Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Câu chuyện thời chiến tranh (Truyện ngắn)


Câu chuyện trong thời chiến tranh


Câu chuyện xẩy ra vào năm 1971. Cuộc chiến bước vào giai đoạn đẫm máu nhất.

Mưa tầm tã như quất nước.  Chiếc xe nhà binh GMC của lính Cộng hòa  vẫn lầm lũi băng mình trong mưa gió. Tiến nhìn ra hai bên đường, nhà cửa cây cối loang loáng hiện ra, nửa chìm nửa nổi trong một vùng nước bạc bao la. Miền Trung đang trải qua trận lụt lớn. Tiến ngó  sang Trường. Sự cay nghiệt của chiến trường Tây Nguyên chưa xóa sạch vẻ thư sinh trên khuôn mặt của viên chuẩn úy trẻ. Trường vừa tốt nghiệp  sĩ quan  Trừ bị Thủ Đức,  cấp bậc chuẩn úy, và được chi viện lên mặt trận Tây Nguyên, sung vào trung đội với Tiến, một đơn vị bộ binh thuộc sư đoàn 23, trấn giữ vùng đồi núi tỉnh Đắc lắc. Trường thi tú tài hai trượt và bị gọi nhập ngũ. Ra trường, Trường không được nghỉ phép mà bị điều ngay ra chiến trường. Tính từ lúc Trường nhận quân trang đến nay đã hơn một năm, tham gia các trận đánh lớn nhỏ tính ra cũng gần cả chục trận, thoát chết mấy lần. Hôm nay anh được nghỉ phép. Không phải nghỉ phép theo đúng nghĩa của nó. Trường  đưa xác  người lính cùng đơn vị về quê. Đi theo Trường có Tiến cũng là người cùng quê miền Trung  với nạn nhân. Giữa giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh, quân số thiếu hụt, mỗi đơn vị  số lính đôi khi chỉ còn một nửa hoặc ít hơn, như trung đội của Tiến, đúng ra theo biên chế phải 24 người, nhưng trên thực tế hiện giờ chỉ có 11 người, vậy mà dùng đến một sĩ quan và một hạ sĩ quan để đưa thi hài của một binh sĩ về quê, là một chuyện ít khi xẩy ra. Đó là chưa kể phải vượt một quãng đường dài trên sáu bảy trăm cây số, rất dễ rơi vào cảnh người chết hai lần. Thi hài người xấu số nầy đáng ra được vùi lấp  ngay trên chiến địa cùng ba mươi bảy thi hài khác, khi mà đoạn đường rút lui của đơn vị bại trận, mỗi mét đều phải trả bằng máu. Vì sao có sự ưu ái nầy đối với nạn nhân. Vì người xấu số nầy là bà con họ hàng gì đó với  tiểu đoàn trưởng.  Sau khi đưa được xác Thà, tên của người lính tử trận về đơn vị tiền phương, vị tiểu đoàn trưởng đã hỏi có ai tình nguyện đưa Thà về quê hương Quảng trị không. Thế là Tiến và Trương tình nguyện. Một dịp may hiếm có cho cả hai người. Cả hai kể từ ngày vác ba lô vào quân ngũ chưa ai hưởng được một ngày nghỉ phép. Và cái chết của bạn trở thành một cơ hội tốt dù rằng cả hai chẳng hề muốn vậy.


Xe qua khỏi Thừa lưu, Tiến nói với Trường:


 -Còn trên một trăm cây số nữa là đến Đông Hà. Từ đó về quê của  cha nội cũng mười mấy cây nữa. Không biết đoạn quốc lộ từ đây ra Đông Hà có chiếc cầu nào bị nước cuốn không.


-Lo gì, cầu sập thì công binh làm cầu phao tăng bo ngay. Chỉ lo đoạn đường từ Đông Hà về quê  bố thôi.


-Mình chỉ đưa  đến Đông Hà là được rồi, còn từ Đông Hà về đến quê  thì có thân nhân lo. Phải tranh thủ về thăm nhà. Dại gì để mất đi một hai ngày. Trường bàn với Tiến. Rồi nói:


-Lụt lội thế nầy, không biết thân nhân có ra dón được không đây.


-Chuẩn úy  nói nghe lạ. Bão lụt gì thì bão lụt.  Ra nhận xác con mà không đi được là sao. Mà nước xuống rồi. Thôi chuẩn bị đi là vừa.


Tiến vẫn nhìn ra hai bên đường:


- Đang lo không biết lụt lội ở nhà có sao không.   


Cả hai lại im lặng. Mưa đã nhẹ hạt. Xe chạy thêm mươi cây số nữa thì thấy nhà cửa vườn tược hai bên đường đã trồi hẳn lên khỏi mặt nước. Hình như đi ra vùng ngoài thì lụt nhẹ hơn.


Ngã ba thị xã Đông Hà là chỗ bắt đầu của  quốc lộ số 9 qua Lao Bảo rồi đi vào vùng Nam Lào. Những ngày nầy quân đội VNCH vừa thất bại ở mặt trận Hạ Lào. Đoàn quân bại trận kéo nhau theo đường số 9 rút về đang dừng chân ở đây. Tiến  thấy  lính thủy  quân lục chiến ngồi từng tụm hai bên vệ đường, áo quần bê bết mầu bùn đất bazan đỏ chạch. Những chiếc xe GMC chở đầy nhóc lính, chầm chậm chen giữa  những tốp lính đi không hàng lối. Áo quần lôi thôi, súng vác ngang vai, râu tóc xồm xoàm kéo lê những bước  mệt mỏi tìm vào những chiếc quán hai bên đường.


 Chiếc GMC chở thi hài người lính tử trận cũng len lỏi giữa đám tàn quân


tiến về phía trước. Theo kế hoạch thì xe sẽ đưa quan tài đến một đồn trại của một đơn vị  địa phương quân đóng ngoại vi  thị xã Đông Hà, không còn xa nữa và ở đó đã có thân nhân chờ sẵn. Một  vài người lính thủy quân lục chiến đi sát xe nhìn lên chiếc quan tài, Tiến nghe giọng chữi thề của chúng. Xe chưa đến đồn địa phương quân thì người lái xe  phải dừng  lại. Một nhóm chừng năm bảy người, đàn ông có, đàn bà có, ở đâu đó bỗng nhào đến chặn đầu chiếc xe. Nhiều tiếng khóc thét gào lên thê thảm. Tiến biết thân nhân đã ra chờ sẵn. Vài người nhảy lên xe. Rồi một người đàn ông trong bọn họ, chừng trên năm mươi tuổi có hàm râu mép đen, đôi mắt hỏm sâu như hai khu chén, nhảy lên xe.


Ông gào lên: Con ơi con. Thằng Thà con tôi ở đâu rồi. Thằng Thà đâu rồi. Sao thế nầy hả con!


Người đàn ông nằm úp lên chiếc quan tài có phủ quốc kỳ của chế độ Sài gòn.


Thấy mọi người gào thét dữ quá Tiến lúng túng, anh chẳng biết mình phải làm gì và cũng không nói được lời nào  với người cha của Thà. Trường có vẻ tỉnh táo hơn, anh vội đỡ người đàn ông, và yêu cầu mọi người bình tĩnh để chuyển chiếc quan tài xuống.


Cuối cùng chiếc quan tài cũng được thân nhân của người bị nạn cùng Trường và Tiến đưa được xuống đất.  


Tiến liếc nhìn đồng hồ, đã bốn giờ chiều.


Trời không mưa, cả bầu trời như một khối bùn khổng lồ đặc sệt  sắp đổ xuống đầu mọi người, và chẳng bao lâu nữa nó sẽ chôn sống hết chẳng chừa một ai bởi một cơn thịnh nộ nào đó. Cả đám lính bại trận, cả xác chết của người lính, cả cha mẹ anh ta…và tất cả. Mấy tay thủy quân lục chiến đi ngang qua, nhưng hình như chúng chẳng quan tâm gì đến cảnh thương tâm đang diễn  ra trước mắt chúng. Một tay trong đám đứng gần đấy nói:


-Dm, chết mà được đưa xác về là số dách rồi. Cả mấy ngàn thằng phơi xác trên khắp vùng hạ Lào, có ai đưa chúng về đâu.


Tiến nói nhỏ với Trương:


-Thôi nhiệm vụ mình đến đây là xong. Anh nói câu gì đó chia buồn với gia đình đi. Rồi mình rút lui.


Thân nhân của Thà không ai còn tâm trạng để ý đến hai người lính đã đưa Thà về với họ. Tiến thắc mắc không biết trời sắp tối rồi thân nhân của Thà sẽ đưa quan tài anh  về quê bằng phương tiện gì. Hay họ định chôn Thà đâu gần đây. Chung quanh đấy toàn là xe nhà binh của đoàn quân bại trận chạy lui tới nhốn nháo, tuyệt nhiên không thấy một chiếc xe đò nào. Tiến lại nghĩ đúng ra mình đưa bạn về tận nhà mới phải. Nhưng giờ nầy đã có bà con của Thà lên đón rồi. Đây chẳng qua là công việc tình nguyện của anh và Trương thôi. Nêu hai người không tình nguyện đưa Thà về thì bạn anh chắc chắn là vĩnh viễn ở lại trên chiến trường Tây nguyên rồi. Nói vậy nhưng nếu gia đình  không chôn Thà gần đây mà xe đò không có  thì dù muốn hay không, anh và Trường cũng phải theo xe đưa Thà về đến tận nhà. Vừa lúc đó thì một chiếc xe đò sơn mầu đỏ chót tiến vào sân. Tiến thở ra nhẹ nhõm. Vậy là điều anh lo đã được giải quyết.  Tiến đưa mắt nhỉn Trường như giục anh nói. Trường đến cầm tay người cha của Thà nói mấy lời bày tỏ lòng thương tiếc đồng đội,  đồng thời trình bày cho người cha của Thà hiểu  rằng công việc anh đang làm là xuất phát từ tình cảm bạn bè đồng hương, chứ thực ra cấp trên không chỉ định hai người đưa tiễn quan tài Thà về.


-Nếu hai đứa cháu không tình nguyện đưa anh Thà về thì chắc anh ấy phải vĩnh viễn ở lại với núi rừng Tây nguyên rồi. Trường nói vậy với Cha của Thà.


Tiến không ngờ một câu nói xuất phát từ tình cảm mà cũng đúng với thực tế nhưng lại rất vụng về nông cạn, đã đem lại cho hai người một một tai họa thật khôn lường.


Cha Thà đang nằm sấp trên chiếc quan tài con trai gào khóc thê thảm, ông chợt đứng thẳng người lên. Tiến cứ tưởng cha Thà khi nghe Trường nói vậy chắc ông  cảm động lắm.  Tiến không ngờ bỗng nhiên ông nín khóc,  nhìn Trường với đôi mắt tóe lửa, rồi thét vào mặt Trường:


-Tụi bây gian ác và khốn nạn đến như vậy là hết chỗ nói. Đã đem con tao vào chỗ chết, bây giờ lại muốn ném xác nó giữa đường hay sao?


-Dạ không phải vậy. Cháu đã trình bầy với bác là hai đứa  cháu đưa Thà về là do tấm lòng của chúng cháu đối  với Thà. Cháu không nỡ để bạn Thà vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Tây nguyên. Giờ đây đã có bác và bà con anh ấy…


Cha Thà gào lên:


-Bỏ xác ở Tây nguyên hay ném xác nó giữa đường giữa chợ như thế nầy thì có khác chi nhau.  Tụi bây đưa con tao vào chỗ chết rồi còn mở giọng giả nhân giả nghĩa. Trời tru đất diệt bọn người như tụi bây. Tao sẽ giết chết hết tụi bây nếu tụi bây không đưa con trai tao về đến nhà.


Tiến đứng lặng thinh. Cha Thà nhảy đến túm lấy cổ áo Trương giựt bứt cái lon chuẩn úy trên cầu vai anh ném xuống đất rồi dùng chân chà lên và gào: -Tụi bây thăng quan tiến chức trên máu trên xương của người khác. Đúng là cái bọn ăn thịt người…


Một thanh niên  trong đám thân nhân của Thà còn giữ được bình tĩnh vội bước lại kéo cha Thà ra và nói:


-Thôi bác ơi, mấy anh nầy cũng như anh  Thà nhà mình vậy thôi.  Các anh đã có tấm lòng đưa anh Thà về đến tận đây là quý rồi. Đừng làm khó  họ làm gì. Để họ trở lại đơn vị kẻo tối rồi.


Cha Thà vẫn đôi mắt tứa máu gào lên:


-Không được phải đưa con trai tao về tận nhà.


Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, Tiến không yên tâm. Tiến không trách ba của Thà. Anh thông cảm  nỗi đau của người cha mất con. Nếu cha của anh đón anh về trong trường nầy thì thì ông cũng phát điên lên vậy thôi. Anh định nói với ba Thà rằng để anh và  Trường đưa Thà về tận nhà. Nhưng anh chưa kịp nói  thì một nhóm Thủy quân lục chiến đang đi ngang qua gần đấy thấy thái độ hung hãn của ba Thà, cả bọn tò mò dừng lại. Một tên tiến lại.


Đầu hắn cạo trọc, tóc mới mọc lún phún, râu mép, râu cằm tua tủa đỏ hoe . Hắn mặc bộ quân phục Thủy quân lục chiến, áo bỏ ngoài quần, trên túi ngực có gắn phù hiệu hình con trâu, biệt hiệu  của tiểu đoàn Trâu điên. Một đơn vị khét tiếng can trường trên các mặt trận của quân lực Cộng hòa. Thế mà giờ nầy  trông hắn  chẳng còn một chút tác phong nào của người lính. Hắn một tay kẹp khẩu M16, một tay chống nạnh, hỏi đổng:


-Chuyện gì mà ồn ào vậy lão già?


Đang định làm hung với Trường, ba của Thà nghe hỏi quay lại, ông chỉ tay vào mặt Trường thét lên:


-Thằng nầy, nó định vứt xác con trai tôi giữa đường mặc cho chó tha quạ rứt đây. Cái lũ lập công trên xác chết của người khác. Tôi phải trả thù cho con trai tôi. Ông giết nó giùm tôi. Nếu ông là đồng bọn của nó, thì tôi tự tay giết chết nó để báo thù cho con trai tôi.


Thấy Trường đang còn thất sắc, Tiến vội nói với tay Thủy quân lục chiến, dù  trong lòng cũng đang lòng hoang mang  cực độ, vì Tiến nghĩ anh ta trong tình cảnh nầy  đúng là như con trâu điên, nếu bị khích động thì sẽ hung hản vô cùng. Tiến nói mà nghe giọng mình cũng run rẫy:


-Thưa anh không phải vậy…


Thấy có lính Thủy quân lục chiến đến Trường lấy lại bình tĩnh, Trường  nghĩ  dù lính gì đi nữa thì cũng là lính với nhau cả, anh ta sẽ bênh vực cho Trường. Trường nóí thay cho Tiến:


-Dạ chúng tôi đúng ra không có trách nhiệm đưa thi hài anh Thà về quê. Công việc nầy là của ban Tuyên Úy và CHHC tiểu đoàn lo. Chúng tôi chỉ là lính tác chiến. Nhưng nghĩ tình đồng hương hai đứa tôi đã tình nguyện…


Tay lính Thủy quân lục chiến mắt như tóe máu, hắn không còn kiên nhẫn nghe tiếp Trường giải thích, hắn gầm lên:


-Tụi mày là ai tao không cần biết nhưng đã nhận trách nhiệm đưa cái thằng  khốn khổ nầy về quê thì phải đưa nó về đến tận nhà. Tụi bây định lợi dụng cái chết của thằng nầy mà đào ngũ chứ gì. Đồ phản bội. Trong lính, tội phản bội là tội chết. Thôi được, tụi mầy không đưa nó về nhà thì tao bắt tụi mầy  phải đưa nó sang tận bên kia thế giới. Hắn đưa súng lên hướng mũi súng về phía hai người. Tiến và Trường chưa kịp phản ứng thì tiếng gầm của hắn lập tức bị át đi bởi  những tiếng nổ đinh tai, những tia lửa chói mắt  và mùi khét lẹt cháy họng của thuốc sùng phả vào mặt. Tiến nghe một cơn đau buốt bên cánh tay trái, cùng lúc Tiến thấy Trường cúi xuống ôm đầu gối máu chảy đầm đìa. Tên thủy quân lục chiến khua tay bảo đám quân hỗn loạn đang vây quanh bảo bọn chúng giải tán.


  Đông Hà trong thời kỳ chiến tranh  là một thị trấn nghèo, những mái nhà thấp lè tè phủ đầy mầu đất đỏ,  đường sá bị dày xéo bởi những chuyến xe nhà binh chạy xuôi ngược suốt ngày đêm. Nhưng sau 1975, Đông Hà   phát triển mạnh và đã lên Thành phố, dù tầm vóc chưa ngang bằng với các thành phố lớn trong nước. Và cái nét vẻ nghèo nàn xưa cũ trước đây, đâu đó vẫn còn sót lại. Những chiếc quán cóc hai bên đường, những bà bán hàng rong,  sáng sớm với chiếc đòn gánh trên vai vẫn thấp thoáng trên các lối ra vào khu chợ hai tầng. Dù sao thì nó cũng đang cùng nhiều vùng thị tứ khác của đất nước cố gắng chuyển mình, lột xác trút bỏ  bộ mặt  rách nát tang thương của  thời  chiến tranh.


Ngay ở ngã ba Đông Hà, nơi bắt đầu của con đường số 9 trước kia, có một quán hớt tóc lụp xụp nhưng lúc nào cũng đông khách ra vào. Người thợ hớt tóc trạc chừng bốn mươi tuổi, bàn tay trái bị dị tật sao đó, năm ngón co quắp không cầm được dao kéo. Chỉ còn bàn tay phải là hoạt động bình thường. Những  động tác  lúc anh ta cầm cái tông đơ hớt tóc, nhanh nhẹn như thể anh ta đang làm xiệc. Ba ngón của của bàn tay phải anh kẹp chặt chiếc tông đơ, hai ngón còn lại anh kẹp chiếc lược. Chỉ một tay mà  anh vừa cắt tóc vừa chải, thoăn thoắt đến nỗi khiến ai nhìn thấy cũng không thể không chú ý. Nhất là cái cách anh chuyển động tác trên những ngón tay, bàn tay anh liếng thoắng theo những đường nét củả kiểu tóc. Anh cắt đủ các kiểu, tóc đinh, rẽ giữa, rẽ trái …kể cả những kiểu tóc tân kỳ mà anh xem trên các tạp chí thời trang ở miền Nam trước bảy lăm còn sót lại.  Dù cuộc sống  khó khăn kinh tế chật vật nhưng đám thanh niên mới lớn vẫn rất thích kiểu cách thời thượng, từ ăn mặc đến kiểu tóc. Có lẽ nhờ thế mà quán anh ta luôn có khách hàng nhất là đám trẻ choi choi.


   Người thợ vừa cắt tóc cho một người đàn ông trạc chừng tuổi anh ta vừa kể chuyện.


 Hình như đã xong,  người thợ dừng tay bỏ tông đơ và lựợc xuống, với lấy chiếc khăn móc trên giá  phủi phủi tóc vụn trên vai trên cổ người đàn ông.


Người đàn ông vẫn ngồi nán lại trên ghế tiếp tục phủi những sợi tóc vụn còn sót lại trên cổ. Người đàn ông hỏi:


-Sao anh biết câu chuyện rõ như vậy?


Người thợ hớt tóc nói:


-Vì tôi là người trong cuộc. Anh không thấy bàn tay trái của tôi bị tàn phế đây sao. Dm, chính thằng trâu điên đó đã bắn vào bàn tay nầy của tôi.


-À ra vậy. Người đàn ông thở ra giọng cảm thán.


-Không thì giờ nầy tôi còn làm được khối việc chứ đâu phải bám lấy cái quán cóc nầy ở đây. Người thợ hớt tóc phân trần.


 Người đàn ông đứng dậy vươn vai rồi nói:


-Không đâu. Anh sẽ không bao giờ còn cơ hội để làm một việc nhỏ nhặt như công việc của anh bây giờ, đừng nói chi đến khối việc.


-Nói vậy chứ có bao nhiêu người lính vẫn lành lặn trở về sau chiến tranh. Anh thấy không.


-Nhưng với anh thì không bao giờ.


-Vì sao? Người thợ hớt tóc hỏi.


-Anh không thấy đám thủy quân lục chiến hồi đó đang bao vây anh, mắt chúng tóe lửa, thằng nào cũng gờm gờm chỉa mũi súng vào anh. Chúng đang lên cơn điên sau cuộc thất trận lại bị ông già, cha người lính tử trận kích động. Chúng đang chuẩn bị xé xác anh đấy. Chỉ sau khi các anh bị bắn thương chúng mới chịu giãn ra.


Trong đầu óc Tiến, người thợ hớt tóc bây giờ,  hình ảnh người lính thủy quân lục chiến hồi đó sau khi bắn vào anh và Trường đã xua tay bảo đám lính thủy quân lục chiến giải tán.


Tiến sững sờ nhìn người đàn ông:


-Vậy anh chính là…


Nói xong Tiến buông chiếc khăn xuống đất và hai người ôm chùm lấy nhau. Cả hai cùng cười vang, cười đến nổi nước mắt người nào cũng chảy.


NBT

ĐANG ONLINE: 8 NGƯỜI