Bài thơ cuối thu của Quang Tuyết
Em làm vội bài thơ tình
Khi vệt nắng cuối mùa rơi rớt
Ngọn gió đông vẫn còn ngơ ngác
Lay khẽ lòng em, và vỗ nhẹ lá vàng
Em viết dòng thơ tình theo tiếng chân hoang
Nghe như thoáng dư âm của ngày tháng cũ
Mái tóc đẫm vài sương khói nhỏ
Chạm vào tim nỗi nhớ đã già nua
Em ngọt ngào hay em ngây ngô
Mê mãi ngắm mây - gọi gió
Nắng sắp tàn tuổi không chờ nữa
Lá vẫn vàng khô
Cành trơ trụi-mùa đông
Em vội vã
Nhặt nhầm trăng vỡ
Ghép không thành nên thơ buốt lời yêu
Ta yêu nhau
Như trăng gió yêu nhau
Mùa qua hết còn nỗi đau tồn tại
Em viết nốt
Những gì anh không nói
Về một bài thơ
Không đoạn kết như thơ
(chờ ngọn gió đông 2015) Quang Tuyết
Bài thơ cuối thu của Quang Tuyết
Từ trước đến nay tôi chưa bình thơ ai bao giờ. Bởi lẽ tôi không có khả năng làm công việc nầy, lại nữa tôi chưa gặp được bài thơ làm lòng mình say đắm. Nhưng sau khi đọc Bài thơ cuối thu của Quang Tuyết, tôi thấy mình không thể không nói một điều gì đó về bài thơ.
Sau nhiều đắn đo, cuối cùng tôi mạnh dạn viết lên, không phải một điều, đôi điều về cảm nhận một bài thơ mà mỗi từ mỗi ý đã đi vào tận cùng tâm hồn tôi. Một bài thơ tình kín đáo, thanh nhã nhưng diễn tả hết nỗi đau buốt về tình yêu, đồng thời về thân phận của một kiếp người. Cái thân phận con người ở đây là cuộc đời quá ngắn ngủi. Có lẽ nhân vật xưng Em trong Bài thơ cuối thu, cũng đang ở vào độ tuổi cuối thu của đời người, đang vội vã đi tìm cho mình một tình yêu bởi nghĩ rằng Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ (TCS) . Và vì yêu vội vã, nên bi kịch tình yêu đã xẩy ra:
Em vội vã/ Nhặt nhầm trăng vỡ.
Vậy là nỗi đau chồng lên nỗi đau!
Đó là tứ chủ đạo của bài thơ. Ta đi từ đầu để hiểu bài thơ cho trọn vẹn.
Bài thơ bắt đầu bằng hai câu:
Em làm vội bài thơ tình
Khi vệt nắng cuối mùa rơi rớt
Chỉ với hai câu đầu đã nói lên phần nào tâm trạng của tác giả.
Tác giả không nói Em vội đi tìm cho mình một tình yêu mà lại nói:
Em làm vội bài thơ tình
Và không nói:
Khi thời gian để yêu thương không còn nhiều nữa, mà lại bảo
Khi vệt nắng cuối mùa rơi rớt.
Còn gì hay hơn. Còn gì tinh tế hơn!
Cách diễn đạt độc đáo như vậy còn được lập lại trong hai câu tiếp theo:
Ngọn gió đông vẫn còn ngơ ngác
Lay khẽ lòng em, và vỗ nhẹ lá vàng
Thời gian trôi nhanh quá, mới ngày nào đây…thế mà nhìn lại thấy mình đã già rồi. Có nhiều khi đếm số tuổi mà giật mình. Mình đã năm mươi tuổi rồi ư? Mình đã sáu mươi tuổi rồi ư? Tuổi già ập đến lúc nào không hay:
Ngọn gió đông vẫn còn ngơ ngác
Một cảm giác xao động trong lòng. Nhưng cũng nhẹ nhàng thôi.Vì đấy là luật tự nhiên. Như lá xanh trên cành, rồi sẽ vàng, sẽ rụng. Hãy chấp nhận thực tế ấy một cách nhẹ nhàng: Lay khẽ lòng em, và vỗ nhẹ lá vàng.
Chỉ có một điều là ngày nào ta còn sống trên đời là ngày đó hãy còn yêu thương hãy còn nuôi hy vọng.
Dù rằng con đường tình yêu vốn là con đường đầy trắc trở và dễ dẫn đến khổ đau. Khi nghĩ đến tình yêu, tác giả hồi tưởng lại thời xuân xanh của mình. Thời mà con người ta thường yêu thương bằng một trái tim cháy bỏng. Yêu không tính toan, không cân nhắc. Cũng vậy, tac giả đã có một thời bước chân vào đường tình giống như những bước chân của kẻ đi hoang. Yêu không chủ tâm, không định hướng:
Em viết dòng thơ tình theo tiếng chân hoang
Nghe như thoáng dư âm của ngày tháng cũ
Và giờ nầy đã:
M ái tóc đẫm vài sương khói nhỏ
Chạm vào tim nỗi nhớ đã già nua.
Ngồi nghĩ lại những gì đã qua, nhưng chẳng hề tiếc nuối. Mình đã yêu. Thế là đủ rồi. Vui buồn được mất thôi cứ để nó trôi vào quá khứ. Mình chỉ cần giữ lại cho mình trái tim mà nhịp đập chỉ dành riêng cho tình yêu. Thế nhưng có lúc một mình tác giả cũng không khỏi băn khoăn tự hỏi:
Em ngọt ngào hay em ngây ngô?
Mê mãi ngắm mây-gọi gió
Vớí tuổi nầy mình có quá lãng mạn lắm không? Nhưng sao lại không thể. Tác giả tự biện minh cho mình bằng cách đưa ra những hình ảnh mà khi đọc lên không ai có thể nhẫn tâm chê trách. Trái lại là một sự xót xa thông cảm.
Nắng sắp tàn tuổi không chờ nữa
Lá sẽ vàng khô
Cành trơ trụi - mùa đông.
Điều đó như một sự thôi thúc giúp tác giả có quyết tâm vượt qua mọi rào cản.
Nhưng thật đáng tiếc và cũng thật đau lòng:
Em vội vã
Nhặt nhầm trăng vỡ
Đọc đến đây khiến người đọc muốn kêu lên:
-Đừng! Đừng nhặt trăng mùa đông. TRăng mùa đông thì làm sao mà viên mãn và ấm áp được!
Nhưng đã muộn rồi. Đã nghe lời tác giả rên xiết:
Ghép không thành nên thơ buốt lời yêu
Có lẽ khi viết hai câu nầy tác giả đã rơi lệ, và người đọc cũng muốn rơi lệ!
Một lần nữa tác giả cũng đã không ân hận về tình yêu của mình. Cho dù ghép không thành nhưng tác giả đã yêu hết mình, yêu trọn vẹn
Ta yêu nhau như trăng gió yêu nhau
Cái giá có phải trả dù khổ đau đến thế nào chăng nữa cũng chấp nhận chẳng hề hối tiếc.
Mùa qua hết còn nỗi đau tồn tại.
Thế nhưng, trăng mùa đông có lạnh lẽo, có tơi tả, thì vầng trăng vẫn là biểu tượng của sự trong sáng và đẹp đẽ. Cho dù đau buốt vì ghép không thành nhưng tác giả vẫn cảm thấy được an ủi khi nhận ra trong cái vẻ lạnh lẽo rạn nứt kia của vầng trăng mùa đông, một thứ ánh sáng đặc trưng của trăng mà không có vật nào có thể có được.
Và mối tình muộn màng dù không ghép thành đôi nhưng nàng vẫn hiểu được lòng chàng và hiểu được cả những lời mà chàng chưa từng nói ra với nàng. Và nàng có thể thay chàng mà nói ra điều ấy:
Em viết nốt những gì anh không nói
Anh không nói nhưng em đã hiểu anh muốn nói gì với em. HIểu nhau như vậy cũng hạnh phúc lắm rồi, đâu cần phải đợi ghép cho thành!
Tác giả kết thúc bài thơ bằng hai câu nói về tình yêu muộn của mình:
Về một bài thơ
Không đoạn kết như thơ.
Trong hai câu nầy có hai chữ thơ
Ta nên hiểu hai chữ nầy theo hai nghĩa khác nhau.
Chữ thơ trong câu đầu chỉ cuộc tình của hai người. Nói về một bài thơ là nói về cuộc tình của hai người. Còn chữ thơ trong câu sau, hàm ý là vẻ đẹp, vẻ nên thơ. Đoạn cuối cuộc tình không được đẹp như thơ.
Hai câu cuối cùng của bài thơ là lời động viên an ủi của tác giả đối với người yêu. Anh không nói ra nhưng em vẫn hiểu tình yêu của anh dành cho em. Cho dù cuộc tình của đôi ta không kết thúc đẹp đẽ như một áng thơ hay mà trong lòng mỗi chúng ta vẫn thầm mơ ước, thì chúng ta vẫn hiểu được lòng nhau. Thế là đủ rồi, đâu cần phải đòi hỏi thêm một điều gì nữa. Phải không anh.
NBT
alt="