Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Bức tranh mừng nhà mới


Có một vị quan huyện nọ vừa xây xong cho mình một tòa dinh thự nguy nga vào bậc nhất vùng. Ông suy nghĩ cách trang trí phòng khách chuẩn bị ngày tiệc mừng tân gia sao cho thật hoành tráng. Trên bức tường phía trái của phòng khách, bức tranh gỗ quí Mã đáo thành công, trị giá cả mấy lượng vàng của xưởng chế biến gỗ tặng đã được treo lên từ mấy hôm trước. Ban đầu ông treo ở phía tường bên phải nhưng có người góp ý như vậy bầy ngựa sẽ từ trong nhà chạy ra, không được, ngựa phải từ ngoài chạy vào nó mới mang sự thành đạt đến cho gia đình. Vậy là ông quan huyện cho gở xuống treo lại. Phía bức tường đối diện là mấy bức tranh sơn mài cũng nội dung Mã đáo thành công. Tất cả đều do các cửa hàng cửa hiệu hoặc quan lại cấp dưới mang tặng. Còn lại bức tường chính diện quay ra phòng khách vị quan huyện chưa biết treo thứ gì. Chẳng lẽ cùng một nội dung ấy mà treo đầy cả phòng khách sao, ở đâu cũng thấy ngựa chạy coi rộn mắt. Có người giới thiệu với ông có họa sĩ tên Kham ở cuối phố: Anh ấy vẽ tranh sơn dầu đẹp lắm, nhờ anh ta vẽ cho một bức phong cảnh hoa lá cho thật rực rỡ lên. Hay. Ý kiến độc đáo đây. Quan huyện nói. Chiều đó ông quan huyện đi xe ngựa đến phòng tranh của họa sĩ Kham. Ông nói qua ý kiến của ông cho anh họa sĩ nghe. Anh họa sĩ nói:

-Thưa quan. Ăn nhà mới thì treo tranh Mã đáo thành công là hợp lý nhất.

Quan huyện ngán ngẫm kêu:

-Trời đất! Lại Mã đáo thành công! Mã đáo thành công thì nhà tôi đã có hàng tá bức điêu khắc gỗ quý rồi. Là họa sĩ anh không nghĩ ra một đề tài nào khác sao?

Anh họa sĩ ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu:

-Dạ thưa quan, tiệc mừng thăng quan tiến chức hay ăn nhà mới thì không có tranh nào ý nghĩa hơn là tranh Mã đáo thành công. Ở nhà quan trong mấy bức điêu khắc đã có hình bao nhiêu con ngựa rồi?

-Ba con có, năm con có, có bức cả một bầy, cong đuôi chạy. Ngựa mà chạy trong nhà kiểu đó thì chỉ có nước sập nhà. Chứ thành công cái quái gì. Anh vẽ cho tôi một bức tranh khác đi.

Anh họa sĩ hỏi:

-Vậy thì cảnh sơn thủy được không thưa quan?

-Sơn thủy cũng nhiều rồi. Hồi đám cưới thằng con trai dầu của tôi, còn chất cả phòng bên đó.

Anh họa sĩ tiếp tục suy nghĩ, sau đó anh hỏi:

-Thôi vẽ cảnh hoa lá được không thưa quan.

Vị quan huyện nghĩ ngợi:

-Thôi hoa lá cũng được, vẽ cho rực rỡ lên.

-Dạ tất nhiên rồi, ăn mừng nhà mới sao không rực rỡ được.

-Vẽ cho lớn nhé. Phòng khách nhà tôi rộng lắm. Bao nhiêu tiền cũng được. Bức tranh chút xíu treo trong phòng đó coi không xứng đâu.

-Dạ quan yên tâm, muốn lớn cỡ nào cũng được..

Biết vị quan huyện nổi tiếng khó tính, anh hỏi trước:

-Dạ bẩm quan bức tranh cỡ tám tấc, thước hai được không ạ.

Ông quan huyện suy nghĩ, rồi đưa tay ra phỏng chừng. Thế còn nhỏ. Ông nói:

-Thôi cỡ một thước, một thước hai.

-Dạ . Anh họa sĩ lấy sổ ra ghi. Vị quan hỏi:

-Khoảng bao lâu thì xong anh họa sĩ?

-Dạ bẩm quan khoảng một tháng.

-Lâu thế kia à?

-Dạ bẩm nhà quan định tổ chức tiệc mừng vào ngày nào?

-Ngày 12 tháng 8. Còn hai mươi ba ngày nữa, làm sao kịp.

-Dạ bẩm thế cũng kịp. Cháu sẽ khẩn trương vẽ.

 Anh họa sĩ như chợt nhớ ra điều gì mặt anh vui lên, anh nói:

-Hay cháu có một bức tranh hoa treo trên lầu, kích cỡ nhỏ hơn một chút, mời quan lên xem, coi được thì lấy bức nầy. Cháu mới vẽ xong tuần trước.

-Đâu, anh đưa tôi lên xem thử.

Vị quan huyện theo anh họa sĩ lên gác.

Bức tranh vẽ một vườn hoa tulip trắng đỏ vàng tím chen nhau rực rỡ dưới ánh mặt trời buổi sáng. Xa xa lùi về tận cuối vườn hoa là một khóm tre, đọt lá buông rũ mềm mại đu đưa trong gió. Bầu trời có một vài vệt mây mầu xám để tăng chiều sâu cho không gian vườn hoa.

-Đẹp đấy chứ. Vị quan huyện gật đầu tán thưởng. Ông hỏi:

-Hoa nầy có tên là gì? Hay cậu chỉ tưởng tượng ra vậy thôi. Hoa phải có tên để khi ai hỏi mình biết mà trả lời chứ.

-Dạ bẩm quan, hoa nầy có tên gọi là hoa tulip.

-Sao nghe có vẻ Tây vậy.

-Dạ bẩm quan đúng vậy, nó vốn xuất xứ từ bên nước Hà Lan ạ. Vì vẻ đẹp rực rỡ của nó nên nó được người Tây tặng cho danh hiệu là hoa Phó vương đấy ạ.

-Hoa Phó vương? Nghe ngộ nhỉ. Vị quan huyện nghĩ hoa Phó vương mà đặt ơ nhà mình thật là có ý nghĩa. 

 -Đúng là đẹp thật. Vị quan lại khen.

 Ông nói: Cứ xem mấy con ngựa phi nước đại, Mã đáo thành công, chán bỏ xừ. Nhưng trong phòng khách cũng phải có một vài bức như thế phải không anh họa sĩ.

-Dạ bẩm quan đúng vậy.

 

Sau khi thỏa thuận giá cả, vị quan nói:

-Anh thay cho tôi cái khung khác. Khung nầy nẹp nhỏ trông bức tranh không hoành tráng. Cái khung có thếp dụ mầu vàng ánh mới đẹp.Thay gấp đi, chiều nay tôi cho người đến mang về.

 

 *

Bức tranh hoa tulip treo trong phòng khách của ngôi biệt thự mới xây càng làm tăng thêm vẻ sang trọng của căn phòng. Còn mấy hôm nữa là tới ngày ông quan huyện tổ chức đại tiệc. Một buổi sáng, người con rể của ông, là thư lại của huyện, đến thăm, xem thử cha vợ mình sắp xếp công việc đến đâu rồi và coi ông có sai khiến gì nữa không. Ông quan huyện kéo con rể sang phòng khách khoe bức tranh ông mới mua.

Thấy con rể nhìn bức tranh thât lâu mà không có ý kiến gì, người cha vợ hỏi:

-Sao con thấy bức tranh nầy thế nào, đẹp không? 

Người con rể ngập ngừng một lát rồi nói:

-Dạ trông mầu sắc rực rỡ cũng đẹp.

Ông quan huyện hơi thất vọng, ông muốn con rể của mình, qua bức tranh mà khen mình một điều gì đó. Chẳng hạn như hôm kia khi nó nhìn bức tranh Mã đáo thành công thì con rể của ông đã nói một câu mà ông thấy sướng ran cả người: Những con ngựa nầy phi nhanh như bước thăng quan tiến chức của bố vậy. Ông vỗ vai con rể cười:Hay. Thằng con rể của tôi khéo nói thật. Nó biết cách nịnh bố vợ của nó đấy chứ.

Ông nghĩ, con rể ông nói cũng đúng thôi, ông mà không có một ông bố vợ đang làm ở bộ thì cách gì mà từ một chức thư lại chạy giấy lon ton ông bay một cái vù lên đến chức tri huyện trong vòng một thời gian ngắn như vậy. Cao hứng ông nói với con rể: -Bây giờ con mới là viên thư lại như bố hồi xưa. Nhưng con đừng nôn nóng. Khi bố đã yên vị rồi thì bước thăng tiến của con cũng sẽ phi nước đại như bố vậy thôi.


Trong bàn tiệc có cả cấp trên lẫn cấp dưới. Vị quan huyện khoe bức tranh sơn dầu. Mọi người nhìn bức tranh ai cũng trầm trồ khen bức tranh đẹp. Có người nịnh nọt: Xem bức tranh nầy là đoán được bước thăng tiến của ngài nhà mình, nó rực rỡ như hoa mùa xuân. Chưa đủ, có người ca tụng: Nó là biểu trưng hình ảnh quê hương mình đấy. Ngài mới đến nhậm chức tri huyện của huyện mình mới có mấy năm mà quê hương mình đã khởi sắc lên hương. Phong cảnh huyện mình giờ nầy không thua gì phong cảnh trong bức tranh kia. Đẹp, đẹp lắm.

Quan tri huyện khiêm nhường: Quê hương mình có được như ngày hôm nay không phải do tài cán của tôi mà do được các quan trên quan tâm nâng đỡ.

Mọi người nâng li chúc mừng.

Vị quan huyện nhìn ông Hạo, người lớn tuổi nhất trong bàn và từng là quan trên của vị quan huyện khi đang còn là thư lại, nay ông đã về hưu. Ông Hạo có tiếng là thanh liêm. Quan huyện nói:

 -Sao chú Hạo có vẻ suy nghĩ điều chi vậy. Chú thấy bức tranh thế nào, tôi muốn nghe ý kiến của chú.

Ông Hạo đặt li rượu xuống hắng giọng, rồi chậm rãi nói:

-Quan huyện đã hỏi thì tôi cũng xin trả lời. Tôi chỉ nói suy nghĩ của cá nhân tôi về bức tranh thôi nhé. Có gì không phải xin quan huyện bỏ qua.

-Được chú cứ nói đi, hôm nay vui vẻ mà, mọi người cứ thoải mái.

Ông Hạo nói:

-Trong bức tranh có hai chi tiết tôi không vừa lòng.

Mọi người đang cười nói vui vẻ bỗng im lặng.

Giọng ông Hạo vẫn chậm rãi:

-Chi tiết thứ nhất là cây tre chỉ có ngọn mà không thấy có gốc. Người ta vẫn nói, Đức là cái Gốc. Cây không có gốc như người không có đức. Không bền vững.

Mọi người quay qua nhìn ông Hạo rồi nhìn vị quan huyện. Vẻ mặt quan huyện bấy giờ bỗng mất đi cái vẻ linh hoạt tươi tỉnh như mấy phút trước đây. Tay ông vẫn càm li rượu, cả người ông như cứng đơ.

Ông Hạo nói tiếp:

-Chi tiết thứ hai là bức tranh hoa mà không có bướm. Hoa nở mà bướm không tới là hoa không có hương, không có nhụy. Chỉ hạng người có hình thức bên ngoài mà không có thực chất bên trong. Người vô tài. Không, không. Tôi chỉ nói về bức tranh thôi. Do vậy bức tranh nầy không thể xem là bức tranh đẹp được. Theo tôi ngài không nên treo nó trong phòng khách mà nên để mấy bức tranh Mã đáo thành công là hợp lí nhất.

Mọi người trong bàn tiệc đều im lặng. Trong lúc những bàn xung quanh không ai nghe được câu chuyện bình tranh nên họ vẫn ăn uống vui vẻ.

Một người cũng khá lớn tuổi ngồi cạnh ông Hạo, xem dáng phong nhã, chắc là một nhân sĩ trong huyện, thấy không khí bữa tiệc trở nên căng thẳng nên tìm cách tháo ngòi:

-Đấy là ý kiến của chú Năm về bức tranh và ý kiến ấy cũng xuất phát từ suy nghĩ tốt thôi. Nếu bức tranh nầy vẽ theo đơn đặt hàng của ngài quan huyện thì ý nghĩa nó lại khác. Đằng nầy bức tranh họa sĩ Kham vẽ đã lâu rồi và đây là bức tranh thương mại, anh ta có biết ai sẽ mua mà bảo anh ta có ý xiên xỏ trịch thượng. Mà thôi chú Năm đã nói vậy thì bỏ bức tranh nầy đi để tránh những lời vặn vẹo.

-Tôi có ý kiến nhận xét về bức tranh.

Một giọng nữ trong trẻo cất lên.

Mọi người quay sang xem ai vừa xin trình bày ý kiến.

-A nữ sĩ Bích Ngọc. Mời nữ thi sĩ cho ý kiến.

Bích Ngọc là nhà thơ nữ đã qua tuổi cặp kê nhưng chưa có chồng con, vốn có bà con gần xa với quan thượng thư. Bích Ngọc nổi tiếng thơ hay. Nhà thơ nữ nói:

-Tôi không có ý kiến gì về nhận xét của chú Hạo. Tôi chỉ xin đọc mấy câu thơ do tôi vừa sáng tác có tựa đề: Vịnh bức tranh mừng nhà mới của quan tri huyện.

Có nhiều người vỗ tay.

Nghe có tiếng vỗ tay, thực khách mấy bàn tiệc chung quanh xoay qua nhìn. Giọng nhà thơ Bích Ngọc cất lên trong trẻo:

Khen ai vẽ hoa Phó vương

Dẫu cho tranh gấm cũng nhường sắc xuân

Hỏi sao không có bướm xinh

Bướm say vị ngọt cất mình ngã chao

Trúc tre đọt lá xanh xao

Sợ chi mất gốc miễn sao cây còn!

Treo tranh nhắc nhở cháu con

Lo cho dân nước lòng son mấy người.

Hay hay hay! Vậy là hoa đã có nhụy và cây đã có gốc rồi. Thế thì cứ treo bức tranh lên mắc gì phải hạ xuống.

-Chúc mừng chúc mừng.

Vị quan tri huyện thẳng cánh nâng cao li hô lên sảng khoái:Xin mời xin mời.


 *

Câu chuyện bình tranh nhân ngày mừng nhà mới của quan tri huyện đến tai họa sĩ Kham khiến anh lo lắng. Nhận xét của ông Hạo cay độc quá, đúng là câu nói đó sẽ mang họa đến cho anh. Nhưng trong bàn tiệc có ai đó đã vô tình hay cố ý bào chữa giúp anh. Đúng là tranh anh vẽ trước khi quan tri huyện ăn mừng nhà mới. Và tranh của anh là tranh thương mại, biết ai sẽ mua nó mà châm biếm! Sao ông Hạo lại gài cái ý đó vào đây. Hay ông Hạo có ác ý gì với mình muốn mượn tay ông quan huyện mà hại mình chăng. Không, nhất định không, mình và ông ấy không quen biết và không động chạm gì. Tuy vậy Kham vẫn cứ lo lắng trong lòng, không biết chuyện gì sẽ xẩy đến cho mình đây. Nếu có thì thật oan uổng cho anh.

Rồi sau đó có người đọc lại bài thơ của nữ sĩ Bích Ngọc cho Kham nghe anh mới thở phào nhẹ nhõm. Vậy là đám mây mù đã được vén lên sáng sủa. Thật may mắn cho anh.

Thế nhưng nửa tháng sau khi xẩy ra vụ việc, Kham nghe tin vị quan huyện phát bệnh ngất xỉu phải vào bệnh viện, may mà cấp cứu kịp. Chuyện bệnh tật là chuyện bình thường. Hữu thân hữu bệnh chẳng có gì phải thắc mắc, nhưng đằng nầy có người nói vị quan huyện phát bệnh là do bài thơ Vịnh bức tranh mừng nhà mới của nhà thơ Bích Ngọc. Ôi bài thơ ca ngợi ông hết lời vầy thì có gì khiến ông nổi giận đến thế. Kham tìm đến Bích Ngọc, hai người vốn là bạn thân với nhau thuở thiếu thời. Nghe Kham hỏi, Bích Ngọc chỉ cười: Đâu có gì, bài nầy chắc anh cói đọc rồi. Tôi chỉ ca ngợi quan huyện thôi chứ có ý xỏ xiên gì đâu. Qua cái cười của Bích Ngọc Kham biết Bích Ngọc không nói thực lòng mình.

Chỉ có thầy Hữu mới lí giải được điều nầy. Thầy Hữu là thầy cũ của Kham và là bạn của cha Kham. Thầy Hữu cũng là một nhà thơ. Thầy là con người nhân từ nhưng trong thơ văn, thầy cũng thuộc hạng thâm thúy. Kham đem bài thơ và câu chuyện về sức khỏe của vị quan huyện như người ta đồn đại hỏi thầy Hữu liệu có đúng thế không. Thầy Hữu cười hiền từ: Chuyện nầy thì tôi cũng có nghe và bài thơ nầy tôi cũng đã có dịp đọc rồi. Tôi nghĩ câu chuyện người ta đồn đại không biết có đúng sự thực là thế không, nhưng văn chương nghệ thuật thì cậu hiểu rồi, nghĩ tốt thì nó ra tốt nghĩ xấu thì nó ra xấu. Cũng như cùng một sự vật, tùy góc độ người nhìn và tùy ánh sáng từng thời khắc mà người nhìn nó có hình dáng mầu sắc khác nhau. Thầy Hữu ngụm một chút trà rồi nói tiếp: Nếu quả thực ông quan huyện có tức cành hông vì bài thơ thì cũng xuất phát từ ý hai câu:

Bướm say vị ngọt cất mình ngã chao

 …

Sợ chi mất gốc miễn sao cây còn

Kham nhìn thầy Hữu hỏi:

-Thưa thầy, không phải hai câu đó khẳng định hoa có nhụy ngọt và cây vẫn có gốc, hai yếu tố để bác những ý kiến mà người ta vin vào đó để chê bức tranh sao thầy?

Thầy Hữu mỉm cười:

-Nều giải thích như thế thì vị quan huyện làm sao mà tức giận.

-Vậy theo thầy nó đã được giải thích như thế nào?

Thầy Hữu lại mỉm cười:

-Không biết ai đó đã lí giải như thế nào, theo tôi, bướm thì phải bay lượn mới là hình ảnh đẹp, còn bướm chỉ lo hút nhị no say bí tỉ đến đỗi cất cánh lên là ngã xuống thì chẳng còn gì đẹp đẽ nữa. Và câu thơ nầy cũng là lời cảnh báo cho tương lai của những tay tham quan vơ vét. Thế nào cũng có lúc ngã chao.

Kham gật đầu. Thầy Hữu nói tiếp:

-Còn câu: Sợ chi mất gốc miễn sao cây còn. Cây còn nói lái là con cầy. Thứ chó má thì có lo sợ gì điều mình làm là thất đức. Bích Ngọc thâm thật đấy. Cuối cùng nhà thơ nữ chốt lại bằng hai câu:Treo tranh nhắc nhở cháu con/Lo cho dân nước lòng son mấy người

Ông Hữu nhìn Kham hỏi: Tôi hỏi cậu nói vậy là khen hay có ý mỉa mai đây.

Kham như bật ngữa. Thì ra vậy. Anh không ngờ bức tranh của anh lại bị thêu dệt đến thế.

Thấy vẻ mặt không vui của cậu học trò cũ, thầy Hữu an ủi:

-Trong việc nầy cậu không có lỗi gì. Khi vẽ bức tranh cậu cũng muốn mang lại niềm vui cho người khác. Nhưng chuyện nầy cũng bình thường thôi. Nếu bức tranh cậu có vẽ thêm mươi con bướm, hàng trăm gốc cây thì vẫn có chỗ để chê. Người ta vẫn nói, thương trái ấu cũng tròn, không thương bòn hòn cũng méo, là thế đấy. Cậu uống nước đi.

Thầy Hữu mời rồi nói:

-Thực ra trên đời nầy không có vẻ đẹp nào hoàn hảo để có thể mang lại cho tâm hồn ta niềm vui trọn vẹn, ngoại trừ vẻ đẹp của chính lòng ta.

NBT
ĐANG ONLINE: 7 NGƯỜI