Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Hồi ký: Du lịch Châu Âu (Phần III)


(Xem toàn tập ở mục Truyện ngắn)

* Cung điện Versailles:

Cung điện Versailles là điểm du lịch có số khách tham quan đông nhất thế giới!

Số người tham quan đứng chờ vào cửa ở trước sân phải sắp hàng thành hình dzich dzac. Vì nếu sắp một hàng thì không có chiều dài  khoảng sân nào có thể chứa hết, dù sân cung điện Versailles đã rộng bát ngát. Giữa sân là tượng đài vua Louis XIV. Trước khi đứng vào hàng chúng tôi tranh thủ chụp vài tấm hình dưới chân tượng đài.

Biết ở đây rất dễ bị lạc nên trưởng đoàn Minh cầm cây cờ phướn mầu trắng(dấu hiệu để nhận diện đoàn) đứng phía trái trước cổng ra vào sân, dặn: Hể ai ra  trước thì tập trung tại đây.

Nhìn lượng người lao xao lòng tôi có hơi lo. Cái lo tăng lên nhiều lần khi điện thoại chúng tôi không liên lạc được với ai cả. Nói thêm cái trở ngại nầy một chút. Khi còn ở nhà, con gái tôi đã cho tôi biết mã vùng của các nước mà chúng tôi sẽ tham quan. Đến nước nào thì phải chỉnh mã vùng theo nước đó, điện thoại mới  liên lạc được. Thế nhưng khi mới bước xuống sân bay De Gaulle, chỉnh mã vùng xong  tôi gọi về cho con cái  ở nhà, chẳng đứa nào bắt được cả. Gọi thử cho Trân, cũng chẳng nghe tín hiệu. Chết rồi! Kiểu nầy mà lạc giữa nước Pháp thì không  khác gì lạc giữa biển khơi. Chẳng biết đường về mà cũng chẳng biết hỏi ai. Do vậy tôi dặn vợ rất kỹ. Hãy bám sát sau lưng tôi.  Nhưng khi vào trong điện rồi thì những bức tranh đã làm choáng ngợp tâm hồn tôi, cả vợ tôi nữa. Ở đâu cũng thấy tranh! Nhất là những bức bích họa trên vòm cung điện!  Một thế giới kỳ bí ở tận đâu đó bỗng xuất hiện  trên đầu chúng tôi. Những Thiên thần thi nhau  sà xuống. Những Thần Hài đồng, những Thánh nữ, những Thần Nhân mã… bay lượn trong những vùng hào quang sáng chói! Dù chúng tôi không biết điển tích của các câu chuyện mà các danh họa đã thể hiện trên vách tường, trên vòm cung, nhưng chúng tôi vẫn say mê bởi những đường nét mềm mại, những dáng dấp linh hoạt của các hình vẽ.  Nhất là mầu sắc. Đã mấy trăm năm rồi mà cứ lung linh như tự nó phát ra ánh sáng, không cần đèn chiếu (Tất nhiên chúng được chiếu sáng bởi các chiếc đèn gắn  đâu đó mà chúng tôi không phát hiện được). Chúng tôi chụp hình lia lịa. Cái được, cái mất. Khó khăn lắm mới chen được một vị trí giữa đám người chật như nen, để có thể chụp cho nguyên vẹn một bức tranh. (Thế mà lúc về nhà nhìn lại, có cái mất một cánh tay, có cái mất một bàn chân, có cái bị ai đó đứng choán hết một góc bức ảnh… Tiếc quay!  Làm sao chúng tôi có dịp để chụp lại!)  Khi chợt sực nhớ ra, tôi quay lại đã không thấy vợ tôi đứng sau lưng nữa. Phải làm một cuộc ' hành hạ'( hành hạ chứ không phải hành trình) để tìm kiếm. Trong cung điện, đoàn người tham quan chỉ được đi một chiều, từ cửa vào cho đến cửa ra, chứ không ai được đi ngược lại. Bởi vì thế nó sẽ gây lộn xộn và nghẽn đường. Tôi quên cả phép lịch sự khi phải chen lấn đi ngược lại. Hình như ai cũng bận chăm chú nhìn những bức tranh nên không để ý đến sự 'lộn xộn' của tôi. Gặp một nữ nhân viên  bảo vệ người da mầu ( Cứ cách vài mươi mét có một nhân viên bảo vệ),  chỉ tay bảo tôi quay lại. Tôi xử dụng mớ tiếng Pháp ít oi của mình, tôi nói: je cherche mon camarade (Tôi tìm bạn tôi), và bà ấy để tôi đi qua. Cuối cùng rồi chính tôi cũng bị lạc đường ra. Đến một chỗ rẽ, tôi thấy hai luồng người đi về hai phía. Mình nên đi theo lối nào đây. Tôi liều chọn một lối và tháp tùng. Phải đợi đến gần mười phút tôi mới đến được trước cửa. Nghĩ rằng đấy là lối đi xuống. Ai ngờ đó là cửa vào một phòng ăn đang chật nứt thực khách! Thì ra đoàn người tôi tháp tùng là đoàn người đến phòng ăn. Thất vọng, tôi quay trở lại tìm lối rẽ đi theo hướng khác. Một chủ đích định sẵn: Cứ tìm lối nào có bậc thang đi xuống tất nhiên là ra được. Thế mà khi tôi đã nhìn thấy khoảng sân bên ngoài cung điện rồii mà tôi vẫn chưa tìm được lối ra. Và tôi đã xử dụng câu je cherche mon camarade nhiều lần khi bị chận lại. Cuối cùng tôi thoát ra được bằng cái lối mà chỉ có một mình tôi ra! Đến địa điểm tập trung vẫn chưa có vợ tôi ở đó. Gần mười phút sau thì vợ tôi theo đoàn người lũ lượt bước ra. Thấy tôi đã ra trước, vợ tôi càu nhàu  rằng bà đã đứng đợi tôi gần một tiếng, liệt cả đôi chân trên lối đi ra . Bà hỏi sao không thấy tôi? Đúng rồi. Tôi đã đi ra theo cái lối không dành cho người đi ra. Nghĩ lại trong cuộc sống đôi khi tôi cũng thành công bằng những lối đi như thế! Đó là lối đi mình tự mày mò tìm kiếm không ai bày chỉ..

Sau đây là một số tư liệu về Lâu đài Versailles, tôi đã truy cập trên internet tối qua.

Lâu đài Versailles là công trình ghi dấu những tinh hoa của nghệ thuật Pháp thế kỉ 17 và 18, kiến trúc của nó tuân theo những quy tắc chuẩn mực của chủ nghĩa cổ điển như tính đối xứng của công trình, các hành lang nhiều cột, các công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ đại. Xen vào sự chính xác này là một số nét nghệ thuật Baroque.

Lâu đài hiện nay hầu như vẫn mang dáng vẻ công trình do vua Louis XIV (1643-1715) giao cho kiến trúc sư Le Vau xây dựng năm 1668. Bên trong cung điện của lâu đài là nhiều phòng lớn (Grand Appartement) như Phòng lớn của Đức vua, Phòng lớn của Hoàng hậu hay Phòng Gương (Galerie des Glaces). Các phòng lớn này được thông nhau bằng các dãy hành lang trang trí lộng lẫy từ sàn nhà đến trần, đây là tác phẩm của những người thợ thủ công do Charles Le Brun phụ trách. Phòng Gương là căn phòng lớn nhất của lâu đài, nó dài tới 73 mét, một bên nhìn ra khu vườn, một bên được bao phủ bởi 17 tấm gương cực lớn. Bên cạnh các phòng lớn còn có các phòng nhỏ (Petit Appartement) như Phòng ngủ của Đức vua (Chambre du roi) với rất nhiều tấm thảm và gỗ lát tường mạ vàng. Ngoài ra còn có các buồng con và các phòng chức năng khác. Không chỉ gồm các phòng ở và làm việc, lâu đài còn có một nhà nguyện và một nhà hát riêng. Tại nhà nguyện của Versailles từ năm 1689 đến năm 1710 các vị hoàng đế Pháp đã tổ chức những buổi cầu nguyện của hoàng gia. Nhà hát được khánh thành năm 1770 là một trong những công trình lớn cuối cùng được xây dựng của lâu đài.

Một vài con số

Phòng Gương, phòng đẹp nhất của cung điện

Hiện nay lâu đài là tài sản công cộng của Nhà nước Pháp. Để quản lý và điều hành lâu đài, người ta cần một đội ngũ 900 nhân viên, trong đó có 400 là nhân viên bảo vệ. Mỗi năm khu lâu đài thu hút 3 triệu lượt người tham quan cung điện và 7 triệu lượt người tham quan công viên, trong số này 70% là khách nước ngoài.

Lâu đài Versailles hiện bao gồm các cung điện Versailles, Grand Trianon và Petit Trianon, với 700 phòng, 2.513 cửa sổ, 352 ống khói, 67 cầu thang, 483 gương và 13 héc ta mái ngói. Diện tích mở cửa cho công chúng tổng cộng là 67.121 mét vuông. Phần công viên bao phủ diện tích 800 héc ta, trong đó có 300 héc ta rừng, 2 vườn cảnh kiểu Pháp (Petit Parc, 80 ha, và Trianon, 50 ha). Phần công viên này có 20 km hàng rào, 42 km đường mòn và 372 bức tượng. Ngoài ra Versailles còn có 55 hồ, bể chứa nước trong đó lớn nhất là Grand Canal, rộng 23 ha với dung tích 500.000 mét khối, còn phải kể đến 600 vòi phun nước và 35 km kênh đào.

Các bảo tàng của lâu đài Versailles được Camille Bachasson, bá tước Montalivet thành lập năm 1837 theo lệnh của vua Louis-Philippe I dưới cái tên 'Bảo tàng Lịch sử Pháp' (Musée d'Histoire de France). Với diện tích 18.000 mét vuông, đây là bảo tàng lịch sử lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Nó có một bộ sưu tập tranh cực lớn được sắp xếp theo niên đại lịch sử, tất cả đều do vua Louis-Philippe ra lệnh mua và sưu tầm.

Để hoàn thành khối lượng công trình khổng lồ này, vào thời vua Louis XIV người ta đã phải huy động tới hàng chục nghìn lượt lao động (cao nhất là 36.000 nhân công một năm) và tiêu tốn ít nhất là 100 triệu livre.

Và một vài hình ảnh:

ĐANG ONLINE: 5 NGƯỜI