Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Đám chết của lão hà tiện


Ở thị trấn Xuân Đài, nói đến ông Bún ai mà lạ. Tên ông là Thảnh, sống bằng nghề làm bún nên ai cũng gọi là ông Bún. Ông Bún nổi tiếng bởi hai nguyên do: Bún của ông sạch, sợi bún thăn, thơm, ít mùi chua như bún người khác.Thứ hai nữa là ông nổi tiếng vì tính keo kiệt. Có nhiều giai thoại về ông. Chẳng hạn việc ông ngồi nhặt bún dính trong mấy cái thúng sau khi đã bán hết. Bán xong bốn năm thúng bún một buổi sáng, ông mất gần một tiếng rưởi đồng hồ ngồi gỡ được hơn nửa kí bún vụn. Thấy vậy vợ ông Bún kiềng riềng:
-Bán xong, ông bỏ mấy cái thúng cho đám nhỏ rửa đi, dành thì giờ làm việc khác. Không thì nghỉ ngơi cho khỏe. 
Ông Bún nói:
-Mỗi tháng tôi có thêm hai chục kí bún. Một năm gần hai trăm rưỡi kí. Giá một kí bún rời là mấy nào? Nếu bỏ ống, cuối năm được bao nhiêu tiền bà thử tính coi?.Đừng có xúi dại. 
Với tính nết đó ông Bún không có bạn bè. Suốt năm nầy qua tháng khác ông ta chỉ quanh quẩn bên mấy thúng bún. Đi ngang qua người ông, ai cũng nghe mùi gạo ngâm. Mà hình như ông không biết khổ là gì. Tính ông cũng ngẳng đời. Trong thời bao cấp khó khăn là thế, cái thời mà chất xám không bằng chất xanh, cái thời mà người ta cho con cái nghỉ học ào ào, ông lại cho con đi học hết. Vì thế ra đường cũng ít người chào hỏi ông.
Biết tính ông vậy chẳng ai thèm bàn tán gì về ông nữa. 
Cho đến một hôm lối xóm nghe tin ông đau nặng. Cũng do người ta kể. Ban đầu ông chỉ đau bụng sơ thôi. Khám chữa theo diện bảo hiểm ở bệnh viện huyện hai tháng không bớt. Người nhà khuyên ông nên bỏ bảo hiểm vào thành phố khám cho yên tâm. Nghĩ đến chuyện tốn kém là ông Bún đã giật mình rồi.-Cứ chữa ở đây. Khi nào bệnh viện huyện thấy cần thiết phải chuyển đi thì họ làm thủ tục. Họ giữ mình lại để làm gì. Vậy là ông không chịu đi. Đến khi đau chịu không nổi ông mới bằng lòng nghe theo lời vợ con, đi khám vượt tuyến. Ông Bún lên bệnh viện tỉnh chữa hơn một tháng cũng không bớt. Bây giờ thì tư duy của ông có hơi đổi mới rồi. Ông gẫm, có khi bệnh nhân không nghe theo lời bác sĩ khuyên mà lại đúng. Ông bằng lòng xin chuyển vào bệnh viện thành phố. Ở đây, khám nghiệm xong xuôi, vợ ông Bún nói -Bác sĩ bảo ông không có bệnh hoạn gì cả. Do tuổi lớn mà làm việc quá sức sinh ra suy nhược vậy thôi.Về nhà tẩm bổ một thời gian sẽ khỏi.Ông Bún mừng khấp khởi. Rồi ông la vợ:
-Tôi nói với bà rồi mà bà không chịu nghe. Đau bụng thì uống thuốc và xức dầu lâu ngày cũng hết. Mấy ông bác sĩ ở huyện mình coi thế mà giỏi đấy. Đúng là nhiều thầy thối ma, làm tốn mấy chục triệu. 
La vậy nhưng mặt ông Bún vui hẳn lên.Ông bảo vợ:
-Thôi bà ra đón xe ta về ngay đi. Lâu ngày không thấy mặt mấy con bún cũng nhớ. Nằm vậy mà tưởng tượng mình đang vắt bún, hai tay cứ vân vê hoài.
Đang nói thì cơn đau quặn thắt thình lình làm ông nhăn nhó.Thấy vậy bà vợ vội vã quay đi và nói:
-Ông ngồi đây tôi đi thuê xe.
Bà quay lưng đi nên ông Bún không thấy hai giọt nước mắt trào ra trong hai khóe mắt người vợ. 
Lại cũng do người ta kể, khi ông Bún về nhà, một người bạn thời tiểu học giờ đã là một luật sư nghỉ hưu đến thăm ông và khuyên:
- Trong lúc đang còn tỉnh táo anh nên viết giấy phân chia hết gia tài cho con cháu đi. Đừng để lại trong két một đồng xu nào, sau nầy sẽ sinh phiền phức.
Nghe bạn khuyên, ông Bún nổi dóa:
-Anh nghĩ tôi điên chắc? Con cái có phần của nó rồi. Những gì còn lại là của tôi, không ai có quyền xen vào, kể cả vợ con.
Thấy bạn vậy, ông luật sư chẳng nói gì thêm.
Mấy hôm sau thì nghe ông Bún chết vì bệnh ung thư. 
Được tin ấy, câu nói của mọi người sao mà giống nhau, lại cũng kèm theo cái cười mỉa mai cũng giống nhau:
-Giữ của cho lắm giờ chết có mang đi được không.

Dù ông ta sao đi nữa, là người cùng khối phố với ông Bún, tôi không thể không đến thắp cho ông ấy một cây nhang. Mới ra khỏi ngõ mấy bước, thím Sáu cùng xóm gọi giật lại. Thím hỏi:
-Bác đi đám chết ông Bún đấy hả
-Vâng, cùng xóm cùng giềng sang thắp cho ông cây nhang. 
Giọng thì thào, thím Sáu hỏi có vẻ quan trọng:
-Nghe nói ông ấy bán xác tới một trăm năm chục triệu, có không bác?
Tôi lắc đầu:
- Không nghe. Thím Sáu đã đi điếu chưa?
-Lát nữa tôi sang. Mà nầy-Thím Sáu lại to nhỏ-Chết rồi còn bán xác lấy tiền làm gì nữa chứ?
Tôi cười: 
-Ai mà biết. Nói xong tôi bỏ đi.
Đến gần nhà ông Bún thấy người trong người ngoài. Một số đang đứng quanh trụ cổng nhà ông Bún đọc một tờ giấy gì đó dán trên trụ. Tò mò tôi bước lại: Tờ cáo phó. Bên dưới tờ giấy ghi Xin miễn nhận tiền phúng điếu. Tôi chen vào trong nhà thắp nhang cho ông Bún. Một cái đám chết thật trầm lắng. Không kèn trống, không hát hò xình xang như các đám chết khác. Cha xứ đang làm lễ cầu hồn. Con cháu đã phục tang đang đọc kinh cứu rỗi. Tang gia thân quyến ai cũng mắt đỏ hoe thâm quầng, nhưng bặt nhiên không nghe tiếng khóc.
Tiếng cầu kinh vừa dứt bỗng mọi người đứng vòng ngoài vẹt qua một bên. Ngoài đường một chiếc xe vừa dừng ngay trước cổng: Xe tang! Quấn quanh xe là một băng rôn vàng rực có ghi hàng chữ đỏ: Quà tặng cuộc sống. Bên dưới ghi: Trường Đại học Y dược. Từ trong xe hai nhân viên y tế mặc blu trắng bước xuống, mang theo chiếc băng ca. Cả hai im lặng rẽ đám đông bước vào. Họ cúi chào mọi người trong gia đình rồi thắp nhang vái lạy người chết. Sau đó bằng những động tác nhanh nhẹn, hai người rút từ đâu đó ra một bọc nilon. Một người mở dây kéo, người kia đẩy thi thể người chết vào và lập tức rút nhanh dây kéo lại. Bây giờ mới nghe tiếng khóc rấm rức. Bà Bún vừa khóc vừa rút trong lần áo chế một gói giấy mầu đỏ bằng bàn tay, kính cẩn đưa cho vị trưởng lão họ đạo. Bà nói: 
- Đây là số tiền chồng tôi dành dụm. Theo tâm nguyện của ông ấy, xin đóng góp để nhà thờ làm từ thiện.
Xong tang lễ, hai nhân viên y tế cúi chào gia đình lần nữa rồi khiêng thi thể người chết ra xe. Gia đình và họ đạo theo sau đưa tiễn.
Tôi mới bước ra phía ngoài, bỗng thím Sáu trong đám dông chen đến bên tôi, vẫn giọng thì thào:
- Ông ấy bán xác, người ta đến chở đấy.
Rồi giọng ai đó –Nghe nói ông ấy cất riêng một số tiền, trong nhà không ai biết. Gần hấp hối ông mới gọi vợ đến giao.
Tôi chợt hiểu cái gói giấy mầu đỏ lúc nãy vợ ông Bún đã kính cẩn trao cho vị trưởng lão.
Tôi thấy cần phải nói, không chỉ riêng cho thím Sáu nghe, mà tất cả mọi người cùng nghe và phải biết. Tôi hiểu rằng với ông Bún điều nầy không cần thiết. Đó là nói lúc ông còn sống, bây giờ thì nói làm gì! Biết vậy nhưng tôi không thể không nói trước khi thi thể ông Bún được đưa lên xe:
-Thưa bà con, ông Bún đã hiến xác cho trường Đại học Y dược để sinh viên nghiên cứu học tập, sau nầy ra chữa bệnh cứu người đấy.
Cũng như mọi người, ông ấy chết không mang theo gì cho mình cả, mà ông còn để lại cho đời quá nhiều. Một nghĩa cử thầm lặng mà hàm chứa một tấm lòng cao cả biết bao. 

Nguyễn Bá Trình
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI