Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Hồi ký: Du lịch Châu Âu (Phần XIV)


Nhà thờ Koln(Xem toàn tập ở mục Truyện ngắn)


* Trên đường đến Cologne, một thành phố cổ của nước Đức.                     

Theo lịch của tours, chúng tôi sẽ được tham quan ba thành phố lớn của Cộng hòa LB Đức, đó là Cologne, Bonn và Frankfurt. Và chúng tôi sẽ được ở lại Đức hai ngày hai đêm.

Đoạn đường từ Hà Lan đến Đức khá xa.  Đường cao tốc xe lao vun vút. Xe chúng tôi xuyên qua nhiều khu rừng. Nắng sớm chiếu lên cây cối hai bên đương vừa tan sương sớm, một mầu vàng cam lấp lánh. Tôi chợt nhớ hai câu thơ mà tôi quên tác giả:

Thu ơi ai nhuộm lá thu vàng

Lá ngập tơi bời đến ải quan

Đường còn dài, thôi ta bàn về chuyện lá vàng một chút nhé. Ở Châu Âu mùa thu đúng là mùa của lá vàng. Còn ở Việt Nam mình thì hình như không phải. Mùa thu ở nước mình thì lá chẳng những vẫn xanh mà  lại còn thêm xanh. Chính nhà thơ Xuân Diệu cũng công nhận điều nầy. Ở đâu đó ông đã từng viết: Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh. Ấy là mùa thu đã về

Nói vậy không có nghĩa là ở Việt Nam  mùa thu không có lá vàng.  Lá vàng thì mùa nào mà chẳng có. Mùa xuân cũng có lá vàng rụng. Thế nhưng sao trong văn chương nước mình, hình ảnh lá vàng gắn liền với mùa thu! Nói đến mùa thu mà không nói đến lá vàng thì còn gì là mùa thu nữa. Sao thế nhỉ. Tôi nghĩ có phải do văn chương mình ảnh hưởng văn chương của Pháp chăng? Chúng ta có một trăm năm lệ thuộc Pháp thì làm sao tránh khỏi ảnh hưởng trong văn chương. Cảm ơn nhà thơ lớn Xuân Diệu đã cho ta một hình ảnh đích thực  về mùa thu Việt Nam. Đấy là mùa lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh. Và trả lại hình ảnh mùa thu lá vàng cho người Châu Âu của họ. Có lẽ thích hợp hơn.

Bàn chuyện lá vàng như vậy là đủ, giơ trở lại chuyến đi. Để tạo không khí vui vẻ, trưởng đoàn Minh đề nghị mỗi người hát một bài, nếu không hát được thì kể một chuyện vui, sao cho gây được tiếng cười. Đến lượt tôi, Minh giới thiệu tôi là nhà thơ và yêu cầu đọc một bài thơ của tôi sáng tác! Làm gì có chuyện đó. Tôi đâu phải nhà thơ. Mà tôi cũng đâu mạo nhận với ai rằng tôi là nhà thơ! Thì ra Minh đã được nghe vợ tôi giới thiệu trang nguyenbatrinh.com của tôi. Lúc đầu tôi cũng định đùa với cô gái Hương Giang một chút cho vui. HG vui tính, có tên  trên Fb là Giang Trần. Cô gái đã gần bốn mươi mà nhất định chưa chịu lấy chồng. HG có nét mặt và tính tình rất trẻ trung cởi mở. Bài thơ tôi viết trước đây cũng có hai từ đồng  âm với hai từ Giang Trần . Đó là dang trần. Trong bài tôi viết dang trần chỉ có ý nói là phơi nắng thôi. Tôi viết bài nầy khi thấy một cô gái đi trong nắng mà đầu không đội nón. Hình ảnh những sợi tóc bay bay trong nắng gây nên nguồn  cảm hứng trong tôi.

Hai câu cuối của bài là:

Tình tôi như nắng trang đầu hạ

Ai bảo em ra đứng dang trần.

Nhưng lại sợ Giang Trần  bảo tôi là  già rồi mà còn hay thích đùa. Nên thôi. Thú thật, người ta bảo ở tuổi bảy mươi thì mình có quyền sống tự do theo sở thích của mình. Nhưng ngược lại, càng lớn tuổi  tôi càng tự đặt cho mình nhiều khuôn khổ hơn.( Có lẽ do tôi là một nhà giáo. Nhưng trong viết lách đôi khi tôi cũng có một chút phóng khoáng. Âu đó cũng là điều thiệt cho mình khi mọi người đã cho phép!) Tôi bán cái lại cho vợ tôi. Và vợ tôi đã nhanh nhẩu cất tiếng hát. Bài hát có tên Vui ca lên. Bài hát mà chúng tôi đã nằm lòng từ hồi năm,  sáu tuổi:

Vui ca lên nào anh em ơi, hát cho lòng thắm tươi

Dù thấy khó đừng mau chân lui, ta cứ tiến lên đường. Dù…

Nhiều tiếng vỗ tay. Không phải mọi người tán thưởng giọng hát của vợ tôi mà họ tán thưởng cái tính trẻ trung của bà. Vì thế mà suốt chuyến  đi mấy cô bé cứ gọi vợ tôi là BL, mà không hề gọi cô hay bác. Cũng vui.

Xe dừng lại. Chúng tôi đã đến Cologne, một thành phố lớn của nước Đức.

*Cologne: Cologne là thành phố cổ ở Đức.

Cảm nhận đầu tiên khi tôi đến Đức là phong cách mạnh mẽ được thể hiện qua một số  sinh hoạt của người dân ở đây.

Ngay khi đứng ở biên giới Hà Lan –Đức chúng tôi đã nhận ra được điều nầy. Trên đoạn đường chúng tôi vừa đi qua, Pháp, Bỉ, Hà Lan thì xe chạy trên đường cao tốc, tốc độ được hạn chế dưới 100 km( hay 120km tôi không nhớ). Nhưng bước sang địa phận của Đức thì tốc độ không còn hạn chế. Vì vậy chúng tôi nhìn những chiếc xe chạy qua trước mặt, khi lọt vào địa phận nước Đức, chúng như những sinh vật có cánh, đang bò bỗng nhiên vụt bay! Nhìn những chiếc xe lao đi mà thấy chóng mặt. Trên đường đi, xa xa, nhiều nhà máy điện nguyên tử đang phun khói. Một mầu trắng bạc phủ kín một góc trời.

Chúng tôi còn bắt gặp phong cách mạnh mẽ nầy trong lối kiến trúc của các ngôi nhà. Nhất là ở Bonn và Frankfurt.  Nhà nào tường cũng xây thẳng tắp, láng lẩy.  Không chạm trỗ cầu kỳ như ở Pháp hay Hà Lan.( Chỉ ở Cologne là thành phố cổ nên kiến trúc cũng có cái na ná như ở Pháp.)  Những ô cửa hình chữ nhật vuông vức góc cạnh, không vòm, không mái che. Hầu hết khách sạn, lâu đaì là những khối vuông, đường nét mạnh mẽ dứt khoát.

Còn nữa. Sư mạnh mẽ nầy còn được thể hiện trong lĩnh vực ẩm thực. Những dây xúc xích to gần bằng ngón chân cái khoanh tròn trên các chiếc đĩa cũng bự hết cỡ. Mới nhìn qua giống như một con rắn bị luộc chín. Vợ tôi đã phải rùng mình khi nhìn những khoanh xúc xích như vậy. (Bà vốn ít ăn thịt, ở nhà từng bị mấy đứa con ép ăn thịt đến kêu trời)  Rồi đến đùi heo nướng. Những  khúc đùi heo còn giữ phần  xương ống được nướng mềm, vun đầy trên mấy cái đĩa cũng to như thế. Bàn ngồi ăn thì chỉ có một chân, được đặt  trên một cái đế vững chãi. Mặt bàn dày cũng đến mấy cm, được mài nhẵn, không sơn quét hay chạm trỗ vẽ vời.

Ăn trưa xong chúng tôi đến khách sạn nghỉ ngơi. Buổi chiều đi tham quan trung tâm Cologne.

Công trình kiến trúc mà chúng tôi tham quan đầu tiên là nhà thờ Koln. Phải nói đó là một tổ hợp kiến trúc vĩ đại. Tòa nhà thờ có hai tháp nhọn cao trên 150m. Chiếm một bề mặt diện tích 7000 met vuông. Ngoài sự to lớn ra, nhà thờ Koln là một công trình nghệ thuật độc đáo. Vào những năm hai ngàn, số du khách tham quan có ngày lên đến hai chục ngàn người! Ngay cả thời gian xây dựng, cũng là điều ít ai tưởng tượng. Theo tư liệu, nhà thờ trong giai đoạn đầu xây dựng mất  ba trăm năm, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Sau đó do không còn kinh phí  nên việc xây dựng bị đình lại. Rồi  nó bị quên lãng một thời gian dài cũng gần ba trăm năm nữa.  Thời đó người dân Đức có câu truyền miệng: Khi nào nhà thờ Koln xây xong thì tận thế. THế rồi sau sáu trăm năm kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên, nhà thờ được tiếp tục xây dựng lại. Và phải mất thêm ba mươi năm nữa mới hoàn thành, như ngày hôm nay. Nghe nói trong trận thế chiến thứ hai, khi quân đội Đồng minh tấn công vào nước Đức đã có lệnh không được ném bom ở khu nhà thờ. NHờ vậy mà nhà thờ được tồn tại đến ngày hôm nay và tất nhiên đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Sau khi tham quan nhà thờ Koln, chúng tôi tham quan chiếc cầu Tình yêu. Gần nhà thờ. Chiếc cầu cũng được xây dựng theo một lối kiến trúc vững chãi. Đúng là người dân nước Đức cũng có lối suy nghĩ: Ăn  chắc mặc bền. Nhờ thế mà chiếc cầu   không đến nổi phải sập đổ khi có quá nhiều đôi trai gái đến móc những ổ khóa tình yêu, như tình trạng của những chiếc cầu ở Paris.

Chiều hôm đó đoàn lên đường đến Bonn, thành phố thứ hai ở Đức.

 

Một số hình ảnh liên quan ở Cologne.


ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI