cho hai chục người con.

-Trời đất. Con đâu mà nhiều dữ vậy. Không khác gì vua chúa hồi xưa.

Xe đang chạy trên đường cái lớn thì tài xế cho giảm tốc độ và nói:

-Gần đến nhà anh Hoàng rồi đấy.

Xe dừng hẳn trước một ngôi biệt thự .

-Đây là nhà anh Hoàng. Vợ anh ấy đang đứng trước cửa chờ anh chị kìa.

-Cũng xa bến xe đấy chứ. Vợ tôi nói.

Người tài xe mở cửa cho chúng tôi ra và nói:

-Dạ sáu cây.

Nhận đủ hành lí, vợ tôi mở ví tính tiền nhưng tài xế nói:

-Dạ anh Hoàng trả rồi.

-Trời dất, cái anh Hoàng nầy chu đáo quá.

Tôi cảm ơn tài xế và xách cái va li. Hai vợ chồng tôi tiến đến cổng. Vợ Hoàng mở ngõ và chào chúng tôi, vui vẻ hỏi:

-Anh chị đi xe đường xa chắc mệt lắm.

-Cũng không mệt lắm chị à. Vợ tôi trả lời và chào vợ Hoàng.

-Dạ mời anh chị vào nhà.

Vợ Hoàng mời chúng tôi với giọng Huế ngọt ngào.

Tôi nhìn vợ Hoàng và cười:

-Thì ra chị đồng hương với tôi.

-Dạ em ở chợ Tiền Nộn.

Tôi thốt lên ngạc nhiên:

-Tôi cũng ở chợ Tiền Nộn đây.

Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt vợ Hoàng với cảm nhận đầu tiên là vợ Hoàng rất trẻ và đẹp. Vợ Hoàng cũng chăm chú nhìn tôi. Có lẽ cả hai chúng tôi đang tìm xem trên khuôn mặt của nhau có nét gì quen thuộc không. Cùng ở Tiền Nộn, cùng xấp xỉ lứa tuổi, biết đâu lại không quen nhau trước đây. Một điểm gì đó khiến tôi thấy khuôn mặt của vợ Hoàng rất quen. A! Ngọc Anh!

Vợ Hoàng đột nhiên lúng túng: 

-Anh Trung, chị. Mời… mời anh chị vào nhà. Sao lại đứng đây nói chuyện.

-Ngọc Ánh phải không? Trời đất không ngờ lại gặp Ánh ở đây.

-Ơ, vậy ra hai người quen nhau? Vợ tôi vui vẻ hỏi.

Vợ Hoàng cúi xuống xách chiếc va li, nhưng tôi dành lại:

-Ánh để tôi xách cho. Tôi quay sang nói với vợ: Ngọc Ánh là bạn thời thơ ấu của anh đấy. Hai nhà chỉ cách nhau một cái vườn. Trời ơi không thể nào ngờ được.

Vợ tôi lại cười:

-Đúng là quả đất tròn phải không chị Ngọc Anh?

 

Hai vợ chồng tôi bước theo sau lưng vợ Hoàng. Ngọc Anh nói:

-Anh Hoàng có giới thiệu sơ qua về anh chị. Nhưng chỉ nói vợ chồng người bạn tên Trung quê ngoài Huế. Ngọc Anh cũng không nghĩ là anh.

.

Chúng tôi vào phòng khách. Vợ Hoàng đã chuẩn bị sẵn nước trên bàn. Sau phút ngỡ ngàng lúc đầu, giờ thì tôi đã giữ được vẻ bình tĩnh. Tôi nghĩ là phải nói câu gì đó khôi hài để chứng tỏ chuyện tôi gặp lại Ngọc Anh cũng chỉ là chuyện bình thường, trong lòng không vương mang điều gì. Kể cả Ngọc Anh có lẽ cũng vậy. Tôi biết Ngọc Anh đang cố gắng che đậy sự xúc động để khỏi để lộ ra trên mặt. Bằng cớ là cô ấy cứ mời chúng tôi uống nước nhưng vẫn không rót ra li. Tôi vừa tự mình rót nước vừa cười:

-Vậy là giữa tôi và gia đình anh chị Hoàng có chung nhau đến hai đồng.

Vợ Hoàng bẻn lẻn:

-Hai đồng gì vậy anh Trung?

Tôi quay sang vợ tôi:

-Em có nhận ra giữa anh và vợ chồng anh chị Hoàng có chung hai đồng gì không.

Phải công nhận vợ tôi là người khá thông minh và lanh lợi:

-Một đồng có mùi thơm và một đồng không có mùi thơm.

Nói xong vợ tôi cười giải thích: Đó là đồng hương và đồng môn.

Vậy là cả ba chúng tôi có một trận cười thoải mái.

Ngoài sân xe máy của Hoàng đã về. Hoàng hỏi vọng vào:

-Có gì mà ba người cười vui vẻ vậy. Hai người đồng hương đã nhận ra nhau chưa?

Hoàng bước vào. Không khí vui vẻ đã xóa đi cái ngỡ ngàng lúc đầu.
 

Nói chuyện với vợ chồng Hoàng suốt buổi chiều, tôi biết thêm nhiều điều về người bạn nối khố nầy. Vợ chồng Hoàng mới lập gia đình với nhau nên chưa có con. Tính ra cũng hơi muộn. Đúng như tôi dự đoán, cái tin đồn Hoàng chết là do cậu ta bị tai nạn giao thông mà sự sống sót của cậu ta cũng chỉ biết giải thích là cậu ta chưa tới số, thế thôi. Còn cái cơ ngơi cậu ấy đang hưởng là của cha mẹ để lại. Hoàng người Quảng Nam. Chúng tôi quen thân nhau từ những ngày mới vào Đại học. Hoàng và tôi đều học khoa văn. Lúc ra trường tôi dạy học theo chuyên môn của mình. Còn Hoàng với cái cơ ngơi cha mẹ để lại thì cậu cũng chẳng cần dùng đến mớ kiến thức học được ở Đại học vào việc mưu sinh. Thế nhưng cái máu văn chương vẫn chưa khô cạn trong tâm hồn cậu ấy. Những lúc rảnh rỗi Hoàng làm thơ và bình thơ. Thì ra thỉnh thoảng tôi vẫn đọc thơ và một số bài bình của Hoàng ở trên mạng vả trên một số tạp chí với bút hiệu Anh Hoàng. Cậu ta đã ghép tên mình với vợ. Điều quá sức bất ngờ là tôi lại gặp Ngọc Anh, đang là vợ Hoàng ở đây. Không biết dùng từ gì để diễn tả sự dun dũi nầy. May mắn? Không phải là tôi đang mong mỏi có ngày gặp lại Ngọc Anh sao? Nhưng tôi lại có cảm giác như không phải là điều may mắn. Không phải là tôi đang cảm thấy hình như mình đang chạm phải một nỗi buồn nào đó sao?

 
Thuở thơ ấu, nhà tôi và Ngọc Anh chỉ cách nhau chỉ một khu vườn. Đó là vùng quê heo hút, không phải là thị tứ như bây giờ. Bạn bè cùng mấy đứa trẻ con trong xóm, chân đất đầu trần, có đứa còn ỏ truồng nữa. Nhất là những lúc đi tắm ở bến cát của xóm, chúng tôi đứa nào cũng trần truồng chạy một mách từ nhà ra bến, rồi ào xuống sông. Tắm và nghịch nước đã, chúng tôi lại kéo nhau chạy lên bờ, về nhà mới mặc quần áo. Tôi và Ngọc Anh đã từng đám cưới cùng nhau. Hoa dại cắm đầy phòng. Và lễ vật thì thằng Tâm bưng một cái bát bể đựng đầy những trái bần quân tím ngát và những quả mâm xôi chín đỏ mọng. Có một lần thằng Tâm bị té đổ hết lễ vật, vậy là cả hai họ cười ré lên bể dĩa, bể dĩa. Mà đúng như vậy cuộc tình của chúng tôi sau nầy đã bể dĩa. Mà đúng ra, giữa tôi và Ngọc Anh cũng chẳng có cuộc tình nào. Đi học xa mỗi lần về quê là tôi sang ở lì bên nhà Ngọc Anh, cho đến tối mới về. Ba bữa tết thì tôi chẳng thấy bàn thờ ông bà cha tôi sắp đặt bài trí ra sao. Tôi ở miết bên nhà Ngọc Anh để đánh bài tới. Có một lần ngủ trưa ở nhà, hình như cũng trong một dịp về thăm quê, tôi nghe chị tôi nói với cha mẹ tôi: Thằng Đáo( tên tôi hồi nhỏ) nó ưa con Anh. Tôi nghe giọng ba tôi: Không được, hai đứa tuổi không hợp. Sau nầy tôi hiểu ra, tuổi, chỉ là cái cớ để cha tôi không bằng lòng. Thế rồi sau khi mới đậu vào đại học, tôi lấy vợ theo chỉ định của cha tôi. Đó là cô gái cũng có đi học, con của bạn cha tôi. Lúc đầu tôi cũng có cự nự không chịu. Không phải không chịu vì tôi đã yêu ai. Tôi không chịu vì chưa có khái niệm gì về chồng vợ, gia đình. Nhưng tôi là đứa con trai nhu nhược, không có một định hướng gì về cuộc sống, ngay cả chuyện học hành tôi cũng không biết mình học để làm gì. Ngay cả khi vào đại học tôi cũng không có định hướng.Tôi rất ham học không phải vì mơ đến sự nghiệp, tôi ham học vì tôi thích môn văn. Cũng như tôi thích Ngọc Anh không phải vì yêu, mà chỉ vì thấy thích. Như tôi thích cùng nhau chơi trò đám cưới, như thích cùng nhau bơi lội trên trên dòng sông trong veo và mát mẻ. Thế thôi. Có một điều lạ là sau khi Ngọc Anh theo cha mẹ dời nhà đi chỗ khác mà tôi không biết là đi đâu thì những ngày đi học xa tôi không muốn về thăm nhà nữa. Cả sau nầy khi có vợ con và làm ăn xa tôi cũng không muốn về thăm quê. Tôi có cảm giác như ở đó không có gì thích thú đối với tôi nữa. Nếu có về chăng cũng là vì trách nhiệm. Có nhiều khi đến hai ba năm tôi không về. Cha tôi viết thư vào giục tôi đưa cháu nội về cho ông bà thăm kẻo ông bà nhớ. Tôi mang vợ con về. Nhưng tôi chẳng để ý chi đến việc nhà. Tôi đi quanh quẩn khắp vườn, nhìn khu đất hoang đầy những bụi hoa dại từng cho tôi những lãng hoa trong ngày cưới của tôi và Ngọc Anh. Tôi nhìn cây bần quân mà nó từng cho tôi những quả chín mọng làm quà cưới của tôi với cô bé hàng xóm. Và cả sau nầy khi đã có vợ con, đã có gia đình đề huề, trong giấc ngủ tôi vẫn mơ thấy hình bóng Ngọc Anh. Tất nhiên là hồi còn ở tuổi mười hai mười ba. Chứ lúc lớn lên thì tôi đâu có thấy mặt Ngọc Anh. Cũng là sau nầy, có một lần nào đó tôi về thăm nhà, chị tôi kể Ngọc Anh có về thăm ngôi vườn cũ( lúc ấy đã bán cho người khác). Ngọc Anh vào thăm chị tôi và nói: Hồi trước em rất muốn làm dâu nhà chị nhưng lại không có duyên.

Về Ngọc Anh thì tôi chỉ có chừng đó. Chừng đó nhưng phải chăng là tất cả.
 

 *

 Sau khi đã gặp mặt đầy đủ bạn bè và đã thăm các khu du lịch ở Phan thiết, theo đề nghị của vợ chồng Hoàng, chiều nay vợ chồng tôi ăn bữa cơm thân mật với vợ chồng Hoàng tại nhà. Ngày mai chúng tôi trở về thành phố trong chuyến xe sớm.

Tôi và Hoàng uống nước và nói chuyện trên chiếc bàn đặt ngay trong phòng ăn. Cạnh đó Ánh đang lui hui bếp núc. Vợ tôi thì tranh thủ chạy ra chợ xép gần nhà mua thứ gì đó. Chuyện bạn bè với bao nhiêu tâm sự thì chúng tôi đã nói hết rồi. Bây giờ tôi và Hoàng lại nói qua chuyện thơ văn. Tôi bắt đầu đề tài nầy:

-Mình có đọc một số bài thơ và bài bình của Anh Hoàng mà không biết là của cậu.

-Ừ, lúc rảnh rỗi cũng bày ra viết lách cho vui vậy thôi.

-Cậu đã cho xuất bản tập thơ nào chưa?

-Thơ bữa nay ai mua mà in sách. Chỉ đưa lên mạng bạn bè đọc cho vui thôi.

-Mình thích nhất là bài thơ Nơi sinh của tôi, cậu đăng trên một trang web văn chương. Còn bài bình về mấy câu ca dao: Trèo lên cây bưởi hái hoa…của cậu có nhiều chỗ mình chưa nhất trí. Để mình đọc lại mấy câu ca dao ấy rồi nói mấy ý. Chỉ nói theo ý của mình thôi chứ không phải theo sách giáo khoa. Tôi đọc bài ca dao:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không

Bây giờ em đã có chồng 

Như chim vào lồng như cá cắn câu

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra

Tôi đọc xong, Hoàng nhìn tôi chờ xem tôi giải thích không đồng ý chỗ nào.

-Theo như cậu phân tích, tôi chậm rãi nói, thì bài nầy có ý nói về một mối tình trắc trở. Dù không biết lí do trắc trở vì sao, nhưng cả người con trai lẫn người con gái đều không vượt qua được sự trắc trở ấy nên đã nuối tiếc.

Hoàng gật đầu. Tôi nói tiếp.

- Mình không nghĩ vậy.

Hoàng chăm nhìn tôi để chờ nghe cách lí giải của tôi.

-Đúng là cả người con trai lẫn người con gái đều nuối tiếc cho cuộc tình của họ bị tan vỡ. Nhưng sự tan vỡ nầy không gây nên bởi một lí do khách quan mà cả hai đã không vượt qua như cậu phân tích. Mà mình nghĩ lí do chính là ở người con trai.

Hoàng nhìn tôi, vẻ như tò mò muốn biết một điều gì đó. Trong lúc tôi tiếp tục:

-Do vậy mà sự nuối tiêc của mỗi người nằm trong hai tâm trạng khác nhau. Người con trai nuối tiếc trong nỗi ân hận. Còn người con gái nuối tiêc trong tâm trạng hờn trách.

-Hay! Hoàng buột miệng nói. Cậu phân tích tiếp cho mình nghe đi.

 

-Ở đây người con trai tự trách mình đã vô tình để qua đi một tình yêu đẹp đẽ mà người con gái đã dành cho mình. Cậu nghe nầy:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…

Rõ ràng người con trai đang đi tìm hoa, nhưng vẫn chưa chọn được cho mình một bông hoa vừa ý. Trèo lên cây bưởi hái hoa, nhưng rồi không hái cho mình một bông hoa bưởi, mà lại bước xuống vườn cà! Xuống vườn cà nhưng người con trai cũng không hái cho mình một nụ hoa cà mà khi ở trên cây bưởi anh ta đã có ý muốn xuống hái. Anh ta lại đi tìm hái nụ tầm xuân!

Hoàng cãi:

-Anh ta bước xuống vườn cà để hái nụ tầm xuân chứ đâu phải là để hái hoa cà?

-Khoan đã, tôi cười và tiếp tục:

-Cho dù anh ta có ý định hái loại hoa nào đi nữa thì cậu cũng phải công nhận với mình rằng anh ta đã tìm đến với hoa bưởi rồi, nhưng cuối cùng không hái một bông hoa bưởi nào mà lại bỏ đi tìm một bông hoa khác. Đúng không? Mình nghĩ cái ý của câu ca dao là ở đó.

