Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Hồi ký: Du lịch Châu Âu (Phần Cuối)


Bên bờ sông Main (Xem toàn tạp ơ mục truyện ngắn)

Thành phố Frankfurt:

Frankfurt là thành phố của Đức, địa điểm cuối cùng trong chuyến du lịch. Đây là trung tâm tài chánh của Tổ chức Liên minh Châu Âu. Những ngôi nhà cao tầng với những đường nét mạnh mẽ của  lối kiến trục hiện đại như cố vươn lên khỏi lớp không khí ẩm ướt và lạnh giá.  

Từ Bonn xuống xe đã gần một giờ chiều. Tranh thủ ăn cơm trưa rồi đi tham quan ngay, bởi không còn thời gian. 

Nét văn hóa mạnh mẽ táo bạo của người Đức thể hiện trong mọi  sinh hoạt , từ kiến trúc cho đến ẩm thực. Những cuộn xúc xích lớn bằng đầu ngón chân cái( so sánh như thế nầy cũng không ổn nhưng không biết lấy hình ảnh nào để minh họa). Chúng được cuộn tròn trên các đĩa lớn trong khẩu phần của mỗi người. Các tô đùi heo nướng mới thật là khủng khiếp. Một phần đùi heo được cắt khúc, còn nguyên xương được nướng đến mềm nhũn.  Lúc ăn chỉ dùng muỗng không cần phải dùng dao hay nỉa. Lại còn một tô cá hồi nấu xúp, bằng tô canh mà ở VN mình thường  dùng trong  bữa ăn của cả gia đình. Không có gia vị, không có chất trộn, chỉ có vài miếng cá hồi với nước đục ngầu. Mới nhìn vào tưởng chừng như khó ăn vì mình đã quen gia vị nhất là với những món canh cá. Nhưng không phải như mình nghĩ, gia vị đã được hòa tan trong nước xúp nên lúc ăn vẫn thấy thơm ngon, không có mùi tanh của cá. Một phần vì đói một phần vì lạ miệng nên mọi người, tất nhiên trừ bà vợ tôi ra, đều  thưởng thức gần hết khẩu phần của mình. Ở đây mỗi người được tiêu chuẩn của công ty du lịch đãi, một ly bia hiệu Gaffel am DoM, một thương hiệu bia nổi tiếng ở Đức. Cũng nói thêm Đức vốn là nước có bia ngon nhất Châu Âu và cũng có thề nói ngon nhật thế giới(chỉ nghe trưởng đoàn giới thiệu vậy thôi, bản thân tôi đâu có cơ hội  uống bia của cả thế giới mà biết !)

Ăn trưa xong, nơi tham quan  đầu tiên vào chiều hôm đó là cầu sông Main. Sông Main chảy qua thành phố Frankfurt. Vào mùa thu, hai bên bờ sông những hàng cây đỏ rực và lá vàng phủ đầy lối đi.. Có mấy cô trong đoàn thích quá đã hốt từng nắm lá đỏ tung lên trời cho rơi xuống khắp thân mình để chụp hình. Vợ tôi chợt chỉ tay  xuống phía xa của bờ hồ và nói:

-Ở đây mà cũng vậy à?                                                                                              

Thì ra đấy là hai chú ngan. Ở Phương Tây mà có cảnh nuôi súc vật thả rong ư?  Tôi vội chụp hình. Nhưng lạ, về nhà mở ảnh ra xem thì không thấy chú ngan nào cả. Sau nầy nghĩ lại có thể đây là một loài chim trời, khi chúng tôi bấm máy thì chúng đã bay mất!

Chiều đến chúng tôi tham quan trung tâm Frankfurt. Qua một đại lộ mọi người chỉ cho nhau thấy Trụ sở của hãng Hàng không Việt Nam. Quả là một niềm tự hào đối với người dân du lịch như chúng tôi. Ra xứ người thấy cơ sở làm ăn nào của người Việt, mình cũng thấy tự hào. Đến chạng vạng tối chúng tôi đi qua một chòm đèn hình ngôi sao, biểu tượng của đồng tiền chung Châu Âu. Minh trưởng đoàn bảo vợ tôi:-Cô làm bộ đưa tay hứng đồng tiền Euro để cháu chụp cho một tấm hình. Ý kiến cũng độc đáo. Vậy là trong an bum ảnh du lịch chúng tôi có một tác phẩm ảnh mang tên: Bà già mê đồng Euro. Đi qua quãng trường mang tên Đại thi hào Goethe. Tôi muốn Minh đưa tôi đến tham quan tư gia của nhà thơ nổi tiếng thế giới nầy. Nhưng Minh cho biết quê của ông ở tận …xa lắm. Vậy là chỉ còn cách đứng chụp hình dưới tượng đài của Goethe mà thôi. Rời khỏi quãng trường Goethe, trong đầu  tôi cứ vang lên những câu thơ ngợi ca mối tình  đẹp đẽ và trong sáng  của thi hào Goethe với một cô thôn nữ nào đó mà có lẽ  tôi nghĩ không có lời nào đẹp đẽ và trong sáng hơn thế nữa:

Ôi  thanh nữ nàng ơi

Lòng ta khôn kể xiết

Kỳ lạ mắt em nhìn

Có yêu anh thắm thiết

Như con chim họa mi

Yêu không gian tiếng hát

Như hoa nở bình minh

Yêu hương trời ngan ngát…

Cả một không gian chan hòa ánh sáng, mầu sắc rực rỡ, hương thơm ngan ngát và âm thanh rộn ràng! Còn trái tim nhà thơ thì thế nào, ôi: khôn kể xiết! Tôi đã thuộc lòng bài thơ  từ thời nào không biết. Và không ngờ hôm nay lại được đi qua miền đất đã ươm mầm nẩy nở  những dòng thơ tuyệt vời nầy. 

Đến tối chúng tôi vào tham quan nhà thờ Frankfurt. Trước cảnh uy nghiêm, người thành phố đang làm lễ cầu nguyện, tôi tranh thủ nép sát vào một goc phòng để chụp hình vì sợ việc làm của mình không biết có gì bất kính không.

 Mười giờ đêm chúng tôi mới về khách sạn.

Dù đã mệt nhưng vợ tôi vẫn tiếp tục ngồi  chọn những tấm hình đẹp để mail về nhà. Trong Fb vợ tô ghi: Tạm biệt Châu Âu không hẹn ngày gặp lại. Đúng là chúng tôi không có điều kiện để trở lại Châu Âu lần thứ hai. Một phần vì tuổi tác một phần hoàn cảnh kinh tế không cho phép. Tham quan một lần như thế nầy cũng là hạnh phúc lắm rồi. Mơ chi đến lẩn thứ hai. Nhưng Châu Âu đối với chúng tôi vẫn còn nhiều nước và bao điều thú vị mà chúng tôi mới biết qua sách vở. Chẳng hạn như nước Ý, nơi sinh của nhà danh họa Picasso,  một tài năng Ba đầu sáu tay( NHững nhân vật trong các tác phẩm của ông thường có những hình thù quái dị) Hay nước Anh, nơi từng có một quả táo thần kỳ rơi, tạo nên lực hấp dẫn Newton làm chấn động cả địa cầu...thì sao  không hẹn gặp lại! Dù không còn dịp để trở lại nhưng  cũng không nên viết vậy. Tôi nói với vợ tôi rằng viết như vậy  nghe có vẻ đoạn tình quá.  Ta nên dùng câu nói đó với những ai đã làm cho mình không muốn gặp lại lần thứ hai thôi. Hoặc vì căm thù hoặc vì chán ghét. Vợ tôi cười và chữa lại: Tạm biệt Châu Âu, biết khi nào gặp lại !. Đúng rồi, viết vậy là hay rồi. Còn tôi, tối đó thì hết công việc tra cứu, ngày mai về rồi chẳng phải tìm hiểu thêm điều gì. Tôi đến tủ lạnh lấy nước uống, chợt phát hiện ra một điều thú vị: Trong tủ lạnh có hai chai bia và một vài thứ nước giải khát, mà những ngày trước ở những khách sạn khác không có như vậy.  Tôi nhớ ra lúc chiều Minh có nói đấy là quà công ty du lịch tặng cho ngày cuối cùng của chuyến du lịch. Nên nói thêm điều nầy, đi du lịch, nước uống cũng có tiêu chuẩn qui định. Ai có nhu cầu nhiều hơn thì phải bỏ tiền túi ra mua.  Thấy vỏ chai bia đẹp, tôi bỏ hai chai bia vào xách đem về nhà làm kỷ niệm. 

Đêm đó chúng tôi hơi khó ngủ. Nghĩ ngày mai về lại VN mà lòng cứ bồn chồn. Mới xa quê hương đâu chưa tới mươi hôm mà đã thấy nhớ nhà. Theo chương trình, sáng mai ăn sáng tại khách sạn. Buổi sáng đi shopping tự do. Ba giờ chiều  phải có mặt tại địa điểm qui định trong khu mua sắm Frankfurt để lên xe vào phi trường. Năm giờ máy bay cất cánh tại Frankfurt. Cũng hãng hàng không Emirates. Trở lại Dubai sau đó về Tp HCM.

Trong lúc mọi người đi shopping, vợ chồng tôi dạo quanh khu mua sắm để chụp hình. Những tấm hình cuối cùng nầy về nhà xem lại đấy là những tấm hình đẹp nhất. Một phần nhờ cặp kính mầu đã che đi cái vẻ sướt mướt trên khuôn mặt của vợ tôi vì lạnh, khi đứng ngoài trời, nhiệt độ những ngày đó xuống đến tám độ. Mà có lẽ yếu tố chính là  nỗi vui sắp được đoàn tụ với con cháu. Nhất là cô cháu ngoại Bon Bon. Hôm qua nó đã báo cho bà ngoại biết nó đang chuẩn bị cùng mẹ đi mua hoa đón bà về rồi.. Gặp hai vợ chồng Thanh và Thảo, chúng tôi rủ nhau vào quán Nha Trang, một quán ăn của người Việt ngay trong khu mua sắm. Chúng tôi ăn trưa, nâng li chụp hình lưu niệm. Mọi người đã lục tục trở lại điểm hẹn sau khi đã mua sắm thỏa thích.

Ba giờ chiều trưởng đoàn Minh đưa chúng tôi vào phi trường.

Ban an ninh phi trường  kiểm tra rất gắt. Họ bắt tháo giày và sờ mó lục tìm khắp người của các hành khách, kể cả hành khách nữ.  Minh vẫn đứng ngoài cửa kiểm tra an ninh, chờ cho người cuối cùng trong đoàn làm thủ tục kiểm tra xong anh mới vẫy tay chào mọi người. Trước khi theo đoàn đi về phòng đợi, tôi vẫy chào Minh lần cuối. Trong  lòng tôi rất cảm kích. Mong sao Minh thành công trong cuộc sống trên đất khách quê người.

Năm giờ chiều máy bay cất cánh. Vẫn đoàn tiếp viên hàng không xinh đẹp cũ. Vợ tôi xin chụp mình một cô xinh xắn và đáng yêu nhất trong đoàn, nhưng cô tiếp viên xinh đẹp lắc đầu nhã nhặn từ chối. Người ngồi cạnh tôi là một bà cụ người Việt trên tám  mươi tuổi, quê ở Bình Dương. Bà định cư ở quận 13, thành phố Paris. Bà cho chúng tôi biết bà thường chu du khắp các nước trên thế giới. Bây giờ về Bình Dương để giải quyết một số giấy tờ về chủ quyền đất đai. Bà kể ở Bình Dương đất đia của bà rộng lắm. Trước khi sang Phap bà nhượng cho chính quyền địa phương một phần, phần còn lại bà chia cho mấy đứa cháu. Nhưng mấy đứa cháu của bà làm ăn dở quá, chúng bán lần bán hồi hết. Nhân nói chuyện làm ăn của mấy đứa cháu, bà có một nhận định chung là người Việt mình làm ăn rất dở. Như ở quận 13 chẳng hạn. Đầu tiên người Việt sang đó mở các cơ sở làm ăn. Được một thời gian thì thua lỗ, hầu hết họ đều bán cơ sở lại cho người Tàu hoặc người Ấn. Sau đó lại làm thuê cho những người  nầy. Có người bỏ về quê( ở quận 13) làm nông!

Tôi tự hỏi sao ở đâu cũng nghe người mình nói về chuyện người mình làm ăn dở vậy nhỉ? Chẳng hạn như anh H H kể rằng ở bên Ca li, đầu tiên có một người Việt làm neo. Thấy gia đình người  nầy làm ăn thu nhập  khá, vậy là mấy nhà nhà bên cạnh đều chuyển qua nghề làm neo. Sau đó họ cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá. Để tranh giành khách họ nói xấu nhau, thậm chí kéo nhau ra đánh lộn. Giá thấp quá làm không đủ ăn, vậy là họ thi nhau bỏ nghề đi làm thuê, làm mướn cho các cơ sở người nước ngoài. Vậy ra ở đâu họ cũng có cách làm ăn như vậy. Thật đáng buồn!

