Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Hồi ký: Du lịch Châu Âu (Phần IX)


Tòa thị chính Brussels (Xem toàn tập ở mục Truyện ngắn)

   Tại Vương quốc Bỉ

1-Trên đường đến Brussels:

Rời Paris khoảng 8h30 sáng, để đến nước thứ hai của tours du lịch.                                               Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ.                            Trên đường đi, chúng tôi dừng lại giải lao ở vị trí một cột mốc ranh giới giữa Pháp - Bỉ. Cột mốc được đánh dấu  bởi một tảng đá mầu đen. Nếu không được anh trưởng đoàn giới thiệu thì chúng tôi không ai biết đó là cột mốc, vì trên tảng đá không đánh dấu hay ghi một dòng chữ nào. Nghĩ về những cột mốc biên giới của VN với nước láng giềng. Đã tự nhận là anh em thế mà các cột mốc biên giới giữa hai nước, dù đã đươc được đánh số, ký hiệu rõ ràng thế mà cứ bị dời đi dời lại.                                                                                            Có một cửa hàng tạp hóa ở  cột mốc nầy. Đi toilet thì phải mua một cái vé vào, 0,5 Euro. Nếu mua một món hàng nào thì nộp cái vé nầy để trừ đi 0,5 Euro. Còn không mua  thì cứ xem như mỗi lần đi vệ sinh phải mất 14000đ VN. Thôi thì gắng mua một món hàng nào đó kẻo phí.

Xe dừng khoảng nửa giờ thì tiếp tục lên đường. Xe đi trên đường cao tốc. Băng qua những cánh đồng bát ngát. Thỉnh thoảng vài khu dân cư hiện ra, nhưng nhà cửa thưa thớt.

2-Ở Brussels

*Châu Âu thu nhỏ: Châu Âu thu nhỏ là điểm du lịch đầu tiên khi chúng tôi vừa đặt chân đến Vương quốc Bỉ. Xuống xe chúng tôi ăn trưa rồi đến khách sạn, được đặt trước, tranh thủ nghỉ 30 phút. Sau đó đi tham quan khu Châu Âu thu nhỏ.

Đây là một  sa bàn khá xa trung tâm Brussels. Nhưng lại gần nơi chúng tôi xuống xe. Một sa bàn gồm những công trình thu nhỏ các biểu tượng của các nước ở Châu Âu.  Công trình dựng theo tỉ lệ trên thực tế. Như tháp Eiffel của Pháp, tòa Thị chính chọc trời của Bỉ…Đứng nhìn khu Châu Âu thu nhỏ, anh bạn trong đoàn nói: Giống  một nghĩa trang!  Quả như thế. Đã biết sự hùng vĩ của các công trình nầy trên thực tế rồi, giờ nhìn nó quá nhỏ bé thì chẳng đẹp đẽ hơn chút nào. Nhưng suy cho cùng, sự thu hẹp nầy cũng để lại trong lòng du khách cũng như người dân sở tại, khi đến tham quan, một sự so sánh có ý nghĩa. Từ đó mà gây nên tình tự dân tộc trong lòng người xem. Đó là niềm tự hào hoặc sĩ diện quốc thể. Tôi còn nhớ một người bạn khi sang du lịch ở Hàn quốc (Hay nước nào đó tôi quên tên) kể lại chuyện anh ta tham quan một sa bàn các công trình biểu tượng của các đất nước trên thế giới. Các công trình nầy được làm nên đúng với tỉ lệ trên thực tế. Là người Việt Nam ai không muốn tìm biểu tượng của nước mình. Nhưng anh ta tìm hoài mà không thấy. Cuối cùng anh ta cũng phát hiện ra. Đây rồi: Chùa một cột! Với tỷ lệ thực tế, thì trước chiều cao của tháp Eiffel, hay sự hùng vĩ của Vạn lý trường thành,  Chùa Một cột quả là quá nhỏ nhoi. Anh bạn cười, nhưng tôi thấy chẳng vui gì mà cười trong chuyện nầy. Tất nhiên là mình tự hào về biểu tượng Chùa Một cột hay Cổng Văn miếu. Nhưng đó là tự hào về lịch sử, còn kiến trúc, sự hoành tráng  thì chưa đáng để tự hào.

 *Những khu rừng ở Bỉ: Đẹp nhất ở Bỉ trong mắt tôi có lẽ là những cánh rừng. Những khu rừng quanh Brussels là những lá phổi thanh lọc, nhằm đem lại  cho người dân Brussels một không khí trong lành mát mẻ. Rừng thu ở Bỉ thật đẹp. Lá rừng tạo thành những mảng mầu, xanh cam, vàng chanh, hồng nâu, như tranh vẽ. Trên đường từ khu Châu Âu thu nhỏ đến trung tâm Brussels, xe chúng tôi len lỏi qua những khu rừng, ẩn hiện những tòa lâu đài tráng lệ, những chiếc xe con bóng lộn nằm im lìm dưới những gốc cây cổ thụ hay thấp thoáng dưới những tán lá đủ mầu, trông thật bình yên thư thái. Bên cạnh khu Châu Âu thu nhỏ là công trình thiết kế một cấu trúc nguyên tử. Nghe nói chính phủ Bỉ cho xây dựng khu nầy để đánh dấu một thành công trong một cuộc triển lãm các thành tựu khoa học của nước mình tại Châu Âu.  Công trình nầy được xây dựng trên một khoảng đất trống trài thảm có xanh  chạy dài đến tận chân một khu rừng. Trên sân những con quạ đang nhảy lò cò. Ờ, ở Châu Âu nhiều quạ lắm.  Việt Nam mình trước chiến tranh, quạ cũng rất nhiều. Nhưng trong chiến tranh một phần bị chết, một phần bay đi các nơi khác. Bây giờ ngay cả ở vùng quê cũng không còn bóng dáng một con quạ nào. Mọi người đã ngồi lên xe chuẩn bị ra về, két thúc buổi tham quan đầu tiên  ở Bỉ. Chỉ còn vợ tôi ở dưới xe, đang lom khóm, rón rén bước theo những con quạ để chụp hình. Mấy hôm trước lúc còn ở Pháp,  trên Fb vợ tôi đã đưa lên ảnh một bầy quạ, liền bị con gái la làng: Hết cái đẹp sao mẹ đi chụp hình bầy quạ. Chúng nó đen đủi và xui xẻo lắm đấy. Vợ tôi xóa đi. Nhưng hôm sau thấy quạ lại chụp, mà  không post về nữa. Trên xe mọi người nhìn xuống theo dõi bước chân của vợ tôi. Hể bà bước tới một bước là bầy quạ nhảy xa hơn một bước. Cứ thế bà theo đàn quạ cho đến chân rừng mà chưa chụp được tấm ảnh nào vừa ý.  Một cô gái trên xe cười: Chết! Bích Liên  bị mấy tay phù thủy da mầu hóa quạ dụ vào rừng rồi! Cả đoàn cùng cười. Đến tận chân rừng thì những con quạ bay mất. Bấy giờ Bà lão ngoan đồng mới chịu trở lại xe. - Nó cứ nhảy, mình không chụp được tấm nào. Tức thiệt!

 -Trung tâm Brussels: Sau khi ở khu Châu Âu thu nhỏ về, đến Trung tâm Brussels thì trời  cũng gần tối. Tranh thủ tham quan khu trung tâm một chút rồi ăn tối luôn. Sau đó ai muốn shopping thì đi. Ai không muốn thì về khách sạn. Chúng tôi tranh thủ chụp hình ban đêm, vì ngày mai  lại lên đường  đi Hà Lan, không có dịp trở lại đây nữa.. Trung tâm Brussel với tòa thị chính cao chọc trời lung linh trong ánh đèn. Đi  qua dưới chân một tượng đài. Tượng tạc hai người. Một người cưỡi ngựa, tuốt kiếm hùng dũng. Một người nữa cưỡi con lừa lẻo đẻo theo sau. Anh trưởng đoàn hỏi tôi có biết hai nhân vật trên tượng nầy không. Tôi lắc đầu.

- Đôn Kihôtê và tay giám mã đang trên đường hành hiệp đấy.

Anh trưởng đoàn giải thích cho tôi như vậy. Truyện nầy thì hồi nhỏ tôi có đọc. Đôn Kihôtê  là nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Cervantes người Tây ban nha. Truyện nói về một người quý tộc nghèo mang bệnh hoang tưởng. Anh ta tự nhận mình có nghĩa vụ phải đem lại sự công bằng và hạnh phúc cho mọi người. Vậy là anh ta lên đường cùng một người nông dân làm người giám mã, đi hành hiệp. Trên đường đi anh ta tưởng tượng ra nhiều nghịch cảnh mà anh ta phải can thiệp. Gặp một đám rước của một phu nhân anh ta tưởng tượng một công chúa bị bắt cóc. Vậy là Đôn Kihôtê múa kiếm giải cứu công chúa. Gặp một đám tang anh ta tưởng tượng một hiệp sĩ bị giết chết. Đôn Kihôtê bước theo, ngậm ngùi  đưa tiễn và nguyện sẽ trả thù. Đôn Kihôtê từng đánh nhau với chiếc cối xay gió. Nhưng cuối cùng nhờ mẹo của một người trong gia đình đã đưa nhân vật nầy trở về với thực tế. 

Tôi thắc mắc tại sao người Bỉ lại cho xây tượng một nhân vật hoang tưởng trong một tác phẩm của  nhà văn Tây Ban Nha, tại trung tâm thủ đô của nước mình.  Chúng ta biết rằng Brussels trước đây là nơi các triết gia trên thế giới thường hay gặp nhau  để tranh luận, bảo vệ quan điểm triết lí của mình. .Phải chăng người Bỉ muốn nói với các triết gia rằng:Mọi triết lí đều ảo tưởng. Như Goethe một thi hào người Đức đã từng nói: Mọi lý thuyết đều mầu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi?                                                                                                                             Sau đó chúng tôi đến một tòa lâu đài, được trưởng đoàn giới thiệu, đây  là nơi  đại văn hào Victor Hugo, tác giả của Những người cùng khổ,từng sống và làm việc. Rồi đến một tòa lâu đài khác. Được giới thiệu là nơi làm việc trước đây của Karl Marx. Tác giả của văn kiện nổi tiếng: Tuyên ngôn  Đảng Cộng sản.             Tự nhiên trong đầu tôi như vang lên một cách dõng dạc lời kêu gọi đầy tính nhân bản của Karl Marx: Vô sản toàn  thế giới đoàn kết lại. Và rồi tôi liên tưởng đến hoàn cảnh đất nước mình trong những ngày vừa qua. Thuyền đánh cá của những ngư dân  nghèo khó  đảo Lý Sơn và những vùng duyên hải Việt Nam đã  bị thuyền tàu Trung quốc húc chìm khi đang đánh bắt tại vùng biển của Việt Nam! Một nỗi chua xót dâng lên trong lòng. Và tôi lại nghĩ đến cái tượng Đôn Kihôtê!

Mong sao đất nước được bình yên để dân tộc mình vốn đã quá đau thương và nghèo khó vì chiến tranh, không còn tái diễn cảnh máu lửa thêm một lần nào nữa.


ĐANG ONLINE: 1 NGƯỜI