-Đúng rồi. Hoàng gật đầu. Cậu nói tiếp đi.

Tôi cười:

- Câu Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân cũng nằm trong cái ý nầy. Cũng có thể từ trên cây bưởi anh ta thấy thích hoa cà, nhưng khi xuống vườn cà rồi thì lại đổi ý, muốn hái nụ tầm xuân. Mà cũng có thể cây bưởi mọc trong vườn cà, muốn đến với nụ tầm xuân thì phải đi qua vườn cà. Dù sao đi nữa thì anh ta cũng đã mất quá nhiều thời gian trước khi đến với nụ tầm xuân. Đến lúc đó thì Tầm xuân không còn là nụ nữa mà đã nở thành hoa. Khi thấy Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc anh ta mới tiếc ngẩn tiếc ngơ. Và lúc đó thì người con trai không thể dấu lòng mình được nữa: Em lấy chồng anh tiếc lắm thay. Anh ta đã bộc bạch thẳng với người con gái như vậy. Có phải là một sự tiếc nuối trong vô vàn ân hận!

Hoàng gật đầu mấy cái, không nói gì. Ngọc Anh từ bếp nấu chợt nhìn ngoảnh lại phía Trung. Hình như vợ Hoàng cũng đang lắng nghe lời bình phẩm trong cuộc trao đổi văn chương giữa hai người bạn.

Tôi vẫn cái giọng nghề nghiệp của mình, tiếp tục bình giảng đoạn cuối của bài ca dao trữ tình:

Khi biết được sự nuối tiếc mà người con trai đã thố lộ, người con gái mới đem lòng trách móc. Rằng em thì không như anh, không hề lựa chọn không hề tính toán thiệt hơn. Đến với em chỉ cần có tình yêu là đủ. Đơn giản vậy sao anh không đến:

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.

Mình nghĩ phía sau câu ca dao nầy không phải là dấu hỏi mà là một dấu chấm than.

Bây giờ anh nói với em điều đó để làm gì, khi anh đã biết rằng:

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng như cá cắn câu

 Hai câu nầy thể hiện sự tiếc nuối thì ít mà sự hờn trách thì nhiều. Sau khi đọc hai câu đó mình tưởng chừng như người con gái còn nghẹn ngào nói thêm mấy tiếng: Anh biết không, anh thật là độc ác.

Một sự tiếc nuối đạt đến tột cùng gần như tuyệt vọng. Biết nói với người con trai điều gì nữa đây. Trách nhau để làm chi. Và người con gái chỉ biết ngậm ngùi tự nói với chính mình:

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra.

Oán trách, tiếc nuối, tuyệt vọng! Người con gái đã không nói ra điều nầy với ai cả.

Hoàng vẫn làm thinh như đang thả hồn vào đâu đó.

Tôi lên tiếng:

-Mình hút một điếu thuốc được chứ. Chị Hoàng có khó chịu vì mùi thuốc lá không.

Ngọc Ánh vẫn cặm cụi bên chiếc lò:

-Không sao, anh Trung cứ hút đi.

Tôi lục túi tìm chiếc quẹt ga nhưng không có, tôi đã bỏ quên đâu đó. Tôi đến bếp mồi thuốc.

-Chị Hoàng cho tôi mồi điếu thuốc nghe.

Ngọc Anh xích ra một bên nhường lối để tôi lại gần chiếc bếp ga đang phun lửa chiên nấu món gì đó. Ngọc Anh nhìn tôi cười. Tôi chợt thấy đôi mắt Ngọc Ánh đỏ hoe ràn rụa nước mắt.

Tôi nói: Có khách đến nhà chị Hoàng vất vả quá.

Ngọc Ánh mỉm cười giải thích: Một giọt mỡ rát bỏng vừa bắn vào mắt.

 
Sáng hôm sau chúng tôi từ giã vợ chồng Hoàng lên xe về Sài gòn. Bỏ lại sau lưng tiếng sóng rì rầm muôn thuở cùng Phan Thiết.
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI