Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Một cách xin việc chưa có tiền lệ


Hôm ấy tôi có việc kinh doanh phải lên Đà Lạt. Công việc không gấp nên tôi đi máy bay loại phổ thông và phải sắp hàng theo thứ tự cùng đoàn người chờ kiểm tra hành lí trước khi ra phòng đợi. Những nhân vật quan trọng hoặc doanh nhân họ ra theo lối khác. Tôi bước đến trước nhân viên kiểm tra và làm các thủ tục, xong nhận lại những vật dụng và tiếp tục theo đoàn người bước ra phòng đợi. Tôi sẽ ra máy bay qua cửa số chín. Tôi chọn một chỗ ngồi gần cửa. Tính cẩn thận và chu toàn đã trở thành thói quen của tôi, dù biết rằng lúc tới giờ ra cửa sẽ có loa gọi và chẳng có ai chen lấn.

 Có tiếng loa gọi tên vài hành khách đã đăng ký chuyến bay nhưng chưa đến làm thủ tục. 

 Ngồi cạnh tôi ở phòng đợi là một cô gái khoảng trên hai mươi. Thấy thời gian còn lâu, tôi bắt chuyện:

-Cháu đang đi học hay đã đi làm rồi?

-Dạ cháu mới ra trường, nhưng chưa xin được việc làm.

-Cháu học trường nào?

-Dạ trường Đại học FPT.

-FPT thì tương đối dễ xin việc.

-Dạ cũng không dễ đâu chú. Cháu nộp đơn mấy nơi. Phỏng vấn xong nhưng cuối cùng chẳng nơi nào nhận cả.

-Cháu xin việc ở đâu?

-Dạ ở thành phố HCM.

Cô gái vui vẻ trông dáng năng động. Cô nói:

-Không hiểu sao họ lại không nhận, cháu cũng không rõ. Những câu hỏi về chuyên môn thì cháu trả lời hoàn toàn chính xác. Vậy thì lí do gì họ lại không nhận?

-Sao cháu không hỏi trực tiếp họ, coi vì sao để rút kinh nghiệm cho lần xin việc sau?

-Dạ thôi. Cháu nghĩ không ai mất thì giờ để ngồi giải thích cho mình.

-Ngoài những câu hỏi về chuyên môn ra họ còn hỏi cháu điều gì nữa không?

-Dạ hoàn cảnh gia đình. Cháu khai là đang độc thân. Vậy thì quá thuận lợi cho công tác rồi chứ gì. Có một chỗ họ hỏi sao lại đến xin việc ở công ty của họ. Trời ơi. Vì công ty nầy là nơi phù hợp với sở trường ngành nghề của cháu, chứ còn sao nữa. Sao họ lại hỏi vậy nhỉ.

-Ừ thì biết đâu cháu không đến đó vì nghe công ty nầy là nơi kinh doanh có uy tín hoặc trả lương hậu chẳng hạn. Qua cách trả lời của cháu họ có thể đánh giá uy tín của công ty họ. Đồng thời cũng biết được nguyện vọng của cháu là muốn được làm việc ở công ty họ chứ không phải vì không nơi nào nhận. Nói về công ty phần mềm thì thành phố nầy có biết bao nhiêu công ty. Nộp đơn xin vào làm việc ở một công ty cũng có nhiều lí do.

-Vậy thì hóa ra họ chỉ thích nghe những lời tán tụng về công ty mình sao? Cháu nghĩ phỏng vấn là để tìm hiểu khả năng của ứng viên kia chứ.

-Thì chú nghe cháu nói đã trả lời chính xác về các câu hỏi chuyên môn nghiệp vụ mà vẫn không được tuyển dụng nên cũng đoán chừng vậy thôi.

Tôi hỏi cô gái:

-Họ còn hỏi cháu gì nữa không?

-Ờ, họ còn hỏi mức lương mà cháu yêu cầu.

-Cháu trả lời với họ sao?

-Cháu trả lời là để qua quá trình làm việc, công ty đánh giá năng lực của cháu như thế nào thì trả như thế đó.

Cô gái nhìn sang tôi hỏi:

-Cháu trả lời thế có đúng không chú?

Tôi cười.

Cô gái hỏi:

-Sao chú cười? Cháu nghĩ nếu mình yêu cầu mức lương cao thì người ta nói mình ham. Chưa biết làm việc ra sao mà đòi hỏi lương cho cao. Còn nếu mình định ra một mức lương thấp thì người ta nghĩ mình chắc chẳng làm được gì nên chấp nhận một mức lương bèo để có việc làm. Cháu suy nghĩ vậy có đúng không chú?

Tôi mỉm cười:

-Về mặt nào đó cũng đúng.

-Thế thì còn mặt nào không đúng vậy chú?

Thay vì trả lời cô gái, tôi hỏi lại:

-Lúc ra trường cháu chỉ nghĩ rằng mình sẽ đến các công ty để làm thuê kiếm sống hay có nuôi một mơ ước nào lớn lao hơn nữa không?

Cô gái nhìn tôi không trả lời.

-Sao? Cháu nói cho chú nghe thử.

-Dạ cũng có chứ. Nhưng những cái đó chỉ là ước mơ của tuổi trẻ thôi. Tuổi trẻ thì ai lại không mơ sau nầy mình sẽ là người thành đạt trong cuộc sống. Có được tiếng tăm, có ô tô nhà lầu. Cô gái cười thành tiếng rồi nói:

-Ước mơ vậy thì đâu có gì sai phải không chú? Nhưng trước khi có được điều đó thì mình phải có một công việc làm ổn định. Rồi từ từ. Mới ra đời mình hai bàn tay trắng, tài chánh không có, kinh nghiệm nghề nghiệp cũng chưa có, thì nói gì đến thành đạt lớn lao. Nên khi người ta hỏi cháu yêu cầu mức lương thì cháu đã thành thật trả lời như vậy. Trước hết mình phải biết mình đang ở đâu đã. Phải thế không chú.

Tôi lại trả lời:

-Về mặt nào đó thì cách suy nghĩ của cháu như vậy cũng đúng.

Bây giờ thì cô gái bật cười thành tiếng:

-Nhiều mặt thế hả chú? Vậy thì chú nói cho cháu nghe thử cái mặt nào đó theo chú nghĩ, đã đem lại thất bại cho cháu ngay từ bước đầu khi vác đơn đi xin việc?

-Thực ra nó không phải là một cái gì mới mẻ cả, nó chỉ là một thực tế đơn giản thôi.

-Nghĩa là sao?

-Nghĩa là những người như cháu hiện ở cái thành phố nầy đang quá nhiều. Nhưng nhu cầu dành cho hạng người nầy hầu như đã được lấp đầy. Không phải không còn một chỗ trống nào để các cháu chen chân vào. Nhưng số người ứng tuyển thì đông mà nhu cầu thì ít. Thế là tạo nên sự lựa chọn khắt khe. Theo chú biết các công ty có nhu cầu tuyển nhân viên thường họ để ý đến các ứng viên đòi một mức lương khá cao hơn là những người chỉ yêu cầu một mức lương rẻ mạt. Hoặc là cách trả lời lưng chừng như cháu.

Cô gái có vẻ khó hiểu hỏi:

-Tại sao vậy chú?
 
-Là thế nầy. Những người đòi lương cao là những người có bản lãnh, tự tin. Họ tự đánh giá được năng lực của họ. Nên họ đã mạnh dạn đòi hỏi một mức lương mà họ nghĩ xứng đáng với năng lực của mình. Và với những người nầy họ không ngại các công ty không ai nhận họ.

Thấy cần phải nói cho cô gái hiểu thêm, tôi phân tích:

-Cái mà các người chủ muốn không phải là chọn những nhân viên có yêu cầu lương thấp mà chọn những người có năng lực. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra, nhưng phải biết cái mình mua vào đó chắc chắn phải sinh lợi. Thành thử khi nãy chú hỏi khi ra trường cháu có ước vọng gì không là vậy. Phải có cái gì đó giúp cháu tự tin hơn. Không phải ước vọng có được ô tô nhà lầu. Cái đó nó sẽ đến sau.

Giọng cô gái bổng trở nên không vừa lòng:

-Chú nói hoàn toàn đúng cả. Nhưng chú quên một điều là hầu hết tụi sinh viên chúng cháu mới ra trường không phải ai cũng đầy đủ cơm ăn áo mặc. Nếu chưa có việc làm thì cứ việc về nhà đắp mền nằm suy nghĩ tìm cho ra những ý tưởng mới lạ, hoặc nghĩ cho ra cách làm tốt một công việc nào đó được đâu. Phải đi làm, trước hết là có miếng cơm manh áo, sau nữa có công việc làm rồi từ đó mình mới suy nghĩ làm sao cho nó tốt hơn chứ. Người ta bảo cái khó ló cái khôn. Mình có làm rồi mới nghĩ ra cách khác hay hơn chứ chú. Cháu nghĩ ai mới ra đời cũng chỉ có một số vốn kiến thức ở nhà trường. Qua quá trình làm việc ai có tài năng mới có điều kiện phát huy.

-Nhưng cháu phải hiểu các công ty trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thì nó không thể là nơi cho mình tá túc để giải quyết miếng cơm manh áo lúc chưa gặp thời vận đâu cháu à.

Cô gái lắc đầu không nhất trí với lập luận của tôi, cô nói:

- Cháu nghĩ không phải công ty nào cũng chỉ cần người tài giỏi cả đâu. Họ cũng cần có người bảo vệ, quét rác hay làm tạp vụ chứ. Chẳng lẽ một người tốt nghiệp đại học như cháu mà vào một công ty, không thể làm một việc gì đủ để kiếm ba bữa ăn sao chú. Tiền công quét rác cũng đủ chứ đừng nói là làm một công việc gì khác.

Tôi thấy cô gái bắt đầu có vẻ tự ái. Tôi gật đầu cười:

-Tất nhiên là như vậy rồi. Nhưng cháu có dám nghĩ rằng cháu vào xin một chân quét rác vẫn có công ty người ta không nhận không? Vì hầu hết các công ty đã có người quét rác rồi. Và công việc nầy thì không đòi hỏi phải có bằng đại học. Tôi cười: Đó là chưa nói cháu quét chưa chắc đã sạch sẽ nhanh chóng bằng những người lao động quen tay. Chú nói vậy có quá không.

Cô gái làm thinh không nói gì. Và hình như cô cũng không muốn tranh luận với tôi nữa. Cô gái rút điện thoại ra và bắt đầu chơi game.

Thấy nhân viên hàng không đến đứng trước cửa số chín, tôi biết là sắp ra sân bay. Tôi mở ví rút danh thiếp đưa cho cô gái:

-Nếu lâu lắm mà cháu không tìm được việc làm thì đến chú, coi chú có thể giúp cháu được việc gì không.

Cô gái cầm tấm danh thiếp đọc rồi nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:

-Chú là giám đốc công ty phần mềm X?

Đột nhiên cô gái trả danh thiếp lại cho tôi và nói:

-Cảm ơn chú.

Tôi biết trong lòng cô gái đang sẵn nỗi ẩn ức vì thời gian qua không tìm được việc làm lại gặp cách nói chuyện thẳng thắn của tôi, ít nhiều đã làm cô gái tự ái. 

Đã có tiếng loa gọi ra cửa.
 
 *
 
Bẳng một thời gian mấy tháng kể từ lúc gặp cô gái trên chuyến bay từ thành phố HCM lên Đà lạt dạo nọ, tôi nghĩ chắc cô gái đã tìm được việc làm.

 
Một buổi sáng đang giờ làm việc thì một nhân viên bộ phận vi tính hớt hãi chạy vào phòng tôi. Biết có chuyện không hay tôi hỏi gấp:

- Chuyện gì mà trông cậu hốt hoảng vậy Thiên?

Nhân viên tên Thiên đưa cái máy vi tính ra trước mặt tôi, nói:

-Trang web của chúng ta đã bị hack.

-Bị hack là thế nào? Đưa đây xem.

Trên giao diện trang web của công ty X hiện ra dòng chữ mầu đỏ đậm nét: Cần xin một chân làm việc nhà. Người xin việc: Trần thị Thanh Thanh. Số điện thọai…Địa chỉ liên lạc…

-Thanh Thanh là ai? Tôi chợt nhớ ra: Cô gái trên chuyên bay dạo nọ. Một cơn giận như trào lên trong tôi. Cô ta muốn chứng tỏ tài năng của mình ư? Còn thách thức lưu lại cả họ tên và số điện thoại nữa. Thật là quá đáng. Đúng là bò con không biết sợ khái! Tin tặc là một loại tôi phạm nguy hiểm. Cô ta không biết như vậy sao?

Thấy tôi giận đến đỏ mặt, Thiên nói:

-Hình như cô gái nầy không có ý phá mình.

Không có ý phá công ty X?

Sao cậu Thiên nầy lại nghĩ vậy.

Tôi bình tâm lại. Có lý. Nếu có ý phá công ty hay ăn cắp các dữ liệu sao cô ta dám lưu họ tên và địa chỉ? Tôi nghĩ dù sao thì sự việc nầy cũng có giá trị như một lời cảnh báo về lỗ hổng của trang web mà khi thiết lập phần mềm nhân viên của mình đã phạm phải hai lỗi nghiêm trọng: Không đủ trình độ thực hiện các khâu bảo mật lại còn sơ suất không kiểm tra lại. Nếu không phát hiện ra thì không biết tai họa nào sẽ giáng xuống cho công ty. Có một thực tế, dù muốn dù không tôi cũng phải công nhận đó là cô gái có trình độ vi tính đáng nể. Còn lí do sao cô ta lại làm như vậy, tôi chưa khẳng định được.

 Sau sự việc, tôi họp công ty yêu cầu bộ phận vi tính tập trung xem xét tìm cho ra sơ hở và quy trách nhiệm.

 Có người hỏi tôi trường hợp cô Thanh Thanh nào đó thì sao? Tôi trả lời: Lập tờ trình báo cho phòng An ninh mạng của thành phố để họ xử lí. Tôi nhấn mạnh: Việc nầy phải làm thật nghiêm túc.

Một nhân viên khác có ý kiến:

-Tôi nghĩ cô nầy không có ý hại mình. Có vẻ như cô ta phát hiện giúp mình thôi.

-Không suy diễn. Tôi nói dứt khoát : Cứ làm theo ý tôi cho dù hành động của cô ta vì lí do gì đi nữa.

Mấy ngày sau trên mặt báo đã xuất hiện bài viết về việc làm của cô gái Thanh Thanh với trang mạng của công ty X. Theo bài báo, trước cơ quan an ninh mạng của thành phố cô gái đã nhận việc mình làm và cô cho rằng đó chỉ là cách cô cảnh báo sự sơ hở của trang mạng mà không hề có ý đồ xấu. Xét thấy lời khai của cô gái đúng với thực tế nên phòng An ninh mạng của thành phố đã cho cô gái về nhà. Tất nhiên sự vô tội của cô gái được bên an ninh xác nhận cũng đã có tham khảo ý kiến của công ty tôi.

 *
Sau khi sự việc xẩy ra đúng một tuần, tôi bảo anh trưởng phòng tổ chức nhân sự gọi Thanh Thanh báo cho cô gái biết công ty đã bằng lòng tuyển dụng cô.

Tôi nói:

-Anh thay mặt tôi trực tiếp trao đổi công việc với cô ấy.

-Dạ chú định bố trí công việc gì ạ?

-Thì cứ theo như yêu cầu của cô ấy.

-Nhưng nếu cô ấy yêu cầu những công việc mà công ty ta không đáp ứng được thì sao chú.

Tôi nhìn anh nhân viên mà tôi vốn rất có cảm tình vì khả năng cũng như tính thật thà của anh. Tôi nói:

-Anh sao chóng quên vậy? Anh không nhớ trên mạng cô ta đã yêu cầu công việc gì rồi sao?

Anh trưởng phòng mỉm cười:

-Cháu nghĩ…

-Không nghĩ gì cả. Người ta yêu cầu vậy thì mình bố trí vậy, anh rõ chưa.

Anh trưởng phòng vẫn có cái gì đó băn khoăn. Anh lại nói: Cháu nghĩ…

-Cái anh nầy lạ thật. Đã nói không nghĩ ngợi gì cả. Người cần phải suy nghĩ là cô ấy chứ không phải là anh. Thôi đi làm công việc của anh đi.


 Hôm sau anh trưởng phòng lên gặp tôi. Tôi hỏi:

-Sao, cô Thanh Thanh có đến không?

-Dạ có.

-Anh đã trao đổi công việc cụ thể với cô ấy rồi chứ?

-Dạ cháu đã nói như ý của chú.

-Sao lại là ý của tôi. Ý của cô ấy chứ. Cô ấy nói sao?

-Đầu tiên cô có vẻ thất vọng. Sau một hồi suy nghĩ , cô bảo là cô nhận.

-Khi nào thì cô ấy có thể bắt đầu làm việc ?

-Cô bảo thu xếp xong, đầu tuần sau cô sẽ đến nhận viêc.

-Cô ấy có hỏi mức lương không?

-Dạ không. Nhưng cháu nghĩ chắc cô ta sẽ không đến.

-Đã bảo là không nghĩ ngợi gì cả mà. Cô ấy thừa thông minh để có quyết định đúng đắn cho mình.

Anh nhân viên lui ra.

 Nói vậy nhưng tôi cũng không chắc cô gái có trở lại hay không. Điều nầy đối với tôi không quan trọng.

Thực tình tôi không biết trong lòng cô gái nghĩ gì khi nghe trưởng phòng của tôi giao công việc. Phần đông đều tự ái, cho là mình bị coi thường nên sẽ không trở lại.

Nhưng sự việc đã không diễn ra như thế. Đầu tuần anh trưởng phòng tổ chức báo cho tôi biết cô Thanh Thanh đã đến nhận việc với mức lương ba triệu đồng một tháng dành cho một nhân viên giúp viêc.

 Điều gì đang diễn ra trong suy nghĩ của cô gái khiến cô trở lại? Hay cô ấy thực sự đang cần một công việc làm để có cơm ăn trong lúc chờ tìm ra việc phù hợp với khả năng như cô gái từng nói? Thế thì sao cô ta không đến đây trực tiếp trình bày mà phải làm vậy? Từ từ xem.


Thanh Thanh làm cái công việc của người giúp việc trong công ty được một tháng. Tôi hỏi nhân viên thì ai cũng bảo cô gái nhanh nhẹn vui vẻ. Công việc cô ấy làm rất chu tất. Cô còn làm thêm một số công việc ngoài hợp đồng khi có ai đó nhờ đến.

 Ngày cô gái nhận tháng lương đầu tiên, tôi gọi Thanh Thanh lên gặp tôi. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi cho cô gái gặp kể từ lúc cô đến nhận việc.

Vẫn vẻ nhanh nhẹn và nét thông minh trên khuôn mặt của cô gái như lúc tôi mới gặp lần đầu trên chuyến bay. Cô gái cúi đầu chào. Không lê la dông dài, tôi vào ngay câu chuyện:

-Sao cháu thấy công việc ở đây có thích hợp với cháu không?

Cô gái trả lời thành thật:

-Dạ không thích hợp, nhưng cháu vẫn làm được.

-Lúc đầu khi cháu được gọi đến, cháu có nghĩ rằng công ty sẽ giao cho cháu một công việc gì đó phù hợp với năng lực của cháu không?

-Dạ đúng cháu đã nghĩ như vậy.

Tôi cười:

-Vậy là cháu đã thất vọng vì ý đồ của mình đã không đạt được kết quả như mình toan tính, có phải thế không ?

Cô gái đỏ mặt vẻ hỗ thẹn.

-Vậy thì sao cháu lại chấp nhận công việc nầy? Cháu có thể không cần phải trở lại kia mà.

-Cháu đã nhận ra sai lầm và đã thay đổi cách suy nghĩ của mình. Hơn nữa cháu đang cần có tiền.

Tôi gật đầu rồi hỏi tiếp:

-Cháu dự tính sẽ làm cái công việc nầy trong bao lâu?

-Dạ cháu cũng không biết nữa. Ngày nào cháu tìm ra được công việc thích hợp cháu sẽ từ bỏ công việc này.

Tôi mỉm cười nhìn cô gái rồi nói:

-Ngày đó đã đến với cháu rồi đấy.

Sài gòn tháng 3 năm 2017
ĐANG ONLINE: 7 NGƯỜI