Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Câu chuyện ở con hẻm số sáu


Gia đình tôi mua và dọn dến căn nhà nầy chỉ mới gần một năm nay. Nó nằm sâu trong một con hẻm của tỉnh lộ 12 thuộc một quận ven của thành phố HCM. Có lẽ đây là quận nghèo nhất thành phố. Chỉ ở trung tâm quận mới có vài ba ngôi nhà cao tầng và vài cái chung cư, như đại diện cho bộ mặt của quận. Đường phố cũng thế, chỉ khang trang ở mấy trục lộ chính. Những phường xa trung tâm quận, dân cư chưa đông đúc lắm. Rải rác hai bên những con đường bê tông vẫn còn nhiều lô đất trống um tùm cỏ dại và rác rưởi. Những tấm biển bán đất treo lên đã lâu vẫn chưa thấy gở xuống, chứng tỏ chưa có người mua.Thế nhưng giá của nó không phải là rẻ. Đụng đến là tiền tỉ cả đấy. Tất cả đều có cái vẻ như đang chờ thời. Hầu hết ở những phường ven quận đều là dân lao động mới nhập cư, vào những năm gần đây. Ngôi nhà của tôi ờ khoảng giữa con hẻm, có đoạn lát bê tông, có đoạn đất đá. Đầu hẻm ăn thông với tỉnh lộ 12, cuối hẻm là một con kênh, nước đục đen sì bốc mùi hôi hám. Diện tích ngôi nhà chừng 24 mét vuông, bề ba mét, bề tám mét. Với hai vợ chồng và hai đứa con, ở thế cũng đã rộng rãi lắm rồi. Sau lưng nhà là một hồ rau muống, bỏ hoang đã lâu, cỏ dại mọc lên tận cổ. Nhờ có tấm biển cấm đổ rác nên khoảng đất vẫn còn sạch sẽ. Lợi dụng khoảng đất trống sau lưng nhà, tôi mở một cửa sổ nhìn ra vườn cỏ để tận hưởng cái không khí trong lành mà ở thành phố khó có được.

 

 *

 

 Đã thành thói quen, sáng nay chủ nhật ngủ dậy muộn, vợ tôi đã ra chợ, tôi lại mở cửa sổ nhìn ra vườn cỏ. Không có bóng chim nhưng nắng buổi sáng mong manh của thời tiết đầu mùa mưa thật đẹp. Tôi định dang trần để tắm một chút nắng ít oi xuyên qua cửa sổ thì chợt ngoài hẻm có tiếng cãi lộn. Thường thì tôi ít quan tâm, bởi chuyện nầy vẫn xẩy ra hằng ngày, có khi còn xẩy ra cả đêm nữa. Đôi lúc mười một mười hai giờ đêm vẫn nghe lối xóm to tiếng. Nhưng lần nầy thì tôi chú ý. Hình như có rất nhiều người và có gì đó căng thẳng hơn mọi khi. Tôi vội chạy ra xem.

 

 Con hẻm trước mặt nhà, khi tôi mới dọn tới đây, còn là đất đá lởm chởm, đi lại bằng xe đạp hoặc xe máy rất khó khăn. Xe cứ chồm lên như ngựa chứng mỗi khi vấp phải một cục đá trồi lên giữa đường, nhất là sau những cơn mưa. Thế rồi sau nầy dân trong hẻm hùn nhau góp tiền đổ bê tông. Là khu dân lao động nên ít người có tiền. Khi vận động đóng góp, có người nhất trí có người không. Vậy là cuối cùng mạnh nhà nào nhà nấy làm. Cứ đổ bê tông trước mặt nhà mình cho sạch sẽ, còn nhà bên cạnh thì mặc họ. Thế là con hẻm chỉ dài chừng ba trăm mét mà có khúc thì lát bê tông, có khúc thì đất đá, trông giống như một con rắn thay da chưa hết. Ví von như vậy thì cũng không đúng lắm, bởi rắn đã thay da thì nó thay cùng một lúc từ đầu cho đến đuôi, thậm chí lớp màng trên mắt nó cũng thay nốt. Còn con rắn nào mà thay da từng khúc như kiểu con hẻm nầy thì chắc không sống được bao lâu. Mà đúng như vậy, kể từ lúc con hẻm được bê tông hóa từng khúc thì những khúc chưa bê tông nhanh chóng trở thành những vũng nước. Thế là con hẻm bị đứt từng đoạn. Rồi đến lúc nó cũng giống như chết. Đó là khi con hẻm không còn người đi lại.

Nó chết nguyên do là như thế nầy. Những chiếc xe tải cỡ nhỏ, những chiếc xe ba gác chở đầy đất đá, xà bần, chạy qua lại thường xuyên, sau những mùa mưa đã khoét sâu trên mặt đường, những ổ gà, ổ voi. Có vũng sâu đến mấy tấc, xe máy vô ý cho lao xuống là chết máy luôn. Bắt đầu có những tiếng chửi rủa từ trong những ngôi nhà khi xe chạy qua làm bắn nước vào nhà họ. Mà tránh sao được khi chình ình trước thềm nhà một vũng nước như như một cái bể bơi mini mà ta thường thấy trong các biệt thự. Nhà mụ Năm Tui sát vách nhà tôi. Lợi dụng khúc đường trước mặt nhà tôi và nhà của mụ đã được tráng xi măng sạch sẽ, mụ Năm Tui đặt ngay trên mặt đường trước nhà mình một cái bàn nhỏ cùng năm sáu chiếc ghế nhựa, hai chậu hoa bát tiên và một cây mai chiếu thủy được trồng trong cái chậu sành to tổ bố. Rồi mụ viết lên vách tường nhà mụ mấy chữ: Cà phê Năm Tui. Vậy là mụ ta đã biến khoảnh đường nầy thành cái quán cà phê vườn siêu nhỏ của mụ. Thế mà quán cà phệ của mụ cũng có khách uống. Sáng nào tôi cũng thấy mụ chạy vạy tìm thêm ghế, có khi mụ sang nhà tôi mượn mấy cái. Sáng sáng, chừng khoảng năm bảy người, ở quanh đó tụ tập lại uống cà phê. Chỉ một nhóm nhỏ nhưng họ đủ các thành phần xã hội:Hai thanh niên thợ hồ quê Miền Bắc thuê nhà cách nhà mụ Năm Tui ba cái. Một thầy giáo còn trẻ dạy ở quận Chín, nhà ở phía đầu hẻm. Một người làm nghề mổ heo, lò mổ của anh ta xây trên một đám đất trống ở cuối hẻm, đám đất rộng chừng hai trăm mét vuông. Nhìn cái lò mổ của anh, người ta có cảm giác chỉ vài tuần nữa là nó chìm sâu trong đống rác rưởi.Trong đám khách của quán cà phê vườn mụ Năm Tui phải kể thêm mấy người nữa. Một cậu thanh niên bán hàng đa cấp, trắng trẻo bảnh trai,cũng thuê nhà trong hẻm nầy, cách nhà tôi mấy cái. Còn lại là hai thanh niên, trông dáng gầy gò xanh xao, cánh tay hai cậu nầy xăm đầy những hình vẽ. Tôi không rõ hai cậu nầy sống bằng nghề gì, nhà ở đâu, thỉnh thoảng thấy họ đi ngang trước mặt nhà tôi. Có thể là bạn của mấy người trong hẻm mà cũng có thể người ở các con hẻm khác gần đây.

Câu chuyện cà phê buổi sáng của họ, thì đủ đề tài trên đời. Đôi khi họ bình luận về một trận bóng đá, có khi là chuyện động trời mà họ đọc được trên báo, như vợ giết chồng để theo trai, con giết cha mẹ để chiếm đoạt tài sản… Nói chung, thượng vàng hạ cám, chuyện gì họ cũng đem ra bàn cãi.

 

 Thế rồi sau một cơn mưa tầm tã báo hiệu mùa mưa tới, nước không thoát kịp, đã ngập lên một số khúc đường kể cả những đoạn đã lát bê tông. Hẻm số sáu không có cống thoát nước nên nước mưa cứ ngâm mãi. Quán cà phê của mụ Năm Tui chưa ngập nước nhưng người qua đường đã vấy nước bẩn bùn dơ làm cho nền xi măng quán mụ cũng trở nên lầy lội. Mụ Năm Tui bắt đầu chửi bới những chiếc xe chạy qua trước mặt nhà mụ. Cái quán cà phê vườn của mụ bắt đầu vắng khách, càng khiến mụ điên tiết. Mụ ta nổi nóng chửi toáng lên không cả nể già trẻ gái trai, mỗi khi ai đó chạy ngang qua kéo theo một vệt bùn dơ lăn trên mặt đường trước mặt nhà mụ.

 Nhưng đã là con đường chung thì làm sao cấm người ta qua lại. Đã mấy ngày rồi khách không còn ai lui tới quán cà phê mụ Năm Tui nữa. Mất đi nguồn thu nhập mụ càng sốt ruột. Mụ Năm Tui bèn dàn bàn ghế ra giữa đường, chận xe cộ qua lại. Mụ còn bảo người nhà khiêng cả chậu cây sanh to đùng nặng đến vài tạ đặt ngay chình ình ra giữa đường. Mụ ta tuyên bố: Từ nay không ai được đi qua khúc đường trước mặt nhà mụ nữa. Có người đi qua, thấy thế, yêu cầu mụ dọn đường cho họ đi. Mụ ngang ngược bảo: -Đây là quán cà phê của tui. Tìm lối khác mà đi.

Khách đi đường cự nự:

-Cái bà nầy ngang thật. Đường của nhà nước dành cho dân qua lại chứ đâu phải đất tư của bà mà bà rào lại?

-Vậy thị ông bảo nhà nước cử người đến lau sân nhà của tui cho sạch bùn dơ sau khi có xe đi qua. Nếu không thì chỉ cho tôi một chỗ ở khác.

Lời qua tiếng lại một hồi, người khách thấy có đứng cãi lí cũng chỉ mất thì giờ, nên đã quầy xe lại tìm lối khác mà đi. Từ đó sự đi lại của người dân trong con hẻm chia làm hai nhóm. Nhóm trên đi vòng qua con hẻm số bảy, nhóm dưới đi vòng theo con hẻm số năm để đến chợ hoặc ra đường lớn . Đôi khi hai gia đính cùng ở trong con hẻm số sáu cách nhau chỉ chừng mươi nhà mà muốn tìm đến nhau phải đi vòng vo đến cả năm ba trăm mét.

Khối phó, khối trưởng của khối dân cư trong hẻm nhiều lần đứng ra khuyên can giải thích việc làm sai trái của mụ Năm Tui, nhưng chắng có kết quả. Người ta nói Nhất lí nhì lì. Nhưng mụ Năm đã vận dụng thành Nhất lì nhì lí. Thế nên chẳng ai làm được gì mụ. Kể cả Phường sở tại, khi cử cán bộ xuống giải quyết, mụ ta cười dã lã: Tôi đâu có rào đàng bít ngõ ai đâu, chỉ làm vậy cho xe đi chậm lại khỏi bắn nước vào nhà tôi thôi. Ai đi qua tôi hé cho đi rồi khép lại.

Mụ ta phân bua:

 -Đó là nói tình, còn nói lí ra, khúc đường nầy trước kia là đất cha ông tôi để lại, có trong sổ Bộ từ đời vua Gia Long kia. Đất của tôi ra đến bên kia kìa. Mụ ta chỉ tay về ngôi nhà đối diện phìa bên kia hẻm. Rồi mụ ta chỉ trái chỉ phải, nói:

- Đất của tôi còn thâm qua bên cạnh hai nhà nầy nữa. Nhưng mà thôi để mọi người có đường mà đi, tôi không nói gì. Nay tôi chỉ ngăn xe chạy chậm lại cho khỏi vây bẩn đến nhà tôi, sao mấy ông lại có ý kiến.

 Cán bộ Phường nghe mụ ta nói tới sổ Bộ đời vua Gia Long thì há hốc mồm. Biết tìm nó đâu mà tra cứu. Thôi, theo như mụ nói, mụ ta không cản trở đến giao thông thì thôi.

Nhưng khi cán bộ Phường đi rồi mụ ta lại giăng ghế chận đường trở lại. Thấy làm đủ lí rồi nhưng không ăn thua gì trước sự ngang ngược cũa mụ Năm Tui, dân trong hẻm đành phải đi theo lồi khác mà tránh nhà mụ ra.

 Thế rồi một sự việc xẩy đến đã làm thay đổi cục diện.

Gia đình ông Bảy Cò người cùng hẻm chuyên làm nghề đậu phụ. Sớm sớm ông Cò phải chở hàng ra chợ bán. Xe hàng đã cồng kềnh lại nặng. Mấy ngày đầu ông cũng như người dân trong hẻm số sáu phải nhẫn nhịn mụ hàng xóm. Không phải ông Cò sợ mụ Năm Tui, mà ông thấm nhuần đạo lí làm người. Bà con xa không bằng láng giềng gần. Tối lửa tắt đèn có gì gọi một tiếng là có nhau. Ngươi xưa vẫn dặn dò con cháu như thế. Thôi cứ để từ từ mụ Năm Tui sẽ nghĩ ra mà thôi làm điều ngang ngược. Ông Cò phải chở hàng vòng qua hẻm số năm để ra chợ. Nhưng đi vòng như vậy đã xa làm trễ nải chợ búa lại đẩy xe nặng thật vất vả. Lâu rồi bất trắc cũng xẩy đến. Có một lần sập ổ gà, cả xe đậu của ông Cò lật nghiêng đổ hết hàng xuống bùn. Phiên đó ông Cò bỏ chợ trở về nhà nằm. Vợ con ông Cò bảo ông qua nhà mụ Năm Tui bắt mụ ta phải bồi thường, bởi thiệt hại nầy của gia đình là do mụ ta gây ra. Ông Cò lắc đầu không nói gì. Bà vợ uất ức nói:

-Ông không nói thì tôi sang nói. Rồi còn ngày mai ngày mốt nữa. Liệu ta phải chịu đựng cảnh nầy đến lúc nào.

Ông Cò khoa tay tỏ dấu không cho vợ sang gây gổ hay lí sự với mụ Năm Tui. Vì ông biết, sức mấy mà con mụ đó lại bỏ tiền túi ra đền bù cho ông. Còn lí lẽ thì cũng đã đủ cả rồi mà có ăn thua gì đâu. Một khi cái quán cà phê vườn của mụ từng đem lại cho mụ một khoản thu nhập hằng ngày, bị thất thu thì lời hơn tiếng thiệt có ý nghĩa gì đối với mụ.

Thấy chồng có vẻ bất lực trước sự ương ngạnh của mụ Năm Tui, vợ ông Cò chỉ biết ngồi khóc mà chẳng nghĩ ra được kế sách gì.

 

 Sáng nay ông Cò lại chở hàng ra chợ. Ông không đi vòng qua hẻm số năm như những lần trước. Đến khúc đường trước mặt nhà mụ Năm Tui ông cho xe hàng dừng lại. Ông xắn tay áo dẹp bàn ghế của mụ Năm sang một bên. Đang hì hục xê dịch cái chậu sanh nặng đến cả mấy tạ thì mụ Năm Tui từ trong nhà vác cây dao bầu ra đứng ngay ở cửa, mụ ta thét toáng:

-Thằng nào dám đến choán thềm nhà của mụ thì bước tới đây.

Nghe vậy ông Cò ngừng tay không đẩy chậu sanh nữa. Ông trở lại xe hàng. Thấy thế mụ Năm Tui tưởng ông Cò đẩy xe hàng trở lui tìm đường khác, mụ đắc chí quát:

-Không dễ ăn đâu! Hãy sắp lại mấy chậu kiểng cho tôi đúng vào vị trí cũ rồi đi đâu thì đi.

 Ông Cò không nói gì, lẳng lặng đến bên xe hàng. Đột nhiên ông rút trong xe ra lưỡi dao mà ông thường dùng để thái đậu hằng ngày, lưởi dao sắc như gươm. Một tay cầm con dao, một tay chống nạnh, ông Cò lớn giọng:

- Tui dẹp đường cho bà con đi lại. Tui không đụng gì đến nhà cửa của bà thì thôi. Có giỏi thì bà mang dao bước lại đây.

Vừa nói người đàn ông vừa đá cái ghế nhựa vỡ toang trước mặt mụ Năm Tui. Vậy là mụ Năm vừa múa dao xáp tới vừa la: Bà con ơi, tên Cò dến phá nhà tôi.

 Hàng xóm thấy vậy vội nhào ra tước con dao bầu trên tay mụ Năm Tui. Mụ ta đành phải buông con dao.

 Thực tình trong lòng mụ ta cũng mong bà con lối xóm ra can thiệp để có cớ mụ ta buông con dao. Chứ sức đâu mụ ta dám vác dao đâm chém với ông Cò, người có tiếng dũng mãnh, từng một mình bắt sống hai tên cướp đường có hung khí trong tay. Không những ở con hẻm nầy mà cả thành phố ai không biết thành tích của ông. Báo chí đã từng ca ngợi lòng dũng cảm của ông đã hai lần tay không bắt cướp ở hẻm số sáu. Chẳng qua mụ ta chỉ hù dọa vậy thôi. Nếu tất cả mọi người trong hẻm đều tỏ ra khiếp nhược thì rõ ràng mụ ta mặc sức làm mưa làm gió.

Mụ Năm Tui buông con dao rồi nhìn ông Cò tỏ vẻ hậm hực không nói gì. Hàng xóm kéo lết mụ vào nhà rồi đóng cửa lại. Lợi dụng tình thế đã xoay chuyển mấy người hàng xóm xăn tay áo kéo hết bàn ghế của mụ Năm Tui vào tấp trước cửa cho mụ. Dọn lại con đường để mọi người đi lại. Khi vần cái chậụ sanh vào bên lề đường, thấy quá nặng một người đề nghị:

-Thôi đập vỡ đi.

Ông Cò cản lại:

-Đừng nên đập vỡ. Cố gắng người một tay khiêng vào để trước mặt nhà cho mụ ta. Chúng ta chỉ lấy lại đường đi cho bà con thôi, không nên làm thiệt hại đến tài sản của mụ. Đụng vào đấy mụ ta sẽ tri hô lên mình vào vườn nhà mụ để đập phá cây kiểng rồi bắt bồi thường đấy. Mụ ta tham lam và lắm mưu nhiều mẹo lắm.

 

 Trở vào nhà tôi nghĩ đến việc làm ngang ngược của mụ Năm Tui. Và sự việc xẩy ra sáng nay khiến tôi khẳng định một điều. Muốn tự bảo vệ được mình trước sức mạnh của kẻ khác, không có cách nào khác hơn là ta phải thể hiện được sức mạnh của chính mình.
ĐANG ONLINE: 4 NGƯỜI