Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Không nên tiếc nuối


Ông Kham sau khi lên dự đám cưới đứa cháu gái gọi bằng bác ở Kơ Bang, một thôn nhỏ thuộc huyện miền núi tỉnh Công tum, khiến ông có nhiều suy nghĩ vì những sự việc quả là ông không ngờ tới. Chú Tư em trai ông khi từ giả vùng quê ở Quảng trị ra đi kinh mới chỉ hai bàn tay trắng. Chú mang theo ba đứa con gái. Đứa đầu mười hai tuổi, đứa út chưa bỏ bú. Lên Kơ Bang sinh sống được năm năm thím Tư đẻ thêm hai đứa con gái nữa. Nghe qua cái gia cảnh chú ấy vậy ai cũng thè lưỡi. Nuôi năm đứa con xấp xỉ tuổi nhau ở vùng kinh tế mới đã là một việc khó. Rồi mai đây, chuyện gả chồng yên bề gia thất cho năm con vịt trời ấy khi chúng lớn lên là cả một vấn đề không đơn giản chút nào. Thế nhưng khi chú Tư xuống trực tiếp mời ông anh lên dự đám cưới đứa con gái thứ thứ tư, ông Kham mới biết người em đã đi được bốn phần năm của đoạn đường gian truân.

Ông Kham hỏi chú Tư:

-Sao gả ba cháu đầu chú không báo cho vợ chồng tôi biết một tiếng?

Chú Tư có vẻ áy náy khi nghe ông anh hỏi. Chú nói:

-Hồi đó kinh tế nhà em khó khăn quá, nên em cũng tổ chức đơn sơ thôi. Ngoài hai gia đình ra, bà con em không mời ai cả.

-Chú coi tôi như khách sao? Ít ra chú cũng cho tôi biết, thời buổi khó khăn không có quà cáp gì cho cháu vợ chồng tôi cũng dành dụm đủ tiền xe lên về để dự ngày vui của cháu.

 Nói vậy chứ đâu đến nỗi gì. Không nhiều thì ít cũng có cái gì đó mừng cháu. Chú thật bậy.

-Dạ anh trách vậy cũng đúng, vợ chồng em xin lỗi anh chị. Thật ra chúng em chỉ nghĩ đơn giản, hồi ấy ai cũng khó khăn, đường sá xe cộ lúc đó lại không an toàn như bây giờ, chỉ sợ anh chị đi xa vất vả. Hơn nữa em cũng còn hai đứa con gái nữa.

Anh em lâu ngày gặp nhau, ông Kham và người em nói chuyện tới khuya. Ông Kham biết được mấy người con của chú Tư đứa nào cũng học hết cấp hai rồi nghỉ học làm lao động. Người ta có vốn thì trồng cà phê, trồng tiêu, gia đình chú không vốn thì trồng cây ăn ngắn ngày. Mùa khô thì trồng rau, mùa mưa thì gieo bắp. Cứ vậy mà làm quanh năm. Không dư dật gì nhưng cũng đủ ăn. Nói chung thì cũng thoát được cảnh nghèo đói như hồi ở quê.

 Người em lên rồi, ông Kham bàn với vợ:

-Nghe chú ấy nói thì gia đình chú cũng đang khó khăn. Thôi mấy đứa trước mình không đi được, đứa nầy, bà coi tém nhặt chi tiêu lại mà cho cháu năm phân. Bà thấy được không.

Bà Kham vốn tính xởi lởi với con cháu nên nghe chồng hỏi bà nói ngay:

-Hai đứa trước mình đã không đi, nghèo cũng đã nghèo rồi, thôi lần nầy gắng cho cháu một chỉ.

Biết tính vợ, ông Kham cũng vui vẻ.

Trước khi lên dự đám cưới ông Kham tưởng tượng trong đầu chắc gia đình chú Tư nghèo lắm. Mà lấy gì để giàu? Mấy đứa con gái chú ấy chắc cũng đen đuốc lam lũ. Nghĩ vậy mà ông Kham thấy thương cháu. Cái cảnh làm lụng ở nhà quê, ông biết rồi. Miền núi hay đồng bằng cũng thế thôi. Suốt ngày phơi mình giữa nắng giữa gió. Bù lại với hai đứa con của ông. Chúng ở thành phố, được học hành tới nơi tới chốn lại được cha mẹ chăm chút cẩn thận. Ông và chú em cùng một gia đình cùng được cha mẹ nuôi nấng như nhau, nhưng đến dời con cái thì đã hoàn toàn khác nhau. Đứa con trai của ông đã học xong thạc sĩ đang là giám đốc của một công ty. Vợ nó cũng tốt nghiệp đại học kinh tế, làm trưởng phòng kỹ thuật cho công ty. Trước đây khi kinh tế đang lên, tiền bạc với chúng chẳng còn là vấn đề. Ông chỉ lo về đường con cái của chúng. Đứa nào cũng trên ba mươi tuổi rồi mà chưa chịu sinh con. Mỗi lần bà Kham nhắc nhở thì cô con dâu nói:

-Sinh con sớm vất vả lại ảnh hưởng đến công tác mẹ ạ. Chúng con phải đợi thêm một thời gian nữa.

-Thời gian nữa là bao lâu? Con cũng gần ba mươi tuổi rồi. Lớn tuổi chuyện sinh đẻ khó khăn con ạ.

-Thời buổi bây giờ việc sinh con dễ hơn cả gà đẻ trứng nữa mẹ ạ. Chỉ lên bàn mỗ mươi lăm phút là xong. Hơn nữa chúng con chỉ sinh một đứa thôi thì đâu có gấp?

-Sao lại sinh một đứa? Ít nhất cũng phải hai đứa để chúng có bầu có bạn.

-Thôi thôi mẹ ơi. Chỉ một đứa mà nghĩ đến chuyện sinh đẻ đã ớn lên tận cổ rồi. Mẹ còn bảo tới hai đứa.

Ông Kham thì không ngớt giục con trai:

-Đã trên ba mươi tuổi rồi mà sao không nghe tụi bây nói gì đến chuyện con cái cả vậy? Có danh phận, có xe có nhà rồi mầy còn đợi gì nữa. Sinh con muộn sau nầy khổ lắm con ạ. Con không hiểu hết ý nghĩa của mấy chữ cha già con muộn là thế nào đâu.

Hoàng, con trai của ông Kham phá lên cười:

-Ba làm như con sáu mươi tuổi rồi không bằng.

-Thì mầy tính đi. Bây giờ mầy mà có con cũng đã muộn rồi đấy. Ngày mầy sáu mươi tuổi con mầy mới hai mươi. Nghĩa là mầy nghỉ hưu thì con đang học đại học. Có khi nào mầy tính đến chuyện ấy chưa?

-Dạ rồi. Tiền con gởi ở ngân hàng. Cháu nội của ba muốn học đến đâu thì học. Chuyện nghĩ hưu của con chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện học của nó cả.

Vậy là câu chuyện của hai cha con ông Kham bao giờ cũng dừng ngang đó.

Nhưng việc đời không phải lúc nào cũng suông sẻ như dự tính cùa mọi người. Công ty của con trai ông Kham cũng như các công ty khác trong nước, không thoát ra ngoài những hệ lụy của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu. Gần đây ông biết hoạt động của công ty con trai ông đang gặp khó khăn.Do sức mua sắm của người dân giảm sút, hàng hóa sản xuất ra bị ứ đọng. Số lượng hàng tồn kho mỗi ngày một tăng. Các khoản tiền dự trữ đã được rút ra và xử dụng gần cạn. Nợ ngân hàng đã vượt khỏi trần nợ cho phép. Giữa con trai và con dâu bắt đầu có những lục xục. Một phần vì áp lực công việc, một phần do sinh hoạt gia đình bị xáo trộn bởi mức thu nhập bị thu hẹp. Nhất là cậu con trai, luôn có vẻ mặt căng thẳng do phải suy nghĩ đối phó với tình trạng đi xuống của công ty. Tiền lương công nhân, tiền thuế, tiền lãi xuất ngân hàng…là những dấu hỏi như những con đỉa đói mầu đen bám riết vào đầu óc anh đã làm anh mất ăn mất ngủ. Bây giờ thì ông bà Kham không còn nhắc đến chuyện cháu chắt nữa. Cả chuyện ông sắp lên dự đám cưới đứa cháu, ông cũng không nói với con trai. Tất nhiên nếu ông kể thì con trai ông dù không lên dự được nó cũng gởi quà lên. Nó thiếu là thiếu tiền lớn còn những khoản tiền lặt vặt như vậy thì nó đâu đến nổi thiếu. Thế nhưng thấy con đang trong tình trạng không vui nên ông bà cũng không nhắc tới. Vậy là ông Kham tính với vợ bao luôn phần quà của con trai. Mà quà của con thì biết cho bao nhiêu mới phải. Nghe tiếng nó là giám đốc chẳng lẽ em con ông chú đám cưới mà chỉ cho một hai triệu thì coi sao được. Có thiếu thì cũng trong nhà biết với nhau thôi. Có nhịn ăn cũng phải chịu. Ông Kham quyết giữ thể diện cho con, không thể muối mặt mà qua loa chuyện nầy được. Suy đi tính lại ông bà quyết định phần quà của con trai, ông bà phải cho hai chỉ. Thế nhưng bà vẫn phân vân hỏi ông:

-Có ít lắm không ông?

-Thì cũng ít đấy chứ sao. Ít ra cũng năm chỉ mới coi được, nhưng mình đào đâu ra.

Bà Kham nói:

-Hay ta cứ nói với con. Nó cho được bao nhiêu thì cho.

-Bình thường thì vậy. Nhưng giờ nó đang khó khăn. Nó tiết kiệm được đồng nào thì tốt cho công ty nó đồng ấy.

Bà Kham làm thinh. Rồi bà thở ra nhè nhẹ. Bà Kham đang nghĩ đến con trai mà thương. Tuổi cũng đã lớn. Con cái chưa có. Giờ sản nghiệp không khéo cũng tan tành. Con trai của bà đến đây sẽ sinh sống ra sao. Ông bà cứ nghĩ mình thắt lưng buộc bụng cho con ăn học để sau nầy nó được sung sướng. Không ngờ lại đi đến chỗ bế tắc như thế nầy. Mà lỗi đâu do nó. Nó cũng chí thú làm ăn, muốn có sự nghiệp vẻ vang chứ đâu phải là đứa ăn chơi phá tán gì. Đứa con gái của bà d9angf làm cho cac công ty nước ngoài hình như cũng đang gặp khó khăn, dù vợ chồng nó không nói ra vì sợ ông bà lo.

-Thôi có chừng nào cho chừng đó. Ai nghĩ sao thì nghĩ. Bà Kham nói với chồng.
 

 *

 
Ông Kham lên nhà chú em trước đám cưới cháu hai ngày. Nhà cửa chú em cũng sạch sẽ ngăn nắp không như trong óc tưởng tượng của ông. Dù là nhà cấp bốn nhưng những công trình tiện nghi khá hoàn chỉnh. Có toa let, cầu tự hủy. Khi đi vệ sinh thì phải bỏ dép ra ngoài. Phòng ăn phòng tắm đâu ra đó. Có cả TV, tủ lạnh và một dàn karaoke. Ông Kham thấy cuộc sống của chú em như vậy trong lòng vừa mừng vừa ngạc nhiên. Cứ tưởng phải lo cái ăn cái mặc cho năm đứa con gái ở một vùng quê miền núi như thế nầy chắc người em của ông chẳng bao giờ biết đến những tiện nghi của nếp sống văn minh. Thế mà xem ra mức sống của chú ấy có thua gì ông đang ở thành phố đâu. Ông Kham hỏi thăm mức thu nhập và cách làm ăn của các thành viên trong gia đình người em:

 -Mức sống của gia đình chú vậy chắc cũng nhờ đến cây cà phê phải không?

-Không đâu anh. Em thì có vốn liếng đâu mà trồng cà phê? Anh nghĩ em lên đây trong tay không có một đồng nhắt túi còn phải kéo theo cả một đoàn tàu há mồm, thì vốn liếng đâu mà trồng cà phê. Trồng thứ nầy thì đất phải rộng đến cả mấy hecta, phải có giếng khoan để lấy nước, thứ cây nầy nó uống nước dữ lắm anh à.

-Vậy thì chú làm gì mà có tiền nuôi con lại sắm sửa được những tiện nghi trong gia đình như thế nầy?

Chú em cười:

-Tiền cũng chỉ nơi hai bàn tay với sức lao động thôi. Suốt ngày phơi nắng phơi mưa ngoài trời mới kiếm ra được đồng tiền, cũng không dễ dàng gì đâu anh ạ. Đất đai thì hai vợ chồng em lên đây buổi đầu canh tác được mấy sào. Khi con lớn lên nó bắt đầu đi làm được thì tụi em phải đi thuê đất người ta. Những gia đình có nhiều đất nhưng không đủ sức canh tác thì họ cho mình thuê. Ở đây một năm có hai mùa. Mùa nắng thì trồng rau, khi mưa sa xuống thì trỉa (gieo) bắp. Cũng có việc làm quanh năm anh ạ. Có điều là vất vả đấy thôi.

-Vậy thì chú thím và các cháu đây cũng giỏi thật. Nhìn tiện nghi trong gia đình chú như thế nầy …

-Thì anh tính ra những thứ vặt vẽn ấy có bao nhiêu tiền đâu. Em lại có cả một bầy con gái sắp đến tuổi cập kê. Nó phải có bạn trai lui tới. Do vậy mà em nghĩ công trình vệ sinh trong nhà phải là nhu cầu đặt lên hàng đầu. Chẳng lẽ bạn trai của chúng tới mà đi cái nhà cầu bằng hố đất đặt lên mấy tấm ván thì tội cho con. Hơn nữa làm việc cả ngày vất vả tối đến chúng phải có cái gì đó để giải trí chứ anh. Cái giàn karaoke em sắm ra cũng mục đích tạo cho con cái có bạn có bè. Việc tạo điều kiện cho con có bạn trai lui tới cũng cũng là một phần trách nhiệm của mình phải không anh.

Đang nói chuyện chợt chú em nhìn ra ngõ nói lớn: Hai mẹ con con Tranh đến ngoài kìa. Đưa cháu vào đây chào hai ông đi con.

Ông Kham nhìn ra. Một thiếu nữ sang trọng và rất trẻ dắt một bé gái chừng ba bốn tuổi đi vào. Ông Kham nhìn chú em hỏi:Ai vậy?

-Con Tranh đấy. Anh nhìn không ra sao? Ngày chúng em ra đi nó mới mười hai tuổi. Năm nay nó đã hai mươi bảy tuổi rồi. Nó mới có một đứa con gái.

-Trời! Cháu Tranh đó hả, đi ngoài đường mà gặp thì không cách nào nhìn ra.

Thiếu nữ bước vào cúi đầu chào bác:

-Cháu nghe hai bác lên từ chiều qua, nhưng vợ chồng cháu đi làm về tối quá chưa sang kịp. Bác trông còn trẻ hơn cả ba cháu nữa. Bác gái đâu bác?

 Hỏi rồi đứa cháu bảo con gái:

-Con chào ông bác và ông ngoại đi con.

 Đứa bé ngoan ngoản khoanh tay lần lượt chào hai ông.

Ông Kham cười đưa hai tay ra định bế cháu gái, ông nói:

-Ồ cháu xinh và ngoan quá, đến đây ông bế thử nặng mấy ký nào.

 Cháu bé chạy sà vào lòng ông ngoại nó.

Ông Kham nhìn đứa cháu gọi bằng bác rồi mỉm cười. Quả thật ông không thể nào ngờ được đó là con gái của chú em. Nghe chú em kể con gái chú ấy đứa nào cũng không được học hành nhiều. Tất cả đều phải làm việc vất vả, thế mà đứa cháu gái đứng trước mặt ông là một thiếu nữ xinh đẹp sang trọng đâu có dáng dấp gì của một người lao động nặng. Ông Kham nghĩ, chú ấy nói sao đấy chứ, lao động nặng sao trông đứa cháu giống như dân thành phố giàu có không bằng. Dáng người mảnh khảnh, nước da có hơi sạm đỏ vì mới đi ngoài nắng vào. Khi đứa cháu ôm ông mừng rỡ ông thấy những ngón tay của cháu gái mình thon thả như tay nữ sinh. Ông Kham buột miệng khen:

-Ba cháu nói cháu làm công việc lao động nặng sao trông dáng cháu giống như một thiếu nữ con nhà đài các vậy? Chồng cháu làm gì?

