Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Cuốn sách được chọn đọc sau cùng


Những ngày cuối năm 1970 tại fhi xã X, của chính quyền Sài gòn.. Nửa đêm hôm đó người ta chuyển vào bệnh viện rất nhiều người bị thương. Quận Y cách thị xã X trên mười hai cây số, đầu hôm bị pháo kích. Số người dân bị thương được chuyển lên bệnh viện thị xã phải đến mười mấy người. Y tá và cán bộ bệnh viện được huy động tối đa và làm việc khẩn trương để cấp cứu kịp thời cho những người bị thương trong vụ pháo kích. Bác sĩ Quyền giám đốc bệnh viện cũng có mặt túc trực trước lúc các nạn nhân được đưa đến. Ông đã nhận được điện từ tiểu khu báo cho biết tình hình và yêu cầu ông phải có mặt tại bệnh viện. Đây là chuyện bất thường. Bởi bệnh viện đã có ca trực đêm. Mọi tình huống xẩy ra đều được ca trực giải quyết và mọi công việc trong đêm sẽ được báo lại với Giám đốc bệnh viện vào sáng mai. Việc nửa đêm người dân bị pháo kích ở các vùng chung quanh được chở tới bệnh viện đông nghẹt là chuyện xẩy ra như cơm bữa. Có lúc số người bị thương đông quá không có chỗ chứa phải để họ nằm la liệt giữa sân bệnh viện.Vậy mà đêm nay ông lại được lệnh bên chính quyền phải có mặt trước lúc các nạn nhân được chuyển đến. Dù trong lòng thắc mắc vậy, nhưng khi thấy những nạn nhân đầu tiên vừa đưa đến thì ý thức trách nhiệm và đạo đức của người thầy thuốc đã khiến ông bỏ qua những suy nghĩ vụn vặt, ông bắt tay ngay vào công việc. Vừa chỉ đạo nhân viên vừa trực tiếp cầm dao mỗ cho những nạn nhân trong tình trạng nguy kịch. Khi trời vừa sáng thì số nạn nhân cũng được tạm thời xử lí giai đoạn cấp cứu xong. Sau đó người ta chở đến một nạn nhân mà ông Quyền nghĩ có lẽ đây là mấu chốt của vấn đề ông thắc mắc: Tại sao bên chính quyền yêu cầu ông phải có mặt.

Nạn nhân là một người đàn ông đứng tuổi đã được sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện bằng một chiếc xe của sĩ quan quân đội Sài gòn, có hai người lính và một sĩ quan áp tải. Bác sĩ Quyền nhận được chỉ thị mật của chính quyền là nạn nhân phải được chăm sóc điều trị theo một chế độ đặc biệt. Phòng điều trị phải riêng biệt, dưới sự giám sát của bên an ninh. Ngoài nhân viên bệnh viện trực tiếp điều trị cho nạn nhân ra, không người lạ nào được ra vào kể cả thân nhân của nạn nhân. Những người ra vào phòng của nạn nhân phải được sự đồng ý hoặc có sự giới thiệu của cơ quan an ninh, kể cả phóng viên báo chí. Khi nạn nhân được đưa vào phòng điều trị đặc biệt liền bị còng bàn tay trái vào giường bệnh. Nạn nhận có thể tự ngồi dậy ăn uống nhưng không đi được ra khỏi giường. Lúc vệ sinh thì phải có nhân viên bệnh viện theo sát. Đó là tất cả những gì vị bác sĩ giám đốc bệnh viện biết về nạn nhân đặc biệt trong đêm pháo kích nầy. Và ông chỉ có một trách nhiệm duy nhất là theo dõi tình hình sức khỏe của nạn nhân. Kịp thời báo cáo nếu có dấu hiệu không tốt. Lúc nào thấy sức khỏe nạn nhân bình phục hoàn toàn thì báo cho bên an ninh biết. Và chỉ lúc đó ông giám đốc bệnh viện mới hết trách nhiệm.

 

 Vì đêm rồi bác sĩ Quyền thức khuya nên trưa nay ông định tranh thủ ngủ một lát để lấy sức. Bác sĩ Quyền nghỉ trưa tại phòng Giám đốc trong bệnh viện, nằm biệt lập với khu khám và điều trị. Ông vừa chợp mắt chợt nghe có tiếng gõ cửa nhẹ ở phòng ngoài. Ai tìm ông vào giờ nghỉ trưa? Chắc là bên an ninh. Tính hình sức khỏe của nạn nhân đặc biệt đã bình phục hoàn toàn, và ông đã báo cáo sang bên an ninh từ chiều hôm qua, có lẽ hôm nay họ sang làm thủ tục để nhận lại món hàng quý họ đã gởi. Bác sĩ Quyền nghĩ vậy. ( Món hàng quý là từ bên an ninh gọi nạn nhân đặc biệt khi họ nói chuyện với bác sĩ Quyền). Bác sĩ Quyền vừa hé cửa, thì ông ngạc nhiên gần như sững người. Một người đàn bà còn trẻ và rất đẹp mặc bộ bà ba mầu đen đang đứng ở cửa đợi ông:

-Chuyên! Sao…lại ở đây?. Bác sĩ giám đốc bối rối hỏi.

Vậy là người đàn bà ấy tên Chuyên và đã từng quen với bác Quyền trước đây.

Nhìn người đàn bà một lát như để xem mình có nhìn nhầm với ai không. Sau mấy giây gần như đã chắc chắn ông Quyền hỏi:

-Cô Chuyên tìm tôi có việc gì không?

-Thưa bác sĩ Giám đốc, tôi có chuyện riêng muốn nói …

Ong Quyền hình như đoán ra có điều gì nghiêm trọng đang xẩy đến cho người đàn bà trước mặt ông. Ông nhìn quanh khuôn viên bệnh viện. Buổi trưa im ắng. Chỉ có một vài người nuôi bệnh ra vào từ phía khu điều trị. Ông Quyền nói:

-Mời cô Chuyên vào trong nói chuyện tiện hơn.

Ông Quyền mở bung cánh cửa ngoài để tránh sự nghi ngờ.

Tại bàn tiếp khách của phòng Giám đốc, người đàn bà mặc áo đen ngồi đối diện với ông Quyền. Ông Quyền không mời nước như những lần ông tiếp khách, dù chai nước lọc vẫn để sẵn trên bàn. Ông hỏi:

-Cô Chuyên đã tìm đến đây chắc có chuyện cần đến tôi.

-Thưa bác sĩ Giám đốc…

-Cô Chuyên cứ gọi tôi là Quyền thân thiện như hồi nào đi. Có chuyện gì cô đi thẳng vào vấn đề không phải e ngại .

-Thưa Giám đốc. Tôi xin ông cho phép tôi được vào thăm người bệnh đang điều trị tại phòng đặc biệt của bệnh viện…

Không để người đàn bà nói tiếp, ông Quyền nói chận ngay:

-Thật đáng tiếc, chuyện ấy thì không thể cô Chuyên à. Chúng tôi có lệnh là không cho thân nhân của người đàn ông ấy vào thăm. Bất kỳ là cha mẹ hay vợ con.

Người đàn bà mặc áo đen đã bớt đi cái vẻ rụt rè lúc đầu, bằng giọng nói rắn rỏi:

-Như vậy hóa ra đây là nhà biệt giam chứ không phải là bệnh viện sao. Thưa bác sĩ Giám đốc?

Ông Quyền cười vẻ như cay đắng:

-Với những bệnh nhân khác, đây là bệnh viện. Nhưng đối với người mà cô Chuyên muốn gặp, lại khác. Xin lỗi cô Chuyên. Tôi chỉ làm việc theo chỉ thị của trên thôi. Với người bệnh tôi là thầy thuốc, nhưng với nhà nước tôi lại là một công chức, cô Chuyên ạ. Mong cô hiểu cho tôi.

-Dạ tôi hiểu điều đó. Nhưng tôi tha thiết xin ông, coi có cách nào, ông có thể vượt ra khỏi điều lệnh mà giúp tôi một lần được không? Tôi vô cùng biết ơn ông Giám đốc.

Ông Quyền trầm ngâm có vẻ suy nghĩ. Rồi ông hỏi:

-Người ấy là gì của cô Chuyên vậy?

-Dạ chồng tôi.

Ông Quyền nhìn thẳng vào đôi mắt của thiếu phụ áo đen. Ông vẫn không nói gì nhưng có vẻ suy nghĩ lung lắm. Không khí yên lặng bao quanh hai người khá lâu.

 Cuối cùng ông Quyền lên tiếng:

-Dù không giúp cô Chuyên được gì thì cũng nên nói để cô Chuyên biết rõ thực tế về tình hình sức khỏe của chồng cô để yên lòng. Ông ấy bị một vết thương ở trán. Đã được sơ cứu trước khi đưa đến đây. Chúng tôi đã cho chụp hình vết thương. Não bộ không có tổn thương gì nghiêm trọng. Nói chung sức khỏe ông ấy không có gì đáng lo.

-Dạ cảm ơn bác sĩ Giám đốc. Vậy nếu tôi không được vào thăm thì bác sĩ có thể giúp tôi một việc nầy không?

-Cô Chuyên cứ nói.

-Tôi có thể ghi vài chữ nhờ bác sĩ chuyển vào cho anh ấy biết rằng ở nhà mẹ con tôi và mọi người đều khỏe mạnh.

Lại một lần nữa bác sĩ Quyền im lặng.

-Tôi biết việc nầy sẽ làm khó cho bác sĩ giám đốc.

Bác sĩ Quyền lắc đầu như tỏ ý thất vọng về một điều gì đó. Sau cùng ông nói:

-Cô Chuyên nầy. Nếu giúp được Chuyên trong điều kiện cho phép thì tôi không bao giờ nề hà ngại khó. Nhưng đây là lệnh của trên. Và ông ấy dang trong tình trạng theo dõi gắt lắm. Nhất cử nhất động ở bệnh viện có liên quan đến người chồng của Chuyên, theo như tôi biết đang được họ giám sát gắt lắm.Tôi không giúp được điều Chuyên yêu cầu. Bỡi không chỉ nó sẽ phương hại cho tôi mà ngay cả cho Chuyên nữa. Mong cô Chuyên hiểu điều nầy.

-Vậy theo bác sĩ Giam đốc, tình hình sức khỏe chồng tôi như vậy thì anh ấy còn có thể lưu lại ở bệnh viện nầy bao lâu nữa?

-Vết thương của ông ấy chỉ xoàng thôi, giờ thì ông ấy đã hoàn toàn bình phục, có lẽ không lâu nữa ông ấy sẽ được chuyển ra khỏi bệnh viện. Và lúc đó chúng tôi hết trách nhiệm. Còn họ chuyển đi đâu thì bệnh viện không biết được. Trong hồ sơ chúng tôi chỉ xác nhận ông ấy đã lành vết thương và cho xuất viện thôi.

Cặp lòng đen trong đôi mắt người đàn bà đứng yên bất động. Cuối cùng người đàn bà vụt đứng dậy nói:

-Anh Quyền! Thực lòng anh không muốn cứu anh ấy sao? Thôi được. Chào anh. Cảm ơn anh đã mất gần nửa tiếng để tiếp tôi.

Người đàn bà đứng dậy thì bác sĩ Quyền nói:

-Thôi được, Chuyên cứ viết vài dòng để tôi tìm cách lúc nào thuận tiện tôi sẽ đưa cho ông ấy.

Người đàn bà nhận giấy bút từ bác sĩ Quyền và viết mấy chữ rồi trao lại cho vị bác sĩ giám đốc rồi ra về.

Đang giờ bệnh viện nghỉ trưa, bác sĩ Quyền một mình đến thăm đột xuất bệnh nhân đặc biệt. Bác sĩ Quyền hỏi:

-Ông Trung, ông thấy trong người thế nào?

Bệnh nhân không nhìn bác sĩ, cũng không trả lời.

Bác sĩ lấy trong túi mảnh giấy đưa ra trước mặt bệnh nhân và nói:

-Thư của vợ ông gởi cho ông đấy.

Bệnh nhân nhìn vị bác sĩ giám đốc với ánh mắt nghi hoặc, nhưng rồi cũng mở tờ giấy ra đọc. Chợt mắt anh ta sáng lên. Bác sĩ Quyền hỏi:

-Đúng là chữ của vợ ông chứ?

 Một sự nghi hoặc nào đó trở lại làm ánh mắt bệnh nhân tối sầm. Anh ta nhìn bác sĩ giám đốc, không trả lòi câu hỏi. Nhưng bác sĩ Quyền đã đọc được ý nghĩ trong mầu tối của đôi mắt bệnh nhân. Bác sĩ Quyền nói và đổi cách xưng hô:

-Không có âm mưu nào trong nầy đâu anh đừng nghi ngờ. Anh đã bình phục hoàn toàn, Từ giờ phút nầy anh là người thuộc bên an ninh quản lí. Với anh tôi chỉ là người thầy thuốc. Và theo tôi biết nội trong ngày mai họ sẽ đưa anh rời khỏi bệnh viện. Anh hiểu ý tôi nói chứ.Nhai nát mảnh giấy đi.

Nói xong bác sĩ Quyền bước ra khỏi phòng.

 Sáng hôm sau cả bệnh viện X sửng sốt trước cái tin một bệnh nhân đã trốn thoát khỏi bệnh viện trong lúc đang điều trị vết thương tại một phòng đặc biệt có sự giám sát cùa an ninh quân đội. Người phát hiện đầu tiên là cô y tá trực sáng. Khi đến chích thuốc ca sáng, cô y tá đã chết điếng khi không thấy bệnh nhân đâu cả mà chỉ thấy trên đầu giường bệnh còn lại cái dây xích và bàn tay trái của bệnh nhân bị cắt lìa ra đang mắc trong vòng xích chưa mở khóa.

 

 *

 Lần nầy vợ chồng tôi đến thăm dì Chuyên, nhằm lúc chồng dì đi công tác khỏi. Ba dì cháu ngồi nói chuyện. Dì Chuyên đem chuyện cuộc đời đầy biến động của vợ chồng dì kể cho vợ chồng tôi nghe.

 Chuyện dì kể giống như câu chuyện trong một cuốn tiểu thuyết đầy bi tráng. Tôi hỏi:

-Vậy thì ông bác sĩ Giám đốc ấy đã quen biết với dì trong trường hợp nào?

-Gia đình ông ấy đã bỏ lễ cầu hôn dì cho ông ấy. Nhưng sau đó dì đã mang lễ vật trả lại.

Vợ tôi ngạc nhiên hỏi:

-Sao dì không phản đối từ đầu, để ông bà nhận lễ rồi dì lại mang trả?

-Dì phản đối nhưng gia đình không nghe. Mà dì cũng không trình bày được là dì đã yêu dượng. Bởi hồi đó dượng đang trong tình trạng hoạt động bí mật

-À là do vậy. Vợ tôi lại hỏi: Ai đã đưa ra cái biện pháp kinh khủng ấy để giải thoát cho dượng vậy? 

- Chính dượng của cháu. Vì không còn cách nào khác hơn.

-Trời! Dượng thật là dũng cảm không tưởng tượng được.

Tôi hỏi dì Chuyên:

-Bác sĩ Quyền bây giờ còn sống không dì?

-Sau khi xẩy ra sự việc ấy, bác sĩ Quyền bị cách chức và chuyển công tác. Từ đó đến giờ dì không có tin tức gì về ông ấy.

-Dì có nghĩ ông bác sĩ ấy đánh tiếng để dượng biết mà tìm cách thoát thân, là do trong lòng ông ấy còn yêu dì không?Vợ tôi hỏi.

-Dì chẳng nghĩ gì cả. Có điều là nếu không có ông ấy thì dượng chắc chắn không được sống đến bây giờ. Sau ngày đất nước thống nhất, dượng cũng đã nhờ nhiều người tìm hỏi tung tích nhưng tất cả bạn bè bác sĩ Quyền chẳng ai biết.

 Nói chuyện xong, dì Chuyên đưa chúng tôi đi tham quan phòng làm việc của ông Trung. Một kho sách nhiều không tưởng tượng. Toàn những sách nghiên cứu lí luận chính trị, những sách nghiên cứu lịch sử Đảng. Theo dì Chuyên cho biết thì dượng Trung đã nghỉ hưu, và hiện giờ ông đang tập trung nghiên cứu và viết lịch sử Đảng. Những lúc không viết thì ông đi báo cáo theo lời mời của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến các địa phương.

Tôi thầm nghĩ, nếu cuốn sách của tôi đem tặng cho ông Trung thì rõ ràng không có chỗ để đặt trong cái tủ sách khổng lồ của ông. Vì sách của tôi là loại tiểu thuyết tình cảm. Nó sẽ không giúp gì cho sự nghiệp của ông. Và tôi cảm thấy dễ chịu khi chưa đưa cuốn sách của mình ra để tặng dì Chuyên, mặc dầu trước lúc đến thăm tôi có mang theo một cuốn.

Tham quan phòng làm việc của ông Trung xong ba dì cháu trở lại phòng khách. Dì Chuyên nói:

-Lúc nào cháu đến thăm lại, nhớ mang tặng dì một cuốn tiểu thuyết cháu viết nhé.

 Vợ tôi nhanh miệng:

-Dạ anh có mang theo một cuốn vừa xuât bản để tặng dì để trong cốp xe. Để cháu ra lấy.

 Dì Chuyên đang mân mê cuốn tiểu thuyết cùa tôi trong tay thì ngoài cổng chiếc xe chở dượng Trung đi công tác đã về.

Dượng Trung niềm nở bắt tay vợ chồng tôi. Tôi để ý bàn tay còn lại của dượng là bàn tay giả. Dượng hỏi thăm sức khỏe ba mẹ tôi, tình hình học tập của con cái tôi. Tôi ngạc nhiên là ông còn nhớ cả tên hai đứa con của tôi. Mặc dù vợ chồng tôi chỉ đưa hai đứa nhỏ đến thăm ông bà có một lần cách đây đã gần hai năm.

Dì Chuyên trao cuốn sách của tôi cho ông và nói:

-Cháu nó mang cuốn tiểu thuyết cháu viết đến tặng ông đấy.

Ông Trung nhìn tôi ngạc nhiên:

-Nhà vật lý (ông Trung vẫn thường gọi đùa thân mật tôi như vậy) mà viết văn? Lại viết tiểu thuyết nữa. Dượng bất ngờ đấy. Trước hết dượng cảm ơn và chúc mừng cháu. Lúc nào có thời gian dượng sẽ đọc.

Tôi rào đón:

-Cháu viết tiểu thuyết tình cảm. Loại đó chắc dượng không đọc.

Ông Trung lắc đầu cười:

-Không có cuốn sách nào là không đáng đọc cả. Mỗi cuốn sách thể hiện một phần của con người. Muốn hiểu về một người đâu phải dễ cháu.

Nói xong ông trao cuốn sách lại cho dì Chuyên, rồi tiếp tục hỏi thăm về những người bà con xa gần. Chừng khoảng mươi phút thì ông chào chúng tôi để lên gác.

-Dượng phải tranh thủ nghỉ một lát vì chiều nay còn có việc…

 Hai vợ chồng tôi đứng dậy chào dì dượng và cũng xin phép ra về. 

 Lúc về nhà tôi nói với vợ:

-Anh định không đưa cuốn sách ấy ra nhưng em đã lỡ nói…

-Sao vậy? Không phải trước lúc đi anh mang theo để tặng dì dượng sao?

-Anh thấy trên kho sách của ông Trung không có chỗ dành cho loại sách của anh. Em không nghe dượng ấy nói à. Ông chỉ đọc lúc nào có thời gian. Đọc một cuốn sách mà cũng không có thời gian? Mà anh không trách. Ông Trung bận công việc của ông, hơn nữa cuốn sách của mình không nằm trong phạm trù nghiên cứu của ông. Chỉ vậy thôi.

Vợ tôi nói như để an ủi tôi:

-Đọc hay không là tùy dượng. Mình tặng dì Chuyên là tấm lòng của mình thôi. Hơn nữa dì Chuyên xin mà.

 

 Bẳng một thời gian gần hai năm vì bận công việc, vợ chồng tôi không đến thăm dì Chuyên. Cho đến một hôm nghe tin ông Trung bệnh nặng phải nhập viện. Vơ chồng chúng tôi đến thăm ông tại bệnh viện. Dì Chuyên cho biết ông đã vào nằm viện gần ba tháng nay. Mặc dầu lúc đó sức ông đã quá yếu. Gặp vợ chồng tôi ông rất mừng. Ông nói:

-Cuốn sách của cháu dượng vừa đọc xong cách đây hơn một tuần.

-Vậy mà cháu cứ nghĩ là dượng sẽ không đọc loại sách nói về tình yêu.

Ông Trung mỉm cười, dù trông ông có vẻ mỏi mệt, nhưng giọng ông vẫn tỉnh táo rành rọt:

 -Sao lại không. Tình yêu có khả năng giúp con người ta vượt lên trên mọi thấp hèn đố kỵ để làm nên những điều tốt đẹp. Trong tiểu thuyết cháu cũng khẳng định điều đó, đúng không?

 Vợ chồng tôi về nhà, một tuần sau thì được tin ông Trung qua đời.


 An nhơn ngày 1-3-2015 ( 11 tháng giêng Ất mùi)
ĐANG ONLINE: 1 NGƯỜI