Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Chuyện kể


Chuyện kể sau ngày 20/11

Mặc dầu gia đình tôi đã dời vào thành phố HCM gần mười năm nay, nhưng tôi vẫn trở về An nhơn mỗi năm hai lần, đó là dịp Tết và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Về thăm gia đình đứa con gái đang dạy học ở đây và cũng về để thăm bạn bè đồng nghiệp cũ. Tôi định về trong chuyến bay ngày 15/11 và đã mua vé trước ngày khởi hành đúng một tuần. Thế nhưng trong thời gian chờ ngày bay tôi lại nhận được ba giấy mời của ba nhóm cựu học sinh An nhơn tại thành phố HCM. Cảm ơn các em, thôi hẹn 20/11 năm sau vì thầy đã mua vé máy bay lỡ rồi. Đành phải vậy thôi.

Vừa đến nhà tối hôm đầu, sáng hôm sau hai vợ chồng tôi chở nhau đi thăm một anh học sinh cũ. Anh Phạm thành Hội là một học sinh cũ của tôi, lại cùng tuổi với tôi, nghĩa là cùng tuổi dậu nhưng kém tôi một giáp. Hội năm nay sáu mươi tuổi. Bệnh nặng điều trị mấy tháng nay nhưng chưa lành hẳn. Gặp Hội tại nhà , hai vợ chồng mừng rỡ. Đang buồn lại nghe Hội báo tin Phan trường Tám vừa mất cách đây ba tháng. Trời đất! Sao không cho thầy biết? Dạ trong thời gian nầy em đau chúi lúi. Ừ hiểu rồi. Phan trường Tám học cùng lớp với Hội. Thuộc nhóm học sinh gồm mươi em, thường tổ chức gặp mặt thầy trò trong những dịp tôi trở về An Nhơn. Mỗi lần gặp mặt, thấy thầy trò ai cũng đã lớn tuổi, có lần tôi đã nói, nửa đùa nửa thật: Các em không được ai đi trước đấy. Chúng em phải đợi ngày đưa thầy rồi mới tính chuyện ra đi nhé. Nhớ đấy.

Thế nhưng Phan trường Tám đã không giữ lời hứa, bỏ thầy mà ra đi đột ngột quá. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống…Hôm vợ chồng tôi ra thắp nhang cho người học trò cũ, đúng vào dịp lễ cúng nhang một trăm ngày. Trên bàn thờ Trường Tám đang nhìn tôi mỉm cười. Tôi chảy nước mắt. Cậu đang xin lỗi thầy đấy phải không Tám? Nhẹ nhàng thôi phải không em? Thầy cũng nghĩ thế. Nhưng nỗi đau mất mát người thân của người ở lại thì không thể nào nhẹ nhàng được.!!!

Vợ Trường Tám cầm tôi ở lại dùng cơm. Thôi được chị. Chị cứ vào lo công việc lễ lược cho chu tất. Có dịp tôi sẽ ghé về thăm chị và các cháu.

Vĩnh biệt cậu học trò thân yêu, tôi trở lại nhà. Người con gái nói:

-Có một người học trò cũ đến thăm ba.

-Có nói tên gì không?

-Dạ chú Ba. (Tôi tạm dấu tên thật)

Ba nào nhỉ. Tôi lẩm bẩm.

-Dạ chú Ba bán hàng ngoài chợ ấy mà.

-À Ba –Vị. Ai báo mà cậu ấy biết mình về nhanh vậy nhỉ ?

-Ai mà không biết anh về,vợ tôi nói, trên mạng anh đã thông báo ngày về cho bạn bè rồi mà.

-À đúng rồi. Vợ tôi thì bao giờ cũng lanh trí hơn tôi.

Ba -Vị cũng cùng một nhóm với Phạm thành Hội. Hồi còn học trung học tên là Ba. Ba là học sinh giỏi toán của tôi. Sau bảy lăm Ba đi dạy học, đổi tên là Vị. Không biết vì lí do gì, Ba bị giảm biên. Ba thất nghiệp ra chợ ngồi phụ bán hàng với vợ. Buồn vì sự nghiệp không nên cơm hồ, Ba đâm ra rượu chè . Có người bạn của cậu kể, nửa đêm nghe tiếng gõ cửa, ra mở thì thấy Ba nhào vào nhà rồi nằm bẹp xuống nền, chỉ nói được mấy tiếng: Tao đến thăm vợ chồng tụi bây. Nói xong ngủ khì. Biết Ba say nên bạn phải lấy xe chở về nhà. Nói năng thì tiếng được tiếng mất. Lễ nghĩa cũng đủ, mà không phép không tắc cũng quá. Mà thôi những người bất đắc chí, thương thì có, ai trách.

-Con nói với chú ấy sao?

-Dạ ba đi thăm bạn bè chưa về. Con gái tôi kể: Chú ấy nói: Không tin, rồi bước nhanh vào nhà định lên gác, nhưng rồi quay lại nói: Thôi. Chú ấy bước ra xe miệng còn lẩm bẩm: Không tin.

Tôi nhìn con gái hỏi:

-Chú ấy nói không tin là sao.

Con gái tôi cười:

-Chú ấy nói, ba bận tâm làm gì

Nói vậy nhưng suốt chiều hôm đó lòng tôi vẫn cứ băn khoăn, cậu ấy nói Không tin. Cậu ấy không tin vào điều gì nhỉ.

Sáng hôm sau vợ chồng tôi đến thăm nhà một nữ giáo viên dạy cùng trường hồi trước. Thôi thì nên giấu tên mà gọi là chị X cho tiện. Chị X lâu ngày gặp vơ chồng tôi mừng rỡ, cuống quýt. Vào nhà, vào nhà. Ui chà lâu ngày quá. Chị chạy thẳng vào buồng miệng nói: Để mình vào gọi ông xã mình.

Đi ngang qua cửa phòng mà chị X đứng trong đó, thấy có một người đàn ông đang nằm, đó là ông xã của chị X. Dù lớn tuổi nhưng năm ngoái gặp anh thấy anh vẫn còn khỏe và minh mẫn, nghe nói anh ấy đang giữ chức chủ tịch gì đó, hội người cao tuổi, hay hội khuyến học gì gì đó, cái hội thường dành cho người nghỉ hưu, đã mấy năm nay. Đi qua khỏi cửa phòng, vợ chồng tôi đứng đợi chị X. Nghe chị rầm rì to nhỏ với chồng. Thấy hơi lâu tôi gọi vọng vào: Thôi chị X, anh mệt thì để anh nằm nghỉ, nói chuyện với chị cho vui cũng đươc.

Chị X bước ra vẻ không tự nhiên, chị nói: -Anh ấy mệt.

Mệt thì đúng thôi. Chừng ấy tuổi mà còn làm việc được là quá giỏi rồi.

Nói chuyện với chị X được một hai phút thì chị X lại có khách. Khách cũng là một học sinh cũ của tôi. Trước đây giữ chức vụ lớn ở huyện, không biết nay đã về hưu chưa.

Người khách chào và bắt tay tôi vui vẻ.

-Thầy vẫn khỏe?

-Cảm ơn cũng được được. Tôi cười và người khách cũng cười.

Người khách hỏi chủ nhà :

-Có anh Y ở nhà không chị X.

-Dạ anh đang ở trong phòng.

Người khách lớn tiếng gọi giọng bông đùa:

-Anh Y ơi, làm gì cả đêm mà giờ nầy còn ngủ. Dậy bàn chút việc nầy coi.

Từ cửa phòng ông Y chồng chị X bước ra mặt mày tươi tỉnh, không có chút gì mỏi mệt. Y nhanh nhẹn bước đến bắt tay vị khách, nói:

-Anh ngồi đây tôi xuống lấy nước uống. Ông Y quay sang tôi cười, cái cười không biểu lộ một thứ tình cảm nào và hỏi: Hai vợ chồng ra chơi được mấy ngày? Xong ông Y thoăn thoắt xuống bếp. Giây lát ông bưng khay nước lên, tôi đứng dậy chào mọi người. Chị X mời mọc:

- Sao nước bưng ra rồi mà không nán lại uống một miếng.

-Thôi được chị chúng tôi không khát.

Ra xe tôi nói với vợ:

-Chúng ta đến chợ một lát.

-Anh định mua gì?

-Không. Vào chợ tìm cậu học trò tên Ba. Anh dã hiểu ý nghĩa chữ không tin mà cậu ấy nói rồi.

-Do đâu mà anh hiểu?

-Qua thái độ của ông Y vừa rồi.

Không giải thích gì thêm, tôi chỉ nói với vợ mà như nói với chính mình:

-Sống đừng bao giờ vô tình trước một tấm lòng ai đó đã dành cho mình.

 
 An Nhơn 20/11/2017
NBT
ĐANG ONLINE: 3 NGƯỜI