Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Hồi ký: Du lịch Châu Âu (Phần VIII)


 (Xem toàn tập ở mục Truyện ngắn)

5- Vài kỷ niệm đáng nhớ và những  cảm xúc trong những ngày ở Paris

*Sáng sớm đi dạo trên các con hẻm ở phố Paris:

Cái thú vị của cuộc hành trình nầy là ban ngày chúng tôi tham quan các địa đểm ở trung tâm Paris, ban đêm chúng tôi lại nghỉ ở một khách sạn khá xa trung tâm. Nhờ vậy mà ngoài những vẻ hoành tráng tân kỳ của Kinh đô ánh sáng chúng tôi còn cảm nhận được vẻ  thơ mộng ở những khu vườn, những lối đi quanh co thật yên tĩnh xa trung tâm Paris.

Do thay đổi múi giờ nên chúng tôi khó ngủ. Nhất là ở tuổi già nữa. Vì thế cứ khoảng ba giờ sáng ( giờ địa phương, tức là khoảng 8h sáng ở VN) chúng tôi đã thức dậy.

- Chúng ta đi dạo quanh đây một vòng đi anh. Vợ tôi đề nghị.

 -Em mặc áo cho thật ấm đấy, trong Fb báo thời tiết 8 độ C, ra ngoài không chịu nổi đâu. Mỗi người chúng tôi mặc hai lớp áo ấm. Mang tất lên tận gối, trùm khăn len lên đầu. Ở VN, trước khi đi vợ tôi đã theo dõi nhiệt độ ở các nước Châu Âu rất kỷ, nên chuyện áo ấm thì khỏi lo. Và con gái tôi cũng đã chuẩn bị rất chu tát. Khẩu hiệu của nó là: Thà thừa chứ nhất định không để thiếu. Vì vậy khi lên máy bay hai vợ chồng chúng tôi kéo lếch thếch hai chiếc va li to tổ bố đến nổi trong đoàn ai cũng cười. Vì ngoài áo quần ra, trong đó không biết bao nhiêu là thức ăn. Mì ổ, mì gói, bánh quy mặn, bánh quy lạt, phó mát, sữa…  Trân trưởng đoàn nói đùa:

-Ông bà tính định cư ở Pháp luôn hay sao vậy.

-Ừ tôi sẽ xin tỵ nạn mấy đứa cháu tại Pháp. Ở nhà chúng quậy quá chịu không nổi.

Cả đoàn cùng cười.

Dù đã mặc thật ấm nhưng khi mở cửa khách sạn chúng tôi cũng rùng mình. Trời quá lạnh. Đèn đường  sáng trưng. Xe đã bắt đầu có vài chiếc chạy. Chúng tôi không ra đường lớn mà rẽ vào một con hẻm. Hai bên hẻm cây cối um tùm. Ánh sáng từ những bóng đèn ngoài  đường lớn chiếu  xuyên qua những vòm cây tạo nên những vệt sáng loang lỗ trên mặt đường tràn  ngập lá rụng. Paris đang mùa thu. Cảnh vật chung quanh  như mờ đi trong cái giá lạnh của sương sớm . Chúng tôi đi sát vào nhau cho ấm và bước những bước bách bộ thong thả. Nhà hai bên con hẻm trông thật cổ kính, ẩn hiện  dưới những tán lá.  Trong không gian yên tĩnh, cái lạnh như đang tỏa ra từ mỗi thân cây, mỗi viên đá trên đường đi. Sao mà giống mùa đông ở Huế thế nầy. Vợ tôi nói. Đúng vậy. Giống mùa đông ở Huế thật. Chúng tôi nhớ lại, hồi chúng tôi mới quen nhau, có một đêm Noel ở Huế trới không mưa nhưng thật lạnh. Chúng  tôi đã đi bên nhau dưới những tán cây trên con đường nhỏ dẫn đến nhà thờ Phú cam. Nên bước đi mà hình như trong tai tôi vẫn nghe văng vẵng tiếng chuông nhà thờ của thuở xa xưa nào.  Chúng tôi dừng lại trước cổng một ngôi nhà nhỏ và xinh xắn chìm sâu trong khu vườn đầy cây cối. Ôi đẹp quá. Tôi hỏi đùa: Có phải nhà monsieur Vincent trước kia ở đây không nhỉ. Chúng tôi dừng lại thật lâu ngắm ngôi nhà. Rồi chợt nghĩ, nếu cảnh sát bắt gặp chúng tôi thập thò trước nhà người ta thế nầy,  liệu họ có nghi mình là kẻ gian không nhỉ. Chúng tôi lại không biết tiếng` nước ngoài thì làm sao mà giải thích? Chúng tôi vội bước đi. Một ngôi nhà có ghi chữ vendue, có nghĩa là bán. Tôi đùa: Chúng ta mua ngôi nhà nầy sang đây ở tuổi già chắc thú vị đấy. Vợ tôi nói:

-Không, ở đây nhớ mấy đứa cháu và bạn bè lắm.

- Không phải ngày nào em cũng gặp bạn bè đó sao. Thời buổi nầy đâu còn vấn đề gần nhà xa cửa ngõ nữa. Có thể thăm hỏi chuyện trò với nhau mà không cần phải tìm đến nhà.

- Dù sao thì ngồi chuyện trò bên nhau  cũng thích hơn. Nói như anh vậy thì anh uống bia và cụng li với ai?

-  Mình cứ để lon bia một bên, sau khi post cho bạn mấy từ một hai ba dzô thì mình lại uống một hớp.

Chúng tôi cùng cười và  quên đi cái lạnh.

 Trời đã sáng và xe cộ bắt đầu di lại nhiều. Nói về xe cộ, ở Pháp hầu hết phương tiện đi lại là xe con. Họa hoằn lắm mới thấy một chiếc mô tô phân khối lớn phóng như bay để theo kịp các làn ô tô, để khỏi gây trở ngại. Xe đạp thì hầu như không có. Nếu có  chẳng qua là  các tay thể thao. Hoạc đó là cái thú của một số người. Ngược lại, ở Hà lan thì hầu như mọi người đều đi xe đạp. Tôi sẽ bàn chuyện nầy, khi nói về đất nước đầy những chuyện lạ đời nầy sau.

Trở về khách sạn vẫn còn sớm. Vợ tôi tranh thủ  post  cho con gái:

- Ba me vừa đi bộ về.  Buổi sáng  Paris trời rất đẹp và lạnh, nhưng me vẫn chịu được.

Rồi bà post cho người bạn gái học cùng  lớp thời trung học,  một câu nói đùa, báo tin rằng chúng tôi vẫn chưa tìm ra nhà của ông bà Vincent cùng hai người con của ông bà ấy. Đó là cô  Hélènne và cậu Pierre. Mà giờ nầy nếu những nhân vật trong sách giáo khoa Pháp văn kia có thực, thì bọn họ đã bằng hoặc lớn hơn tuổi chúng tôi. Còn  monsieur Vincent cùng madame Vincent cũng đã trên một trăm tuổi cả rồi.

Khi post những dòng nầy vợ tôi muốn nhắc nhở những kỷ niệm của tuổi học trò với bạn bè, mà thuở ấy chẳng ai ngờ có lúc chúng tôi lại được đặt chân lên xứ sở của những tác phẩm văn chương lãng mạn nầy.

* Tượng đài sĩ quan Pháp trong khuôn viên điện Invalides

Lúc  tìm hiểu điện Invalides tôi không thấy tư liệu nào nói đến bức tượng nầy. Do đó tôi không biết tên cái tượng ấy là gì. Đó là tượng của một người lính hay một viên sĩ quan Pháp. Mặc quân phục. Đầu đội chiếc mũ lưỡi trai, thứ mũ mà ta thường thấy các sĩ quan Pháp đội trong thời kỳ Pháp còn đô hộ nước ta. Hình như loại mũ nầy vẫn còn dùng  thời bây giờ. Tượng viên sĩ quan nầy đứng thẳng người, được một số người khác đội lên đầu. Tôi chưa hiểu ý nghĩa thì Minh, trưởng đoàn giải thích:

- Mấy người đội thằng Pháp ấy lên đầu  là mấy người dân thuộc địa của Pháp đấy chú à. Trong đó có một phụ nữ Việt Nam. Chú đến gần xem thì sẽ nhận ra ngay.

 Minh nói cảm tưởng của mình khi nhìn cái tượng:

- Nhìn bức tượng nầy cháu muốn đạp cho nó đổ ào xuống. Tức chịu không được.

 Nghe Minh nói, tôi tò mò đến gần dưới chân tượng đài xem cho rõ. Đúng là như vậy. Trong số mấy người đội tên sĩ quan Pháp lên đầu, có hình tượng một người  Việt Nam. Từ trang phục  cho đến nét mặt không lẫn vào đâu được. Chứng tỏ tay tạc tượng nầy đã biết rất rõ trang phục và quá quen thuộc với dáng dấp của người  Việt Nam. Hắn ta quả là một người tạc tượng có tài. Cái dáng của một người  đưa hai tay đỡ tên lính Pháp trên đầu, đôi mắt gập mí, đôi hàm hơi bạnh ra, lột tả được cái sức nặng mà người Việt nam ấy phải chịu đựng. Cái dáng mà trong trí óc tôi chưa phai mờ khi nhìn mẹ tôi đội trên đầu một cái thúng nặng! Tôi bị xúc phạm. Một sự căm phẩn dấy lên trong lòng. Tôi đứng lặng nhìn hình ảnh người Việt nam  mà cảm thấy như mình có lỗi. Tại  sao không chạy đến hất thằng Tây xuống! Nhưng đấy chỉ là bức tượng nói về một quá khứ. Hồi ấy tôi chưa được sinh ra hoặc còn là đứa bé. Đến lúc Pháp thất trận ở Điện biên phủ tôi vẫn còn quá nhỏ. Cái tượng trước mặt tôi giờ không còn là một thực tế nữa. Thực tế đó đã qua lâu rồi. Tôi nghĩ, người Pháp để  bức tượng đó lại chẳng qua  vì nó là một di tích lịch sử, chứ họ cũng chẳng hãnh diện gì về hình ảnh thực dân đó. Do vậy mà tôi đến tham quan đất nước nầy, cũng chỉ vì lòng ái mộ các công trình nghệ thuật của đất nước họ, chứ không hề khâm phục số lượng vàng mà họ dát lên các công trình nghệ thuật đó. 

ĐANG ONLINE: 1 NGƯỜI