Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Hồi ký: Du lịch Châu Âu (Phần I)


 (Xem toàn tập ở mục Truyện ngắn)

Sau chuyến du lịch bốn nước Chậu Âu: Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức trong 10 ngày, tôi post lên đây một số hình ảnh và  những sự việc xẩy ra trong chuyến đi cùng  những điều mắt thấy tai nghe ở xứ người để các bạn đọc và xem cho vui. Bài viết không ghi theo lịch trình, mà theo cảm xúc với những sự kiện đáng nhớ.

Phải nói là trước lúc hai vợ chồng thực hiện cuộc viễn du, bản thân tôi rất ngại ngùng. Bởi nhiều lẽ. Sức khỏe vợ tôi rất kém, đã lớn tuổi lại còn mang trong người nhiều thứ bệnh của tuổi già, huyết áp, tim mạch… Những thứ bệnh mà hầu hết người già đều mắc phải. Đó là trở ngại mà chính nó cũng là lý do khiến chúng tôi cố gắng phải thực hiện cho bằng được chuyến du lịch. Đúng như các con tôi khuyên, nếu ba me không đi vào dịp nầy  e rằng sau nầy  khó có dịp đi được nữa. Những lí do khác cũng khiến tôi lo lắng. Như khí hậu mùa thu, trời thường hay dông bão, có máy bay đã bị tai nạn cách đậy vài tuần vì ảnh hưởng thời tiết. Nhưng thời tiết nầy cũng lại là lí do kích thích chuyến đi của chúng tôi. Mùa thu ở Châu Âu đẹp lắm me à. Mấy con tôi đã động viên vậy. Tai nạn máy bay thời gian qua xẩy ra dồn dập. Hãng hàng không Malaysia có một chiếc mất tích, cả thế giới huy động tìm kiếm nhưng đến thời điểm nầy vẫn chưa tìm ra nguyên do và tung tích. Rồi có những chiếc rơi với lí do không đâu vào đâu như phi công ngủ quên để máy bay trong tình trạng rơi tự do. Nhất là vụ  một chiếc máy bay của hãng nầy bị bắn rơi tai Ucraina, mấy trăm người chết làm chấn động cả thế giới. Tình hình chính trị ở Châu Âu trong giai đoạn nầy không ổn lắm. Châu Âu thuộc mục tiêu tấn công của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS. Những vụ chặt đầu nhà báo, con tin được báo chí đăng lên với hình ảnh rùng rợn. Chưa hết lí do khiến chúng tôi chùn bước: Một người bạn thân từ Qui nhơn, khi biết chúng tôi sắp có chuyến du lịch sang mấy nước Châu Âu, đã gọi điện vào khuyên chúng tôi nên thay đổi địa điểm du lịch. Với một lí do rất thực tế: Du lịch sang Châu Âu tốn rất nhiều tiền.( Quả thực trong chuyến đi nầy chúng tôi đã chi phí đến hơn một trăm năm mươi triệu đồngVN,với gia đình chúng tôi đó là một số tiền rất lớn dù chúng tôi đã tiết kiệm hết sức rồi đấy). Theo anh bạn khuyên chúng tôi nên đi các nước gần như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật bản, xa hơn chút nữa là Australia.  Những đất nước nầy cũng giàu có và đẹp đẽ. Mà chi phí chỉ mấy chục triệu thôi (?). Anh bạn khuyên nên dùng số tiền ấy để xây dựng một căn phòng thật tiện nghi để sống cho thoải mái ở tuổi già. Nhưng đứa con gái của tôi, người trong gia đình có quyết tâm nhất khuyên chúng tôi nên đi, đã nói rằng: Ba me cứ đi cho biết. Về ở một căn nhà tranh cũng được. Nói vậy chứ chúng con không đến nổi để ba me phải ở nhà tranh đâu. Ý kiến của đứa con gái có điểm giống tôi. Thực ra chúng tôi không muốn đi xem sự giàu có của nước người, mà chúng tôi muốn chứng kiến tận mắt những công trình nghệ thuật ở Thủ đô ánh sáng. Hình ảnh những bức tranh, những công trình điêu khắc nổi tiếng của thời Phục hưng Châu Âu mà tôi đã xem được trong sách báo đã cuốn hút sự đam mê của tôi từ lâu. Những tên tuổi của những bậc danh họa, những nhà điêu khắc thiên tài Châu Âu như Leonardo Da Vinci, Vincent Van Gogh, Rembrandt…đã nằm lòng trong trí nhớ của tôi. Nhất là  tòa tháp cao 300m của công trình sư Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp thiết kế xây dựng, đã làm nên biểu tượng của một nước Pháp sáng trưng với những công trình nghệ thuật. Khi chúng tôi quyết định du lịch ở Pháp vợ tôi trong Fb đã post vui cho các bạn rằng: Chúng tôi sẽ có gắng tìm cho ra nhà ở của monsieur Legrand và monsieur Vincent, là những nhân vật trong sách giáo khoa Pháp văn hồi trung học.