-Dạ cũng lao động bác ạ. Anh ấy lái máy cày thuê.

-Vậy cháu cũng không đến nổi vất vả lam lũ với nắng mưa chứ.

-Dạ làm rẩy mả, thì tránh sao được nắng mưa bác.

Chú em cười góp chuyện:

-Bây giờ chúng nó lao động không phải như cha ông mình xưa đâu anh. Trước khi vác cuốc ra rẩy, chúng bịt mặt bịt mũi chỉ chừa hai con mắt. Tay thì đeo găng. Chân mang giày ba ta. Áo thì mặc dày hai ba lớp. Nắng mưa không ăn thua gì đâu. Lúc xong việc cởi bỏ ra hết thì không ai biết chúng vừa đi lao động về.

Thì ra vậy. Ông Kham hỏi thăm đứa cháu gái về gia đình, về công việc làm ăn. Ông thấy ở đứa cháu một sức sống tràn trề hạnh phúc. Ông liên tưởng đến con dâu và con gái ông ở thành phố. Lúc nào trông cũng căng thẳng mệt mỏi. Ít khi ông thấy ở cô con dâu một nụ cười thoải mái. Kể cả chuyện sinh con đẻ cái cũng không dám nghĩ tới. Ông Kham không trách, chỉ nghĩ mà thương cho con cái. Sống như vậy thì ô tô nhà lầu để làm gì. Đầu óc thì luôn luôn bận rộn tính toán. Có lẽ trong giấc mơ chúng cũng tính toán. Chúng chỉ thấy ánh sáng chói chang của đèn điện mà chưa bao giờ cảm nhận được vẻ đẹp huyền ảo của ánh trăng. Chúng chỉ cảm nhận được cái lạnh gai gai của máy lạnh mà chưa hề biết được cái lạnh man mác êm dịu của gió trời. Chúng chỉ nói chuyện với người đối diện bằng những câu nói đã được cân nhắc suy nghĩ mà chưa hề bộc bạch được với ai những nỗi niềm tâm sự của mình. Ngay cả với cha mẹ chúng cũng không thể chia sẻ được những điều băn khoăn dằn vặt trong lòng chúng.

-Anh Hoàng bữa nay làm ăn ra sao bác. Cháu nghe trên Tv các công ty làm ăn bung bể dữ quá mà lo cho anh Hoàng. Không biết công ty anh có đứng vững được trước những khó khăn chung của cả nước không.

Thế đấy, đứa cháu ông ở trên núi mà còn nhớ quan tâm đến người anh con ông bác của mình ở thành phố. Còn con trai ông, có bao giờ nó nghĩ đến những đứa em con ông chú sinh sống ra sao trên vùng núi non hiểm trở nầy không. Có nhiều khi ông nghĩ, con cái ông mà cứ theo lối sống như bây giờ, có lẽ đến một lúc nào đó nó không còn tình cảm gia tộc nữa. Nó không bao giờ nghĩ đến chuyện thờ cúng ông bà, không bao giờ nghĩ đến ngôi nhà thợ họ của gia tộc mình nó lớn nhỏ ra sao. Mỗi lần có chuyện trùng tu lại nhà thờ, ông nói với con trai thì nó chỉ hỏi lại gọn lỏn: Con phải đóng góp bao nhiêu ba. Không phải nó vô tâm, cũng không phải nó chi li tiền bạc. Nó chỉ không có thì giờ và tâm trạng. Mọi chuyện nó nghĩ đã có cha nó lo. Nó chỉ cần đóng góp đầy đủ là được. Nói chi đến chuyện quê hương làng nước.

Ông trả lời đứa cháu gái:

-Trước tình trạng suy thoái chung của cả thế giới, không riêng gì đất nước mình, thì công ty của thằng Hoàng cũng không tránh khỏi những khó khăn. Nó cũng đang cố gắng hết sức để trụ cho được. Còn tương lai như thế nào cũng khó đoán cháu ạ.

Người em nói:

-Khó khăn thì khó khăn, nhưng chuyện gia đình anh cũng phải sớm tính cho cháu đi.

Tranh cười:

-Ba nói như mấy cụ đời xưa. Việc gia đình của anh Hoàng thì anh ấy tính chứ bác làm sao mà tính thay được. Nói vậy chứ bác cũng nên nhắc nhở anh ấy. Năm nay anh Hoàng cũng gần bốn chục tuổi rồi phải không bác.

-Cháu mà nhớ được tuổi anh Hoàng, cháu cũng giỏi đấy.

-Dạ cháu và anh Hoàng cùng tuổi con trâu mà. Anh Hoàng hơn cháu một giáp. Tuổi con trâu khổ lắm bác ơi. Cày năm này qua tháng khác không nghỉ ngơi được.

Ông Kham cười. Tuổi nào cũng có lúc khổ lúc sướng cháu ạ. Bác thấy cháu như vậy là hạnh phúc lắm rồi.

Vậy là ông Kham lần lượt gặp đầy đủ năm người con gái của chú em. Chúng giống nhau như khuôn. Đứa nào cũng trẻ trung xinh đẹp, vui vẻ hoạt bát. Có lẽ nổi bật là đứa con gái thứ hai của chú. Cô cháu tên Thư nầy lúc dẫn con trai đến chào bác khiến ông Kham càng ngạc nhiên hơn.

 Khi vắng Thư chú em tâm sự:

-Con Thư nó tội lắm anh à. Lấy chồng bốn năm rồi, nó tha thiết có một đứa con, nhưng không được.

Ông Kham ngạc nhiên: Không phải đứa bé trai lúc nãy là con cháu Thư sao?

-Nó xin một cháu bé ở khoa sản bệnh viện về nuôi đấy.

Ra vây.

Chú em kể: Lúc đầu thì gia đình chồng nó tưởng nó không có khả năng sinh đẻ, nên một mực đòi con trai của họ li dị để cưới vợ khác. Nhưng khi đi xét nghiệm thì do thằng chồng nó chứ không phải do con Thư. Vậy là thằng chồng rất sợ con Thư bỏ nó. Từ đó nó đâm ra ghen tuông ngờ vực, uống rượu vào đập phá lung tung. Thế nhưng sau mỗi lần hai vợ chồng xung đột thì thằng chồng quỳ trước mặt con Thư xin đừng bỏ nó. Con Thư không bỏ nó được. Kể từ ngày chúng xin đứa con về nuôi thì tình hình cũng đỡ căng hơn. Nhưng thỉnh thoảng có cái gì đó, thằng chồng lại uống rượu, lại về đánh đập vợ.

 Vợ chồng em cũng khổ vì hai đứa nó.

Ông Kham gật đầu. Đúng là khó mà giải quyết cho ổn thỏa thật. Ông Kham lại nghĩ đến thằng Hoàng con trai ông, cứ lao vào công việc kiếm tiền mà không bận tâm gì đến chuyện con cái. Còn cháu gái ông thì không bận tâm đến chuyện tiền bạc, chỉ mong có một đứa con, mà laị không được.

  *

 Ông Kham vẫn chưa hết những bất ngờ về những đứa con gái của chú em. Trong tiệc cưới đứa con thứ tư của người em, mấy chị em nó đã khuấy đông lên cả hôn trường. Chúng hát thật hay mà nhảy cũng quá sức là điệu nghệ. Về bộ môn nầy thì với tuổi tác của ông, ông Kham ít quan tâm tới. Mỗi lần trên TV diễn một màn nhảy của đám trẻ là ông tắt ngày. Thế nhưng bây giờ ông lại chú ý. Những cô cậu ở thôn quê miền núi nầy ai dạy cho mà chúng nhảy cũng đàng điệu ra phết đấy chứ. Đến lượt người dẫn chương trình giới thiệu Anh Thư lên sân khấu. Ông dừng đũa và chú ý xem. Ngay cả cách ăn mặc và trang điểm của cô cháu gái cũng đã làm ông ngạc nhiên rồi. Tiếng hát của cô cháu cao vút, với chiếc micro bay lượn trên tay theo nhịp chân thoăn thoắt, làm cho cả đám thanh niên trai trẻ trong tiệc cưới cùng đứng hẳn lên quên cả nễ trọng mấy ông bà già đang ngồi ở bàn họ. Anh Thư vừa hát vừa bước xuống sân khấu bắt tay đám thanh niên. Điệu bộ nó hệt như mấy ca sĩ mà ông thấy biểu diễn trên TV. Chợt một thanh niên mặc một bộ vet trắng nước da ngâm đen cầm một bó hoa chen lấn đám đông tiến đến trao cho Thư một bó hoa tươi Thắm. Anh chàng nầy cũng rất đàng điệu làm một cử chỉ hôn gió. Và lập tức được Anh Thư đáp lại cái đá lông nheo hết sức ăn ý.

-Thế nầy thì càng chết cho con nhỏ.

Ông Kham chợt nghe một người đàn ông ngồi trong mâm họ phía sau lưng ông nói nhỏ. Ông Kham không biết người ấy đang nói với ai và câu nói ấy có ý nghĩa như thế nào. Anh Thư bước trở lên sân khấu trước những tràng vỗ tay rào rào của đám thanh niên.

 

Đám cưới xong ông, vì lâu ngày mới lên thăm người em, ông nán ở lại thêm vài hôm. Buổi tối hai vợ chồng ông đang chuyện trò với hai vợ chồng người em cùng một vài người bà con thân thiết lối xóm, chợt ngoài sân có ai to tiếng. Rồi người con gái út của chú em chạy vào hớt hãi: Ba chạy sang nhà chị Thư đi. Anh Nam đang đánh chị dữ lắm.

Ông Kham hốt hoảng hỏi:

-Nam là ai mà đánh cháu Thư vậy?

-Chồng của nó chứ còn ai vào đấy.

 Chú Tư vọt chạy ra khỏi cửa. Người hàng xóm đang ngồi nói chuyện nghe vậy anh ta nói:

- Biết mà.

Ông Kham chợt nhớ ra người nầy chính là người đã nói trong mâm tiệc hôm qua. Anh ta lại nói:

- Con Thư còn quá trẻ. Mình là cha mẹ đừng ngại đổ vỡ của con cái mà can thiệp vào đời tư của nó. Cái gì đã đổ bể liệu không hàn gắn được thì đập luôn đi. Phải để cho con Anh Thư xây dựng lại cuộc đời của nó.
 
 *

Ông Kham định ở lại thêm vài hôm nữa, nhưng chiều nay ông bàng hoàng khi nghe con trai gọi điện lên báo tin, anh sắp tuyên bố công ty phá sản. Sợ ông lo lắng người con trai nói với ông qua điện thoại:

-Ba đừng lo. Con sẽ đủ sức làm lại tất cả.

Nhưng không lo làm sao được. Ông Kham không nói tin nầy ra cho mọi người biết chỉ tìm cách nói riêng với vợ ông thôi.

Ông Kham lấy lí do, bảo với vợ chồng chú em rằng trong người ông hơi mệt nên không thể ở lại chơi lâu được.

 Sáng hôm sau hai vợ chồng ông Kham ra về.

 
 Trên chuyến xe đò trở về thành phố bà Kham thút thít khóc. Ông Kham cũng rất hoang mang không biết con trai ông xử lý công việc ra sao đây. Chợt ông nhớ đến câu nói nói

 của anh hàng xóm nhà chú em khi đề cập đến việc nhà của cháu Anh Thư. Ông bình tĩnh lại và nói với vợ:

-Bà yên tâm đi. Bà có nhớ câu nói của anh hàng xóm nhà chú Tư khi nói về chuyện nhà cháu Anh Thư không? Khi con người ta còn trẻ thì không ngại gì thất bại. Cái gì đã đổ vỡ không hàn gắn được thì đừng có tiếc nuối mà cố sức hàn gắn. Cứ can đảm đập luôn đi để làm lại cái mới. Đúng thế đấy bà ạ, nên bà đừng lo lắng nhiều.
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI