Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Chỉ của riêng mẹ


 Con gái của Hạnh đi lấy chồng không xa lắm. Hai gia đình chỉ cách nhau chưa đầy hai chục cây số. Thế nhưng đôi khi đến hai ba tháng con gái mới về thăm cha mẹ đẻ một lần. Cũng được miễn sao hai vợ chồng nó hạnh phúc. Hạnh thường nói với chồng vậy. Nhưng trong lòng nàng lại rất nhớ và mong gặp con gái. Hai vợ chồng chị chỉ có một mụn con gái là Thúy, bảo sao không thương không nhớ. Hồi còn học đại học, mỗi lần về thăm nhà, tối đến Thúy không ngủ ở phòng riêng. Vào phòng cha mẹ, cô gái rượu vẹt cha ra rồi lăn vào giường nằm cùng mẹ. Thúy cười bảo cha-Ba cho con mượn mẹ một đêm, đừng buồn nha ba. Căn phòng đầy ắp tiếng cười của hai mẹ con Thúy.

Kể từ ngày Thúy lấy chồng, những đêm vui vẻ như thế không còn nữa. Hạnh hiểu ra, vì sao ngày mình đi lấy chồng mẹ lại khóc sướt mướt. Thế nhưng, những năm tháng sau đó mỗi lần Hạnh cùng chồng trở lại thăm nhà thì khuôn mặt mẹ lại rạng rỡ. Hạnh có nán lại lâu hơn một chút, mẹ cũng hối thúc về đi. Bởi mẹ biết Hạnh đang có một tổ ấm mới. Mỗi người đàn bà chỉ có một tổ ấm duy nhất. Nên khi người con gái đã rời gia đình đi lấy chồng nếu không được hạnh phúc, thì ngôi nhà cũ nơi mình lớn lên sẽ trở nên lạnh lẽo. Dù ở đó còn có cha mẹ, còn có anh chị em.

Do vậy mà vợ chồng Hạnh rất lo buồn khi nghe con gái ngỏ lời muốn trở về nhà của cha mẹ. Đã nhiều lần Hạnh gạn hỏi con, nhưng Thúy chỉ lắc đầu.

-Con không muốn có chồng nữa. Thúy nói với mẹ trong nước mắt.

-Con điên rồi à, con chỉ nói được câu ấy khi chưa có hôn nhân. Bây giờ con đã có chồng, sao có thể nói vậy được.

-Sao không được hả mẹ. Có chồng rồi thì li hôn, muộn màng gì đâu. Tụi con cũng chưa có con cái gì mà sợ chia đàn xẻ nghé tội cho nó.

-Nhưng mẹ hỏi lần nữa, tại sao lại như vậy? Thằng Dũng không còn yêu con nữa hay sao?

Thúy lắc đầu không nói.Giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt Thúy.

-Hai vợ chồng lấy nhau mới được hơn một năm, sao lại xẩy ra nông nổi nầy. Con bảo thằng Dũng vẫn còn yêu con, vậy sao mỗi lần về thăm nhà con lại khóc và đòi li hôn? Mẹ chẳng hiểu ra làm sao cả. Hay có chuyện gì đã xẩy ra giữa con và mẹ chồng con không?

-Dạ không.

-Chị Hiền mẹ thằng Dũng là bạn của mẹ. Chị ấy hiền hậu tính nết dễ thương, ai cũng mến. Có gì thì con cứ nói, mẹ sẽ trao đổi lại với mẹ chồng con. Chị ầy không ghim gút như người ta đâu.

-Dạ không có gì đâu mẹ.

-Chồng như thằng Dũng mẹ thấy nó hết mực yêu thương, nuông chìu con, mẹ chồng cũng thương. Vậy thì cớ gì mà đòi li hôn. Hay con nghe ai nói gì? Nếu vậy thì đừng con ạ. Người đời hay xúc xiểm ghen tị lắm. Thấy người ta ăn sang mặc đẹp cũng ghét, thấy người ta hạnh phúc cũng ganh. Bạn bè nam cũng như nữ, con phải thận trọng lúc giao lưu kết bạn. Mình có chồng rồi không phải như lúc còn sinh viên học sinh nữa đâu. Mà tính con mẹ biết, tiếp xúc với bạn bè đừng có quá buông tuồng vô tư như hồi còn trẻ là không được đâu đấy. Mẹ chồng nào thấy vậy người ta đều không ưa cả.

-Ngoài giờ làm việc ra con ở nhà không giao lưu bè bạn cùng ai đâu, mẹ đừng lo. Ngay cả việc về thăm ba mẹ đây mà con cũng không có thì giờ, lấy đâu ra lúc rảnh mà chơi bời.

-Mẹ không biết, chỉ dặn chừng vậy thôi.

Ngẫm nghĩ một lát, giọng người mẹ trở nên dịu dàng, nhỏ nhẹ như sẵn sàng thông cảm và chia sẻ hết mọi điều thầm kín nhất với con gái, Hạnh nói:

-Bây giờ chỉ có hai mẹ con mình thôi. Con nói thật cho mẹ nghe thử, có gì trục trặc trong chuyện vợ chồng giữa hai đứa bây. Mẹ không thể bằng lòng theo ý con khi chưa biết nguyên nhân nào khiến hai vợ chồng con không được hạnh phúc. Nếu biết được nguyên nhân thì ba mẹ sẵn sàng nghe theo ý của con. Ba mẹ sẵn sàng làm tất cả những gì có thể cho con cái được hạnh phúc.Con biết tính ba mẹ rồi đấy.

Người con gái vẫn im lặng. Lại hai giọt nước mắt chảy dài trên má Thúy.

 Hạnh bất lực nhìn con. Chợt lòng nàng đau nhói khi nhận ra vẻ hốc hác trên khuôn mặt con gái. Có điều gì nghiêm trọng lắm đây. Mà tại sao con gái không chịu nói với mình. Lúc còn đi học thì những thắc mắc gì thầm kín nhất của người con gái mới lớn, Thúy đều tâm sự để mẹ giải thích và chia sẻ lo lắng của mình. Thúy đối với mẹ, ngoài tình mẫu tử, còn có cái gì đó thân thiện, hòa đồng, cởi mở hơn thế nữa. Sao bây giờ việc gia đình của mình Thúy lại dấu bưng dấu bít mẹ. Hạnh không biết một tí gì về lí do con gái đòi li hôn với chồng. Thấy dỗ dành không được, Hạnh làm bộ mặt giận. Mà thực tình nàng cũng giận.

-Vậy thì việc của con, con cứ giải quyết. Mẹ không cần phải biết. Trưa ba con đi làm về, con nói với ông ấy một tiếng. Còn không muốn thì thôi.

.

 *

Hạnh hỏi chồng:

-Con Thúy có nói gì với anh không?

Hùng lắc đầu:

-Không. Có chuyện gì vậy em? Mà sao anh thấy con Thúy dạo nầy ít ghé về thăm nhà. Mà mỗi lần về thấy mặt nó buồn buồn. Anh định hỏi em, nó có nói với em gì không.

-Nó đòi li hôn với thằng Dũng.

-Li hôn! Có chuyện gì vậy? Chắc nó bắt gặp thằng Dũng tằng tịu với con nào chứ gì.

-Không biết, em tra gạn mãi, cách gì nó cũng không nói. Nó chỉ nói không muốn có chồng nữa.

-Em là đàn bà, tìm cách tâm sự với con coi chuyện gì đã xẩy ra giữa hai vợ chồng nó.

Chắc chắn phải có chuyện gì đấy. Hay ngày mai em gặp chị Hiền hỏi thăm con gái mình sang làm dâu chị ấy có vấn đề gì làm chị ấy không vừa lòng không. Bạn bè thân thiết với nhau là một việc, còn con gái mình làm dâu nhà người ta lại là việc khác. Đôi khi con Thúy ăn ở có cái gì đó không phải mà vì nể mất lòng mình người ta không nói ra. Chỉ làm căng với nó cũng nên.

-Chắc không có đâu. Tụi em vẫn gặp nhau luôn, có gì thì chị ấy nói ra liền không để bụng đâu. Có Lần con Thúy luộc mấy cái trứng bỏ quên làm cháy cả son lẫn trứng. Cả nhà nghe mùi khét và thấy khói xông lên, chạy xuống thì vỏ trứng đã cháy thành than rồi. Anh biết Hiền nói với con dâu sao không: Má chỉ quen ăn món thịt heo thưng thôi, bây giờ con Thúy cho cả nhà thưởng thức món trán thưng đấy.

Thế là cả nhà cùng cười vui vẻ.

-Trán thưng là sao?

-Là trứng than ấy mà.

 Đến lượt Hùng cũng cười. Anh nói:

-Vậy gia đình người ta sống cởi mở thế, rõ là con Thúy nhà mình sướng quá hóa khùng hay sao vậy.

Nhưng anh nghĩ lại:

-Nói vậy nhưng chắc là có uẩn khúc gì đây, em phải đến gặp gia đình người ta, trước là để thăm nhưng cũng là để dò la coi thử gia đình họ có gì không bằng lòng về con gái mình không.

-Chúng ta có đi cả hai người không?

-Chưa có chuyện gì xẩy ra, em đi một mình cũng được. Hai chị em tâm sự với nhau dễ dàng hơn. Có anh nữa thành ra câu chuyện nghiêm trọng. Đến lúc nào đó cần thiết thì anh sẽ đi.

 

 *

Dũng đi công tác xa, gần một tuần nay anh mới về nhà. Tối lại anh có dịp hàn huyên với vợ. Thấy đã hơn chín giờ, biết mẹ thường hay đi ngủ sớm, Dũng khóa trái cửa phòng ngủ. Anh ôm Thúy vào lòng, nói vào tai vợ:

-Mới mấy hôm mà anh nhớ em quay quắt. Anh đặt tay lên thân thể nàng vuốt ve âu yếm và rót vào tai vợ những lời cảm xúc ngọt ngào:

-Đêm nay em phải bù cho anh cả một tuần đấy.

-Anh yêu của em! Anh thấy thiếu bao nhiêu thì cứ lấy ở em đi mà đắp bù cho đủ. Chúng ta là của nhau rồi mà.

Đang say đắm trong cảm xúc chồng vợ, chợt Thúy có một cảm giác như có những giọt nươc giá băng chạy từ những ngón tay của Dũng lăn xuống bụng rồi gieo cảm giác tê cứng xuống hai bắp vế của nàng. Khi nàng nhớ lại câu nói của mẹ chồng -Thằng Dũng là của má, không của ai cả. Ở cái nhà nầy con phải hiểu điều đó.

 Vừa lúc ấy chợt có tiêng ho húng hắng rất nhỏ ngoài cửa. Thúy vội vàng mặc quần áo trở lại. Nàng hé cửa nhìn ra ngoài. Chợt Thúy thét lên một tiếng, đóng sập cửa lại. Nàng run lẩy bẩy, hai tay ôm ngực như muốn ngạt thở. 

-Gì vậy em?

-Má!

Dũng tưởng vợ nói ma, anh trấn an:

-Ma quỷ nào mà ma quỷ.

Thúy lặp lại: Má!

Dũng không tin ở tai mình, anh bước lại phía cửa hé mở ra nhìn. Dũng buột miệng:

-Má ! Má làm gì ở đây vậy?

Hiền mẹ của Dũng đang ngồi xếp bằng trên tấm chiếu con, hai tay khoanh trên vế, đặt lên cuốn kinh Phật, hai mắt nhắm nghiền trong tư thế ngồi thiền.

Dũng lặng lẽ khép cửa bước đến giường ngồi xuống. Anh nói thật khẽ với vợ:

-Má đang ngồi thiền.

Thúy thầm thì vừa đủ cho chồng nghe:

-Sao má lại ngồi thiền ngay trước cửa buồng mình?

Dũng lắc đầu. Hai người im lặng. Một chặp lâu phải đến mấy phút, cánh cửa buồng chợt hé mở. Hiền bước vào trên tay cầm cuốn kinh.Với giọng nhỏ nhẹ ngọt ngào, Hiền nói với con trai:

-Sao hai con bảo hai con là của nhau, vậy thì má chẳng còn con trai của má nữa sao! Dũng à!

-Dạ

-Má mới vừa gặp ba con.

-Gặp ba con? Dũng kinh ngạc kêu lên.

-Ừ má vừa gặp ba con tối hôm qua-Hiền lặp lại với con- Đêm nay ba con sẽ về thăm con đấy. Con lên bàn thờ thắp nhang cho ba con đi. Lát nữa má sẽ trở lại nói chuyện với con. Còn con Thúy, đêm nay con sang phòng má mà ngủ, má có chuyện muốn nói với thằng Dũng. Đi, đi con.

Nói xong Hiền cầm cuốn kinh bước ra khỏi phòng.

 *

Hai vợ chồng Hạnh đến nhà Hiền.

 Hùng nói với mẹ chồng của con, giọng cố kìm nén để giữ bình tĩnh:

-Tôi hỏi thật chị, con gái tôi đến làm dâu chị có điều gì không phải thì chị cho vợ chồng tôi biết để vợ chồng tôi tìm cách bảo ban dạy dỗ lại con gái của mình.

Với vẻ mặt hiền hòa và giọng nói từ tốn như mọi khi, Hiền nói:

-Không có gì cả. Nếu có gì thì tôi đã nói lại với Hạnh rồi. Từ lâu chúng tôi thân nhau như chị em một nhà. Không có gì phải khách khí đâu.

Hùng nói:

-Chị đã nói giữa chị và vợ tôi thân nhau như chỗ chị em thì tôi cũng thưa với chị điều nầy.

-Anh cứ nói.

-Không biết sao con Thúy nhà tôi mỗi lần về thăm nhà nó đều khóc và xin chúng tôi cho nó được trở về nhà mà không muốn làm dâu nhà chị nữa. Chúng tôi gạn hỏi hoài mà nó không nói. Vậy chị có thể cho tôi biết vì sao không?

Hiền im lặng một hồi lâu. Chợt hai vợ chồng Hạnh thấy Hiền cháy nước mắt. Rồi Hiền nói giọng có vẻ ân hận:

-Tôi chẳng biết nói với vợ chồng anh sao. Thú thật khi thằng Dũng nhà tôi lấy vợ, tôi buồn lắm. Anh Thành chồng tôi mất từ lúc tôi hai mươi tám tuổi. Hồi ấy thằng Dũng chỉ mới ba tuổi.Ở vậy nuôi con. Tôi dành tất cả tình cảm của tôi cho đứa con trai của mình. Bây giờ thằng Dũng lấy vợ, tôi thấy mình cô độc quá. Như thể tôi vừa mất thêm một đứa con trai. Tôi sẽ không còn ai trên đời nầy nữa- Hiền bật khóc-Tôi không muốn con trai tôi chỉ dành riêng cho vợ nó. Không. Nhất định nó là của tôi. Không ai được cướp nó ra khỏi vòng tay của tôi.

 Không kìm được, Hiền khóc hu hu thành tiếng.

Nhìn Hạnh, Hiền nói qua nước mắt:

-Tôi cũng thương con Thúy lắm. Giá như nó là con gái của tôi mà không phải là vợ của thằng Dũng nhà tôi thì hay biết mấy. Mong anh chị hiểu cho tấm lòng thương con của tôi mà bỏ qua những gì tôi đã sống không phải với con gái anh chị.

 Hạnh thấy lặng người, quả thật một tình huống mà Hạnh không bao giờ nghĩ tới. Hạnh thấy lòng mình thương Hiền hơn là oán trách.

Nhìn chồng thử coi Hùng có nói gì không, nhưng Hạnh thấy chồng cũng tỏ ra hết sức bối rối.

Đợi Hiền qua cơn xúc cảm, Hạnh nóí với bạn:

-Hiền đừng nghĩ mình mất một đứa con trai mà phải nghĩ rằng mình có thêm một đứa con gái. Rồi mai mốt đây Hiền có thêm một đàn cháu nội xinh xắn nữa. Hiền không nghĩ vậy để thấy mình hạnh phúc sao?

-Nghĩ vậy thì tôi cũng đã từng nghĩ. Nhưng thực hiện thì sao khó quá.

Hiền lau khô nước mắt và cười tê tái:

 -Mà thôi anh chị cứ yên tâm về đi, từ nay tôi sẽ cố gắng sống như anh chị nói.

 

 *

Vừa đi làm về Thúy thấy mẹ chồng đang sắp xép áo quần vào một chiếc túi xách. Ở góc phòng một chiếc túi khác đã chất đầy đồ dùng hằng ngày của mẹ chồng.

-Má chuẩn bị đi đâu mà sửa soạn đồ đạc vậy? Thúy hỏi.

-Má vào trại dưỡng lão.

-Vào trại dưỡng lão? Thúy ngạc nhien hỏi. Sao má không ở với chúng con mà vào trại dưỡng lão? Má đã bàn với anh Dũng chưa?

-Má vào ở đó để có bạn già nói chuyện cho vui.

-Bạn già? Má đã già đâu. Ở đó toàn những người già cả neo đơn, không thích hợp với má đâu. Đợi anh Dũng về có chi anh bàn với má. Mà má đã liên hệ với ban tổ chức của trại dưỡng lão chưa?

- Rồi. Chẳng có gì phải bàn bạc nữa con ạ.

Tối đó hai vợ chồng Dũng năn nỉ hết lời nhưng Hiền vẫn không chịu. Người mẹ vẫn khăng khăng một mực đòi vào ở trại dưỡng lão.

Thúy nói:

-Má đừng làm vậy. Tụi con có gì làm má không vừa lòng thì má cứ dạy bảo.

-Không. Ba mẹ con cũng nói vậy, nhưng không có gì đâu.

-Hay là con xin phép má và anh Dũng, cho con sang ở nhà ba mẹ con một thời gian.

-Không được. Làm vậy thì má vô tình chia đàn xẻ nghé hai vợ chồng con. Lại càng khó ăn nói với ba mẹ con. Thôi cứ để má qua đó ở một thời gian. Nếu thoải mái thì má ở luôn, không thì má về.

 Thấy can ngăn hoài không được, Dũng bàn với vợ cứ để má sang đó một thời gian, chắc chắn thế nào má cũng chán, lúc đó hai vợ chồng sẽ sang đưa má về.

 

 *

Ở trại dưỡng lão thời gian đầu, cứ hai ba hôm Dũng đến thăm má một lần. Vắng mặt con trai Hiền lại thấy buồn hơn. Hiền muốn quay về nhà nhưng nghĩ cảnh con trai và con dâu quấn quýt lấy nhau, Hiền lại càng thấy mình bị bỏ rơi nên không chịu nổi.

 Một buổi sáng, những ông bà già đang tập thể dục trong sân trại dưỡng lão, Hiền ra ngồi một mình ở chiếc ghế đá dưới gốc cây. Nghĩ không còn ai trên đời nầy để tâm sự, bất giác Hiền chảy nước mắt. Vừa lúc một người đàn ông đi qua. Người đàn ông trạc lục tuần, da dẻ hồng hào nhưng đầu tóc thì bạc trắng như cước, phủ chấm vai, trông dáng rất nghệ sĩ. Ông mỉm cười chào Hiền và hỏi:

-Sao chị không ra cùng tập với mọi người cho vui.

-Sáng nay tôi hơi mệt. Anh không tập nữa à?

-Sáng nay trở trời sao ấy mà cái lưng tôi nó đau quá. Nghỉ sớm một buổi.

Rất tự nhiên, người đàn ông ngồi xuống ghế đá cạnh Hiền. Ý tứ, ông ta ngồi xích ra đầu mép ghế để giữ một khoảng cách khá rộng giữa hai người. Người đàn ông bắt chuyện:

-Chị năm nay bao nhiêu tuổi.

-Dạ năm mươi lăm. Còn anh?

-Chị đoán thử?

-Quả thật tôi không thể đoán được.

-Cứ nói một con số nào đó mà chị nghĩ là có thể. Nếu nhiều hơn so với tuổi của tôi thì tôi sẽ rất vui vì nghĩ rằng mình trẻ hơn tuổi.

-Lỡ ít hơn thì sao?

-Còn ít hơn thì tôi lại càng vui hơn, bởi nghĩ rằng, dù cuộc đời nầy quá ngắn ngủi nhưng mình đã biết sống nhiều hơn năm tháng mình đã sống.

Hiền phá lên cười và cảm thấy vui vui trước người đàn ông ăn nói hoạt bát và vui tính.

 Sau buổi gặp gỡ ấy, Hiền và người đàn ông thường chuyện trò với nhau trên chiếc ghế đá sau mỗi buổi tập thể dục sáng hoặc chiều.

Hiền biết người đàn ông tên Nguyên ấy chết vợ đã mười mấy năm. Hiện có hai con trai và một con gái đứa nào cũng đã có gia đình và có cuộc sống ổn định.

-Sao anh không ở nhà để được con cái săn sóc và đùa vui cùng đám cháu mà lại gởi thân tuổi già nơi đây?

Người đàn ông tâm sự:

-Cái chết của vợ tôi gây cho tôi một cái sốc quá lớn. Mấy thàng đầu tôi có cảm giác như mình không sống nổi. Nói đúng hơn lúc đó tôi cũng muốn chết theo bà ấy. Tôi bị bệnh trầm uất dẫn đến tâm thần nhẹ. Cứ ngồi một mình là tôi nói nhảm. Tôi tưởng tượng có bà ấy đang ngồi bên cạnh và tôi nói chuyện suốt ngày với bà ấy.Tôi nhắc lại những ngày hai vợ chồng khốn khó và cả hai cùng chịu đựng để nuôi con cái lớn lên như thế nào. Tôi nhắc lại những kỷ niệm vui buồn trong suốt quảng đời chúng tôi sống cùng nhau…

Một hôm đứa con trai thứ hai của tôi bắt gặp tôi đang nói một mình, nó hỏi:

-Ba đang nói gì với ai vậy?

-Ba đang nói chuyện với mẹ con.

Đứa con trai nhìn quanh căn phòng vắng vẻ, nơi hai vợ chồng tôi từng sống mấy chục năm qua, nó lắc đầu ái ngại. Sau đó mấy anh em nó bàn bạc với nhau đưa tôi vào trại dưỡng lão để có bạn bè trò chuyện. Nó nghĩ để tôi ở nhà vắng vẻ một mình tôi sẽ lún sâu vào căn bệnh trầm uất. Cũng đúng như vậy, vào đây mấy tháng đầu tôi thấy khó chịu thật. Nhưng dần dần có người để chuyện trò tôi cũng nguôi ngoai bớt. Tôi sống ở đây được ba năm rồi và cũng suy gẫm ra được nhiều điều. Mỗi lần nhớ bà ấy, tôi không chuyện trò với bà nữa mà tôi sáng tác nhạc. Tôi viết cho bà ấy và hát cho bà ấy nghe. Trước đây tôi cũng là nhạc sĩ nhưng không tăm tiếng gì. Thế mà những bản nhạc sau nầy tôi viết, có bản được nhiều người ưa chuộng đấy. Nếu chị muốn nghe thì tôi hát vài câu cho chị nghe nhé. Chị ngồi đây tôi về phòng lấy cây đàn.

Ông Nguyên đi nhanh về phòng lấy chiếc đàn ghi ta cũ kỹ ra ngồi cạnh Hiền. Ông so dây, đánh đàn và hát nho nhỏ. Giọng ông trầm ấm lạ lùng

Ông Nguyên hát xong Hiền sững sờ:

-Thì ra anh là nhạc sĩ…

-Còn chị? Chị vào đây trong trường hợp nào.

Từ lâu không có người để tâm sự, Hiền như có dịp trút hết nỗi niềm. Bộc bạch hết tâm sự của mình, Hiền nói:

-Vậy đấy anh Nguyên à. Chồng tôi chết, tôi gần như mất tất cả. Hy vọng cuối cùng để sống tôi bám víu vào tình thương của đứa con trai. Nhưng kể từ khi nó lấy vợ tôi thật sự hụt hẫng. Tôi không cam tâm nhìn con trai tôi san sẻ tình yêu thương cho vợ nó. Nó là con trai tôi, nó chỉ là của tôi thôi anh à. Tôi không chịu nổi mỗi khi nghe con dâu nói: Anh của em. Anh của em, như vậy tôi chẳng còn gì nữa sao? Nhưng như anh biết, có cha mẹ nào lại cấm con cái mình lập gia đình. Vậy là tôi vào đây như một sự trốn chạy. Một sự đầu hàng trước định mệnh.Vào đây có nghĩa là tôi phải chấp nhận mình mất tất cả.

Hai tay Hiền úp mặt như không muốn người đàn ông thấy nỗi đau khổ của mình. Một lát Hiền buông hai tay xuống và nói:

-Tôi vào đây trong trường hợp như thế đấy anh Nguyên ạ.

 Người đàn ông ngồi lẳng lặng nhìn Hiền.Một lát ông nói:

-Những ngày ở đây tôi đã học được trong kinh sách nhà Phật cái ý nầy: Trong đời nầy chẳng có cái gì là của ta cả. Ngay chính thân xác ta cũng không phải của ta. Con người thường nhận những cái không phải của mình làm của mình, do đó khi mất đi nó khiến ta đau khổ. Rõ ràng như chị thấy đấy: Chị nhận người chồng đáng yêu là của chị nên chị đã đau khổ lúc mất anh. Chị nhận đứa con trai là của chị, nên khi mất nó chị thấy đau khổ. Rồi nếu chị nhận cô dâu là con gái, nó cũng là của chị, thì có gì bảo đảm cô con dâu kia không có lúc nào đó sẽ mất đi. Và lúc đó chị lại thêm một lần đau khổ nữa. Con người ta càng có nhiều thứ thì càng đau khổ nhiều. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là sống ở đời ta không có cái gì cả đâu. Không có thì ta sống làm sao được. Những người theo Phật, cái họ có là Phật, là Pháp, là Tăng. Còn trong đời thường, cái ta có chính là tình yêu thương đấy chị ạ. Ngoài ra chẳng có gì là sở hữu của ta cả. Vừa nói ông Nguyên vừa nâng cây đàn ghi ta lên:

-Thế gian nầy là cái quán trọ. Chúng ta chỉ trọ lại một thời gian rồi ra đi, không mang theo cho mình một cái gì cả. Và ông hát.

Ông Nguyên hát nghêu ngao một cách vô tư như không biết có người đàn bà đang ngồi cạnh mình và đang lắng nghe những lời ông vừa nói.

 Con chim đậu ở cành tre

 Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

 Cành tre…i…a…

 Dòng sông …i …a…

 Tôi nay ở trọ trần gian

 Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

 i…a…i…à… *

 Và khi ông Nguyên kéo dài âm… i…a…i…à… dù nó không mang một ý nghĩa nào của ngôn từ mà sao Hiền lại cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng nhẹ nhõm.


Sài Gòn 8/6/2012
* Trích lời bài hát Ở trọ của nhạc sĩ TCS
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI