Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Lời giải cho một bài toán khó


Năm nào cũng vậy, đến 29 tết Ấn mới về đến nhà. Đã thành nếp không để lâu, ngay tối đó thế nào Ấn cũng sang nhà tôi thăm. Quà cho tôi có khi là một gói trà, khi một hộp bánh. Không lần nào Ấn sang thăm không.

Nhà Ấn đối diện với nhà tôi trên đường phố chính của một thị xã sầm uất. Ấn là học trò cũ của tôi, ra trường cũng đã hơn mười mấy năm. Cách đây ba năm, khi nghỉ hưu tôi dọn nhà về đây, Ấn sang thăm và nói chuyện tôi mới nhớ ra. Trong suốt thời gian dạy học biết bao thế hệ học sinh đi qua. Nên không nhận ra học sinh cũ cũng là chuyện bình thường.

 Vậy là từ đó, tôi có bạn láng giềng là một học sinh cũ.

Mặc dù phải đợi Ấn giới thiệu tôi mới nhớ. Nhưng khi đã nhớ ra tôi lại nhớ rất rành rọt về Ấn. Có lẽ vì học lực một phần, một phần nữa là tính cách của Ấn hồi đó. Ấn là học sinh tôi chủ nhiệm năm cuối cấp ba. Là một học sinh nghèo nhưng giỏi về các môn tự nhiên đặc biết là môn toán. Sau đó Ấn đậu thủ khoa vào trường Đại học giao thông vận tải. Nhưng do vướng lí lịch gia đình, cha Ấn trước kia là một cảnh sát của chế độ cũ nên chính quyền địa phương không cho Ấn cắt hộ khẩu để nhập học. Ấn cho tôi biết hiện anh đang làm việc cho một hãng ô tô nước ngoài có chi nhánh tại thành phố HCM. Không có bằng Đại học nhưng nhờ khả năng và sự nhạy bén trong công việc, Ấn cũng chiếm được một vị trí tương đối trong công ty và có mức lương cũng khá cao và ổn định. Cũng theo Ấn kể, vợ Ấn là người cùng trong thị xã, học sau Ấn hai lớp. Gia đình cũng có vấn đề nên vợ Ấn mới hết lớp mười một thì thi vào trường Trung cấp kế toán. Và hiện giờ đang làm kế toán cho một công ty may mặc lớn ở gần nhà. Vợ chồng Ấn có một cô con gái và một cậu con trai. Có lẽ mang gen thông minh của cha, hai người con của Ấn đều học giỏi. Cô con gái đang học năm thứ ba trường Y tp HCM. Cậu con trai mới học lớp mười một.

 Kể từ ngày tôi dời nhà đến ở cùng đường với gia đình Ấn, những lúc Ấn nghỉ tết hay phép thường niên là dịp để hai thầy trò tâm sự với nhau. Từ việc làm ăn của Ấn đến tình hình xã hội… Ấn cũng thường cho tôi biết hoàn cảnh của bạn bè Ấn vốn là những học sinh cũ của tôi, ở đây đó, mà Ấn bắt được tin tức. Có người thành đạt. Có người còn khó khăn trong cuộc sống. Nói chung Ấn có lòng quan tâm đến bạn bè.

Dù ra đời cũng khá lâu, lăn lộn với cuộc sống cũng nhiều, nhưng theo Ấn kể thì con đường sự nghiệp của anh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Để được như hôm nay, có những lúc anh cũng lên voi xuống chó chứ không đơn giản chút nào. Dù gì đi nữa, qua cách nói năng, cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống như Ấn kể với tôi, nhận xét của tôi về người học trò cũ nầy là vẫn giữ được phẩm chất tốt. Không bị lợi danh cám dỗ hay hoàn cảnh o ép mà làm những điều trái lương tâm.

Cho đến bây giờ thì niềm tự hào của Ấn vẫn là hai đứa con của mình. Dù không được cha kềm cặp bên cạnh nhưng hai con của Ấn vẫn giữ được truyền thống gia đình. Học hành chăm chỉ, biết nghe lời cha mẹ. Không đua đòi, không bị bạn bè rủ rê lôi kéo vào con đường hư hỏng.

 Khi nói về sự thành đạt của mình, Ấn có một nhận định khiến tôi phải suy nghĩ. Ấn nói:

-Ra đời em thành công, một phần là nhờ học tập được ở thầy nhiều điều.

Tôi cười:

-Thành công hay thất bại chủ yếu là do bản thân mình chứ. Ở thầy thì ngoài kiến thức bộ môn ra, thầy có gì khác hơn các thầy khác đâu. Mà kiến thức bộ môn thì thầy truyền đạt chung cho mọi học sinh. Lớp nào cũng chừng đó. Thế hệ nào cũng chừng đó. Thế nhưng ra đời có anh chị thành công, có anh chị lại thất bại.

-Dạ cũng phải. Nhưng thưa thầy…

-Vâng Ấn cứ nói xem thử anh thành công là nhờ học được ở thầy những gì nào. Thật sự thầy muốn nghe điều nầy.

- Thưa thầy. Cái mà học sinh học được để vận dụng vào đời, ngoài kiến thức bộ môn ra, còn ở phong cách, lối sống của cá nhân từng thầy cô nữa. Em nói vậy đúng không thầy?

-Tất nhiên là có vậy. Nhưng thầy cô nào mà không có tư cách đạo đức. Ý thầy muốn hỏi,

là vừa rồi Ấn nói học ở thầy được nhiều điều. Vậy những điều ấy cụ thể là những điều gì?

-Dạ thưa thầy, cái mà em học được ở thầy chính là cuộc sống của thầy.

-Cuộc sống của thầy? Cuộc sống của thầy thì có gì đáng để anh học tập?

Tôi phá lên cười. Rồi tự nhận xét:

-Cuộc sống của thầy thì có gì ngoài những thất bại. Anh cũng biết rồi đấy. Trong thời bao cấp, người thầy giáo như thầy đã sống vất vả đến chừng nào. Không phải ngồi đây mà ta thán cái thời nghèo khó đã qua. Cái thời ấy ai mà không thiếu thốn đói nghèo. Ý thầy muốn nói là thầy cũng chẳng có tài cán gì. Do thầy không được lanh lợi xoay xở như những người khác nên tuầy đã để lại không chỉ cho bản thân thầy mà còn cho con cái những thiếu thốn, thiệt thòi đến chừng nào. Anh đâu có biết, những đứa con của thầy vào đại học chúng phải ăn cũ mì thay cơm đến đỗi thằng con đầu của thầy học năm thứ ba do thiếu dinh dưỡng quá đã bị phù thủng cả mặt mày trong thời gian học tập đấy. Nghĩ lại thầy vẫn còn ân hận. Nhưng biết làm sao. Nếu không nhờ chính bản thân chúng, cũng như anh, nếu chúng không cố gắng khắc phục để vượt qua khó khăn, thì chắc chúng cũng phải bỏ học nửa chừng mà thôi. Vậy thì thầy đâu có giỏi giang gì.

-Dạ thưa thầy em nghĩ, những người con của thầy sở dĩ hôm nay thành đạt, thì động lực nào đã khiến các anh chị ấy chịu đựng được như vậy? KHông phải chính thầy là tấm gương sao. Mấy anh chị ấy nhìn vào thầy để thấy được trách nhiệm của mình, từ đó khẳng định cho mình hướng đi lên. Chán gì gia đình hồi đó, dù có điều kiện nhưng vẫn cho con nghỉ học nửa chừng để ra đời kiếm sống. Cái thời mà một người thợ hớt tóc, một người chạy xe ba gac vẫn kiếm ra nhiều tiền hơn là một ông bác sĩ hay một thầy giáo. Nhắc hoài cái nầy thì nhàm chán. Nhưng phải thấy được ngay trong thời kỳ ấy, cái thời mà mọi giá trị gần như đảo lộn ấy mà gia đình thầy vẫn giữ được nề nếp, vẫn giữ được truyền thống học tập. KHông có anh chị nào bỏ học nửa chừng. Đó là cái mà em đã học được ở thầy.

-Đó là cách quản lí và giáo dục con cái trong gia đình. Còn thành công trong công việc?

-Dạ đó là sự mày mò sáng tạo, tìm phương cách giải quyết một vấn đề. Em nghĩ nghề nào cũng vậy. Đó là mấu chốt của sự thành công thầy ạ. Có những lời giải của một vài bài toán thầy dạy, em vẫn không quên.

Tôi làm thinh. Giờ thì tôi lại suy nghĩ về chính những suy nghĩ của cậu học trò. Thấy tôi im lặng anh học sinh cũ nói tiếp:

-Thưa thầy, mỗi lần nói chuyện với vợ em thì em lấy thầy cô làm gương. Còn nói chuyện với mấy đứa con của em thì em lấy mấy người con của thầy mà làm gương. Phải có những quyết tâm như vậy mới mong thành công được. Phải không thầy.

Nghĩ một lát anh học sinh nói tiếp:

-Cũng may thầy ạ. Vợ em cũng hiểu được điều nầy. Những ngày em đi làm ăn xa, lương tiền lúc mới đi làm chưa được bao nhiêu, nhưng vợ em không bao giờ than nghèo, kêu khó. Vừa rồi làm việc đạt chỉ tiêu vợ em được thưởng một khoản tiền, cô ấy vay mượn thêm mua được một chiếc Sh, nói là để lúc nào em nghỉ phép về nhà có xe đi cho tử tế với người ta. Nghĩ cũng tội. Vợ em là người chỉ biết nghĩ đến chồng con mà không bao giờ nghĩ đến bản thân mình. Vợ em còn biết cách dạy dỗ quản lí con cái, chăm lo xây dựng gia đình. Nên hai đứa con của em đứa nào cũng ngoan. Chịu khó học hành không đua đòi theo chúng bạn. ..

Ấn nói về người vợ của Ấn nhưng vô tình lại đặt ra cho tôi một bài toán khó mà tôi cảm thấy đang lúng túng khi tìm một lời giải đáp cho vấn đề: Nên hay không nên, nói với Ấn về một sự thực.

 Lúc tôi ngẫm nghĩ thì Ấn nói tiếp;

-Thầy biết không, ở các thành phố lớn học sinh bây giờ hư hỏng lắm. Cha mẹ làm ra được nhiều tiền thì con cái phá tán càng nhiều. Trước đây, con cái trong gia đình không học được vì cha mẹ không có tiền. Bây giờ con cái không học được vì cha mẹ có quá nhiều tiền. Để em kể thầy nghe trường hợp nầy…

Khi nghe Ấn định nói về người vợ của mình, tôi muốn cắt đứt câu chuyện hoặc hướng qua một đề tài khác. Lí do như tôi vừa nói, nó đặt ra cho tôi một sự lựa chọn khó khăn. Bởi tôi chưa chuẩn bị sẵn một thái độ, một phản ứng đúng mực trước những lời khen vợ của Ấn. Nhưng khi nghe anh nói sẽ kể cho tôi nghe một câu chuyện nào đó thì tôi lại làm thinh. Để nghe anh nói về chuyện gì.

-Ở quận em đang công tác có con của một ông lớn học lớp mười hai, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp thì bỏ học. Sau đó gia đình đi tìm về. Tất nhiên nhà trường phải tìm cách tạo điều kiện để nó dự thi vì số ngày nghỉ học đã vượt quá thời gian cho phép trong quy chế dự thi. Và khi thi, người ta cũng tìm cách cho nó đủ điểm. Sau khi thi tốt nghiệp xong nó lại bỏ nhà ra đi một lần nữa. Một thời gian khá lâu, nó trở về nhà và báo với cha mẹ biết nó thua bạc ở một sòng bài tại Campuchia, gần cả tỷ đồng. Nó bảo nếu gia đình không đưa đủ số tiền để nó trả nợ thì bọn xã hội đen sẽ cắt tiết nó. Vậy là cha mẹ nó, thay vì cho tiền, đã bắt nó vào ngồi tù.

Nghe vậy tôi nói:

-Vậy thì ông già nó biết xử lí việc nhà nghiêm minh đúng theo luật pháp. Cũng là người cán bộ tốt đấy chứ.

-Dạ tinh thần không phải như thầy nghĩ đâu thầy. Ông bà già nó đã không đưa tiền cho con trả nợ. Sợ bị bọn xã hội đen trị nên đã gởi nó vào đồn. Mục đích là nhờ bên công an che chở đấy.

Tôi cười:

-Đó chỉ là một cách nghĩ khác theo cùng một việc làm. Dù sao, đưa nó vào một cơ quan thực thi pháp luật để quản lí cũng là một cách giáo dục tốt rồi.

-Nhưng nó không vào đó với tư cách phạm nhân mà với tư cách là con của một người có quyền lực. Em nói vậy thì thầy hiểu.

À ra vậy. Tôi gật đầu.

Thấy cứ đi sâu vào những tệ nạn thì nói mấy cũng không rồi, và để tránh nghe Ấn nói chuyện về vợ anh, tôi hỏi Ấn:

-Ngày nào anh hết phép tết?

-Dạ mùng sáu âm lịch.

-Cháu gái ngày nào đi học lại?

-Dạ ngày tám. Còn cháu học lớp 11 thì ngày 5 đã học lại rồi. Ấn nói tiếp:

-Cháu sau nầy thì học không bằng chị nó. Nhưng cũng ngoan. Cũng nhờ mẹ nó cả. Vợ em một mình vừa làm việc ở công ty, vừa lo toan việc nhà, lại vừa dạy dỗ con cái.

Vậy là Ấn trở lại chuyện vợ của anh:

-Vợ em cũng khổ thầy ạ.

Ấn lại ca ngợi về vợ mình.

 *

 

Trong lúc Ấn nói về những đức tính tốt đẹp của vợ mình thì hình ảnh vợ Ấn lại hiện ra trong đầu tôi. Từng khi từng lúc theo từng câu nói của Ấn.

-Cũng may vợ em cũng là con nhà nề nếp thầy ạ.

 Từ trong nhà nhìn ra tôi thấy một chiếc xe con bóng láng đậu ngay trước nhà Ấn. Xe đậu nhưng thỉnh thoảng nó lại bóp còi như muốn gọi ai đó trong nhà Ấn. Bỗng vợ Ấn từ trong nhà chạy ra. Mặc bộ đầm màu đỏ tía cao khỏi đầu gối. Tay xách chiếc ví chạy vội đến bên cửa xe. Cánh cửa xe mở, vợ Ấn vội chui vào xe. Khoảng cách cũng vừa đủ để tôi thấy khuôn mặt đầy phấn sáp của vợ Ấn. Tôi không thắc mắc. Có lẽ xe của công ty vợ Ấn. Hôm nay là chủ nhật nhưng chắc có việc gì đột xuất nên công ty đến gọi.

 Nhà của gia đình Ấn cách công ty làm việc của vợ Ấn không xa lắm. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy vợ Ấn bỏ về giữa buổi. Có lẽ công việc cơ quan xong cô ấy tranh thủ chạy về làm việc nhà. Nhưng sau đó có một chiếc xe con mầu cà phê sữa đến gọi cô ấy đi. Tôi lại nghĩ đàn bà cũng vất vả. Việc nhà việc cơ quan cứ đan chen như thế làm sao không ảnh hưởng đến công việc.

- Vợ em là người biết vun quén cho gia đình. Biết quản lí và giáo dục con cái thầy ạ.

Lúc ấy đã gần chín giờ tối. chiếc xe con mầu cà phê sữa hôm trước lại đến đậu trước nhà Ân. Nó lại bóp còi. Tiếng còi có vẻ dè dặt thôi, không hối thúc. Gần mươi phút sau vợ Ấn trong nhà đi ra. Dưới ánh đèn cao áp từ trụ điện ngay trước nhà Ấn tôi thấy vợ Ấn trang phục lòe loẹt, mặc áo hai dây hở hang hết cỡ. Vợ Ấn bước ra khỏi cửa rồi khép lại. Vừa lúc đó thì cậu con trai chạy ra mở cửa. Nó nói gì đó to tiếng với mẹ. Vợ Ấn nói lại những gì tôi nghe không rõ. Nhưng hình như cậu con trai không đồng ý để mẹ đi. Đến đây thì tôi nghe rõ giọng nói vợ Ấn với con trai:-Cứ đóng cửa lại học xong đi ngủ. Mẹ đi côngviệc của mẹ. 

-Có tiền thì hư theo cách có tiền thầy ạ. Những đứa con của em nó không đua đòi như chúng bạn. Mẹ nó tuyệt đối không chìu con. Không bao giờ cho con tiền tiêu vặt như chúng bạn nó.

 Tình cờ nhìn ra tôi thấy một chiếc xe tải cỡ nhỏ đậu trước nhà Ấn, hai người đàn ông trên xe chuyển xuống một chiếc xe máy hiệu Sh được bao bọc cẩn thận cho khỏi trầy xước. Họ gọi cửa, vợ Ấn bước ra, hai người lạ đẩy chiếc Sh vào nhà Ấn. Xe tải chạy đi được mấy phút thì một chiếc xe con trờ tới. Vẫn là tiếng còi thúc gọi quen thuộc. Vợ Ấn bước ra mở cửa sau lên xe. Xe con chạy đâu khoảng nửa giờ thì cậu con trai của Ấn đẩy chiếc Sh ra khỏi nhà lên xe nổ máy. Cậu ta phóng đi một cách thành thạo.

- Em nhờ thầy, nếu thấy có hiện tượng gì không hay thì nhắc nhở mẹ nó giúp em một chút. Ở bên cạnh nhà có thầy, đi xa em cũng yên tâm.

 Hình ảnh hiện ra trong đầu tôi là cậu con trai của Ấn. Hôm đó tôi có một chút việc phải ra phố mua một vài thứ linh tinh. Đi ngang qua một quán nhậu bình dân nghe tiêng cươi hô hố của đám thanh niên trong quán, tôi nhìn vào, bất chợt thấy cậu con trai của Ấn cũng có mặt trong đó. Cậu ấy đang ngồi với một tốp thanh niên trên bàn ngổn ngang vỏ lon bia. NHìn ra thấy tôi, cậu con trai của Ân vội quay mặt tránh. Lúc đó đang là giờ học. Chết rồi, con của Ấn cúp cua trốn học. Về nhà tối đó tôi tìm cách gặp riêng để khuyên răn cậu bé. Với lời cam đoan không kể lại chuyện nầy cho cha mẹ cậu nghe.

 Rồi một lần khác tôi thoáng thấy cậu nầy chở một bạn gái bằng chiếc Sh ấy phóng qua trước mặt tôi. Cậu ta đã không nhìn thấy tôi. Và hình như những lời khuyên răn và đe dọa sẽ nói lại cho mẹ cậu biết chẳng có tác dụng gì.

 Trước những tâm tâm sự và lời gởi gắm của Ấn, tôi phải làm gì đây? Nói toạc tất cả những gì đang xẩy ra trong gia đình Ấn cho anh ấy biết? Đây là việc cần thiết nhưng dù sao đấy chỉ là những gì tôi thấy được, không có bằng chứng để buộc tội vợ Ấn ngoại tình. Hơn nữa chỉ cần tôi nói ra một tiếng là gia đình Ấn có thể đổ vỡ. Điều mà tôi cần giúp Ấn không phải chỉ để anh ấy biết sự thực về vợ và con trai mình, mà mục đích là làm sao để anh ấy bảo vệ được hạnh phúc gia đình. Nói ra để cho gia đình anh ấy tan vỡ thì nói làm gì? Còn làm thinh xem như mình không thấy gì cả thì chắc chắn không nên rồi. Nhất là cậu con trai của Ấn đang trên đường hư hỏng. Biết mà không ngăn trở thì liệu mình còn là con người nữa không, đừng nói chi mình là người thầy của Ấn được anh ấy tin tưởng.

Nói chuyện với Ấn mà trong lòng tôi cứ băn khoăn nên chọn thời điểm nào và bằng cách nào để nói cho Ấn biết sự thực về vợ và con trai của mình.

Cuối cùng tôi vẫn chưa nói được gì với Ấn. Tôi để Ấn chào tôi, về nhà. Tôi mời:

-Lúc nào chưa đi, sang nhà chơi, thầy trò nói chuyện cho vui.

 

 Lúc Ấn về rồi tôi đem chuyện Ấn tâm sự với mình cho vợ tôi nghe. Rồi đem mối băn khoăn ra nói với vợ:

-Ấn đã hết sức tin tưởng vào vợ chồng mình. Lại còn gởi gắm việc gia đình cho mình. Anh thấy khó quá. Nói thật về tình hình gia đình Ấn cho anh ấy nghe cũng không ổn. Đàn ông nóng tính. Đi làm ăn xa mà nghe vợ mình ở nhà như thế, có ai chịu được. Còn xem như mình không nghe thấy gì, lại càng không thể. Cho dù giữa mình và Ấn không có mối quan hệ nào đi nữa, làm người, thấy cái sai của người khác mà không tìm cách ngăn cản thì đâu còn gọi là con người. Em thấy đúng không? Vậy thì theo em, anh phải làm gì đây?

Có lẽ vợ tôi cũng có tâm trạng như tôi. Vì sự việc xẩy ra trước mắt, không phải chỉ riêng một mình tôi, mà cả hai vợ chồng đều biết. Mà có lẽ cả hàng xóm của Ấn đều biết.

Ngẫm nghĩ một lát vợ tôi nói:

-Cũng thật khó, nhưng tình trạng nầy không thể để kéo dài được. Nếu cứ để vậy, trước sau gì gia đình anh ấy cũng tan rã thôi. Nhất là thằng Tượng con trai anh ấy. Nó đã có dấu hiệu đi theo con đường hư hỏng rồi đấy. Nếu không ngăn ngừa kịp thời, sẽ muộn mất. Mình không thể không giúp gia đình cậu ấy được. Thực ra em cũng để tâm đến chuyện nầy từ lâu. Em nghĩ chỉ có cách...

-Em nghĩ ra cách gì? Nhưng coi chừng không khéo gia đình anh ấy sẽ sụp đỗ nhanh hơn vì sự can thiệp của mình đấy.

Vơ tôi cười:

-Yên chí. Em không khờ khạo như anh nghĩ đâu.

Tôi nói:

-Đúng là đàn bà bao giờ cũng ranh ma hơn đàn ông.

Vợ tôi trừng mắt:

-Đừng có nghĩ xỏ xiên đấy.

-Vậy thì em có thể cho anh biết em sẽ làm như thế nào không? Anh thật sự rất sợ khi mình chen vào việc nhà của người khác. Em cứ nói cho anh nghe, nếu thấy có gì chưa ổn anh góp ý.

Vợ tôi nói ra cái cách mà cô ấy đã nghĩ. Tôi buôt miệng:

-Đúng rồi. Chỉ có cách ấy là hay nhất.

 Quả là người đàn bà trong chuyện gia đình họ nhạy bén tinh tế hơn đàn ông nhiều.

 

 *

 

Và vợ tôi đã thành công.

Thời gian sau nầy, kể từ lúc vợ tôi thực hiện cách làm của mình, thì chiếc xe con mầu cà phê sữa không còn đến đậu và bóp còi trước mặt nhà Ấn. Và cũng từ đó vợ Ấn, thời khắc làm việc, đi về rất đúng giờ giấc. Không còn những lần nghỉ việc giữa buổi, không còn đi đêm…

 Tết sau đó Ấn lại về thăm nhà. Gia đình Ấn đón một cái tết vui vẻ đầm ấm như chẳng có chuyện gì xẩy ra. Thực ra những cái tết trước đây, không khí đón tết của gia đình Ấn vẫn như thế nầy. Con gái Ấn đi học xa về thăm nhà. Ấn nghỉ phép tết mang về bao nhiêu là quà. Quà cho vợ, quà cho con gái, quà cho con trai. Tối hai mươi chín tết anh khiêng về một chậu cúc làm sáng rực cái phòng khách mắc đầy đèn mầu sáng từ trong ra ngoài. Nhưng đấy chỉ là cái thể hiện bên ngoài. Bên trong cái hạnh phúc gia đình Ấn như một thân cây đang bị một loài sâu đục thân tàn phá. Nếu không kịp thời bắt loài sâu bọ đó ra thì thân cây sẽ bị chết đứng bất kỳ lúc nào. Hoặc chỉ cần một ngọn gió nhẹ là nó nhanh chóng đổ sầm. Giờ thì con sâu đục thân tiềm ẩn kia đã bị móc ra khỏi thân cây một cách nhẹ nhàng, chung quanh chẳng ai hay biết. Ngay cả Ấn cũng chẳng hề biết chuyện gì đã xẩy ra trong gia đình mình.

 Sau mấy ngày về ăn tết với gia đình, cô gái con Ấn lên đường vào tiếp tục học. Trước khi đi cô bé sang nhà thăm vợ chồng tôi. Cô gái nói với vợ tôi ( tất nhiên tôi cũng không nghe được. Chỉ sau nầy vợ tôi mới kể lại):

-Em cảm ơn cô rất nhiều. Gia đình em có được ngày hạnh phúc hôm nay là nhờ cô. Nếu không có cô, em không biết gia đình ba má em rồi sẽ ra sao nữa.

Vợ tôi cười:

-Cái thành công hôm nay không phải là do cô mà do chính em đấy. Em đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người con có hiếu đối với cha mẹ. Chỉ có em mới làm cho mẹ em thấy ra cái sai để kịp thời quay lại với gia đình. Em đúng là cô con gái thông minh dũng cảm mà đầy lòng tha thứ nữa. Con cái đôi khi cũng cần phải biết tha thứ cho lỗi lầm của cha mẹ nữa đấy em ạ. Năm mới cô chúc em và gia đình hạnh phúc.

NBT
ĐANG ONLINE: 4 NGƯỜI