Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Không thể khác hơn


Vào một đêm cuối thu năm 1427.

 Cái rét của gió heo may còn sót lại đến cuối tháng chín làm nứt nẻ các kẽ chân. Những vết nứt không sâu lắm nhưng nhức buốt bởi cái lạnh như dao cắt. Danh tướng Phạm Văn Xảo đã quấn mình trong lớp áo chiến dày mà vẫn còn thấy lạnh. Cái lạnh giống như toát ra từ bên trong người ông chứ không phải do thời tiết bên ngoài. Ông nghĩ đến nghĩa quân. Ông đang mặc áo ấm như thế nầy mà vẫn còn thấy lạnh huống chi là nghĩa quân. Nhưng áo ấm làm sao đủ để phân phát cho toàn quân mỗi người một bộ! Cơm ăn còn chưa đủ no nói chi đến chuyện mặc ấm. Cũng may nhờ sáng kiến của ông Chích. Và Minh chủ Lê Lợi đã biết nghe theo, rút quân vào miệt đồng bằng Nghệ an kịp thời, nhờ đó nghĩa quân mới có cơm ăn áo mặc. Dù chưa thực sự được no, chưa thực được ấm. Nếu cứ tiếp tục chiến đấu trong vùng núi Chí Linh như trước đây, không biết nghĩa quân còn đủ sức để hoạt động được bao lâu. Thậm chí có tồn tại được không nữa. Nghĩa quân mới buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa, số lượng thì ít, hầu hết là nông dân chưa được tập luyện kỹ càng, vũ khí còn thô sơ lại chưa kinh qua trận mạc. Họ chỉ có một thứ vũ khí duy nhất trang bị cho mình đó là lòng yêu nước, cộng với lòng căm thù sự tàn bạo của ách thống trị nhà Minh! Biết được thế yếu của quân khởi nghĩa Lam Sơn thời trứng nước, quân Minh thẳng tay đàn áp. Chúng không ngừng càn quát. Triệt hạ mọi con đường tiếp tế lương thảo từ đồng bằng lên. Nghĩa quân không còn đủ sức phản công lại quân địch nên đã rút sâu vào vùng hiểm trở của núi Chí Linh để tránh sự tảo thanh của giặc. Thấy tình hình nầy không thể kéo dài, Lê Lợi một mặt tạm thời giảng hòa cùng quân Minh, một mặt âm thầm rút quân về vùng đồng bằng sông Cả để bảo toàn lực lượng, củng cố binh mã chờ ngày Bắc tiến phục hận.

Sau gần hai năm, đồn lương tích thảo, chiêu nạp người tài và tuyển mộ thêm quân sĩ, nghĩa quân đã đủ lớn mạnh để bàn tính đến chuyện phục hận quét giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi quyết định đem quân ra Bắc đánh Đông Quan.

Vương Thông mang quân cứu viện, bị đánh bại cũng về cố thủ ở Đông Quan. Nghĩa quân vây chặt Đông Quan. Cuối năm 1427 vua Minh Tuyên Tông lại cử thêm hai đạo quân sang tiếp cứu. Một đạo do Liễu Thăng cầm đầu, gồm mười vạn quân xuất phát từ Quảng Tây. Một đạo do Mộc Thạnh cầm đầu, gồm năm vạn quân, xuất phát từ Vân Nam .

 Lê Lợi khẩn cấp mở cuộc họp, hội ý các tướng bàn việc đánh giặc.

 Đêm nay trời thật lạnh nhưng quang mây. Hết canh ba, tướng Xảo vẫn không ngủ được. Ngoài việc lo nghĩ kế sách chống giặc, trong lòng ông còn nhiều tâm sự. Một mình ông đi đi lại lại trước sân bản doanh. Ông nghe tiếng mõ thay phiên của lính canh vẫn điểm đúng giờ giấc. Ông cảm thấy yên tâm trước kỷ cương quân pháp. Ánh trăng hạ tuần như một lưỡi câu liêm sáng quắc treo thòng lọng giữa trời. Tướng Xảo liên tưởng đến thứ vũ khí mà nghiã quân sáng chế. Đó là những lưỡi câu liêm sắc bén có chỉa nhọn được tra bằng cán tre đài, dài đến mấy mét, dùng cho đội tiền quân. Khi tấn công sẽ dùng mũi nhọn để đâm những tên giặc cưỡi trên lưng ngựa cách mình đến mấy mét. Hoặc dùng lưỡi câu liêm cắt vào chân ngựa chiến của địch khi nó tháo chạy. Khi rút lui thì câu liêm được vác ngang mũi nhọn chỉa về phía sau sẵn sàng chống thế truy kích của quân giặc. Khi quay lại nó sẽ là thế Truy hồi cực kỳ hiểm hóc. Đó là một vũ khí lợi hại của nghĩa quân, lúc tấn cũng như lúc thoái.Tất cả đã được dũa mài sắc bén để chờ lệnh xuất kích. Lòng ba quân đang sôi sục hăm hở. Tướng Xảo nghĩ có lẽ mình là người nôn nóng nhất chờ lệnh xuất quân của Minh chủ. Ông nôn nóng hơn mọi người. Ngoài cái nôn nóng muốn quét sạch bóng quân xâm lăng đem cảnh sống yên bình đến cho người dân Đại Việt, ông còn nôn nóng bởi một lí do khác. Đó là lời hứa của ông trước vong hồn Lâm Tiết Hạnh, vợ của liệt sỹ Lê Can, một tùy tướng mà ông xem như con của ông. Ông không thể nào nguôi ngoai được, cả những lúc ông đang trải cơn dầu sôi lửa bỏng của chiến sự, cáí hình ảnh và những lời trối trăn cuối cùng của viên dũng tướng thuộc hạ của mình. Thế nhưng lần nầy ông lại không được Minh chủ cho tham gia trận đánh quyết định sắp tới. Nói cho chính xác ông được tham gia nhưng không được đánh!


 *

Lê Can người xứ Nghệ. Ở cùng với mẹ già trong một xóm chài nhỏ bên bờ sông Cả.

Lê Can học giỏi, đỗ đạt nhưng không chịu ra làm quan. Anh lạy mẹ xin chịu tội bất hiếu đã không ra làm quan để phụng dưỡng tuổi già của mẹ. Người mẹ cầm tay con trai nói: Con tưởng mẹ nuôi con ăn học mục đích là để kiếm những đồng tiền vấy máu do quân Minh ban phát sao? Vậy là Lê Can ngày đánh cá kiếm tiền nuôi mẹ đêm tìm thầy học võ chờ ngày có cơ hội đem tài ra giúp nước. Khi nghe tin Lê lợi cùng mười tám vị hào kiệt phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Can xin mẹ đi tòng quân diệt giặc. Câu chuyện giống bao câu chuyện của những chàng trai yêu nước thời loạn khác. Mẹ Can rất vui mừng trước chí làm trai của con. Và nghe theo lời mẹ, Can cưới vợ để thay anh lo cung phụng mẹ già. Sau đám cưới ba ngày Can từ giã mẹ và người vợ mới cưới lên đường. Người vợ mới cưới cắt một nhúm tóc của mình trao cho chồng và nói: Nếu lúc sống trời không cho ta xe duyên với nhau trọn đời thì lúc chết cũng nguyện kết tóc cùng nhau. Can cũng cắt một nhúm tóc của mình rồi chia ra cùng với tóc của vợ bện thành hai mối . Mỗi người giữ một mối, như giữ lời thề nguyền sắt son chờ nhau cho đến ngày đất nước thanh bình vợ chồng đoàn tụ. Can đầu quân dưới trướng của tướng Phạm văn Xảo.

 Can lên đường đâu được vài tháng thì mẹ mất.

 Trong những ngày đầu gian khó nhât của cuộc khởi nghiã, Can chiến đấu rất can trường và mưu lược, nên được tướng Xảo đề bạt lên Minh chủ xin cho giữ chức phó tướng. Không may trong một trận huyết chiến với quân thù, Can trúng thương nặng. Trước khi lâm chung Can trao cho vị tướng mà anh xem như cha, một đãy lụa nhỏ và nhờ chủ tướng trao lại cho vợ mình lúc nào có dịp trở về sông Cả, cùng với một lới nhắn gởi: Cô ấy còn quá trẻ, nhờ tướng phụ khuyên cô ấy đi lấy chồng đừng bỏ phí tuổi thanh xuân.

Sau khi chôn cất viên tướng cận vệ, tướng Xảo mở đãy lụa bết máu khô ra xem và ông chợt rơi nước mắt khi thấy hai nhúm tóc buộc chặt vào nhau.

Ngày nghĩa quân bỏ căn cứ Chí Linh rút về đồng bằng sông Cả, vị danh tướng họ Phạm không quên lời hứa với viên thuộc tướng của mình. Ông tìm đến ngôi nhà của Lê Can bên bờ sông Cả, thì được biết vợ của dũng tướng Lê Can sau khi nghe tin chồng tử trận đã quyên mình trên dòng sông Cả để giữ trọn lời nguyền. Ông như chết lặng người. Đứng trầm ngâm một đỗi thật lâu, ông chỉ tay xuống dòng sông Cả thề sẽ cùng nghĩa quân quét sạch không còn một bóng quân xâm lược để đem lại chủ quyền cho Tổ quốc và cũng để trả hận cho bao người Đại Việt đã phải đau khổ do cuồng vọng tham tàn của giặc Minh.

 Với nỗi lòng như vậy, vị danh tướng họ Phạm làm sao có thể ngủ ngon khi cuộc họp tướng lĩnh cùng các mưu sĩ dưới sự chủ trì của Minh công vào lúc chiều để bàn kế sách cho một cuộc tấn công quyết định, ông lại được Minh công giao cho nhiệm vụ là cùng tường Trịnh Khản cầm chân tướng giặc Mộc Thạnh. Kèm với một mệnh lệnh như sắt đá: Không đánh.

Không đánh!

Hai tiếng ấy đang vang lên trong đầu vị danh tướng họ Phạm.

Tướng Phạm văn Xảo nhìn lên vầng trăng lưởi liềm đang bị che khuất vào một đám mây đen như một hiện tượng mai phục. Ông hiểu ý nghĩa của hai chữ Không đánh trong mệnh lệnh của Minh chủ có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Không phải ông không đồng tình với quyết định sáng suốt nầy. Nhưng sao Minh chủ lại phân công ông cầm đầu cánh quân cùng tướng Trịnh Khả có nhiệm vụ cầm chân Mộc Thạnh mà không phân công ông đi theo cánh quân của Lê Sát, Lưu Nhân Chú… có nhiệm vụ tiêu diệt cánh quân của Liễu Thăng, là cánh quân chủ lực trong đạo viện binh.

Vành trăng lưỡi liềm đã thoát ra khỏi đám mây, nó lóe lên một thứ ánh sáng xanh biếc. Tướng Xảo nhớ lại buổi hội ý toàn tướng sĩ lúc chiều với sự phân tích đánh giá tình hình hết sức tỉ mỉ của các tướng trước khi có một trận đánh quyết định.


 Vấn đề được đặt ra trong cuộc hội ý là: Hạ thành Đông Quan trước hay đánh chặn viện binh trước.

 Một tướng lĩnh nghĩa quân trình bày:

-Hạ thành Đông Quan trước. Khi hay tin thành Đông Quan mất thì đám viện binh sẽ lập tức quay về. Ta không mất một mũi tên mà vẫn đuổi lui được mười lăm vạn viện binh.

Cả hội nghị im lặng. Sau đó nghe giọng dõng dạc của Nguyễn Trãi:

-Nên đánh viện binh trước. Bởi lẽ, thành Đông Quan tường cao hào sâu, trong thành lại có quân của Vương Thông hợp lại gần đến mười vạn. Nếu thời gian công thành Đông Quan kéo dài, bọn Liễu Thăng, Mộc Thạnh kịp kéo đến. Bên trong bọn Vương Thông đánh ra, bên ngoài Thăng, Thạnh đánh vào. Ta sẽ bị kẹp vào giữa, khó bề xoay trở. Nếu ta đánh tan viện binh thì Vương Thông khắc sẽ đầu hàng. Ta khỏi nhọc sức hạ thành.

Có nhiều ý kiến đồng tình với Nguyễn Trãi. Lê Lợi gật đầu:

-Đánh viện binh trước.

Sau đó Lê Lợi cắt cử:

Các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú cùng một số tướng khác cầm một đạo nghĩa quân chận đường tiến của Liễu Thăng, và phải tiêu diệt cho bằng được cánh quân chủ lực nầy của địch.

Tướng Phạm văn Xảo cùng Trịnh Khả mang một đaọ nghĩa binh chận đường tiến của Mộc Thạnh. Các tướng còn lại tiếp tục bao vây chặt thành Đông Quan không cho Vương Thông thoát ra.

Sau khi giao nhiệm vụ cho tướng Phạm văn Xảo, vị Minh chủ nghĩa quân đã nhấn mạnh hai tiếng:

-Không đánh.

Và vị Minh chủ đã lặp lại mệnh lệnh nầy tới hai lần.

 *

 Danh tướng Phạm văn Xảo đã suy nghĩ nhiều đêm về hai chữ không đánh của vị Minh chủ. Không đánh mà làm cho giặc phải thối lui, là sách lược. Còn không đánh mà làm cho giặc lấn tới đó là sự khiếp nhược. Và tất nhiên ý của Minh chủ phải là một sách lược.

 Để thực hiện sách lược của Minh chủ, khi vừa hạ trại tướng Phạm văn Xảo đã cho nghĩa quân xây dựng chiến lũy thật kiên cố để làm nhụt nhuệ khí trong ý đồ tấn công phủ đầu của địch. Ông còn cho triệt hạ tất cả những cầu cống bắc qua các suối lạch, lấp phá hết các lối đi trên đường rút lui của chính lực lượng nghĩa quân. Điều nầy là một cách khẳng định với kẻ thù rằng nếu nó hung hãn tấn công trước thì nghĩa quân chỉ có một con đường duy nhất để lựa chọn là quyết tử chiến với địch để tìm đường sống.

 Hai tướng Phạm văn Xảo và Trịnh Khả chọn vị trí đóng quân ở vùng có dân cư và án ngữ ngay trên con đường mà hai tướng dự tính viện binh của Mộc Thạnh sẽ đi qua.

 Khi nghe tin nghĩa quân đến, bà con địa phương xa gần, hồ hỡi mang lúa gạo lương thực đến tiếp tế cho nghĩa quân.

 Đóng quân được mấy ngày thì có tin báo cho biết quân của Mộc Thạnh đã đến nơi và đang hạ trại cách doanh trại của nghĩa quân chừng hai mười dặm.

 Trước ba quân tướng Phạm văn Xảo thông báo tình hình, quân thù đã đến đóng trại cách ta không xa. Tất cả phải đặt trong tinh thần hết sức cảnh giác. Tướng Xảo căn dặn các tướng dưới quyền và lính của mình:

-Không ai được manh động. Đã có lệnh của Minh chủ, chúng ta không được đánh. Chỉ làm sao cầm chân Mộc Thạnh tại đây. Không cho chúng tiến sát vào Đông Quan tạo thế nội công ngoại kích. Nghĩa quân ta ở Đông Quan ít, sẽ gặp bất lợi. Càng không để chúng tiếp cứu cho cánh quân của Liễu Thăng. Bởi trận đánh với Liễu Thăng sắp diễn ra ở ải Chi Lăng sẽ là trận đánh quyết định vận mệnh của cả dân tộc Đại Việt. Do vậy mà quân của Mộc Thạnh chỉ có một con đường duy nhất là dừng lại ở đây rồi rút về. Trong quân ngũ, dù là binh sĩ hay thuộc tướng của ta, nếu ai có thái độ manh động sẽ bị chém đầu.


 *

Mộc Thạnh là tên tướng cáo già. Hắn đã từng tham gia nhiều trận đánh với quân Đại Việt từ thời nhà Hồ. Biết Phạm văn Xảo là một tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn nên hắn rất thận trọng. Hạ trại xong hắn cho dựng lũy kiên cố. Thấy thế bộ tướng của hắn hỏi:

-Sao tướng quân không chủ động tấn công trước để dành thế thượng phong mà lo đắp lũy?

Hắn trả lời:

-Phạm văn Xảo là tướng giỏi, tất hắn đã phòng bị chu đáo rồi. Quân ta đi đường xa mệt cần phải nghỉ ngơi.

Nói với thuộc tướng vậy nhưng trong lòng hắn nghĩ khác.

Xây dựng tuyến phòng thủ xong, Mộc Thạnh cho lính đi thám thính quanh vùng nghĩa quân đang đóng. Quân về báo:

-Chiến lũy vững chắc. Quân Lam Sơn canh chừng nghiêm nhặt.

Một lát tên thám thính khác vào báo:

-Tất cả con đường rút quân của lính Lam Sơn đã bị đào phá, cầu cống đều bị triệt hạ.

Nghe xong Mộc Thạnh có vẻ suy nghĩ. Chợt hắn vỗ án cười ha hả:

-Ta biết ý của Phạm văn Xảo rồi.

Nói xong hắn lấy giấy và bút nghiên ra viết mấy chữ: 'Người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người', rồi sai lính buộc vào tên, bắn vào doanh trại của nghĩa quân.

Mộc Thạnh không dại gì chui đầu vào chỗ chết. Cái mà hắn cần là tài sản vàng bạc của người dân Đại Việt chứ đâu phải là chuyện hơn thua. Nên một mặt hắn cho lính tỏa ra xung quanh để vơ vét của dân một mặt hắn nghe ngóng tin tức của cánh quân Liễu Thăng. Nếu Liễu Thăng thất bại thì hắn sẽ ôm của cải chuồn về nước.

 

  Quân của Mộc Thạnh đóng trại đã hơn mười ngày nhưng không có dấu hiệu gì chứng tỏ chúng muốn khiêu chiến. Một hôm nghĩa quân đi tuần trong doanh trại nhặt được một mũi tên có buộc mảnh giấy, vội mang vào trình với chủ tướng Phạm văn Xảo. Tướng Xảo mở ra đọc rồi cười ngất: Quả Minh chủ xét người và đoán định tình hình không sai.

Tuy vậy ông vẫn hết sức cảnh giác trước mưu mô của giặc.

 Những ngày tiếp theo, nhiều nguồn tin từ dân cho biết quân Mộc Thạnh đang tỏa ra chung quanh vùng đóng quân để cướp bóc hiếp hại dân lành. Chúng vơ vét của cải, tài sản của bà con. Chúng cấm bà con đánh bắt tôm cá trên suối lạch, không cho nông dân lên nương rẩy canh tác. Mục đích là để triệt hạ nguồn lương thực không cho bà con tiếp tế cho nghĩa quân. Nhiều người dân đã vào trại gặp các tướng lĩnh nghĩa quân yêu cầu đưa binh ra đánh dẹp bọn cướp nước, bảo vệ tài sản và cuộc sống yên bình cho họ. Tướng Xảo rất đau lòng trước cảnh người dân bị ức hiếp cướp bóc. Nhưng lệnh trên đã quyết không được đánh. Tướng Xảo đích thân gặp gỡ bà con đến cầu cứu và giải thích cho họ hiểu rằng mục đích của cuộc khởi nghĩa Lam sơn là đánh đuổi ngoại xâm đem lại độc lập cho nước nhà, cơm no áo ấm cho toàn dân. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay quân ta phải bước đầu nhẫn nhịn. Quân giặc đông, thế đang mạnh và hết sức hung hăng. Nếu đem quân ra đánh, lỡ không thành công thì sẽ ảnh hưởng đến đại cuộc. Nhất định thời cơ sắp đến rồi. Giảng giải cho dân nghe đồng thời tướng Xảo cũng nhắc lại cho các tướng dưới quyền chỉ huy của mình một lần nữa. Bởi đám thuộc tướng của ông cũng đang quá bức xúc trước cảnh đồng bào mình bị áp bức. Ngày nào đám thuộc tướng cũng yêu cầu ông xuất quân trừng phạt kẻ thù. Có tướng đã dám đem đầu của mình ra để bảo đảm cho sự chiến thắng.

Sau khi nói cho mọi người hiểu ra sách lược của lãnh tụ nghĩa quân, tướng Xảo ra lệnh giảm bớt phần lương thực của mỗi nghĩa quân, ngay cả khẩu phần của mình cũng thế, đem ra phân phát cho dân, cứu đói trong lúc họ đang bị kẻ thù ngăn cấm tăng gia sản xuất, chăn nuôi đánh bắt.
 

 Thế rồi một buổi sáng cùng mùa đông năm ấy, một nghĩa quân từ doanh trại trung ương đã len lỏi trong gió rét bay ngựa mang đến cho cánh nghĩa quân của tướng Xảo một cái tin làm nóng bỏng trái tim ba quân: Liễu Thăng đã bị chém đầu ờ ải Chi Lăng!

Toàn quân reo hò tở mở khi cùng lúc nhận được lệnh của thủ lĩnh nghĩa quân Lam sơn. Một mệnh lệnh của tướng Xảo ban ra, chỉ có một chữ nhưng làm nức lòng bao người: Đánh.

 Cũng chính ngay lúc đó một nghĩa quân tuần thám đã tức tốc chạy vào báo cho vị danh tướng Phạm văn Xảo, một cái tin mà hình như ai cũng đoán trước được sẽ có ngày ấy :

 Mộc Thạnh đã âm thầm rút quân trốn chạy về nước!


 *

 Trời lạnh như chưa bao giờ lạnh đến thế. Danh tướng Phạm văn Xảo đi tản bộ một mình trên một đoạn của bờ sông Cả. Đến một ngôi miếu nhỏ dựng bên bờ sông ông dừng lại thắp nhang cho linh vị của ngôi miếu. Ông nghĩ đến cái chết của Lê Can, viên thuộc tướng anh dũng của ông. Rồi ông lại nghĩ đến bao nhiêu nghĩa quân đã bỏ mạng trong suốt mười năm kháng chiến chống quân Minh để cuối cùng dành chiến thắng quyết định ở ải Chi lăng. Ông hiểu tại sao vừa rồi ông không tốn một mũi tên mà Mộc Thạnh nửa đêm phải cuốn gói trốn về nước. Đối với bọn xâm lược thì không thể thuyết phục bằng lí lẽ, không thể viện dẫn những tiêu chuẩn đạo đức để kêu gọi chúng từ bỏ dã tâm. Mà phải đánh. Không đánh vào thời điểm nầy thì đánh vào thời điểm khác. Không đánh bằng cách nầy thì đánh bằng cách khác. Không đánh ở mặt trận nầy thì đánh ở mặt trận khác.

Danh tướng Phạm văn Xảo lặng lẽ nhìn ra mặt sông. Nước như sắp đóng băng, một màu xám ngắt. Ông nhìn thật lâu trên mặt nước như muốn tìm kiếm một cái gì đó. Rồi ông nói một mình: Lê Can! Những ngày vừa qua tướng phụ cầm quân nhưng không chịu xuất binh đánh giặc trả thù cho con, chắc cũng như các tướng sĩ, vong linh con đã bức xúc lắm. Nhưng giờ thì con đã hiểu. Không đánh cũng là một cách đánh. Mối thù cướp nước của giặc Tàu làm sao mà bỏ qua được.

Sài gòn tháng 5 năm 2014
NBT Trích từ tập truyện Rét Hà Nội
ĐANG ONLINE: 7 NGƯỜI