Nghe bà cụ kể mà thấy chán. Tôi cố gắng ngủ một chút, vì đêm qua không ngủ được. Vừa mới ngủ  một lát thì nghe nhân viên phục vụ gọi dậy ăn.  Tôi tỉnh ngủ và tự hỏi: Bây giờ đang ăn bữa nào đây nhỉ?

Mỗi người lại được phát cho một tờ giấy ghi rõ địa chỉ và tình hình sức khỏe lúc từ nước ngoài về. Để sau nầy tiện theo dõi bệnh Ê bo la.

Tôi tiếp tục dán mắt theo dõi vị trí máy bay trên màn rada. 

Máy bay có dấu hiệu giảm độ cao. Xa mấy rồi cũng phải về đến nhà thôi. Trên màn rada mấy chữ Tp HCM xuât hiện. Sau lưng tôi nhiều tiếng vỗ tay rào rào. Tôi biết đấy là những người trong đoàn tôi. Họ cũng như tôi đang nôn nóng về nhà. Chúng tôi đếm từng phút đợi tiếng chạm của bánh máy bay lên đường băng. Nhưng đợi hoài, đợi hoài cái tiếng động đó vẫn chưa xẩy ra. Tất nhiên đến phút nào đó thì nó phải xẩy ra chứ. Nều không thì những dòng hồi ký nầy làm sao đến mắt các bạn được. Và tiếng chạm mạnh đã xẩy ra. Những tràng pháo tay sau tôi lại vang lên cùng tiếng hô  Viva VN. Viva VN.

Việc kiểm tra lúc ra phi trường xem đơn giản. Chúng tôi nộp tờ kiểm tra sức khỏe lại. Vừa mới qua khỏi cổng kiểm tra an ninh vợ tôi thốt lên:

-Chết cha! Quên cái xách lại rồi.

Trưởng đoàn Trân hốt hoảng:

-Xách đựng gì vậy cô?

-Cái xach không, chẳng có gì trong đó cả.

Thì ra đấy là cái vali nhỏ đựng đồ linh tinh. Mới sang Pháp thì nó bị rách, không dùng được. Nhưng bỏ đi cũng tiếc. Vậy là vợ tôi cứ kéo cái vali hư ấy theo mình, lần lượt lê khắp bốn nước Châu Âu. Đã về tới VN rồi sao có thể bỏ đi được.  Bà xin nhân viên an ninh trở lại lấy cái va li rách. 

Kìa mấy đứa cháu của chúng tôi đang đứng đợi kia kìa. Ồ nó ôm hoa thật nhiều. Bon Bon chạy ào đến. Trân trưởng đoàn chụp hình chung với chúng tôi. Tôi cười:

 - Cô trưởng đoàn đã bàn giao đầy đủ ông bà ngoại lại cho mấy cháu  rồi đấy.

       Với tôi, quê hương mình không phải là đẹp nhất mà là đáng yêu nhất!

 Vậy là các bạn đã cùng tôi du lịch một chuyến sang bốn nước Châu Âu rồi đấy. Hẹn gặp lại.

Một số tư liệu về Frankfurt

Frankfurt am Main, thường chỉ được viết là Frankfurt, với dân số hơn 670.000 người là thành phố lớn nhất của bang Hessen (Đức) và là thành phố lớn thứ 5 của Đức sau BerlinHamburgMünchen (Munich) và Köln (Cologne). Vùng đô thị Frankfurt có khoảng 2,26 triệu dân cư năm 2001,[1] toàn bộ vùng đô thị Frankfurt Rhein-Main với trên 5 triệu dân cư là vùng đô thị Đức lớn thứ nhì sau Rhein-Ruhr.

Từ năm 1875 Frankfurt am Main là thành phố lớn với hơn 100.000 dân cư. Việc xây dựng thành phố đã vượt xa khỏi ranh giới chật hẹp của thành phố. Từ Thời kỳ Trung cổ thành phố Frankfurt am Main liên tục thuộc về một trong những trung tâm quan trọng nhất trong nước Đức.

Đã từ lâu, Frankfurt đã trở thành trung tâm thương mại của Đức. Trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu và các ngân hàng lớn như Deutsche BankDresdner Bank và Commerzbankđều tập trung tại đây. Thị trường chứng khoán Frankfurt là một trong những thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Frankfurt cũng là thành phố hội chợ quan trọng trên toàn thế giới. Ngoài ra Frankfurt còn là điểm nút giao thông quan trọng của Đức và châu Âu .(internet)

Các hình ảnh trong chuyến du lịch tại Frankfurt


ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI