Website của Thầy Nguyễn Bá Trình



 

Bà mẹ và người con trai đầu


-Mẹ xin con, nghe mẹ một lần cuối cùng nữa đi. Nếu con và thằng Kiệt có chuyện gì mẹ chết không nhắm mắt đâu. Người mẹ oằn người trên giường cố dùng hai tay đẩy đứa con trai ra xa. Bà không ngớt rên rỉ.

-Con ơi, bà con lối xóm người ta chạy hết rồi, còn mình con nữa thôi, chạy đi con ơi.

Người con trai gỡ tay mẹ ra, ôm quàng vai người mẹ:

-Để con cõng mẹ.

-Không được, mẹ yếu lắm rồi, bàn chân con vậy làm sao cõng mẹ cho được. Con chạy đi. Làng xóm không còn ai ở lại hết con ơi.

Trong lòng thanh niên dâng lên một niềm căm giận người anh cả. Đã vậy thì ít ra tối nay anh ấy cũng trở về cõng mẹ chạy đi chứ. Anh ấy biết chân mình thế nầy thì mình không cõng mẹ được kia mà.

Nhìn ra ngoài trời đã nhá nhem tối. Cây cau bị mảnh đạn đại bác chặt gãy nửa thân đeo tòn ten, cách đây mấy hôm, do chân anh còn đau nên chưa ra dọn dẹp kịp, đang phủ phục trước sân tạo ra một một dáng dấp đen sòm quái dị như một lời đe dọa khủng khiếp: Mầy coi tao đây nầy, không chịu chạy đi, rồi mầy cũng sẽ như tao. Nhìn cái bóng tối của thân cau gãy gục lòng thanh niên cũng nao núng. Mấy đóm sáng bên nhà thím Quy thường tối vẫn hắt ra qua khung cửa sổ bây giờ cũng thui thít. Xóm giềng đã bỏ chạy từ trước khi chạng vạng tối. Có tiếng chó sủa đâu cuối xóm. Chó nhà ai mà còn? Ở đây đã có lệnh giết hết chó. Chắc ai đó trở về lấy thêm đồ đạc mà khi chạy họ còn sót lại.Trước khi ra đi, gia đình nào cũng quét góp đồ dùng mang theo, chỉ trừ những gì không mang nổi thì thôi. Bởi họ biết lúc quay lại chỉ còn đống tro tàn. Cái chết sẽ ập đến cho bà con trong xóm không chừa một ai, không phân biệt già trẻ trai gái nếu như ở lại. Chậm nhất cũng vào trưa mai. Mà thường khoảng chín giờ.Tất nhiên có người gỡ ra được cái vạ lớn nầy, nhưng không ai thấy người đó ra tay: Kiệt con trai đầu của bà mẹ khốn khổ và là anh trai của cậu thanh niên.

-Chạy đi con ơi

Thanh niên không trả lời mẹ mà chỉ nguyền rủa anh: Thằng cha Kiệt là kẻ bất nhân bất hiếu. Anh ta sống lấy một mình mà lập công.

-Đừng nói anh con vậy con ơi. Mẹ hiểu anh con…

-Hiểu cái gì mà hiểu. Anh ấy không biết làm vậy là tụi nó sẽ đốt nhà mình và kéo mẹ ra ngoài sân mà bắn hay sao . Ít ra tối nay anh ấy cũng về cõng mẹ chạy chứ. Anh ấy biết chân con chưa đi lại bình thường mà. Anh ta muốn thí mẹ để gây lòng căm phẩn cho mọi người đấy.

-Đừng nói vậy con ơi. Mẹ đang lo không biết giờ nầy nó có bình yên không. Cầu Trời khẩn Phật sao cho nó được bình yên. Không biết người mẹ đang rên hay khóc.

-Thằng Kiệt đã biền biệt rồi, giờ mà con không chạy đi thì thà giết mẹ đi còn hơn. Mẹ không chịu nổi cảnh cả hai đứa con của mẹ…

 

 Xóm Cồn Thiên nằm bên bờ sông Ô Lương, cách cầu Mỹ Thịnh chưa đầy ba cây số. Cầu Mỹ Thịnh không lớn lắm nhưng lại nằm trên quốc lộ một, một gạch nối trọng yếu của trục lộ giao thông huyết mạch. Do vậy mà quân Pháp xây dựng ở đây một đồn bót hết sức kiên cố để bảo vệ nó. Nhằm tạo một vòng đai an toàn, các thôn xóm quanh nó trong vòng bán kính ba cây số, quân Pháp lùng sục càn quét không ngơi nghỉ.Cồn Thiên vốn là xóm cây trái trù mật . Những cây mít thân to đến hai vòng tay, Mùa mít chín ong bay khắp vườn, mùi chín ngọt theo gió nam tỏa thơm khắp lối xóm. Còn cây dâu thì đến mùa, trái bu lủng lẳng đỏ rực từ gốc đến nhánh. Thế rồi khi cái bót cầu Mỹ Thịnh được dựng lên, bọn lính Pháp kéo nhau đẵn sạch để khỏi vướng tầm quan sát của chúng. Nếu chúng không chừa những cây cau cao vút( loại cây nầy không che khuất tầm nhìn ) thì xóm Cồn Thiên trông như một thôn xóm mới tạo lập. Chúng đã làm đủ mọi cách nhưng hoạt động của du kích không vì thế mà giảm sút. Trái lại mỗi ngày một mạnh hơn. Lần nào chúng kéo nhau lên lùng sục cũng đều bị đánh trả quyết liệt.Tất nhiên không phải lần nào quân du kích cũng chiến thắng. Nói không ngoa là mỗi tấc đất xóm Cồn Thiên đều thấm máu của các anh hùng liệt sĩ.Thế rồi có một hôm pháo mọoc chê của du kích bất ngờ nả vào bót địch. Không kịp đề phòng nên chúng bị thương vong không ít. Người dân Cồn Thiên một lần nữa làm vật hy sinh cho sự trả thù của lính Pháp. Sáng hôm sau chúng kéo lên Cốn Thiên. Cảnh đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ lại diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết. Chúng chặt tất cả những cây cau còn lại rồi hì hục kéo về làm hầm chống pháo.

Những cây cau thân cao chót vót, hoa cau tỏa hương vào những sáng mùa xuân, tàu lá vi vu ca hát theo gió nam mùa hạ, lần lượt bị đốn ngã. Cảnh chặt phá ầm ào như voi quần vạt mía. Chỉ một buổi sáng là không còn một thân cau đứng vững.Chúng chất thành đống rồi cho xe GMC lên kéo về. Quá nhiều nên chúng không chở hết trong một ngày.Trước nhà hai mẹ con thanh niên, còn một đống thân cau cao như núi. Có lẽ hôm sau chúng sẽ lên khuân nốt. Biết vậy, chiều đến du kích tìm về lật đống thân cau trước nhà mẹ con thanh niên gài vào dưới đó một quả mìn to tổ bố. Du kích kêu gọi bà con sơ tán ngay tối hôm ấy, để tránh cảnh tàn sát trả thù khi một vài tên Pháp bỏ xác lúc trở lại kéo những thân cau lên xe. Đống cau được gài mìn nằm chình ình ngay trước sân nhà hai mẹ con thanh niên. Xóm làng đã bỏ chạy hết chỉ còn lại hai mẹ con anh. Người mẹ già thì bệnh nặng, người con trai thứ bị gãy chân do trượt lúc lèn núi làm củi, cậu thanh niên không cõng mẹ chạy được. Người con trai cả là Kiệt đi hoạt động chưa về.Vì vậy mà diễn ra cảnh giằng co giữa người con thứ với người mẹ. Người mẹ thì muốn nằm lại một mình để con chạy thoát thân, người con lại không nỡ bỏ mẹ một mình cho bầy lang sói. Oái oăm hơn nữa là lãnh đạo nhóm du kích hoạt đông trong trong xóm Cồn Thiên lại là con đầu của người mẹ. Kiệt anh trai của cậu thanh niên là xã đội trưởng, người đã từng tổ chức các cuộc phuc kích chống lại các trận lùng sục của quân Pháp trong địa bàn xã và đã từng gây nhiều tổn thất lớn cho giặc. Từ đó người em mới căm hận người anh khi để cho du kích gài mìn ngay trước cửa nhà mình. Nếu tình thế có bắt buộc gì chăng nữa thì ít ra tối đó Kiệt cũng phải về cõng mẹ đi khi biết em trai không đủ sức tự mình chạy được chứ.

 Bà mẹ đòi cắn lưỡi chết nếu cậu con thứ không chịu ra đi.Trước những lời khẩn thiết của mẹ, cuối cùng cậu thanh niên cũng đành bỏ mẹ lại. Tảng sáng anh từ giã mẹ lẻn ra khỏi nhà trước khi quân Pháp trở lại chở đống cây. Nhưng may mắn, suốt ngày hôm sau ấy bọn Pháp đã không trở lại. Chiều quân du kích đến tháo gỡ quả mìn. Hú hồn cho cả xóm chẳng có chuyện gì xẩy ra. Bà con ra kéo những thân cau về nhà cưa và gác lên những căn hầm chống đạn của gia đình mình.Tai họa qua rồi nhưng trong lòng người con thứ vẫn hận người anh mình và thường đem lòng thù hận ấy nói với mẹ. Mỗi lần như thế người mẹ lại khoát tay nói nhỏ với con út-Đừng trách anh con.

Bẳng một thời gian rất lâu, Kiệt không về thăm nhà. Hỏi các anh du kích thì mỗi người nói mỗi khác. Hình như chính họ cũng không rõ về sự vắng mặt của người chì huy mình. Sau đó người khác đã lên thế chức vụ xã đội trưởng của Kiệt. Người mẹ âm thầm đau khổ vì cứ nghĩ chắc con trai mình đã hy sinh đâu đó rồi mà đồng đội không biết.Và người con thứ dần dần cũng không nhắc đến người anh cả nữa, bởi nghĩ rằng chỉ có cái chết thì may ra người anh mới thực sự được xem như một con người.

Năm 1954. Chiến tranh chống Pháp kết thúc, những người tham gia kháng chiến lần lượt về thăm nhà rồi tập kết ra Bắc. Kiệt vẫn không thấy về. Trong lòng người em, anh mình đã thực sự chết. Nhưng người mẹ thì bao giờ cũng vậy, bà vẫn nói với người con thứ-Vì sao không biết mà mẹ cứ tin rằng thằng Kiệt anh con chưa chêt. Và mỗi lần nghe mẹ nói thế người con út chỉ hứ nhỏ trong cổ một tiếng mà không nói gì. Năm năm nữa qua đi, người con thứ của bà mẹ đã có gia đình, nhưng bà mẹ vẫn mang một căn bệnh quái ác mà không thầy thuốc nào chẩn đoán ra. Bà vẫn cứ sống oặt oẹo và khô héo dần theo niềm tin đứa con trai mình sẽ trở về. Rồi vào một đêm mùa đông giá rét, cái giá rét của miền Trung đúng là cắn tay không máu, cánh cửa nhà bà mẹ có tiếng gõ nhẹ. Kiệt xuất hiện trước sự ngỡ ngàng của người em trai - Anh về thăm mẹ. Người anh trai nói nhỏ vừa đủ cho người em nghe -Mẹ còn đâu nữa mà anh thăm-Người em trả lời giọng chua chát. Chợt người mẹ trong buồng la lên-Thằng Kiệt về phải không? Người con thứ vội chạy vào bụm miệng mẹ-Mẹ muốn cả nhà chết hả. Sau đó người con thứ chạy ra nói với người anh-Anh cút xéo đi đừng mang họa đến cho nhà tôi. Mẹ không muốn gặp anh đâu. Người anh đứng tần ngần nhìn vào phòng mẹ một lát rồi hé cửa bước ra và biến vào bóng tối-Thằng Kiệt anh con đâu rồi? Người mẹ thì thào hòi-Mẹ hỏi làm gì thứ người ấy. Anh ta trở về nhà lúc nầy là có ý đồ đấy. –Sao con nói về anh như vậy. –Không về xin tiền bạc hay xin tiếp tế cơm gạo thì cũng về đòi chia tài sản, chứ không thì về đây làm gì? Mẹ nghĩ anh ấy về thăm mẹ thật à. Con nói với anh ấy mẹ bị Tây xé xác lúc quả bom anh ta cho người gài dưới đống thân cau phát nổ rồi. Nghe đã khuya mà có tiếng chuyện trò rầm rì, vợ của người con út ngủ nhà dười chạy lên hỏi-Có chuyện gì vậy anh ?-Suỵt, chẳng có chuyện gì cả, tắt đèn ngủ đi. Rồi anh nhìn vợ nghi ngờ hỏi-Em đã nghe được chuyện gì rồi phải không?Khôn hồn muốn sống thì tuyệt đối im lặng đấy.Ngày mai ai hỏi gì thì nói mẹ khi hôm trở nặng vợ chồng bàn tính chuyển bà đi bệnh viện. Nghe chưa. 

 Hai hôm sau cũng vào lúc nửa đêm, Kiệt lại tìm về nhà, nhưng anh mới hé cửa bước vào thì một toán người lạ mặt rình sẵn đâu đó trong bóng tối ập vào trói gô hai tay Kiệt ra sau lưng rồi dẫn đi. Người mẹ ngủ trong buồng nghe tiếng động hỏi vọng ra-Thằng Kiệt anh con về phải không con?-Kiệt đâu mà Kiệt, mẹ ngủ đi. Người mẹ nói -Con tìm cách nhắn anh con tối nay đừng có về nghe, sao mẹ nóng ruột quá-Mẹ ngủ đi anh ấy không về nữa đâu.

Người mẹ đã khô quắt lại càng quắt hơn bởi vắt kiệt những giọt nước mắt hiếm hoi để khóc người con cả. Còn người con thứ thì yên tâm nghĩ rằng anh trai mình từ nay sẽ không còn là mối họa cho gia đình nữa. 

 Hai tháng sau đó mùa đông vẫn chưa qua, mùa đông kéo dài như bất tận, người mẹ vẫn chưa chết. Bà vẫn sống quặt quẹovới niềm tin con trai mình sẽ trở về. Đêm nọ cũng vào lúc canh khuya, Kiệt đội mưa đội gió lại hé cửa chui vào nhà, sau lưng mang một khẩu súng. Người em trai giật mình, hai tay vội đưa ra chống đỡ, hai chân bước thụt lùi -Anh không hại em đâu, đưa mẹ ra cho anh thăm.Người anh trai nói giọng rắn rỏi mắt hướng về phía buồng nơi mà lần trước anh biết mẹ ngủ trong đó.

Đêm ấy người mẹ không biết sao lòng cứ thấy bồn chồn và nghĩ rằng nếu bà nằm trong buồng thì bà sẽ không bao giờ được gặp đứa con trai đầu của mình nữa. Thế là bà bảo đứa con thứ sửa soạn chỗ để bà ngủ ngoài buồng. Đang mơ màng chợt bà nghe giọng thằng Kiệt con trai lớn của bà. Bà bật ngồi dậy. Những lần trước thì phải có người đỡ. Nhưng lần nầy thì bà ngồi dậy nhẹ nhàng như một người khỏe mạnh. Hai người con cùng nhìn về phía mẹ. Người mẹ nhìn lại, đưa tay về phía hai con ra dấu gọi lại. Người con thứ vội chạy đến, nhưng bà mẹ khoát tay bảo dừng lại, bà chỉ người con đầu. Kiệt từ từ tiến tới . Anh ôm quàng mẹ vào người. Bà mẹ sờ tay lên trán con, bà nắn nắn chiếc mũi đỏ hon vì lạnh của con-Hồi nhỏ con hay chảy máu cam lắm đã hết chưa? Bà lại nắn dái tai của con- Con có dái tai dày lắm nên con sống thọ và nhân hậu, mẹ không tin con chết trước mẹ đâu. Để mẹ xem cái sẹo mới đâm da non nơi má con đây nầy. Trời, con bị thương lúc nào vậy, hết đau chưa con. Mẹ biết thế nào con cũng về thăm mẹ mà. Bà mẹ hết sờ mặt lại xoa đầu người con trai trên bốn mươi tuổi mà bà cứ nghĩ anh còn thơ dại như thuở nào. Bà lại mỉm cười -Có người con như con mẹ hạnh phúc biết chừng nào. Người mẹ hôn lên trán con, hai giọt nước mắt cuối cùng trong người mẹ rơi ra. Bà mẹ từ từ bà nhắm mắt, buông thỏng hai cánh tay và ngả xuống giường.Người con trai đầu hôn lên trán mẹ và đưa tay vuốt mắt cho mẹ -Vĩnh biệt mẹ.Anh nhìn mặt mẹ lần cuối rồi hé cửa biến mất vào bóng tối.

Chưa đầy nửa tiếng sau cả xóm Cồn Thiên đang ngon giấc bỗng giật mình vì một loạt đạn bắn đâu đó rất gần. Lập tức sau đó người ta nghe trong nhà hai mẹ con thanh niên có tiêng gào khóc thảm thiết của người con út. Bà con lối xóm đoán chừng người mẹ đã qua đời, nhưng do loạt súng vừa rồi nên chẳng ai dám qua thăm.

 Hai ngày, sau cái đêm có tiếng súng nổ thảng thốt trong khuya khoắt ấy và cũng là đêm người mẹ của hai thanh niên từ trần, hai đám tang được cử hành cùng một lúc trong xóm Cồn Thiên. Một là của bà mẹ hai thanh niên, và một là của anh xóm trưởng Cồn Thiên, người bị bắn chết vào chính đêm ấy.

Không biết bà mẹ hai thanh niên ăn ở sao đó mà người đi đưa trong xóm, kể cả xóm trên lẫn xóm dưới, tất cả đều tập trung vào cái đám tang của bà mẹ. Do vậy mà đám chết của anh xóm trưởng xem ra rất buồn tẻ.



 Ngày 3/11/10 
ĐANG ONLINE: 3 NGƯỜI