Thế là cuối cùng ý kiến của người con gái chúng tôi được tôi nhất trí bằng câu quyết định: Thôi ta cứ đi cho biết, đến cái tuổi nầy thì chẳng có gì phải đắn đo nữa.

 

1-Những trở ngại lúc đầu:

Chuyến bay theo lộ trình: TpHCM-Dubai-Paris. Ngày khởi hành 19-10-2014.

Trở về theo lộ trinh: Frankfurt (Đức)-Dubai-TpHCM. Dự kiến đến TpHCM ngày 29-10-2014.

Chúng tôi du lịch theo tours của Công ty du lịch Quốc tế ITE Service. Chuyến bay EK393 của hảng hàng không Emirates.

Thời gian khởi hành tại TpHCM lúc 0h, giờ địa phương. Đến Dubai, nghỉ lại ba tiếng ở sân bay để đổi chuyến bay. Và dự định sẽ đến Paris lúc 13h, giờ địa phương, tức la 18h, giờ Việt Nam.  Trưởng đoàn là cô Mai Trân, có chồng và một con trai ở tại VN. Mai Trân là cô gái hoạt bát vui vẻ, nói tiếng anh khá trôi chảy và có đầy đủ các tính chất của  một hướng dẫn viên du lịch. Đoàn du lịch gồm 11 ngưới. Có hai cặp vờ chồng. Đó là đôi của tôi và đôi anh Th và chị Th, Ghép tên hai người lại thành ra bút hiệu của một nhà thơ mà tôi biết trên mạng văn chương. Còn lại bảy người đều là nữ. Bốn người đã có gia đình và ba người còn trẻ. Ba cô gái trẻ trong đó có hai người là  chị em ruột, con  một giáo sư đã nghỉ hưu tại Sài gòn. Người chị mang tên dòng sông của xứ Huế vì bố mẹ là người Huế, còn người em là Viên ngọc quý của gia đình họ. Cô gái cuối cùng tên là gì nhỉ! Tôi quên mất vì trong chuyến đi cô rất ít nói. Nói cho chính xác cô gái chỉ nghe người khác nói và mỉm cười.

Sân bay Dubai của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là sân bay được báo chí đánh giá an toàn và tốt nhất thế giới. Thành phố  Dubai cũng được đánh giá là thành phố xa xỉ và giàu sang nhất thế giới, nhờ các giếng dầu mỏ. Hảng hàng không Emirates có trụ sở chính ở Dubai.

Máy bay của hàng hàng không Emirates thuộc loại hiện đại mà tôi chưa hề đi. Trước đây tôi chỉ đi máy bay của VN Airline trên những chuyến bay trong nước. Do vậy mà tôi gặp không  ít khó khăn khi xử dụng các phương tiện  trên máy bay nầy do không biết tiếng Anh.

Phía trước mỗi chiếc ghế ngồi có gắn một máy truyền hình cỡ bằng cuốn vở học sinh. Để giúp khách giải trí họ đã cài sẵn vài bộ phim hay trò chơi game. Ngoài ra khách du lịch có thể theo dõi đường bay nhờ một thiết bị định vị chiếu lên màn hình, cho biết vị trí máy bay, khoảng cách, thời gian, độ cao và nhiệt độ cùng tên các thành phố, vùng biển, vùng núi  nó đang bay qua. Tôi không xem phim mà chỉ theo dõi đường bay. Tất nhiên muốn có được điều nầy tôi phải nhờ hướng dẫn viên bấm nút giúp.

 Một khó xử đáng nhớ là cách xử dụng toilet trên máy bay. Chẳng lẽ gọi hướng dẫn viên đi theo sao, nên tôi đi một mình. Đi vệ sinh xong, không phải xả nước như những

toilet mình thường dùng. Tất cả đều được đẩy đi bằng một luồng khí cực mạnh. Giấy vệ sinh không được thả vào bồn mà bỏ vảo một chiếc hộp bên cạnh và nó cũng được cuốn đi bằng một luồng khí. Nhờ thế mà trong toilet không có mùi uế như những toilet dội bằng nước, dù có sạch sẽ đến mấy. Do vậy khi đi vệ sinh xong, tôi lúng túng tìm vòi nước mà chẳng thấy đâu cả. Chợt nhìn xuống phía trái khá xa bồn cẩu tôi thấy có chữ push. Chắc là đây rồi. Tôi ấn nhẹ ngón tay vào, bỗng một tiếng rít phát lên thật lớn giống như còi báo động. Tôi giật thót, ngỡ mình đã phạm phải một sai lầm ngăn cấm nào đó. Nhưng không phải. Nhìn vào lỗ cầu tôi tấy sạch trơn, khô ráo. Thì ra tiếng rít phát ra do luồng khí đẩy cực mạnh. Một phen hú hồn. Quê ơi là quê, cũng may lúc đó phòng toilet đang đóng nên chẳng ai thấy cái vẻ hốt hoảng trên khuôn mặt của tôi. Vậy là tôi về ghế ngồi và truyền lại kinh nghiệm cho bà xã của tôi. Và cũng nói thêm trong toilet có để sẵn những chiếc túi phòng ói. Ói xong bạn đừng thả vào hầm cầu mà bỏ vào cái hộp giấy vệ sinh rồi bấm nút cho nó hút đi.

Nhìn lên màn hình rada, tôi thấy máy bay đi qua vịnh Thái 1an, rồi đến Bangkok, hướng về Dubai. Khoảng cách đến Dubai giảm dần. Cứ vài giây, hình chiếc máy bay lại nhích lên một chút. Nhìn khoảng cách giữa Tp HCM-Dubai dài chưa quá một gang tay mà tôi thấy đã phát ngán. Tôi muốn kết thúc đoạn bay nầy thật sớm để xem qua thành phố Dubai như thế nào mà báo chí ca ngợi đến thế. Thỉnh thoảng trên màn hình lại hiện ra các sơ đồ đường bay từ Dubai tỏa ra các miền trên thế giới. Sơ đồ các đường bay giống như một cái pháo hoa nở bung. Với Việt Nam chỉ có đường bay Dubai-TpHCM, không có đường bay đến Hà nội. Điều nầy  cho ta suy đoán là Dubai chỉ có những đường bay đến các thành phố lớn có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Đôi lúc trên màn hình lại hiện ra hình ảnh cô tiếp viên hàng không Emirates người Ả rập xinh đẹp trong bộ đồng phục đầm ống mầu mỡ gà. Những cô tiếp viên trên đầu đội một vành khăn mầu đỏ sẫm. Và một dãi khăn voan cũng mầu mỡ gà buông xuống vai trái một cách điệu đàng và duyên dáng. Miệng luôn mỉm cười, sẵn sàng hướng dẫn du khách một cách cặn kẽ khi có ai đó hỏi một điều gì. Tất cả họ đều nói tiếng Anh. Ngay cả những người trong đoàn của tôi, ít nhiều họ cũng nói được tiếng Anh. Còn tôi chỉ biết tiếng Pháp với một trình độ nhất định và tôi chỉ có thể thi thố chút đỉnh khi bước xuống Paris. Đây cũng là một khó khăn cho tôi. Khi họ mang thức ăn thức uống đến, họ hỏi tôi bằng một tràng tiếng Anh. Tôi chỉ có nước ra tay làm dấu chỉ chỏ chẳng khác một người câm. Thật là hổ thẹn. Đó là sự hổ thẹn của mặc cảm  thua kém chứ chẳng có gì xấu xa.

Sở dĩ tôi nói về những vấp váp nầy hơi kỹ để các bạn khi đi du lịch nước ngoài, nếu mình không sành tiếng Anh thì cũng nên chuẩn bị trước, học vài câu cần thiết,

để tránh khỏi phải lúng túng.

 

2/ Sân bay Bubai:

Máy bay đáp xuống sân bay Dubai đúng giờ qui định.

Chúng tôi phải ở lại sân bay nầy đúng ba tiếng để chờ chuyến bay khác, đưa chúng tôi đến Paris.

Cô trưởng đoàn dặn chúng tôi vị trí và giờ tập trung ở trong trung tâm mua sắm của sân bay. Chỉ nhìn hệ thống thang máy lồng kính bóng loáng và hoành tráng  cùng lượt người  lên xuống tới tấp trên các  lồng thang cũng đủ nói lên cảnh mua bán đi lại sầm uất đông đúc của thành phố nầy. Hai vợ chồng tôi dạo quanh các gian hàng. Đi chục mét chúng tôi lại xác định vị trí chỗ tập trung cho khỏi lạc. Mua một cái gì để lưu niệm mỉnh đã đến Dubai nhỉ? Vợ tôi nói. Vợ tôi măn mo cái chùm dùng để móc chìa khóa, trên đó có hình cái tháp chọc trời biểu tượng của Dubai. Nhìn vào cái mảnh giấy ghi giá tôi thấy ký hiệu C25. Vợ tôi nhẩm tính: Một Euro quy ra 28000đ VN, vậy 25 xu (Chữ C chúng tôi nghĩ có nghĩa là xu vì cho rằng ở nước ngoài không tính hào ), quy ra là 70.000đ VN. Vậy thì cũng rẻ anh nhỉ. Vợ tôi quyết định mua một cái thôi, tiết kiệm tiền để dành mua vài thứ khác.  Còn rẻ hơn cả ở VN, vợ tôi nói.  Nhưng khi đưa ra thanh toán người chủ cửa hàng tính ra mỗi cái là 25 Euro.  Tính ra tiền Việt Nam vị chi là 700.000đ. Một cái móc xâu chìa khóa mà 700.000đ. Chúng tôi tá hỏa. Thì ra giá ghi trên mỗi món hàng không phải là C25 mà là È25. Do chữ E họ viết nét cong mà gạch ngang ở giữa quá nhỏ nên chúng tôi nhầm là chữ C. Mà Ẹ25 có nghĩa là 25 Euro. Ác vậy.

Tất nhiên chúng tôi có tiếc, nhưng chỉ tiếc một chút thôi. Vì phía trước chúng tôi bao  niềm vui đang chờ đón. (còn tiếp)

 

ĐANG ONLINE: 4 NGƯỜI