Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Hồi ký: Du lịch Châu Âu (Phần IV)


  (Xem toàn tập ở mục truyện ngắn)

* Bảo tàng Louvre:

Viện Bảo tàng Louvre là một trong những điểm du lịch có số lượng người tham quan đông nhất thế giới. Để tránh tình trạng thất lạc nhau như ở điện Versailles, chúng tôi thận trọng hơn. Hai công trình nghệ thuật mà tôi ước ao được chiêm ngưỡng đó là pho tượng Thần Vệ nữ hay Nữ thần Ái tình và bức tranh La Jocongde. Câu chuyện về tượng Thần Vệ nữ đã kích thích sự tò mò của tôi. Bức tượng nầy vốn đã bị gãy cánh tay bên trái. Và nghe nói trong nhiều thập kỷ, đã có nhiều nhà điêu khắc nổi tiếng muốn đắp lại cánh tay nầy cho pho tượng  được hoàn chỉnh. Nhưng cho đến nay tất cả họ đều thất bại. Vậy thì pho tượng ấy có dáng dấp như thế nào mà bí hiểm vậy. Tôi chẳng có một kiến thức nào về điêu khắc, nhưng nghe nói vậy cũng tò mò. Dù tôi đã được xem ảnh của pho tượng nầy cũng như nghe nói về nó nhiều lần. Vậy thì phải chăng pho tượng cũng có một định mệnh của nó. Cũng như con người, đôi khi phải nhận chịu một sự mất mát nào đó mới trở thành huyền thoại. Và mọi sự hoàn chỉnh đều không đạt được vẻ đẹp tuyệt đối.  Thôi không triết lí vớ vẩn nữa. Phải chú ý để không phải bị lạc một lần nữa. Và cứ theo đoàn người lần lượt đi qua nhiều pho tượng. Cuối cùng tôi đã đứng trước pho tượng Thần vệ nữ. Và cảm giác của tôi là trông  cũng giống như tôi đã từng thấy nó trong ảnh của các sách báo. Tôi ước ao giá như  chạm được tay vào chân của pho tượng nhỉ. Ao ước nầy làm tôi nhớ đến cái ao ước đầy lãng mạn của một nhà khảo cổ người Pháp. Ông ta đã bỏ ra hằng triệu đô la để sắm một chiếc thuyền và tổ chức một đoàn thám hiểm thăm dò dưới đáy biển Ai cập, chỉ với một mục đích duy nhất là chạm được tay vào thềm đá của cung điện Ai cập nơi đó gót chân của nữ hoàng Cơ-Lê Ô- Pat từng bước qua.  Nhưng gót chân của tượng thần Vệ nữ chỉ cách tôi chưa đầy hai mét thế mà tôi không thể nào chạm vào được.  Đã có một giới hạn được một vòng dây rào quanh tượng. Thôi chỉ có một việc là chụp hình thôi. Dù rằng ảnh tôi chụp chắc chắn là không đẹp bằng những tấm ảnh mà tôi đã thấy in trên các tạp chí. Đi được một đoạn thì vợ tôi kêu mỏi chân không thể đi tiếp nữa. Nhưng tôi thì chưa thấy được mặt  La Joconde. Tôi đành bảo  vợ tôi theo anh chị Th trở ra và tôi tiếp tục đi cho hết đoạn đường còn lại trong Bảo tàng. Cuối đoạn đường tham quan trong Bảo tàng tôi đã gặp La Joconde. Một bức tranh  đóng khung treo trên tường. Cũng có dây chắn không cho khách tham quan bước đến gần dưới chân tường. Mà chắc chi đấy là bức tranh gốc của Leonardo Da Vinci. Khi mà bức tranh nầy muốn di chuyển đến một quốc gia  khác để nước bạn tổ chức triển lãm, thì chính phủ Pháp đã huy động một đội tàu chiến để hộ tống. Đất nước họ có những bảo vật quý đến như vậy!

Tôi ra ra khỏi bảo tàng thì vợ tôi Và anh chị Th vẫn chưa  ra đến. Đợi gần một tiếng mà không thấy ba người trở ra. Vậy là họ  đã lạc không tìm được  lối ra rồi. Tôi bắt đầu lo. Nếu cả ba đang ngồi với nhau ở đâu đó thì không sao. Nếu không may vợ tôi lại lạc hai vợ chồng Th thì sao? Điện thoại không liên lạc được thì biết tìm ở đâu. Hai vợ chống anh Th còn trẻ thì không lo, nhưng bà vợ tôi lớn tuổi trong người lại bệnh, chỉ cần đói hay khát một chút là có thể ngất xỉu. Biến cố có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Tôi nhờ một người trong nhóm liên lạc với vợ chồng Th hỏi xem vợ tôi có đang ở với bọn họ không. Tôi thở phào, khi đoàn đã bắt liên lạc được với vợ chồng Th và vợ tôi đang ngồi với hai người. Đúng là họ không tìm được lối ra. Chị Th trả lời với đoàn: Chúng tôi đang ngồi dưới chân tượng của một con ngựa. Không biết lối ra ở đâu. Vậy là anh Minh trưởng đoàn giương cờ trắng cùng cả đoàn trở vào tìm. Chúng tôi đã tìm đến dưới chân tượng của con ngựa nhưng không thấy ai? Vậy họ đang ở đâu? Một người kêu lên: Kia kìa, ba người ngồi đằng kia kìa. Trưởng đoàn Minh cười: Vậy mà bảo ngồi dưới chân ngưa.

Sau hai lấn tham quan ở điện Versailles và Bảo tàng Louvre về nhà chúng tôi mết nhoài. Ăn tối xong là lăn ra ngủ liền. Chẳng còn mở Fb và lên mạng. Vì ngày mai sẽ tham quan tháp Eiffel và đi du thuyền trên sông Seine. Chẳng có gì phải tìm hiểu. Nhưng sáng hôm sau, qua  một đêm ngủ ngon chúng tôi đã lấy lại sức. Mới ba giờ sáng vợ tôi  đã dậy mở Fb, post về cho con gái. Sợ mất liên lạc một đêm bọn chúng sẽ hoảng. Chúng tôi đi liều mà!

Sau đây là một số tư liệu về Bảo tàng Louvre (Internet)

Louvre là một viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử nằm tại Quận 1, thành phố Paris, nước Pháp. Có vị trí ở trung tâm lịch sử thành phố, bên bờ sông Seine, Louvre vốn là một pháo đài được vua Philippe Auguste cho xây dựng vào năm 1190. Cuối thế kỷ 14, dưới thời Charles V, Louvre trở thành cung điện hoàng gia và sau đó tiếp tục được mở rộng qua các triều đại. Từ năm 1672, khi triều đình Pháp chuyển về lâu đài Versailles, bộ sưu tập hoàng gia được lưu trữ tại Louvre. Thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện trở thành bảo tàng, mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793.

Những hiện vật ban đầu của Louvre chủ yếu từ bộ sưu tập hoàng gia và tài sản của giáo hội bị tịch thu trong thời kỳ cách mạng. Dưới thời Đệ nhất đế chế, nhờ những cuộc chinh phạt của Napoléon, nhiều tác phẩm nghệ thuật và hiện vật khảo cổ giá trị được chuyển về Louvre. Nhưng sau thất bại của quân đội Pháp trong trận Waterloo, phần lớn các hiện vật này đã trở về với những quốc gia chủ nhân cũ. Bộ sưu tập của Louvre tăng trở lại dưới thời Bourbon phục hoàng và kể từ Đệ tam cộng hòa, bên cạnh những hiện vật mua lại, bảo tàng còn liên tục nhận được các di vật và tặng phẩm cá nhân.

Ngày nay, Louvre là một trong những viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới, nơi trưng bày các hiện vật về những nền văn minh cổ, nghệ thuật Hồi giáo và nghệ thuật châu Âu từ thế kỷ 13 cho tới giữa thế kỷ 19. Với diện tích 210 ngàn mét vuông, Louvre trưng bày 35.000 trên tổng số 380.000 hiện vật. Trong bộ sưu tập của bảo tàng Louvre hiện nay có những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của lịch sử nghệ thuật, như Tượng thần Vệ NữTượng thần chiến thắng SamothraceMona LisaNữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân, cùng các hiện vật giá trị về những nền văn minh cổ, như phiến đá ghi bộ luật Hammurabitấm bia Mesha. Năm 2008, Louvre đón 8,5 triệu lượt khách, giữ vị trí địa điểm thu phí được viếng thăm nhiều nhất Paris, đồng thời cũng là bảo tàng thu hút nhất trên thế giới.

   Bảo tàng Louvre


ĐANG ONLINE: 7 NGƯỜI