Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Câu chuyện bên bờ My Lăng


Tôi dừng lại trước cổng Công ty K.A, một công ty chuyên sản xuất và chế biến các mặt hàng nông nghiệp của huyện An Nhơn. Phaỉ nói cho rõ là tôi đang đi liên hệ xin việc làm cho một đứa cháu gái. Xin cho cháu vào công ty chủ yếu là để nó học được một cái nghề. Đứa cháu ngoại đầu của tôi, vừa tốt nghiệp lớp mười hai năm vừa rồi. Người ta quen gọi vậy thôi, chứ thực ra học xong lớp mười hai thì nghề ngỗng gì đâu mà tốt với nghiệp. Số học sinh lứa tuổi như nó do các trường Trung học Phổ thông đào tạo ra hằng năm ở huyện nầy cũng ngót nghét cả ngàn em. Vào Đại học, vào Cao đẳng, Trung cấp, công lập cũng như tư thục, cũng được một trăm. Có năm được mùa thi, cũng lên đến trăm hai hoặc trăm rưởi. Một số cháu thuộc con em gia đình có nghề ngiệp truyền thống thì họ cho con cái vào phụ nghề. Số còn lại trở thành những cô tú cậu tú thất nghiệp lang thang. 


 Cũng may kể từ khi khu công nghiệp huyện mở ra, đã thu hút gần hết số lao động trẻ và có kiến thức phổ thông nầy. Chiều chiều sau năm giờ, đứng ở các ngả ba, ngả tư ngắm nhìn dòng người đông nghẹt, những thanh thiếu niên từ các trường học, các nhà máy tỏa ra mới thấy được một sức sống đang trỗi dậy ở cái thị trấn nửa công nghiệp nửa nông nghiệp nầy, có tầm vóc như thế nào. 


- Bác tìm ai ở đây?


Thấy tôi đứng tần ngân chưa dứt khoát bước hẳn vào khuôn viên công ty, anh bảo vệ hỏi.


- Không, tôi định vào gặp giám đốc định xin việc cho đứa cháu ấy mà. Sáng nay có giám đốc ở nhà không anh?


- Bác có được giám đốc hẹn gặp sáng nay không?


- Không, tôi chưa gặp giám đốc lần nào.


- Phải hẹn trước mới gặp giám đốc được bác à. Mấy ngày cuối năm bận rộn lắm. Họp hành luôn thôi . Sáng nầy giám đốc đang chủ trì cuộc họp trên hội trường kia kìa.-Anh bảo vệ chỉ tay lên tầng lầu một. Nhìn lên tôi thấy phòng họp đèn sáng trưng, dù trời se se nhưng vẫn thấy bóng mấy chiếc quạt trần quay tít.


- Mấy giờ mới nghỉ họp anh biết không?


- Dạ không rõ nữa, có khi họp đến mười hai giờ mới xong.


 Nhìn đồng hồ đã gần mười một giời. Tôi nghĩ đợi cũng được thôi, nhưng liệu gặp ông giám đốc ở giờ đó có thích hợp cho việc xin xỏ không đây! Cả đời tôi chưa hề quỵ lụy xin xỏ ai việc gì cho mình bao giờ. Nhưng kể từ khi có con có cháu thì chuyện chầu chực ở các cơ quan, chuyện năn nỉ ỉ ôi cũng tập cho tôi quen dần. Quen có nghĩa là làm được cái việc mà hồi còn thanh niên mình chúa ghét. Thì ra người già là như thế đó. Thôi đã gắng được nhiều rồi thì gắng thêm một chút nữa cũng chẳng sao. Mình mà đòi được giám đốc hẹn gặp thì còn khuya. Nghĩ vậy tôi nói với người bảo vệ:


- Tôi sẽ đợi thêm nửa giờ nữa.


- Tùy bác thôi, nhưng giám đốc ra khỏi phòng họp là leo lên xe con đi liền à. Bác vào ngồi đây đợi kẻo lạnh.


 Tôi có thói quen khi đợi một việc gì hay đợi một ai đó, tôi không bao giờ ngồi canh kim đồng hồ từng phút một, mà tập trung suy nghĩ về một điều gì đó cho hết thời gian. Chẳng hạn, nghĩ một bài toán khó, ý một bài thơ chưa được rõ, hoặc một loài cây cỏ nào đó. Không đi nữa thì suy nghĩ về một vấn đề gì đấy trong cuộc sống. Đại loại như vậy. Hiện giờ tôi đang nghĩ về đám hoa ti gôn hoang dã mọc trên gò trước mặt tôi. Nò đang cuốn hút sự chú ý của tôi. Cũng như những loài hoa khác, ti gôn nở vào mùa nắng ấm. Thế nhưng giờ đã là thời tiết cuối đông mà vẫn còn một vài bụi nở đầy hoa. Có lẽ do ảnh hưởng bởi sự thay đổi thất thường của khí hậu.


 Một phần đất cùa cụm công nghiệp huyện An Nhơn trước đây nằm trên một gò hoang. Đã nói là gò hoang thì ai cũng tưởng tượng ngay đây là khoảnh đất lồi lõm mọc đầy cỏ dại, với sự góp mặt của vài loại gai như mắt mèo, cỏ ngủ. Đó là những loại cây có gai từ gốc đến ngọn, ngay cả những nhánh mới đâm lá non cũng có gai. Dù không đến đổi khiến người ta thấy dễ sợ, nhưng cũng làm ta khó gần gũi. Bởi không ai đụng tay vào nó, dù có khéo léo đến mấy, cũng không khỏi bị chúng cào xước. Nếu chỉ hình dung như vậy thôi thì đấy là một trong những thiệt thòi cho khu đất hoang nầy. Đất sẽ hỏi sao ta không kể đến những cụm hoa tigôn! Trời ơi, đẹp thế mà sao không kể nhỉ! Đúng vậy, không ai để ý rằng, nói đến hoa tigôn, không phải nói đến xứ lạnh Đà Lạt mà phải nói đến những cồn hoang của huyện An nhơn.Vào những chiều nhạt nắng, thời tiết cuối xuân, hoa tigôn nở rộ trên các khu đất hoang. Đủ loại: Tigôn hồng thắm, tigôn trắng non, tigôn hồng nhạt, quấn quýt lấy nhau tràn lan mặt đất. Những dây hoa ti gôn vươn lên những cái vòi cong cong bám đầy nụ, lắt lay trước ngọn gió nồm nhẹ thổi. Làm sao tả hết vẻ đẹp của nó!


 Những năm gần đây vườn hoa ti gôn thiên nhiên ấy đã biến thành vùng của một cụm công nghiệp. Nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Nhà may công nghiệp. Nhà máy giày da…đã tạo công ăn việc làm cho gần cả ngàn lao động . Một vài cơ xưởng, nhân viên quản lí có trình độ đại học cũng được đào tạo từ các lớp Đại học tại chức, tổ chức ngay tại địa bàn huyện, và được liên két với các trường đại học lớn trong cả nước. Kể từ ngày cụm công nghiệp mọc lên ở đây thì hoa tigôn đã sẵn sàng nhường phần đất của mình cho sự phát triển và thịnh vượng của những con người cùng chung quê hương với chúng. Những nhà máy cỡ nhỏ, cỡ vừa phun khói suốt ngày không ngừng sản xuất. Đường sá mở rộng. Cầu Trường Thi vươn mình qua dòng sông, hãnh diện nhìn xuống bãi cát trắng xóa với dòng nước xanh trong, bao đời tưới tiêu cho vựa lúa An Nhơn ( mà cũng là mối đe dọa cho cho bà con trong mùa mưa lũ, khi chiếc cầu đúc nầy chưa được xây dựng) Trong thời điểm ấy, hoa tigôn biết mình phải làm gì. Chúng khiêm tốn rủ nhau đến nở dọc theo hai bên đừơng xe lửa nối liền Nam- Bắc, để vẫy tay chào mừng du khách đi qua, như mời gọi ai đó có dịp nên trở lại ghé thăm vùng quê hương yêu dấu nầy một lần nữa.


Từ khu công nghiệp qua khỏi đường ray xe lửa hơn nửa cây số là gặp dòng sông Trường Thi. Một nhánh của dòng sông Kôn chảy về ngả Thạnh Hòa.


 Nói đến sông Trường Thi thì không thể không nhắc đến Bến My Lăng, tên một bài thơ nổi tiếng của một nhân vật văn hóa của đất An Nhơn: Nhà thơ Yến Lan.


 Bài thơ không những là một áng thơ hay mà còn để lại một một điều bí mật trong thi ca Việt Nam. Bí mật đó nằm trong hai từ My Lăng. Tác giả bài thơ đã không giải thích tường tận ý nghĩa nầy cho hậu thế. Phải chăng nhà thơ Yến Lan muốn để dành nguyên vẹn điều bí mật đó lại như một nét đặc trưng của bài thơ, vốn mang nhiều hình ảnh và tâm trạng của những con người bí ẩn: Cả ông lái đò lẫn khách qua sông. Vì thế, nếu ai đó tìm cách lí giải rằng Bến My Lăng chính là bến Trường Thi, thì họ giải thích thế nào về khách qua sông và ông lái đò? Hai con người đó là hai loại người nào trên cõi đời nầy mà kì bí vậy? Khách là một chàng kỵ mã , nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.Trong lúc khách đang gọi đò run rẩy cả ngành trăng thì ông lái lại say trăng. Người trần tục thì chỉ say nắng,có ai say trăng bao giờ. Đó chỉ là cách ông lái từ chối đón khách mà thôi. Ông lái đã không chịu đón chàng kỵ mã qua sông mà lại còn đợi một người khách nào đó, đợi đến suốt bao trăng. Người khách nầy là ai vậy? Hoàn toàn bí mật!


-Bác ơi, bãi họp rồi. Đó, đó! Cái cô mặc áo mầu vàng vàng là giám đốc đó.


Thì ra nữ giám đốc mà nãy giờ tôi cứ ngỡ là nam. Tranh thủ trước khi cô ấy lên xe con như anh bảo vệ nói, tôi hối hả bước tới.


- Dạ, xin chào cô giám đốc.


Người đàn bà trạc bốn mươi hoặc trẻ hơn một chút, mặc áo com lê màu mỡ gà, trên tay ôm tập hồ sơ đang bước nhanh về phía chiếc xe con, quay lại hỏi tôi.


- Có việc gì không bác-Chợt cô ta mở to mắt nhìn tôi:


- A! Thầy. Trời đất! Thầy tìm em có việc gì không thầy.


Thấy tôi còn bỡ ngỡ, cô bước lại gần cầm tay tôi:


- Thầy quên em rồi à


- Vâng, thấy cô quen lắm mà tôi không nhớ ra, xin lỗi…


- Dạ em là Thanh Trúc học trò của thầy đây mà.


Đầu óc tôi lúc đó tệ thật. Đã nói tên rồi mà tôi vẫn không nhớ ra.


Cô học trò cũ nhắc lại kỷ niệm:


- Em là học sinh Bổ túc văn hóa, lớp buổi tối tại trường Trung học An nhơn. Hồi ấy thầy dạy môn toán lớp mười cho bọn em. Đó là năm tám mươi tám. Thầy có nhớ, có một buổi tối cả trường bãi rồi nhưng em vẫn còn ngồi nán lại, hôm đó trời mưa ghê lắm.Thấy em chưa về, thầy đến đứng cạnh và hỏi:


- Không hiểu chỗ nào à?


Sau đó thầy giải thích rất cặn kẽ. Em hiểu và buột miệng –Hóa ra vậy. Hai thầy trò cùng cười. Trước khi ra về thầy cho em quyển sách đại số lớp 10. Lúc đó tay thầy và cả cuốn sách dính đầy bụi phấn.


Tôi hỏi đùa:


- Giờ cuốn sách ấy đâu rồi.


Không ngờ câu hỏi đùa của tôi lại được cô học sinh năm nào trả lời một cách kính cẩn


- Dạ hai mươi mấy năm rồi nhưng em còn giữ nó trong tủ. Có lần đứa con gái em hỏi –Sao quyển sách rách nát và đầy bụi phấn vậy mà má còn giữ mãi trong tủ làm gì? Em trả lời với nó rằng -Không phải bụi phấn đâu con ạ. Đó là tấm lòng của một người thầy giáo đấy. Em kể lại câu chuyện đó cho con em nghe và nóí với nó- Con cũng phải trân trọng không được làm nó rơi rụng đi.


 Được gặp một học sinh cũ có nhiều tâm huyết và giữ trọn tinh thần tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống tốt đẹp của người An Nhơn, tôi hết sức xúc động. Trong phút chốc tôi không nghĩ mình đang nói chuyện với một cô giám đốc, mà nói chuyện với cô học sinh bé nhỏ thuở nào.Tôi hỏi về công việc làm ăn, cô học sinh cũ trả lời:


- Dạ sau khi Tốt nghiệp bổ túc văn hóa xong , em đậu vào trường Đại học khoa văn. Nhưng lúc ra làm việc lại làm kinh tế. Hiện giờ em đang làm giám đốc cho công ty nầy. Thầy đến gặp em có việc gì không thầy?


Tôi nói với Thanh Trúc về nguyện vọng của đứa cháu ngoại.Trúc nhanh nhẩu;


- Dạ được thôi. Công ty em đang cần tuyển thêm một số nhân viên để đào tạo cấp tốc.Thầy bảo cháu mang hồ sơ lại.


Thanh Trúc mời tôi đi ăn trưa. Từ chối hoài không được tôi phải nhận lời và lên xe cùng đi.


 Quán ăn lại cũng mang tên Bến My Lăng, cạnh bờ sông Trường Thi. Ngay cổng ra vào có dựng một tảng đá lớn trên đó khắc đầy đủ bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan. Một thanh niên có lẽ là thực khách đang đứng đọc. Tôi đọc qua thấy vài chữ không đúng với nguyên văn. Chợt thanh niên quay lại, nhìn tôi vui hẳn lên:


-Dạ em chào thầy.Úa! Thanh Trúc, giám đốc làm gì ở đây vậy?


-Vào đây thì ăn cơm chứ làm gì. Em mời thầy dùng cơm trưa. Anh Thành cũng ăn cơm hả?


-Vậy thì hay quá, ta cùng mời thầy luôn.


Thành cũng là học sinh cũ của tôi, đang là tổ trưởng bộ môn văn của một trường Trung học phổ thông trong huyện. Hai thầy trò tôi thỉnh thoảng có gặp nhau.


Vì lâu lắm thầy trò mới có dịp gặp mặt, nhất là Thanh Trúc hơn hai mươi năm tôi mới gặp lại, nên vừa ăn cơm ba chúng tôi vừa trò chuyện. Ngoài chuyện hỏi han về gia đình, công việc làm ăn, tôi nói với hai người học trò cũ của mình về con người và miền đất An Nhơn, quê hương của những nhà thơ tăm tiếng như Xuân Diệu, Yến Lan…. Quê hương của những con người hiếu học, trọng tình nghĩa. Miền đất mà tôi đã gắn bó ở đây gần trọn đời mình. Nhân nhắc đến tên nhà thơ Yến Lan, nhìn ra tảng đá có khắc bài thơ Bến My Lăng, tôi hỏi:


- Hai người có nghĩ Bến My Lăng là bến sông Trường Thi không?


Thanh Trúc cười:


- Nếu thầy hỏi em quán cơm Bến My Lăng thức ăn ra sao, có món gì đặc biệt, thì em trả lời miệng lưỡi trơn tru như bôi mỡ . Còn hỏi về bài thơ Bến My Lăng thì em 'tịt'. Xin nhường cho giáo viên văn Lê KhắcThành đây.


Tôi nhìn Thành và cười:


- Trúc nói vậy thì Thành nghĩ sao? Là giáo viên văn, có khi nào em suy nghĩ về điều thầy hỏi không nhỉ?


- Thầy đừng nghe nữ giám đốc nói.Tốt nghiệp Đại học văn khoa nhưng làm kinh tế đấy thầy ạ. Nghe nói hồi thoát ly lên trên đó Trúc cũng viết lách dữ lắm.Tên tờ gì Thanh Trúc?


 - Thôi đừng tìm cách quàng xiên rồi đánh bài chuồn. Trả lời đi, thầy hỏi Bến My Lăng có phải bến Trường Thi không?


- Thầy hỏi thì em trả lời.


- Có thế chứ-Trúc chen vào-Nhưng nếu Trúc hỏi với tư cách của một phụ huynh học sinh thì anh cũng không được từ chối, đúng không?


- Tất nhiên rồi-Thành cười-Thưa thầy, em nghĩ thế nầy không biết đúng không: Bến My Lăng chưa hẳn là bến Trường Thi.


Câu nói mở đầu của Thành làm tôi chú ý. Lần đầu tiên tôi nghe một người nhận định đúng ý mình


- Thành nói tiếp đi, vậy thì nó là bến nào?


Trước khi lí giải cho nhận xét của mình,Thành đọc sáu câu thơ


Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,


Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.


Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,


Ông lái buồn để gió lén mơn râu


 


Ông không muốn run người ra tiếng địch,


Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.


Sau đó Thành nói với giọng của giáo viên bình giảng văn:


-Dạ, theo em đó chỉ là nơi mà trong một đêm trăng nhà thơ nằm thả hồn chờ xuất hiện một tứ thơ cho một bài thơ nào đó, hoặc giả, nằm chờ một bạn tri âm, chứ không phải là đợi chờ khách qua sông.


-Hay! Em nói tiếp đi


 -Nhưng cuối cùng thì nhà thơ cứ đợi mãi, đợi mãi mà tứ thơ hoặc là người tri âm kia đã không đến với nhà thơ vào cái đêm trăng đó và cả những mùa trăng sau.Tôi gật đầu trong lúc Thành đọc mấy câu thơ minh họa cho dòng tư tưởng của mình:


Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng


Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.


Tôi buột miệng-Thật là tuyệt ! Còn chàng kỵ mã kia là ai? Và sao người lái đò lại không đón?Tôi hỏi mà lòng chưa hết ngạc nhiên đầy lí thú về nhận định mới mẻ của người học trò.


Thanh Trúc tỏ ra rất thuộc bài thơ, đọc luôn sáu câu nói về chàng kỵ mã:


Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,


Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly,


Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả


Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi


 


Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,


Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng


Thành gục gật đầu theo lời ngâm của Thanh Trúc và nói


- Dạ thưa thầy, đấy chỉ là biểu tượng của hạng người chuyên tranh giành phú quý, quyền lực.Hạng người hấp tấp hối hả bon chen với cuộc sống. Hạng người nầy nhà thơ không tiếp đón bởi đó không phải là người tri âm mà nhà thơ mong đợi. Mà cũng có thể đó là những tứ thơ hào nhoáng vừa xuất hiện mà tác giả chưa chấp nhận . Vì vậy mặc cho chàng kỵ mã kia gọi đò đến nôi


Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,


Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.


- Thật là tuyệt.Tôi nói.


Đột nhiên Thanh Trúc đặt câu hỏi


- Thưa thầy, từ trước đến giờ ai cũng nói bến My Lăng là bến Trường Thi. Ngay cả người nhà của nhà thơ Yến Lan hình như cũng khẳng định vậy. Sao giờ thầy đặt vấn đề ngược lai?


Tôi nói:


- Bởi chưa có bằng chứng nào xác nhận là chính tác giả bài thơ đã khẳng định điều đó. Trong lúc bài thơ lại gợi ra cho ta những nghi vấn. Như em thấy đấy.Ta cứ lập luận thế nầy nhé, nếu bến My Lăng là bến nước có thực thì những người trên bến, trong đó có ông lái và khách qua đò, là có thực. Ngược lại, nếu những nhân vật trên bến là không có thực theo như cách lí giải của Thành, thì bến My Lăng không có thực.Vậy thôi.


Nhưng rồi sau đó Thành lại ngần ngại:


- Dạ. Nói vậy nhưng điều em nghĩ không biết có đúng ý tác giả không.


- Chuyện văn chương mà-Tôi nói với hai người: Làm sao mình biết chắc chắn ý của tác giả. Có nhiều khi một bài thơ, mình hiểu theo một ý nghĩa còn súc tích, còn đẹp đẽ hơn ý của tác giả muốn bộc lộ là chuyện thường .Cả ba thầy trò chúng tôi chợt cùng im lặng để suy nghĩ về những phát hiện mới mẻ của Thành.


 Buổi trưa đi liên hệ xin việc làm cho đứa cháu tình cờ đã biến thành cuộc bình thơ rất thú vị trong chiếc quán nhỏ bên bờ sông Trường Thi.


Sau bữa cơm trưa, Thanh Trúc chở tôi trở lại công ty để lấy chiếc xe đạp cà tàng của tôi. 

  Trên đường về một vài khóm tigôn còn sót lại bên đường vươn cao những chiếc vòi cong chi chít nụ, như những làn môi nhỏ xíu đang chúm chím cười trong cái se lạnh cuối đông.

 30/12/10
 NBT
ĐANG ONLINE: 2 NGƯỜI